Type Here to Get Search Results !

Nên hay không bước thêm bước nữa?

Thất bại từ cuộc hôn nhân đầu tiên khiến người nhiều thấy lo sợ khi nghĩ đến việc bắt đầu tập hai. Từ bài viết Đừng ngại bước vào tập 2 đã giúp nhiều người có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với cuộc sống hôn nhân, Tuy nhiên, lời khuyên yêu thêm lần nữa có điều kiện là phải hiểu rõ bản thân và hiểu rõ đối tượng.
Người ta nói, cơ hội không đến với ai hai lần, nên khi cơ hội tới, dù đó là lần đầu yêu hay tập hai, thậm chí tập ba của một cái kết có hậu thì cũng cần phải nhanh tay nắm lấy. Tuy nhiên, nắm bắt cơ hội rồi thì sao, có phải là chỉ việc đi tới với nhau về mặt hình thức là “xong phim”, như cái kết có hậu trong những tác phẩm điện ảnh, sân khấu… ta vẫn thường xem? Cuộc sống vợ chồng thực tế không đơn giản như thế, nên mới có chuyện để nói mỗi ngày, mới có vấn đề để con người suy ngẫm, giải quyết. Ai đó nói, nếu cuộc sống quá bình lặng thì rất chán, riêng tôi thấy rằng sóng gió hay đổ vỡ trong hôn nhân cũng dạy ta nhiều điều hay ho, cũng giúp ta lớn khôn, và tô vẽ cho cuộc sống những gam màu sáng-tối, đủ để cảm nhận và nâng niu hạnh phúc.

Thông thường, đã một lần đau, ta thường rụt rè, nhút nhát hơn khi bước lại vào lộ giới tình trường lần nữa bởi “kinh nghiệm trước đó “dạy” mình chùn chân”. Chùn chân nhưng lòng ta thì khấp khởi hy vọng, và cũng lúng túng không biết rồi cuộc hôn nhân thứ nhì sẽ đi về đâu trong mớ hỗn độn của cảm xúc, của những mảnh vỡ còn vương vãi đó đây, của những vết thương dai dẳng sẹo lồi. Sự rụt rè ấy đôi khi giúp ta nhận diện rõ hơn con đường, nhưng cũng trở thành cản lực khiến ta khó lòng tin yêu và dựng xây cuộc sống mới. Do vậy, tìm hiểu kỹ bản thân, hiểu rõ đối tượng mình tiến tới hôn nhân (tập hai) thì hãy nhẹ nhàng “bỏ đá trong lòng”, thứ đá hoài nghi, lo sợ, hoặc những ám ảnh về tập một không mấy đẹp đẽ trước đó. Chỉ khi nào lòng ta nhẹ nhàng, toàn tâm toàn ý với cuộc hôn nhân hiện tại thì ta mới có hạnh phúc, và giúp cho người “đầu ấp tay gối” thấy an vui.

Do vậy, “an trú trong hiện tại” ở trường hợp chọn tái hôn và bắt đầu một hành trình mới cho bản thân chính là gác lại quá khứ, cùng người hiện tại hướng tới tương lai để “yêu như chưa yêu lần nào”. Ám ảnh quá khứ giống như một nhát dao đủ bén để cắt đứt hạnh phúc hiện tại và đẩy ta tới chỗ tiếp tục “tuột xích”, lao vào trong giông bão của hôn nhân.

Thật sự, không hiếm những người “rũ bùn” để “đứng dậy sáng lòa” sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ (do thiếu một điểm nhấn, thiếu tôn trọng nhau, thiếu lắng nghe nhau…). Đôi khi sự chắp nối lần hai đến từ những “đôi đũa lệch” về hình thức, tuổi tác, địa vị… nhưng lại rất “tương xứng” nhau về sự lắng nghe, nhẫn nhịn, nâng niu. Điều đó minh chứng cho một sự thật là, sau đổ vỡ thì cả hai đều thấm thía giá trị của hạnh phúc gia đình, sự cần thiết của tổ ấm là phải “ấm” thật sự, nên không để những nông nổi cá nhân làm “hư bột hư đường” cuộc hôn nhân mới. Điều đó luôn đúng đối với những ai biết lắng nghe từ tiếng vỡ vụn của tình đầu, của cuộc hôn nhân thứ nhất. Lắng nghe chính mình để nhìn nhận lỗi lầm, để uyển chuyển trong ứng xử mà tránh đi những “dấu vết đau thương” như đã từng; từ đó biết cách phát huy những cái hay, cái đẹp trong ứng xử với bạn đời nhằm tránh tổn thương nhau, tránh sát thương tình thương vốn dĩ được hình thành từ sự tương thông tâm hồn trước đó.

Tuy nhiên, suy cho cùng thì hôn nhân là hành trình sỏi đá hay hoa hồng thường không phải do một người. Bởi, điệu tango không thể dìu dặt, không thể uyển chuyển đến cuối bài khi một trong hai lỗi nhịp, nên cả hai nếu biết trân trọng hạnh phúc, tương kính nhau như buổi đầu gặp gỡ thì sợ gì không dìu nhau nhảy bản tango đến cuối đời?A