Type Here to Get Search Results !

Thư gửi Kim Loan (14)


Thư thứ 14:
ĐỨA TRẺ VÀ NGƯỜI LỚN

Kim Loan con thân mến,

Quan niệm “người cha là sức mạnh” và “người mẹ là nơi nương tựa khắn khít” là một đề tài được chuộng trong ca kịch. Nhưng trong đời sống nó giống như bài thơ lạc vận.

Con nên khôn ngoan mà nhớ rằng chồng của con dù sao cũng vẫn là một cậu con trai. Đây là một chuyện mà ít khi con có thể tìm hiểu cho ra ngọn ngành. Hoặc biết đâu con có thể hiểu được… ba không biết nữa.

Một ngày kia, một người cha hoàn toàn thất vọng đến kêu ba. Ông cố nài ép ba phải tới gặp con trai của ông ngay tức thì. Theo ông, thảm trạng trong nhà mỗi lúc một tệ hại trầm trọng hơn. Họ cần được giúp đỡ ngay lập tức. Cậu Dũng, con của ông, đang tạo nên “hỏa ngục trong gia đình, hỏa ngục nơi trường, và khắp mọi nơi”. (Đó con thấy chưa, ba trưng những lời ông ấy nói đó).

Dò xem thì thấy cậu Dũng là đứa con trai lớn nhất đi học ở chủng viện.

Người cha đưa ba vào gặp nó và giới thiệu vài lời. Không một tiếng đáp lại. Sau đó ông cảnh cáo thằng nhỏ thật lớn tiếng: “Mày liệu hồn, có chuyện gì thì nói với ông này đi, nghe chưa mày!” Không một tiếng đáp lại.

Cuộc đối thoại bốp chát đó cứ tiếp diễn hết câu này tới câu khác cho đến lúc hé mở một chút ánh sáng, đủ để ba nhận định tình thế. Ba vẫn chưa hiểu “tên quái ác” này câm hay điếc cho đến khi đẩy được người cha ra khỏi phòng.

Ba nói thật nghiêm trọng với người cha: “Ông có thể sang phòng bên một chút được không ạ? Tôi muốn nói chuyện riêng với cậu con”.

Bây giờ thì chỉ còn lại hai người, cậu Dũng và ba.

Dù cậu Dũng được tự do mở miệng mà xì ra những ấm ức cho “ông này”, nhưng cậu vẫn không thèm nhách mép.

Rồi hoàn toàn tình cờ, ba bắt đầu mân mê trái banh nhỏ bằng vàng ba đeo nơi dây đồng hồ. Ba thường làm thế khi nào phải suy nghĩ một việc gì lâu.

Rồi bỗng nhiên cánh cửa “ngục tù” được mở ra. Ba không bao giờ hiểu được tất cả những gì cậu đã nói lúc đó. Nhưng sau khi lẩm bẩm một hồi, hắn đã nói rõ ràng: “Tôi ghét cây ghét đắng chơi banh. Không bao giờ tôi thèm chơi. Còn ông nữa, đừng có mân mê trái banh khốn nạn đó nữa”.

Để khỏi phải kể lể dài dòng những chuỗi ngày tháng thăm viếng theo đó, ba chỉ kể cho con hồi chung kết của câu chuyện.

Con đã đoán ra rồi! Người đáng ghét thật sự trong chuyện, chính là người cha hiếu chiến hiếu thắng đó.

Cuối cùng ba đặt vấn đề trên khía cạnh người lớn. Người cha thú nhận là khi còn đi học, ông chơi banh rất dở. (Con đừng đỗ lỗi cho ông bầu. Vì tinh thần đồng đội hay, chính là biết nín lặng nghe nhau).

Ông ta cứ dằn vật trong thâm tâm về chuyện thất bại đó. Ông muốn làm sống lại kỷ niệm cũ. Ông nói: “Từ khi nó lên ba, tôi đã muốn huấn luyện cho nó trở thành lực sĩ. Như anh biết đó, nhiều người đã trở thành vô địch nhờ huấn luyện như vậy. Thế mà nó chẳng chịu làm gì hết! Nó chỉ ăn rồi ngồi lết quanh nhà. Nó không chịu làm một việc gì có ích hết. Ngoài ra nó cần phải tập dượt nữa chứ. Anh không đồng ý rằng thể thao thích hợp với thiếu niên sao? Tôi đã đem câu chuyện nói với một huấn luyện viên, và người đó bảo nếu chăm sóc một chút, thằng bé này có thể làm nên chuyện. Nó có thể lên tỉnh mà kiếm học bổng. Rồi họ trả tiền thật hậu để giúp hắn tiếp tục học. Chắc anh nhớ tất cả mấy chuyện đó và vân vân…”

Chính đó là điểm người cha va chạm phải thực tế. Thằng nhỏ không để ý gì hết. Chưa bao giờ nó để ý “dù chỉ một chút”.

Nhưng câu chuyện có được một đoạn kết may mắn. Thằng nhỏ có quan tâm đến một chuyện, và con sẽ ngạc nhiên khi ba cho con biết rằng nó đang đóng vai quan trọng trong vở kịch tối thứ sáu này đó. Nó không thích chơi banh. Nó thích đóng kịch, và hiện nay nó là một diễn viên xuất sắc của trường. Điều nó thích là đóng kịch!

Còn người cha thì sao? Ba hài lòng cho con biết rằng hai ba nhà phân tâm với một lô toa thuốc, cũng đã làm cho người cha hình như hiểu được vấn đề. Luôn luôn giữ miệng cho thích hợp thật là khó!

Ông chưa hoàn toàn, và có lẽ sẽ không bao giờ được như ý. Nhưng ít ra ông cũng đã đổi ý và cậu ấy đã có thể sống với ông. Bây giờ thì người cha vừa đi phố vừa rêu rao: “Hollywood đã cho người tới thám thính ở đây vào tối thứ sáu này, để coi thằng con tôi diễn tuồng ra sao. Họ trả lương kịch sĩ lớn lắm! Thấy chưa? v.v…


Gần đây ba vui mừng vì thấy cả hai cha con đã ngồi bên nhau trong nhà thờ. Người chữa trị tâm bệnh thật là “cừ”! Từ nhiều năm, người cha sầu muộn đó đã không tới nhà thờ chung với gia đình. Ông có thể hát, đọc kinh v.v…. Nhưng một bài giảng ngắn nhất cũng mất 20 phút rồi – ôi chao. Con dư hiểu rồi đó nhé!

Chàng Dũng muốn lớn lên theo đường thích hợp, nhưng ba chàng đã không chịu.Thật ra chẳng phải đứa con 14 tuổi to xác này đã tạo nên hỏa ngục. Con biết ai rồi đó!

Có nhiều cách để giáo dục con người, có nhiều cách để lập luận khác nhau, nhưng chỉ có một cách chắc chắn nhất để tạo nên hỏa ngục: Đó là bắp ép người khác phải làm theo đường lối của con!

Vì thế có lúc rồi Vĩnh Sơn sẽ ước ao trở lại thời thơ ấu và muốn sống lại tuổi trẻ. Chàng sẽ muốn sống như một đứa trẻ.

Điều này phần lớn chỉ có trong tiềm thức. Có lẽ chàng sẽ không để lộ phần tuổi trẻ đó quá sớm đâu. (Ba đang đọc một tác phẩm giá trị về tâm lý. Tác giả quả quyết rằng ai ai sống ở trên đời cũng tranh đấu để được trở vào lòng mẹ lần nữa, vì nơi đó thật ấm cúng và không lo phiền gì cả).

Một vài điểm làm cho ba nhức đầu, nhưng những gì ba có thể hiểu, thật có ý nghĩa. Ba chắc điều đó cũng có ý nghĩa đối với con. Ba hy vọng thế, vì thỉnh thoảng con phải để cho chồng của con ngả đầu lên đùi con và được mơn trớn vuốt ve như người mẹ đối với một đứa con.

Thôi, bây giờ nói về con người bắp thịt. Ba không có thì giờ gặp bác sĩ thần kinh chữa trị cho ba của Dũng, để hỏi xem vợ của ông ta có biết gì về tánh ích kỷ của đàn ông và làm thế nào cho bớt tánh đó.

Dù sao thì cũng không nên trách bà ta làm gì. Biết đâu bà đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn chưa đạt được mức cần thiết. Nhưng con thì phải đạt được nếu con tự nhủ rằng cũng có nhiều khi chàng của con muốn bước ra sân khấu cuộc đời, và tỏ ra ta đây là kẻ cả. Những lúc đó, chàng muốn con vỗ tay tán thưởng chàng, khi con đứng đàng sau nhìn chàng. Chàng ưng thích con khôn khéo một chút để biết ơn cánh tay bắp thịt của chàng.

Trong phần đầu bức thư ba có viết rằng loại máu anh hùng đó chỉ là đề tài của ca kịch. Tuy nhiên có một anh hùng như thế cũng tốt trong cuộc sống thật của kịch trường tình yêu do một người vợ khôn ngoan và một người chồng hạnh phúc đồng trình diễn.

Kịch sĩ Chekhov cho biết, những vở kịch của ông sẽ chỉ làm khán giả thất vọng nếu như họ không hiểu chủ đích của ông. Ông nói nhiệm vụ của người viết kịch chỉ là đặt vấn đề. Còn chính khán giả mới là người phải tìm ra đường lối giải quyết.

Nếu viết đến đây mà chấm dứt lá thư theo kiểu vở kịch của Chekhov thì thật là khổ.


ĐÂY là một điểm ba muốn nói cho con hiểu, đối với đàn ông phải như thế nào. Ba có thể bảo con phải tìm hiểu thêm những bí quyết đó. Nhưng dù sao, tất cả những điều ba có thể nói với con chỉ tóm lại một điểm chính là ba không phải đàn bà.

Bây giờ đây thì đã tới đoạn kết. Ba muốn kết thúc lá thư đặc biệt này bằng một phước lành. Ta hãy gọi là “Phước lành cho người đàn ông may mắn”.

Phước cho người đàn ông nào có được người vợ biết cảm mến sức mạnh đàn ông của chồng, nhưng thỉnh thoảng lại âu yếm chàng như một người mẹ vỗ về đứa con.

Chúc con có được những tiếng hoan hô tiếp ứng kèm theo bản năng làm mẹ
Ba.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.