Type Here to Get Search Results !

Thư gửi Kim Loan (18)


Thư thứ 18:
NHỮNG ĐỒNG TIỀN HẤP DẪN

Kim Loan, con cưng của ba,

Khi mới thành hôn và còn ở trong trường thần đạo, ba má thường hay tới kho của dãy hàng bán thực phẩm. Trong đó có một chỗ người ta xếp các thứ hộp lên tới trần nhà kho.Thật là như đứng trước một núi hộp. Thôi thì có đủ cỡ, đủ loại, đủ hình thù hộp lớn hộp nhỏ.

Tuy nhiên có một điểm khác biệt nầy giữa các loại hộp ở trong kho và những hộp con nhìn thấy trong tiệm thực phẩm của con.Những hộp đó không có nhãn hiệu.

Chỉ thiếu chút xíu đó thôi mà người ta bán rẻ hơn, 20 đồng một hộp. Những người lựa hàng đã dẹp ra một bên và coi như đồ hư, có nghĩa là có hộp bị móp nhiều và có hộp bị mốp chút ít, phải chuyên môn lắm mới thấy được.


Người giữ kho chỉ bảo đảm một chuyện là trong hộp vẫn có đầy đủ thực phẩm các loại. Ông cũng chắc chắn rằng là không có thực phẩm nào trong đó bị thúi, nhưng ông nói: “Một trăm bạc mà quý vị bỏ ra có mất mát gì đâu! Quí vị trả tiền và nhận món hàng mình chọn”.

Nhưng con thử nghĩ coi làm sao mà phân biệt được một hộp táo với một hộp lê? Làm sao mà chỉ lắc nghe đủ để biết phân biệt một hộp cà rốt và một hộp bắp? Thế mà má con và ba hầu như không thể lầm khi lắc nghe các hộp thực phẩm này đó.

Dĩ nhiên nhân vô thập toàn, thế nào chả có lúc lầm lẫn. Chính vì thế mà thỉnh thoảng ba má đem ra một hộp ăn tráng miệng lại trúng nhằm hộp ớt. Lắc thì nghe giống như hộp trái cây đủ loại vậy. Có lần cũng vớ được những món thật rẻ. Những khi đó vừa được một mẻ cười vừa được ăn ngon. Thật ra chuyện đó cũng vui. Ba má cứ trông đợi đến kỳ đi thăm núi đồ hộp mỗi nửa tháng.

Cứ trả 2.000 đồng là mua được 100 hộp đủ thứ thức ăn. Người giữ kho nói đúng, thứ nào cũng tốt và ngon cả. Dĩ nhiên là cũng có những lần ba má ước ao vào tiệm đàng hoàng mua như người ta, để khỏi phải ăn những thứ ít thay đổi này. Nhưng bây giờ nhìn lại lúc đó, ba má coi những ngày đó là những kỷ niệm vui nhứt. Kinh Thánh nói: “Nên để người đàn ông mang ách trong thời niên thiếu là tốt nhất”. Và dĩ nhiên đối với đàn bà cũng thế. Nếu người nam người nữ phải cùng đối phó với nhu cầu sống thật nhiều cho tình yêu trong những năm đầu như thế là tốt đẹp nhất.

Căn nhà con đang ở không quan trọng bằng con người đang sống trong nhà đó.

Chiếc giường giá bao nhiêu không quan trọng bằng những mộng ước tinh thần trao đổi với nhau.

Bây giờ đây điều con cần nhất không phải là một chiếc bếp mới, cũng không phải bàn ghế mới trong nhà. Nhưng là những tâm tình mới sưởi ấm lòng con. Dù sự thật khó tin, nhưng tài chính eo hẹp thật lại có lợi cho chúng con.

Nói tới tài chính, ba thường thích trưng dẫn câu nói vô danh sau đây: “Tài chính nếu quá chắt chiu tính toán từng li từng tí, thì cũng giống như chiếc áo len dày cộm. Trời lạnh khi bạn cần, bạn phải mặc. Nếu trời hết lạnh, mà bạn cứ mặc, bạn sẽ phải khổ vì ngứa ngáy khó chịu”.

Có lẽ con hiểu người nói câu đó rất đúng. Chắc chắn con sẽ nhận thấy tiền là cần thiết, và cũng có lúc tiền thật là bạc bẽo. Sau đây là một vài bí quyết trong vấn đề chi tiêu, mà con sẽ thấy là quí báu.

Như con biết đó, ở nhà ta, gia đình sống theo châm ngôn này: “Có mười thì cho đi một, giữ lại một, còn bao nhiêu thì vừa chi tiêu vừa cảm tạ Thượng Đế!”

Không bao giờ ba má hối tiếc về ngày mà ba má quyết định như trên. Sau đó dĩ nhiên phải thêm một vài nguyên tắc khác để thay đổi.

Đối với những tâm hồn yếu đuối, không thể có chuyện cho đi một phần. Khi chưa có tiền thì tưởng như dễ giữ châm ngôn này lắm, chứ khi có tiền rồi, thì ai cũng nói “trường hợp của tôi khác, đâu có giống như người ta”.

Có thể là chúng con lý luận: “Để khi nào có tiền nhiều hơn, bấy giờ thì chúng con cho đi nhiều hơn!” Nhưng con không làm thế được đâu. Đây là một chuyện con phải làm hay không làm thế thôi. Đừng đợi.

Con có cả một đời để sống, nhưng con hỏi ba chỉ cho con đường lên thiên đàng ngay khi còn ở dưới đất. Nói theo kiểu tiền bạc, đây là “Cửa Số Một” để khám phá nhiều chuyện lạ lùng.

Ngày nay ba thấy nhiều người vô cùng sợ hãi phải cho. Những con người nhát nhúa đó sợ nhiều thứ lắm. Một trong những mối bận tâm lớn nhất của họ là họ phải chi trước khi nhận được phần của họ.

Sự thật là cũng có một số người vẫn bị ám ảnh bởi ký ức nghèo khỗ dĩ vãng. Ta phải thông cảm cho họ. Thế nhưng nhiều đôi vợ chồng được phước nhiều về triết thuyết ban cho mới. Họ cần phải biết rằng có của không chưa đủ. Của cải phù vân mau qua! Bí quyết của cuộc đời không phải là thu tích cho được nhiều của.

Quyết định cho một phần mười trước cũng có thể là yếu tố an toàn khi gặp lúc thịnh vượng. Bây giờ con chưa thể tưởng tượng được đâu, nhưng rồi có lúc con sẽ thấy chật vật với đồng tiền. Khi đó, những người khác cũng bắt đầu thực hành những luật “cho” tương tự đối với con. Thế nhưng nếu con đã giữ đúng nguyên tắc căn bản trong những năm thiếu thốn, con mới thấy rằng những nguyên tắc đó giống như những thần tài giữ của và con mới thấy thành quả công lao của con.

Do đó đây là nguyên tắc số một: cho một phần mười và cho trước hết! “Giữ lại” một phần mười thứ hai cũng là một điều phải tuân thật mực đúng mức. Có nhiều lý do đáng cho con noi theo.
Một đàng, con có thể tránh được những tiêu xài quá lố, như ba sẽ nói trong thư sau.

Rồi khi cả hai đồng ý một chương trinh tiết kiệm, chúng con sẽ chắc chắn thỏa lòng vì biết rằng có phần đảm bảo cho tương lai. Những ngày giông tố sẽ đến cũng không làm chúng con sợ hãi, vì đã chuẩn bị rồi. Còn vấn đề giáo dục con cái, những chuyến du hành cần thiết để mở rộng chân trời kiến thức, và biết đâu cả chuyện tương lai cưới hỏi của con cái mai sau.

Có được một nguyên tắc rõ rệt để hành động, giúp tâm trí con được tự do hơn để tập trung một cách rõ ràng vào việc làm ở sở. Thời giờ mà đáng lẽ con phải dùng để sầu muộn một cách uổng phí vì chi tiêu thiếu hụt, thì bây giờ có thể dùng để làm việc hiệu quả hơn, sẽ bảo đảm hơn nữa căn bản tối cần cho tương lai của hai con.

Một điều lợi hại nữa là tiết kiệm một phần mười, con không mắc vào tật quá dè sẳn. Trong văn phòng hướng dẫn tâm lý hôn nhân, ba đã gặp những người đáng thương đó. Họ mang một mặc cảm nghèo khó nên dè sản quá mức và như thế càng làm cho họ khổ thêm.

Họ chủ trương rằng khi nào họ có tiền nhiều, họ sẽ được tự do để vui hưởng tiền họ đã để dành. Nhưng có lẽ không bao giờ họ xài như vậy đâu. Nhiều khi còn có thể đọc được điều đó trong ánh mắt của họ. Niềm vui đích thực không thể ở trong kho lẫm, công khổ phiếu hay trương mục lớn ở ngân hàng. Những người đó không buồn vì bị mất của. Nhưng chính mối lo lắng bận tâm về tiền bạc làm cho họ buồn, và càng nhiều tiền bạc làm cho họ buồn, và càng nhiều tiền, họ càng bận tâm lo lắng thêm.

Sự thật phủ phàng đáng thương chính là: Càng có nhiều tiền người ta tưởng mình làm chủ tiền bạc, nhưng trái lại người ta càng trở thành nô lệ của tiền bạc.

Kim Loan con,

Ba muốn kết thúc lá thư này với một nhận xét về một câu ngạn ngữ thường bị hiểu sai: “Tiền bạc là cội rễ của mọi tội lỗi xấu xa!” Đúng ra không nên nói như vậy. Nên nói: “Lòng ham tiền bạc” là nguồn gốc của mọi lầm lỗi.

Vì thế từ nay thỉnh thoảng con phải để mắt mà nhìn xem những khoản nào là thu những khoản nào là chi cho đúng mức. Phải làm sao để những đồng tiền nào ra khỏi túi con thì cũng phải có sức tạo nên những đồng tiền vào.

Đây là luật sống.

Trong khi sáng tạo vũ trụ, Cha Trên Trời đã bao hàm cả những nguyên tắc không sai lầm đó. Vì tình yêu bao la, Ngài đã quan phòng trù liệu cung ứng những nhu cầu cần thiết cho tất cả các con cái Ngài, và Ngài đã tạo dựng vũ trụ để thỏa đáp những nhu cầu đó, Ngài có thể cho con hưởng cả những nguồn lợi thật xa để đáp ứng mọi nhu cầu của con.

Ba hi vọng con sẽ sớm học được chân lý này: Nếu con giữ đúng phần giao ước của con, con sẽ không bao giờ có thể cho ra nhiều hơn phần con nhận lãnh từ Thượng Đế.

Con nhớ cứ hướng thượng.
Ba.


Đăng nhận xét

1 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
  1. :) Cam on ali ! minh rat hieu dieu nay ...cach quan ly tien bac ...vao nhieu ra it ....lam chu no khong de no lam chu vay moi hanh phuc

    Trả lờiXóa