Type Here to Get Search Results !

Lãng phí là gì?


Lãng phí là gì? Nói ngắn gọn: Lãng phí là dùng cái gì đó vào các hoạt động vô ích, gây thất thoát, gây hư hại. Có nhiều dạng lãng phí. Chẳng hạn:

– Lãng phí thời gian: Đó là khi người ta phải chờ đợi hay trì hoãn một cách vô ích, chẳng hạn các dự án “treo”, ăn không ngồi rồi, không biết làm gì hoặc lười biếng lao động.

– Lãng phí di động: Đó là sắp xếp không hợp lý dẫn đến việc vận chuyển hoặc di chuyển không cần thiết.

– Lãng phí hoạt động: Đó là lãng phí “vô hình”, ẩn náu trong các hoạt động thường nhật của mỗi cá nhân do xử lý công việc không hợp lý, làm việc gì đó mà có những động tác thừa hoặc những động tác thiếu.

– Lãng phí sản xuất: Đó là làm ra vật gì mà không tính toán có tiêu thụ được hay không, gây tốn kém ngân sách mà vô ích.

– Lãng phí sản phẩm: Đó là khi mua các vật dụng mà không xài, sử dụng đồ đạc bừa bãi mà không bảo quản,…

– Lãng phí lãnh đạo: Đó là dùng người không đúng chức năng, không đúng trình độ, không chiêu hiền đãi sĩ, chỉ vì “thân quen” mà đề cử, trù dập nhân tài,… do đó dẫn đến lãng phí tài năng, lãng phí chất xám.

Lãng phí nào cũng là lãng phí công sức và lãng phí tiền bạc. Lãng phí là động thái không biết “liệu cơm gắp mắm” hoặc “bóc ngắn, cắn dài”!

Cách lãng phí này liên quan nhiều loại lãng phí khác. Cách lãng phí nào cũng là do ích kỷ và kiêu kỳ! Việt ngữ có từ trọc phú, Anh ngữ gọi là money-bags, nghĩa là “người giàu ngông”, kiểu hoang phí và xa xỉ. Xã hội còn rất nhiều người nghèo khổ, rất cần những người hảo tâm thế mà vẫn có những người lãng phí thì thật… “lạ”! Không cho người nghèo những gì họ cần thì cũng là một dạng ăn cắp, bóc lột, bất nhân!

Những người làm ăn chân chính mà trở nên giàu có, họ vẫn tiết kiệm và chi tiêu rất hợp lý, không thích “chơi nổi”, ngại xuất hiện, không muốn “bị” chú ý. Xã hội luôn có hai thái cực, thường thì không quá cách xa nhau, không đến nỗi “người trên trời” và “kẻ dưới đất”, nhưng thực tế cho thấy khác hẳn.

Một vùng quê mà lại có đại gia “vung tiền” hơn cả Công tử Bạc Liêu, lãng phí quá mức, trong khi còn biết bao người “lần không ra” vài chục ngàn đồng để sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng. Sự phân cách đó quá lớn! Lãng phí cũng là thiếu công bằng xã hội. Thiếu công bằng xã hội thì không thể có tự do, không có tự do thì làm sao có hòa bình đích thực? Công lý và hòa bình luôn có mối quan hệ mật thiết!

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói rằng “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng” nhưng chỉ “để gió cuốn đi”! Lẽ nào lại như vậy?



Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.