Bên cạnh những chiêu trò của nghệ sĩ nhằm mục đích PR gây choáng váng phía sau cánh gà, người ta còn giật mình với những mánh bài câu dư luận của các show truyền hình thực tế đang làm mưa làm gió hiện nay.
Vài năm trở lại đây, các chương trình truyền hình thực tế đổ bộ và xâm lấn ồ ạt vào đời sống giải trí Việt Nam. Không phủ nhận những hiệu ứng tích cực làm phong phú thêm thực đơn giải trí trên truyền hình, nhưng để đạt được những thành công ấy, nhà sản xuất đã phải dùng đến không ít mánh bài, đôi khi cả sự nhẫn tâm để đạt được mục đích kéo khán giả ngồi lại trước màn hình tivi giờ phát sóng.
Mời sao "khủng" tham gia chương trình
Cách làm để tạo được hiệu ứng truyền thông nhanh nhất là mời càng nhiều sao khủng vào tham gia chương trình càng tốt. Tất nhiên, đây cũng sẽ là cách làm tốn kém nhất về mặt kinh tế nên thường chỉ những đơn vị sản xuất thuộc hàng đại gia mới mạnh tay chi những khoản cát-xê với giá trên trời để mời cả dàn sao bự.
Chương trình tìm kiếm Giọng hát Việt mùa đầu tiên là một minh chứng cho sự đầu tư tốn kém nhưng khôn ngoan này. Bộ tứ giám khảo với những cái tên đình đám và nhiều chiêu trò trong làng giải trí Việt với những Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Trần Lập đã đủ sức làm nóng chương trình chứ chưa cần xét đến khía cạnh nội dung. Với lượng fan khổng lồ của những ca sĩ này, hiệu ứng sẽ đi ra ngay từ chính giám khảo chứ chưa nói đến chất lượng thí sinh.
Bộ tứ này đủ sức làm nóng mọi chương trình
Cặp đôi hoàn hảo hay Bước nhảy hoàn vũ cũng là những chương trình “đầu tư” nhiều sao Việt, vì nhất cử nhất động những ngôi sao đang nổi đình nổi đám đều thu hút sự chú ý của dư luận, nên chương trình cũng nhờ đó mà dành được nhiều sự quan tâm.
Chiêu này cũng xuất phát từ quan hệ cộng sinh, chương trình lợi dụng sự nổi tiếng của sao để câu khách, ngược lại, sao cũng nhớ chương trình phủ sóng hình ảnh rộng rãi hơn mà vẫn kiếm được một khoản catxe kha khá, đặc biệt khi chương trình thành công thì hình ảnh của sao còn hoàn hảo hơn nữa.
Úp mở số tiền “khổng lồ” mua bản quyền và dàn dựng
Chiêu dễ dùng nhất để nâng tầm tên tuổi của chương trình là úp mở việc mua bản quyền với giá bao nhiêu và chi phí sản xuất cao cỡ nào.
Hầu như chẳng có nhà sản xuất nào chịu khai số tiền thực mà mình phải bỏ ra, chỉ thấy rào trước đón sau là chúng tôi đã mất rất nhiều tiền hoặc hàng triệu USD để mua bản quyền và tổ chức sản xuất Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam’s Got Talent, Vietnam’s Next Top Model hay mới đây là The Voice.
Số tiền này cũng không phải là quá khi nhẩm tính chi phí cho sao, khách mời hay để sản xuất chương trình quy mô hoành tráng, nhưng việc úp mở và nói gấp một vài lần số tiền thực vẫn gây tò mò cho người xem, nhất là khi nó lên tới con số “khổng lồ”.
Chương trình nào cũng có vài cái “đạo”
Minh Hằng "đạo" giọng Lan Anh, mở màn cho lùm xùm tại Bước nhảy hoàn vũ
|
Lật tẩy việc Minh Hằng mượn giọng ca sĩ Lan Anh hay đạo nhảy, phát hiện ra chương trìnhVietnam’s Next Top Model đạo ý tưởng... được cho là một chiêu PR đạt hiệu quả cao của các show truyền hình thực tế.
Chỉ cần vấn đề được phát hiện ra ngay lập tức các báo sẽ lao vào mổ xẻ xem bài nhảy đó được đạo từ tác phẩm nào trên thế giới, liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên về ý tưởng không, rồi khổ chủ lên tiếng, và cuối cùng là BTC đính chính việc đạo là đúng quy chế hoặc nếu không sẽ xin lỗi rồi cho qua.
Tên tuổi của người nghệ sĩ và chương trình mà họ tham gia sẽ chạy khắp các trang báo, số lượng người quan tâm nhiều hơn và sẽ có nhiều hơn người ngồi trước màn hình TV, việc bán quảng cáo cũng nhờ đó mà dễ dàng hơn.
Lùm xùm chuyện tố nhà sản xuất
Hầu hết những chương trình truyền hình thực tế thời gian gần đây đều dính “phốt” thí sinh tố BTC hay bóc trần sự thật phía sau cánh gà, đây cũng được nhiều độc giả cho là một chiêu PR thành công nhưng khá ồn ào.
Thí sinh tố nhà sản xuất Vietnam’s Next Top Model quỵt giải thưởng, Tuấn Tú tố BTCBước nhảy hoàn vũ không công bằng khiến anh bị loại sớm rồi thí sinh Vietnam’s Got Talent tố nhà sản xuất ép kí biên bản bất hợp lý... Đôi bên thí sinh và BTC sẽ lên báo lời qua tiếng lại chứng minh là mình đúng, thậm chí có cả sự tham gia của những thí sinh đã bị loại rồi hoặc fan của sao, rồi kết thúc có thể sẽ là cạch mặt nhau hoặc êm xuôi kiểu bằng mặt mà không bằng lòng. Nhưng sau lùm xùm đó giới truyền thông sẽ đưa chương trình đến gần với công chúng hơn, và tỉ lệ người xem cũng cao hơn.
Tung thảm họa hay nhà sản xuất tàn nhẫn?
Việc tung thảm họa trong chương trình Vietnam Idol hay Vietnam’s Got Talent đã trở nên quen thuộc với khán giả. Đôi khi để tạo hiệu ứng mạnh cho chương trình, nhà sản xuất không ngần ngại lợi dụng đưa những thảm họa đó vào vòng sau để hút khách.
Mẹ con Quỳnh Anh gây bão dư luận tại Got Talent mùa đầu tiên
|
Vietnam’s Got Talent ngay mùa đầu tiên đã là nơi tập trung vô số thảm họa cười ra nước mắt mà mẹ con Quỳnh Anh có thể được coi là thảm họa gây sốt nhất, tạo hiệu ứng mạnh mẽ và ầm ĩ nhất trên báo chí suốt một thời gian dài. Hay vụ thí sinh “quăng bom” “chị Mỹ Tâm không xinh bằng em” trong chương trình Vietnam Idol thời gian gần đây cũng là một thảm họa để câu dư luận như thế. Chương trình nào cũng phải có vài cái thảm họa mới thu hút sự chú ý của người xem, mới có cái để báo chí nhắc tới.
Mẹ con Quỳnh Anh Got Talent còn được nhắc đến trong rất nhiều câu chuyện bên ngoài chương trình, thậm chí là mang ra làm trò cười trong khi cô bé mới 15 tuổi, ni cô “chém gió quăng bom” trong Vietnam Idol cũng trở thành nhân vật chính cho không ít người ném đá trong khi cô bị nghi có vấn đề về đầu óc.
Việc nhập khẩu các chương trình truyền hình thực tế là xu thế chung của nền công nghiệp giải trí thế giới, nhưng có lẽ nhà sản xuất cũng như chính những người nghệ sĩ đang đau đầu nghĩ ra những chiêu trò PR nên thấy, cái cuối cùng còn tồn tại, vẫn là tài năng và một nền giải trí không giật gân, câu khách.
Theo: VTC