Tham gia các cuộc họp quá thường xuyên
Có khi nào bạn tham gia vào một cuộc họp căng thẳng và cảm giác rằng câu nói của những người xung quanh khá mông lung, mặc dù bình thường họ vô cùng thông minh và sáng suốt? Đó thực ra không phải là cảm giác chủ quan của bạn mà là một hiện tượng khoa học.
Các cuộc họp, thảo luận tiêu tốn khá nhiều nơ-ron của bộ não. Trong nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã thấy rằng, khi con người ta làm việc nhóm với nhau, bộ não có xu hướng chú ý tới các hành vi nhỏ nhặt.
Trong đó, chúng ta sẽ luôn suy nghĩ về vẻ ngoài của mình, liên tục điều chỉnh những hành vi để hạn chế những thói quen xấu của bản thân như: rung đùi, ngoáy mũi, quay bút, nói chuyện riêng…Vì vậy, chúng ta vô tình bỏ qua nhiều vấn đề quan trọng trong cuộc họp.
Sự tiếp thu của bạn trong cuộc họp còn chịu ảnh hưởng bởi vấn đề giới tính. Trên lý thuyết, phụ nữ là những người dễ mất tập trung nhất vì có hệ thống thần kinh giàu cảm xúc. Nhưng thực tế lại chứng mình điều ngược lại, người đàn ông giảm đi 14% hiệu suất suy nghĩ nếu trước mặt họ là một người phụ nữ đẹp.
Du lịch bằng máy bay
Trong nghiên cứu của ĐH California và ĐH Berkeley, một nhóm chuột đồng đã được cho bay bằng máy bay phản lực trong thời gian 6 giờ. Sau một vài tuần, họ nhận thấy rằng, những chú chuột đồng ấy không thể vượt qua bài kiểm tra tìm đường đơn giản nhất.
Lý do là bởi hành động di chuyển từ múi giờ này qua múi giờ khác sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sinh học của cơ thể, làm giảm đi sự minh mẫn cần thiết của bộ não. Nhiều trường hợp, ở một số người, những chuyến đi như vậy sẽ làm giảm tới 50% trí nhớ của bản thân.
Bạo hành trẻ em
Ở một số quốc gia, nhiều người vẫn quan niệm “thương cho roi cho vọt” là một cách giáo dục hiệu quả. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của ĐH New Hampshire, chỉ số phát triển trí tuệ của những trẻ sống trong một môi trường hòa bình, không bị bạo lực thể xác sẽ cao hơn hẳn so với những đứa trẻ bị ba mẹ giáo dục bằng đòn roi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những đứa trẻ bị bạo hành sẽ phát sinh các triệu chứng của bệnh “rối loạn căng thẳng tâm lý”, gây giảm nhanh chóng sự tư duy và tiếp thu của các em. Một số trận đòn roi còn tạo cho các em sự ám ảnh kéo dài hàng chục năm sau đó, dẫn tới sai lệch trong quan điểm sống và học tập sau này.
Sống trong thành phố
Một nhóm các nhà khoa học thuộc trường ĐH Ohio (Mỹ) đã thực hiện đề tài nghiên cứu ảnh hưởng của chất lượng không khí ở các siêu đô thị đến con người.
Trong thí nghiệm của mình các nhà khoa học đã chia những con chuột thí nghiệm ra thành 2 nhóm: Nhóm 1 cho thở trong không khí có nhiều siêu đô thị trên thế giới trong 10 tháng liền, mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày 6 giờ. Nhóm 2 sống trong môi trường không khí bình thường.
Sau đó, họ đặt những con chuột thí nghiệm vào một hộp kín, chỉ có một lỗ nhỏ để chúng có thể thoát ra ngoài. Trong khi những con chuột nhóm 2 luôn biết cách thoát qua lỗ hổng và nhớ đường vào thì chuột trong nhóm 1 “kém” hơn rất nhiều, đi lại chậm và không nhớ đường. Đã thế, chúng còn lờ đờ tựa như bị trầm cảm và thường hốt hoảng vô cớ.
Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân khiến chuột thở không khí ô nhiễm bị đần độn đi chính là những vi hạt dạng rắn chứa trong đó. Những vi hạt này gây viêm nhiễm những bộ phận khác nhau trong cơ thể nói chung, đặc biệt là não. Chúng gây hư hại những phần não chịu trách nhiệm lưu giữ trí nhớ ngắn hạn, dài hạn cũng như vùng hình thành cảm giác và vùng đồi thị là nơi dễ bị viêm nhiễm nhất.
Nguồn: TTVN