Type Here to Get Search Results !

Răng - Những điều cơ bản bạn nên biết


"Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng". Bên cạnh nỗi khổ về thể xác đã được đúc kết trong câu nói trên, hàm răng xấu, bị bệnh còn là nỗi ám ảnh về tinh thần đến suốt đời.  Vì vậy, nếu được quan tâm bồi dưỡng tốt, răng sẽ khoẻ đẹp và con người cũng trở nên mạnh khoẻ, tự tin hơn trong giao tiếp.

(Theo Thái Hà - Báo Tiền phong) - Hơn 75% người Việt bị sâu răng.   Số liệu mới nhất của Viện Răng hàm mặt quốc gia cho thấy tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn ở Việt Nam khá cao và gia tăng theo tuổi.

Cụ thể, tỷ lệ sâu răng ở trẻ 9 - 11 tuổi là 54,6% và ở trẻ 15 - 17 tuổi là 68,6%; 75,2% ở tuổi 18 - 34 và tăng lên 89,7% ở tuổi trên 45. Nguyên nhân là do thiếu chất Fluor, một nhân tố hạn chế bệnh sâu răng.

 Theo kết quả phân tích gần 6.000 mẫu nước ở 14 tỉnh, nồng độ Fluo trong nước sinh hoạt tương đối thấp (< 0,4 ppm). Có tới 175/179 khu vực được nghiên cứu thiếu Fluor. Các chuyên gia răng hàm mặt cho biết, cách phòng sâu răng tốt nhất là bổ sung Fluor vào nước nhưng hiện 80% dân số ở nông thôn chưa sử dụng nước máy. Hiện nay, Viện Răng hàm mặt quốc gia đang xây dựng phòng thí nghiệm đủ khả năng xét nghiệm Fluor trong nước và thực phẩm.

RĂNG LÀ GÌ?

(Wikipedia) - Răng là phần phụ cứng nằm trong khoang miệng có chức năng nghiền và xé thức ăn. Số lượng, cách sắp xếp và sinh lý của răng tạo thành các kiểu răng đặc trưng cho từng loài động vật.

Răng là một bộ phận của cơ thể, có sinh trưởng và có kết thúc.

CẤU TRÚC VÀ PHÁT TRIỂN

Ở người, răng được chia ra thành:

  1. Răng sữa: răng tạm thời, mọc trong khoảng từ 6 đến 30 tháng tuổi. Răng sữa có 20 cái và sẽ được thay dần bằng răng vĩnh viễn. 
  2. Răng vĩnh viễn: loại răng thay răng sữa và tồn tại đến già. Số lượng răng vĩnh viễn là 32, mọc từ khoảng 6 tới 22 hoặc 25 tuổi. 
  3. Răng khôn: loại răng cối lớn mọc vào tuổi thành niên, từ 18 đến 25. Nhưng cũng có khi răng khôn mọc chậm hơn hoặc không mọc. Đôi khi răng khôn mọc lệch có thể làm hỏng răng hàng đứng trước nó nên phải nhổ.
Ít ai biết rằng răng chỉ mọc sau khi hình thành và hoàn tất phần "vành" - sau đó mới tiếp tục hoàn thành phần "chân": từ A tới Z phải mất 25 đến 40 tháng cho một răng sữa và trên 10 năm cho một răng vĩnh viễn. Cấu trúc răng sữa và vĩnh viễn nói chung là giống nhau, song lớp men ở răng vĩnh viễn dày dạn và cứng hơn nhờ có fluor. Các phiến fluoroapatit xếp thật khít của men răng càng ngấm nhiều fluor thì càng có khả năng giúp cho răng chịu đựng được các thử thách.

NGUYÊN LIỆU TẠO RĂNG

Trong thời gian mọc răng, nhất là giai đoạn mọc răng khôn, nếu cơ thể thiếu chất tạo răng thì thật là tai hại. Lúc này, nên ăn thức ăn có thành phần canxi nhiều như sữa, lòng đỏ trứng gà, các loại đậu đỗ.

Các nhà khoa học đã tính toán rằng, nếu người lớn cần mỗi ngày 0,5g canxi, thì trẻ em ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng cần tới 0,6g đến 0,7g.

 Phụ nữ có thai và trong thời kỳ cho con bú cần một lượng caxi là 1g mỗi ngày đồng thời với nguyên tố canxi, phốtpho trong thức ăn cũng rất cần thiết vì đây cũng là nguyên vật liệu xây dựng nên răng. Phốtpho có nhiều trong thịt nạc, gan, não, cá... Trong thời kỳ mọc răng, trẻ cần được tắm nắng đủ để có khả năng tạo vitamin D, cũng là chất cần thiết tạo răng.

 Ngoài ra, cần cho trẻ ăn thức ăn có nhiều vitamin như hoa quả, rau xanh và thức ăn dai vừa để luyện nhai. Việc nhai các loại bánh khô như bánh mỳ, bánh nướng, bánh xốp, kẹo sẽ giúp cơ và hàm của trẻ phát triển, có lợi cho quá trình mọc răng vĩnh viễn.

Không nên cho trẻ ăn những thực phẩm quá mềm mà tăng cường những thực phẩm cứng để kích thích xương hàm phát triển. Tuy nhiên, không nên lựa chọn những thực phẩm quá cứng và sắc nhọn.

Nên cẩn trọng khi cho trẻ ăn cá vì xương cá có thể đâm vào và gây tổn thương xương hàm. Trẻ em thường rất thích ăn kẹo, đồ ngọt.

Sau khi ăn, cần cho trẻ xúc rửa và chải răng sạch sẽ nhất là trước khi ngủ. Nếu không, đường sẽ lên men ở chân răng, tạo điều kiện cho các vi khuẩn hoạt động, sản sinh ra các axit làm hỏng men răng.

Những thói quen xấu trong ăn uống

Răng sinh ra để cắn, xé và nghiền thức ăn, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu hoá. Thế nhưng, có người lại dùng răng cho việc khác, nào là mở nút chai bia, chai nước ngọt nào là thay kìm mở ốc, hoặc như cắn vỡ hạt đào, mận. Những hành động đó là quá sức đối với răng và nhiều người đã phải trả giá bằng việc vĩnh viễn trở thành "cu sứt" với chiếc răng bị nứt vỡ.

Răng cũng có thể bị nứt khi vừa ăn một món ăn thật nóng lại gặp ngay ngụm bia thật lạnh, đó là thú vui không có lợi dành cho răng. Bởi việc thay đổi đột ngột về nhiệt độ hay các lực cơ học sẽ gây rạn vỡ răng. Nhiều người có thói quen nhai nát các loại xương gà, xương lợn...

Theo các chuyên gia nha khoa, điều này không tốt cho răng bởi nó ảnh hưởng đến men răng. Nên tăng cường thực phẩm giàu chất sơ như rau khoai lang, mía... bởi chất xơ ngoài tác dụng lợi tiêu hoá còn có thể làm sạch răng một cách tự nhiên.

Ăn gì không sâu răng?

  • Nên giới hạn trước tiên là các bánh, kẹo ngọt, nước ngọt có đường, nước ngọt có gas và kem. 
  • Nếu có ăn, thì nên uống nước, súc miệng ngay, để chậm là vi khuẩn và chất đạm sẵn có trong nước miếng kết hợp với bột, đường thành mảng bám răng, nôm na gọi là "bựa răng": vi khuẩn trong miệng tác động lên bột, đường biến ngọt thành chua ăn mòn men răng, xâm nhập tới ngà răng, tiến vào tủy răng (sâu răng). 
  • Ăn trái cây như cóc, ổi, dứa..., ngoài sinh tố C còn có chất xơ có tác dụng chà răng, đồng thời thoa nắn cho nước thêm mạnh và bền chắc. 
  • Có thể nhai kẹo cao su, loại ngọt không do đường, có tẩm fluor, kích thích cho tiết nhiều nước miếng, "làm sạch miệng" và có độ ma sát của cao su giúp chắc nướu răng, cùng mùi hương làm hơi thở thơm tho, thêm tự tin khi nói chuyện (nhưng coi chừng lạm dụng dễ bị "rối loạn tiêu hóa").

Thức ăn cho răng khỏe


- Sữa tươi nguyên kem, nếu được 1/2 lít mỗi ngày thì hay nhất, để có đủ chất đạm, canxi, sinh tố A và D - tốt cho sự phát triển nói chung và cho răng nói riêng. Có thể đa dạng hoá việc uống sữa này bằng cách biến chế thành yaourt, phô mai, hay trộn thêm trái cây cho có hương vị hấp dẫn. Gia đình kết hợp với nhà trường nên tập cho các cháu thói quen uống sữa, vì sữa đáng được coi là thức ăn chính cung cấp canxi cho nhu cầu hàng ngày.

 Mặt khác, cũng có thể nạp đủ calci qua thức ăn:

  1. Bánh đúc, bánh ú tro, các bột dinh dưỡng có bổ sung canxi trong nhóm lương thực cơ bản; 
  2. Rau họ cải; 
  3. Các trái cây có múi, có tép (cam, quýt bưởi...); 
  4. Thức ăn giàu đạm: cá hộp ăn cả xương mềm, cá nhỏ chiên hay kho ăn cả xương, nghêu, sò, ốc, hến, tàu hũ và sữa đậu nành bổ sung canxi; 
  5. Đồ uống nên dùng trà hàng ngày - vì trà đem lại thêm fluor. 

 (Bác sĩ Nguyễn Lân Đính - Theo_VnExpress.net)