Type Here to Get Search Results !

Tiền Polymer - những điều cần biết

Bạn biết gì về Tiền polymer?


Từ năm l967, Ngân hàng Dự trữ Australia bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng chất liệu polymer vào công nghệ in tiền. Năm l988, Australia in thử nghiệm đồng tiền lưu niệm trên giấy nền polymer. Năm 1992, Australia chính thức phát hành đồng tiền polymer đầu tiên trên thế giới. Hơn một thập kỷ sau, tiền polymer được phát hành ở 19 nước, trong đó, Australia, Newzealand và Rumani hoàn toàn sử dụng tiền polymer thay cho tiền giấy truyền thống.

Khác với các loại nhựa thông dụng, giấy nền polymer được sản xuất theo quy trình công nghệ đặc biệt, chuyên dùng cho in tiền. Có thể mô tả khái quát quy trình này gồm hai công đoạn: sản xuất phim và in phủ. Ban đầu, một chất nhựa tổng hợp đặc biệt có nguồn gốc từ dầu mỏ được làm nóng chảy và thổi vào đó luồng khí nén có áp suất lớn để tạo ra màng nhựa mỏng dạng bong bóng. Khi hút mạnh không khí ra, màng nhựa này sẽ đi qua thiết bị đặc chủng và được cán phẳng thành phim trong suốt, có độ đàn hồi và kích thước hợp lý. Tiếp theo, phim sẽ được in phủ bởi nhiều lớp hoá chất đặc biệt phù hợp với việc in tiền và tạo thành giấy nền polymer.

Công đoạn này không những cài đặt các yếu tố bảo an tương tự như giấy in truyền thống mà còn tạo ra những cửa sổ trong suốt hai mặt vùng không được in phủ, cho phép sử dụng công nghệ cao để cài đặt yếu tố hình ẩn, yếu tố chống giả đặc trưng của tiền polymer.
Mặc dù giấy tiền polymer được sản xuất bởi công nghệ mới nhưng quá trình in tiền polymer vẫn sử dụng mực in và thiết bị, công nghệ như in tiền giấy truyền thống, ngoại trừ có thêm công đoạn in phủ véc-ni để bảo vệ lớp mực in trên đồng tiền trong quá trình lưu thông. Giấy nền polymer có nhiều tính chất tương tự như giấy in truyền thống nên hầu hết các yếu tố bảo an hiện nay của tiền giấy đều áp dụng được trên chất liệu polymer như hình định vị, in lõm... Ngoài ra, chất liệu polymer còn cho phép in những nét mảnh, siêu nhỏ tinh xảo hơn so với in trên giấy truyền thống nên hiệu quả chống sao chụp cao hơn. Đáng lưu ý là quá trình in tiền polymer sẽ tạo ra hình dập nổi trên cửa sổ trong suốt.

Hình ẩn và hình dập nổi trong cửa sổ là yếu tố bảo an độc đáo của tiền polymer, dễ nhận biết đối với người tiêu dùng nhưng rất khó làm giả bằng các phương thức in, sao chụp mà bọn tội phạm thường sử dụng.

Sử dụng tiền polymer góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Thực tế cho thấy, tiền polymer có tuổi thọ trong lưu thông cao hơn 3 lần so với tiền giấy.

Giấy nền polymer có kết cấu đồng nhất (không có cấu tạo sợi) nên có độ bền cơ học cao hơn các loại giấy sản xuất từ sợi xenlulô, bông hay lanh. Loại giấy này cũng không thấm nước và đồng tiền polymer còn được in phủ các lớp bảo vệ nên không hút ẩm, chất lỏng hay các các tạp chất khác trong quá trình lưu thông. Nhờ vậy, có thể làm sạch đồng tiền polymer bằng nước và lau nhẹ khi đồng tiền bị dính chất bẩn. Đây là điều không thể thực hiện đối với tiền giấy bởi trong trường hợp tương tự, chất bẩn sẽ thẩm thấu sâu vào trong nền giấy cotton, làm đồng tiền nhanh hỏng. Tiền polymer cũng không bị mủn, nhàu nát và không tạo ra bụi tiền như tiền giấy.

Tuy nhiên, tiền polymer cũng có những hạn chế nhất định: Tiền dễ biến dạng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao; Do kết cấu đồng nhất nên dù tiền khó rách khi lưu hành nhưng nếu bị phá vỡ kết cấu (bị cắt mép hay thủng) thì rất dễ bị rách. Nếu bị vò siết mạnh tiền polymer sẽ bị nhàu và mực in sẽ bị mài mòn nhanh hơn.

Qúa trình sản xuất tiền Polymer






7 cách đơn giản để nhận biết tiền thật và tiền giả


Tiền, luôn có 2 mặt, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nhưng dù thế nào, dù làm trong lĩnh vực nào, giàu nghèo ra sao, thì hằng ngày chúng ta cũng đều tiếp xúc với tiền. Thế nhưng có 1 vấn nạn luôn làm chúng ta đau đầu, đó là tiền giả.
Công nghệ ngày càng phát triển, cùng với những thủ thuật chụp, coppy, xử lý bằng phần mềm… đã cho ra đời những tờ tiền giả càng ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, dù thế nào thì tiền thật vẫn có 1 số yếu tố mà tiền giả không bắt chước được. Nhưng không phải ai ai trong chúng ta cũng đều biết phân biệt được tiền thật-tiền giả.

Với kinh nghiệm ít ỏi của tôi, tôi có thể chỉ ra một số cách rất đơn giản để chúng ta có thể phân biệt được tiền thật-tiền giả.

Chúng ta đang đề cập tới tiền polymer VND.

Cách 1: Vuốt tờ tiền.

Tiền polymer VND có các yếu tố in lõm. Khi ta dùng tay vuốt nhẹ, với tiền thật ta có cảm giác nhám, cảm nhận được độ nổi của nét in, còn với tiền giả thì rất là láng.

Cách 2: Soi tờ tiền.

Tiền polymer VND có một số yếu tố được in bóng chìm, in hình khớp khít, mà khi soi tờ tiền dưới nguồn sáng ta mới thấy được. ở tiền giả có một số loại ta cũng thấy yếu tố này nhưng không sắc sảo rõ nét như tiền thật, hình khớp khít không khớp khít. (hình khớp khít là những chi tiết, chữ, hoa văn được in 2 mặt tờ tiền, mỗi mặt in nữa hình, khi soi dưới nguồn sáng sẽ thấy hoa văn 2 nửa trên 2 mặt khớp khít lại với nhau).

Cách 3: Soi tiền dưới ánh sáng cực tím:

Có 1 chi tiết là mệnh giá của tờ tiền in trong vùng hình chữ nhật bằng mực không màu, khi soi dưới đèn cực tím sẽ thấy vùng chữ nhật này phát quang và thấy rõ mệnh giá. Ở tiền giả vùng chữ nhật này phát quang yếu, hoặc không soi đèn cực tím cũng thấy rõ vùng chữ nhật này, vì được in bằng mực màu.

Chi tiết khác là số seri: khi soi đèn cực tím sẽ thấy dòng seri dọc màu đỏ phát quang màu cam, dòng seri ngang màu đen phát quang màu xanh dương. Với tiền giả thì số seri không phát quang hoặc phát quang yếu và không giống màu ở tiền thật.

Cách 4: Dùng kính lúp:

Tiền thật có những chữ như là “VN” hay “NHNNVN” hay số mệnh giá được in siêu nhỏ, lặp đi lặp lại trong 1 vùng, dùng kính lúp sẽ thấy rõ các kí tự này.

Cách 5: Ngửi tờ tiền

Tiền polymer VND có mùi polymer đặc trưng. Ở tiền giả thì mùi rất là hôi như mùi nhựa, mùi bao nilon vậy. Yếu tố này thường giúp cho nhân viên ngân hàng phát hiện tiền giả trong 1 thép tiền mà không cần phải kiểm từng tờ, chỉ cần giũ nhẹ xấp tiền ngang mũi là biết được ngay.

Cách 6: Nghiêng qua nghiêng lại tờ tiền

Có 1 số yếu tố hoa văn khi nghiêng qua nghiêng lại sẽ thấy hoa văn đổi màu. Tiền giả thì không đổi màu hoặc màu không như tiền thật.

Trên tờ tiền có 1 dãy băng dọc màu vàng ánh kim, trên đó có in số mệnh giá, khi nghiêng qua nghiêng lại ta thấy dãy băng này lấp lánh rất đẹp. Tiền giả thì không có yếu tố này, hoặc có thì không lấp lánh mà in chết 1 màu.

Cách 7: Cửa sổ

Trên tờ tiền có 2 cửa sổ trong suốt, 1 lớn 1 nhỏ được in ở 2 góc tờ tiền.

Trên cửa sổ lớn có in nổi mệnh giá. Tiền giả đôi khi cũng có yếu tố này nhưng nét dập không sắc sảo. Hoặc tờ tiền được bấm lỗ và dán lớp nhựa rời làm cửa sổ, dùng tay gỡ miếng nhựa trong suốt này ra được dễ dàng.

Cửa sổ nhỏ có in hoa văn ẩn, yếu tố này chưa thấy có tờ tiền giả nào làm được. Và kiểm tra cũng rất dễ dàng. Ta đặt sát cửa sổ nhỏ vào mắt, hướng mắt nhìn tới nguồn sáng nhỏ màu đỏ mạnh hơn ánh sáng xung quanh, ta sẽ thấy hiện ra 1 bông hoa sáng rực rỡ nhiều màu sắc rất đẹp như ánh hào quang của ĐỨC PHẬT. Đây là cách kiểm tra dễ thấy nhất và dễ phân biệt nhất. Thông thường ta nên dùng 1 cái đèn pin soi thẳng vào mắt, nơi ánh sáng không gian xung quanh hơi tối, sẽ thấy rõ.

Trên đây là 7 cách đơn giản nhất để giúp các bạn chưa có kinh nghiệm phân biệt tiền thật-tiền giả dễ dàng kiểm tra và phát hiện. Hãy thử xem, chúc các bạn có những trải nghiệm thú vị.