Bạn có bao giờ bị nhà tuyển dụng đánh trượt khi hỏi về định hướng nghề nghiệp mình chưa? Câu hỏi vì sao bạn chọn nghề này và bạn định hướng cho vài năm tới. Lấp lửng không biết mình sẽ làm gì , đã làm được gì và cuối cùng mình đang làm gì và để làm gì sẽ làm cho nhà tuyển dụng thấy bạn không có định hướng cũng như không có sự chuẩn bị kế hoạch cho cuộc đời.
Định hướng cuộc đời: bạn phải suy nghĩ nghiêm túc xem mình muốn trở thành người như thế nào trên cõi đời này? 5, 10 năm nữa, bạn là ai? Có như vậy, bạn sẽ vẽ đường bản đồ cuộc đời của mình. Tuy nhiên, những điều này cũng chỉ mang tính định hướng và không cứng nhắc. Rất có thể bạn sẽ phải thay đổi nó khi hoàn cảnh thay đổi. Quan trọng là bạn luôn chủ động “điều khiển” cuộc đời mình.Bạn cần phải lên kế hoạch cho bản thân. Kế hoạch cũng như là tập bản đồ, lời chỉ dẫn, mục tiêu, đường đi, biển chỉ đường, phương hướng, lộ trình hay một chiến lược. Nó nói lên rằng lúc này bạn đang đi đến đâu, đang làm cái gì và ở đâu. Nó tạo nên cấu trúc và hình dạng cuộc sống của bạn, sự cuốn hút và quyền lực.
Khi được hỏi về vì sao bạn chọn nghề này? Hầu như đa số chúng ta đều chưa định hướng được, có nhiều người đi gần nửa cuộc đời với nghề giáo lại chuyển sang kinh doanh, có anh lại đi gần 1/3 chặng đường với nghề kỹ sư với công việc nghiên cứu lại chạy sang kinh doanh. Từ đó không ít người đã tin vào sự may mắn và số phận trong cuộc đời. Họ nghĩ rằng “trời sanh voi, ắt sanh cỏ”. Việc mưu sinh kiếm sống rất phong phú nên ý chí “sinh nghề tử nghiệp” đã không còn hào khí. Có phải chăng chuyên gia còn khan hiếm vì họ thiếu nhận thức về “Bản đồ cuộc đời”. Nói “bản đồ cuộc đời” nghe thật to lớn nhưng thật ra ai cũng có ước mơ cho tương lai hay một mục đích để vươn tới. Bản đồ này chính là công cụ trong hành trình đạt tới ước mơ đó. Thường người ta bắt đầu ước mơ từ lúc nào? Ngay từ nhỏ ta ước mơ theo đuổi một công việc nào đó như muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư, và ngày nay ta còn muốn trở thành nhà khoa học hay nhà phi hành vũ trụ… Có người muốn trở thành một chính trị gia, một nhà hoạt động xã hội phục vụ người nghèo… Không ít bạn trẻ có những ước mơ cao đẹp như cải tạo xã hội, phục vụ nhân loại, sống lý tưởng… Ước mơ hay lý tưởng ấy nếu được gia đình và xã hội góp phần hun đúc sẽ như chiếc la bàn để định hướng cá nhân trong cơn sóng gió của cuộc đời.
Chiếc thuyền có thể trôi giạt trên sóng biển nhưng chiếc la bàn sẽ luôn giúp ta hướng về lý tưởng ban đầu. Để hướng tới ước mơ, cá nhân phải định cho mình một mục đích cụ thể. Nhưng mục đích này phải được chia ra thành những mục tiêu nhỏ hơn nữa và được thực hiện theo từng giai đoạn trong thời gian. Bản đồ được hoàn thành chính là những kế hoạch trong tương lai, những bài học kinh nghiệm ở quá khứ và những thách thức phải đối mặt với hiện tại. Kế hoạch chính là tấm bản đồ vẽ ra những đoạn đường đi cụ thể để đạt tới đích. Có người đi tới đích bằng xa lộ thẳng tắp. Ví dụ như được cha mẹ có đủ điều kiện cho ta ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng đa số chúng ta phải chọn những con đường ngoằn ngoèo, ví dụ như phải vừa học vừa làm, phải nghỉ vài năm giữa hai thời kỳ học để tích lũy tiền đóng học phí. Những đoạn đường nhỏ này cũng phải được vẽ trên bản đồ để ta có thể dự trù, tính toán hầu không bị động trong kế hoạch.
Và các nhà khoa học nói có kế hoạch là đã đi được 2/3 đoạn đường. Nếu không có sẵn bản đồ ta sẽ mất nhiều công sức và thời gian để mò mẫm. Người ta nghĩ đến những nghề nghiệp cụ thể hay có những ước mơ bay bổng. Dù còn “mơ mơ màng màng”, ước mơ là sức hút làm cho cá nhân vươn tới, là lực đẩy và phương hướng để ta tiến xa. Có đam mê, có yêu thích thực sự về định hướng nghề nghiệp mới tìm tòi học hỏi, tư duy, sáng tạo. Ngay từ nhỏ Henry Ford đã có đam mê về các cỗ xe, ông quyết tâm học hành, nghiên cứu và trở thành người thành công nhất trong nền kỹ nghệ xe hơi. Thomas Edison xuất phát từ quyết tâm “Mẹ tôi đã tạo ra tôi. Bà rất tin tưởng và chắc chắn về tôi; và tôi cảm thấy rằng tôi có một điều gì đó để sống, một ai đó để tôi không thể làm cho thất vọng.” Tất cả đều là những kế hoạch và là những mục tiêu đã đề ra để đạt được trong cuộc sống.
Đã nói đến bản đồ là nói đến đường đi nước bước. Có con đường thẳng tắp để đi đến đích, có con đường ngoằn ngoèo và nếu chịu khó nghiên cứu ta thấy thêm những con đường tắt. Vô vàn đường đi, ta phải biết quyết định hướng đi đâu và quyết định đi theo con đường nào. Bạn biết cách lựa chọn đường đi thuận lợi nhất cho mình, hãy kiên trì sẽ thấy được điều lý thú. Nếu bạn chấp nhận để cho cuộc sống chỉ mang lại cho bạn những thứ không có gì là mới mẻ thì bạn sẽ chỉ cứ thế trôi dạt theo dòng chảy của cuộc sống. Không phải tất cả các tập bản đồ đều dẫn đến kho báu. Nhưng ít nhất bạn sẽ chộp được cơ hội tốt hơn nếu bạn có bản đồ kho báu và một chiếc xẻng thay cho việc bạn chỉ đào bới một cách hú họa hoặc như hầu hết những người khác, bạn chẳng hề chạm vào chiếc xẻng.
Một kế hoạch cho cuộc đời sẽ chứng tỏ rằng bạn đã để tâm một chút đến việc suy nghĩ về cuộc sống của bạn chứ không phải chỉ ngồi chờ chuyện gì đó sẽ đến. Hoặc lại như hầu hết mọi người, thậm chí không hề suy nghĩ về nó một chút nào, cứ thế mà tiếp tục cuộc sống của mình và luôn bị bất ngờ với những gì xảy ra. Hãy xác định những gì bạn muốn làm, lên kế hoạch cho nó và đưa ra những bước đi để bạn có thể đạt được mục tiêu của mình và tiến lên cùng với nó. Giống như bạn đang vẽ cho mình một “bản đồ của cuộc đời”. Quá khứ là những bài học kinh nghiệm vô giá, bạn hãy khoanh vùng trên bản đồ nơi bạn bị vấp ngã để tránh không bị vấp ngã, lạc lối lần hai. Nhìn lên “bản đồ” nơi mình đang đặt chân là cuộc sống thế nào? Mình phải trang bị ra sao để chống đỡ và vượt qua nó để đến vùng đất tốt đẹp hơn. Nghiên cứu tương lai xem ta nên trang bị những gì? Tất cả đều là một kế hoạch cho hành trình đi hết “bản đồ của cuộc đời”. Nếu bạn không lên kế hoạch cho dự định của mình thì dự định đó sẽ vẫn chỉ là một giấc mơ. Giống như bạn đang ở vùng sa mạc, rừng sâu không lối thoát.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không biết mình là ai, mình đang ở đâu, mình đã làm gì, mình đang làm gì và mình sẽ làm gì? Vâng, bản thân bạn sẽ thấy ngày càng nhiều cái cảm giác “ngoài tầm kiểm soát”. Nhưng nếu bạn vạch được bản đồ cho chính bạn, cho mọi việc thì chúng sẽ nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Một khi đã có hướng đi, bạn hoàn toàn có thể có được hay tiếp cận được những bước đi hợp lý để hoàn thành kế hoạch đó. Tương lai của bạn không phải là một giấc mơ. Bạn phải định hướng xem bạn sẽ đi đến đâu và làm gì? Và lập kế hoạch cho cuộc đời có nghĩa là bạn đã suy nghĩ một cách thấu đáo để tìm ra phương pháp thực hiện điều đó.
Dĩ nhiên, không ai có thể dự đoán được tương lai của chính mình nếu mất đi nghị lực và niềm tin trong cuộc sống. Bên cạnh những kế hoạch đã dự định sẵn, điều quan trọng là bạn biết lường trước được rủi ro và sự tính cách khắc phục để vượt qua nó. Vì thế kế hoạch đặt ra vẫn có thể được xem xét lại để hoàn thiện hơn hoặc thay đổi khi cần thiết.