Type Here to Get Search Results !

5 phát minh hứa hẹn sẽ ‘hot’ trong tương lai gần

Ngôi nhà tương lai của Microsoft


Thực tế thì hãng Microsoft đã xây dựng thành công một ngôi nhà thông minh “trong tương lai” tại trụ sở Redmond ở Washington với đầy đủ những tiện nghi trang bị cho phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, bếp, nhà tắm, phòng thư giãn, vườn… Hiện tại chi phí để xây dựng quá đắt đỏ nên chỉ có các đại gia mới có thể có đủ kinh phí. Nhưng trong tương lai gần khoảng 3 đến 5 năm tới, với tốc độ phát triển chóng mặt của ngành công nghệ, rất có thể giá cả của những thiết bị hiện đại trên sẽ giảm xuống và “ngôi nhà tương lai” sẽ trở thành “ngôi nhà hiện tại”.
Chi tiết hơn về công nghệ “ngôi nhà tương lai” của Microsoft: sẽ có hàng trăm bộ cảm biến nhỏ xíu được lắp đặt tại khắp nơi trong nhà, chúng có nhiệm vụ giám sát tất cả mọi hoạt động diễn ra và chuyển tới cho máy chủ xử lý rồi đưa ra quyết định phù hợp. Ví dụ như chiếc điều hoà sẽ tự động được điều chỉnh nhiệt độ, vườn cây tự động tưới nước, mái che sẽ mở đóng phù hợp để lấy ánh sáng, công thức món ăn tự động hiện lên bếp để người nấu tham khảo…

Tất cả mọi thứ đều được kết nối bởi điện toán đám mây nên không chỉ có ngôi nhà của bạn là thông minh mà cả điện thoại và phương tiện (ô tô và xe máy) cũng vậy. Chúng sẽ giúp bạn chăm sóc những thành viên khác trong gia đình tốt hơn bằng việc nhắc lịch hoạt động: mobile sẽ có tin nhắn báo cho người dùng khi con cái họ có bài kiểm tra ở trường hay có hoạt động ngoại khoá. Ngay cả việc bạn đi về sớm hay quên không khoá cửa cũng sẽ được thông báo về nhà.

Pin Lithium-air của IBM


Một trong những nỗ lực nhằm cải thiện khả năng của dòng xe xanh thân thiện với môi trường dùng năng lượng điện của hãng IBM. Hiện nay ô tô sử dụng điện tốt nhất là Tesla Model S, chúng có thể chạy liên tục 300 dặm (482 km) sau mỗi lần sạc, tuy nhiên để có được một chiếc như vậy, bạn sẽ phải chi tới 70.000 USD.
Hãng IBM hiện đang nghiên cứu dòng pin lithium thế hệ mới nhằm giảm giá thành của một chiếc xe xanh chạy điện, đồng thời cải thiện đáng kể hiệu năng của chúng: Pin mới hứa hẹn sẽ giúp xe chạy được 500 dặm (804 km) mỗi lần sạc. Trên lý thuyết, pin lithium-air tạo ra dòng điện từ phản ứng giữa oxy và các ion lithium. Dung lượng điện tích trữ được của những cục pin thế hệ mới này sẽ cao hơn nhưng trọng lượng lại giảm đi đáng kể.

Hiển thị tin nhắn dưới dạng chữ nổi


Rất đơn giản: thay vì đọc nội dung tin nhắn từ màn hình bằng mắt, bạn sẽ dùng tay để làm việc đó. Áp dụng công nghệ áp điện để thay đổi hình dạng của kim loại, những nhà sản xuất điện thoại có thể làm cho các ký tự nổi lên trên phía sau của máy để người dùng cảm nhận được khi sờ tay vào.
Có thể bạn nghĩ rằng công nghệ này chả mấy thú vị và nó chỉ hữu ích với người khiếm thị. Tuy nhiên trong thực tế có vô vàn trường hợp người sử dụng không thể trực tiếp nhìn vào màn hình để đọc tin nhắn, khi đó đây sẽ là giải pháp cứu cánh hoàn hảo. Ví dụ như bạn đang trong một cuộc họp quan trọng thì tin nhắn đến, làm thế nào để biết được nội dung, nhỡ đâu đó là một tin nhắn khẩn cấp, có việc gì đó xảy ra với gia đình bạn? Ngoài ra còn nhiều trường hợp khác nữa như đôi tình nhân đang thưởng thức bữa tối lãng mạn hay một giáo viên đang giảng bài trên lớp…

Hãng RIM – nhà sản xuất ra những chiếc BlackBerry nổi tiếng toàn cầu đã mua lại bằng sáng chế của công nghệ này từ cuối năm 2010. Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa thấy động thái nào cho biết họ sẽ áp dụng “chữ nổi” trên những sản phẩm của mình.

Thiết bị lưu trữ dữ liệu kiểu mới với “12 đơn vị nguyên tử” của IBM


Trong thời điểm ngành công nghiệp lưu trữ gần như đã phát triển kịch trần bởi sự giới hạn vật lý của đĩa từ, dung lượng của những phiến đĩa đã đạt tới ngưỡng tối đa, ổ cứng chỉ có thể tăng dung lượng bằng cách lắp thêm đĩa. Hiện tại, để lưu trữ một bit dữ liệu đòi hỏi phải có khoảng 1 triệu nguyên tử từ tính. IBM đã tạo ra một cú sốc lớn khi công bố rằng chỉ cần 12 nguyên tử (thay cho 1 triệu nguyên tử) để lưu trữ 1 bit. Điều này có nghĩa là dung lượng của ổ đĩa sẽ tăng lên một con số khổng lồ (gần 100 nghìn lần) so với ngày nay, nếu công nghệ này được phát triển thành công thì đây thực sự là một cuộc cách mạng lớn trong ngành công nghệ thông tin nói riêng và đời sống nói chung.
Thật buồn là IBM mới chỉ thực hiện được điều này ở điều kiện phòng thí nghiệm đặc biệt có nhiệt độ đạt độ không tuyệt đối. Nhưng hãng công nghệ tên tuổi này tin rằng họ sẽ tìm được cách ứng dụng nghiên cứu của mình vào các sản phẩm thực tế, tuy rằng không thể đạt được con số như trong lý thuyết nhưng cũng sẽ cải thiện đáng kể so với thời điểm hiện tại.

Máy bay siêu âm với nhiên liệu sinh học làm từ rong biển


Đây là sản phẩm mới của hãng EADS có tên là Zero Emission Hyper Sonic Transport (gọi tắt là ZEHST), nó có khả năng bay từ Paris tới Tokyo trong vòng chưa đầy 3 tiếng (trong khi bình thường là 11 tiếng). Với tốc độ đáng king ngạc của mình, ZEHST dự kiến sẽ tạo ra một bước tiến mới trong ngành vận tải hàng không.
ZEHST được coi là hậu duệ của dòng máy bay Concorde nổi tiếng, cùng có tốc độ cực cao, vượt qua cả tốc độ âm thanh. Theo thời gian phát triển, những chiếc phi cơ có vận tốc ngày càng cao và hơn nữa là chúng thân thiện với môi trường khi sử dụng một loại nhiên liệu xanh hoàn toàn được làm từ rong biển.

Hãng EADS cho biết, chiếc máy bay này có một loại động cơ siêu thanh tên là “ramjets” sử dụng nhiên liệu rong biển (một trong 3 loại động cơ siêu thanh ngày nay, ngoài ra còn có động cơ phản lực và tên lửa đẩy), nó cho phép vận tốc lên đến 5000km/h, dễ dàng bay xuyên lục địa trong khoảng thời gian chỉ vài tiếng, gần như xoá nhoà khoảng cách địa lý.


Nguồn Theo GenK