Type Here to Get Search Results !

Giá trị của mạng sống con người theo lập trường của Kant

“hãy hành động trong cách thế mà bạn luôn luôn hành xử nhân tính, dù trong chính bản thân hay nơi một người khác, trong mọi trường hợp, phải như một cứu cánh chứ không bao giờ như một phương tiện.” Nghĩa là con người cần phải được đối xử với tất cả sự tôn trọng dành cho một chủ thế có lý trí và phẩm giá cao quí chứ không phải như công cụ hay phương tiện.

Câu chuyện trong bộ phim “Flight of the Phoenix” kể về một người giết chết hai người khác để đảm bảo có đủ lượng nước và lương thực cho bản thân cầm cự trong sa mạc chờ cứu hộ sau khi máy bay bị rơi, thiết nghĩ sẽ tạo nên nhiều phản ứng đa chiều đa diện cho người đọc. 

Theo lẽ thường tình của người ngoài cuộc, có người sẽ cảm thấy phẫn nộ vì sự ích kỷ, xấu xa và táng tận lương tâm của người đó. Có kẻ ắt hẳn sẽ lên án phán đoán và hành vi đạo đức sai trái của người đó. Có người sẽ phần nào thông cảm với cách hành xử của người ấy vì anh ta phải lâm vào một cảnh huống liên quan đến sự sống còn của bản thân. Thiết nghĩ để xác định rõ tính đạo đức trong hành vi của người này, chúng ta cần khảo sát một vài khía cạnh sau đây.

Trước hết, xét về bối cảnh, có vẻ như người này không còn bất cứ sự chọn lựa nào ngoài việc giết chết hai người cùng cảnh ngộ. Bởi lẽ, máy bay bị rơi trong sa mạc hoang vu; lương thực và nước uống không đủ cho cả ba người trước khi đội cứu hộ tìm đến và khả năng được cứu hộ cũng khá “hên-xui”. Hơn nữa, khi phải sống trong cảnh “sắp rơi vào miệng tử thần” như thế làm sao họ có thể tránh khỏi sự thôi thúc của bản năng sinh tồn vốn có nơi mỗi con người cũng như những cám dỗ để chỉ biết lo cho bản thân. Vả lại, trong tay người đàn ông có một khẩu súng càng tạo nên động lực thôi thúc người này có những tính toán ích kỷ. Ở điểm này, chúng ta không thể phủ nhận và bỏ qua tác động to lớn của hoàn cảnh và môi trường trên phán đoán và quyết định của người đàn ông.


Xét về mặt triết học luân lý, phán đoán và hành động của người đàn ông trong câu chuyện phần nào nghiêng về chủ thuyết Duy ngã khi người này vì lợi ích của bản thân đã giết chết người khác. Thực vậy,  những người theo chủ trương Duy ngã cho rằng mỗi người phải theo đuổi lợi ích cho riêng mình và trách nhiệm của người đó là chỉ nhằm thúc đẩy lợi ích của mình mà thôi. Họ cũng xem việc hướng đến tha nhân là một hành vi tự làm lụi bại chính mình… Đối với chủ thuyết này, mọi người nói chung đều tìm kiếm tư lợi cho bản thân khi hành động là một khuynh hướng vốn thoát thai từ tâm lý. Do đó, phán đoán và hành động của người đàn ông trong bối cảnh như thế là một điều chính đáng và hợp lý.

Tuy nhiên, liệu đây có phải là chọn lựa duy nhất? Phải chăng con người được sinh ra là chỉ để sống cho mình?

Thiết nghĩ, dù chúng ta có thể cảm thông với người này khi bị lâm vào một cảnh huống éo le và mạng sống bị đe dọa như thế. Dù người này bị cám dỗ và thôi thúc bởi bản năng sinh tồn đi chăng nữa. Thiết tưởng, chọn lựa của người này không phải là duy nhất. Bởi lẽ, trong tư cách là một chủ thể nhận thức với phẩm giá làm người, chúng ta có thể có cách chọn lựa khác hợp lý hơn dựa trên giá trị của sự sống, lý trí, tự do, trách nhiệm… chứ không chỉ đơn thuần sống theo bản năng hay chịu chi phối và tác động bởi hoàn cảnh bên ngoài.

Thực vậy, trước hết sự sống của con người là giá trị cơ sở khách quan, là quyền bất khả xâm phạm gắn liền với mỗi con người đang sống và không ai có quyền lấy đi sự sống của người khác để bảo toàn sự sống của bản thân mình. Thực vậy, mặc dù phán đoán và hành động vừa có cả chiều kích chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, có những tiêu chuẩn khách quan là nền tảng và tuyệt đối trong luân thường đạo lý mà con người phải tôn trọng mà Kant gọi là “những quy luật luân lý tuyệt đối” nơi mỗi con người. Ở điểm này, sự sống và việc tôn trọng sự sống con người được xem là tiêu chuẩn khách quan tuyệt đối để đánh giá và xem xét phán đoán và hành động của con người. Hơn nữa, sống được xem là quyền cơ bản, bất khả xâm phạm của mỗi con người từ khi được sinh ra. Do đó, chẳng ai có thể nhân danh chính lợi ích của mình để lấy đi sự sống của người khác, bởi lẽ như thế sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc “không thiên tư thiên vị” của đạo đức cũng như vi phạm quyền lợi của người khác.

Thứ đến, hành động giết chết người khác để bảo toàn sự sống cho chính mình phải chăng là một hành vi mang tính bản năng “đấu tranh sinh tồn” của con vật thay vì hành xử theo sự hướng dẫn của lý trí vốn là một đặc tính cao quý của con người? Thực vậy, theo Kant, mọi hành vi đều phải được đảm bảo bởi một ý thức bổn phận được lý trí ra lệnh và không hành vi nào được thực hiện vì tư lợi hay chỉ vì vâng theo những hay luật lệ hay tập quán có thể được xem là đạo đức. Kant gọi điều này là “mệnh lệnh tuyệt đối”, tức là “hãy hành động như thể phương châm hành động của bạn, thông qua ý chí của bạn, sẽ trở thành luật tự nhiên phổ quát.” 

Hơn nữa, con người, theo quan điểm của Kant, phát triển trước tiên với tư cách là một chủ thể nhận thức, nghĩa là một chủ thể biết vận dụng khả năng lý trí để tư duy và phán quyết để không phụ thuộc vào cảm năng và thoát khỏi giới hạn, lệ thuộc và thống trị của bản năng: “Ý chí là một khả năng chỉ chọn lựa cái được lí tính – không phụ thuộc vào khuynh hướng bản năng – xác nhận là thiện.” Do đó, giết người khác để bản thân mình được sống là hành động tìm kiếm lợi ích bản thân một cách ích kỷ theo những thúc đẩy của bản năng động vật thấp kém.

Cuối cùng, một vấn đề nữa đặt ra là cứu cánh có thể biện minh cho mọi phương tiện trong bất cứ cảnh huống nào chăng khi người đó vì mạng sống mình đã thực hiện hành vi giết người, nghĩa là xem người khác như phương tiện để đạt được cứu cánh. Kant cho rằng “hãy hành động trong cách thế mà bạn luôn luôn hành xử nhân tính, dù trong chính bản thân hay nơi một người khác, trong mọi trường hợp, phải như một cứu cánh chứ không bao giờ như một phương tiện.” Nghĩa là con người cần phải được đối xử với tất cả sự tôn trọng dành cho một chủ thế có lý trí và phẩm giá cao quí chứ không phải như công cụ hay phương tiện. Hơn nữa, theo Kant, những quy luật luân lý được làm ra không chỉ bởi con người nhưng còn cho con người, vì thế, mọi người phải được đối xử cách bình đẳng, công bằng. Như thế, trong bất cứ cảnh huống nào, mệnh lệnh tuyệt đối không cho phép ta biến người khác thành phương tiện để ta đạt đến cùng đích của riêng mình.  

Tóm lại, phán đoán và hành vi của một con người đang sống không phải chỉ đơn thuần dựa vào cảm xúc hay tư lợi của bản thân cũng như điều kiện môi trường đẩy đưa, nhưng là một hành vi mang đầy đủ tự do, trách nhiệm dưới sự hướng dẫn của lý trí, được cân nhắc theo những giá trị gắn liền với phẩm giá con người và được đặt để trong tương quan liên vị với người khác trong sự bình đẳng, không thiên tư thiên vị.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.