Nguồn VOA
Cũng giống như các tín đồ Công giáo trên thế giới, các tín đồ ở Việt Nam cũng cảm thấy bất ngờ khi nghe tin Đức Giáo hoàng Benedict 16 thoái vị, nhưng bày tỏ hy vọng vào một sự đổi mới trong Giáo hội Công giáo.
Hôm 11/2, Ðức Giáo Hoàng Benedict thứ 16 loan báo Ngài sẽ từ nhiệm vào ngày ngày 28 tháng 2 này vì sức khỏe sút giảm trong mấy tháng gần đây, và Ngài nhận thấy ‘không còn đủ khả năng để hoàn thành trách nhiệm được giáo hội giao phó’.
Cô Đặng Thị Ngà, một giáo dân ở Giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội, cho biết cô bị sốc trước tin về vị Giáo hoàng người Đức.
Cô Ngà nói: "Có. Em cũng cảm thấy bất ngờ. Em nhận được tin cái thì em cũng thấy giật gân quá. Nhưng mà em cũng nghĩ lại là, vì sức khỏe của Người. Người vẫn yếu. Cái bệnh tật của người cũng kéo dài nên Người từ chức. Em bỡ ngỡ thôi nhưng rút cục lại cũng không có gì để mà bàng hoàng lắm. Khi lúc nghe thì thấy rất là bàng hoàng."
Trong khi đó, Giám mục Trần Xuân Tiếu của Giáo phận Long Xuyên, cho biết ông thấy đây là ‘một sự kiện hơi lạ vì đã từ mấy trăm nay rồi chưa có vị Giáo hoàng nào từ chức khi đang cai quản Giáo hội’.
Giám mục Tiếu nói giáo dân nơi ông cai quản cũng cảm thấy bất ngờ trước tuyên bố của Đức Giáo hoàng Benedict 16.
"Lúc đầu thì anh chị em giáo dân cũng lấy làm ngạc nhiên nhưng mà rồi thì họ cũng coi như là những chuyện thường ngày ở trên thế giới vậy thôi. Có vấn đề này vấn đề kia. Nhưng mà họ cũng thấy rằng là cảm phục sự can đảm của ngài. Như vậy chứng tỏ là ngài rất yêu mến giáo hội và yêu mến con người thế nên ngài đã đi đến quyết định như vậy."
Tuy nhiên, bản thân Giám mục Tiếu lại không thấy ngạc nhiên. Ông cho biết ông cảm phục sự can đảm của Đức giáo hoàng.
Giám mục Tiếu cho biết:
"Tôi không thấy ngạc nhiên lắm. Ngài từ chức tôi không thấy ngạc nhiên lắm mặc dù đây là một biến cố hơi lạ đó. Mấy trăm năm mới có. Đối với tôi thì tôi thấy cũng có thể chấp nhận được. Tôi khen Ngài rất cam đảm để mà dứt bỏ tất cả quyền lực của mình."
Việt Nam là nước có số giáo dân Công giáo đông thứ năm ở Châu Á sau Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia.
Dù Việt Nam và Vatican chưa có quan hệ ngoại giao nhưng các mối liên hệ đang dần được cải thiện.
Hồi tháng Một, Đức Giáo Hoàng Benedict 16 tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng sản với một số nghi thức thường được dành cho các nguyên thủ quốc gia.
Vị Giám mục giáo phận Long Xuyên bày tỏ hy vọng rằng sự thoái vị của Đức Giáo hoàng sẽ mang lại một sự thay đổi trong giáo hội.
"Thế giới hôm nay cần những người trẻ trung để có nhiều nhiệt tình, nhiều hăng say hơn để có thể bao quát được nhiều vấn đề cũng như là có thể đi liên hệ với tất cả các nước trên thế giới hay xử lý các vấn đề mới của thế giới. Ngài thì Ngài khôn ngoan nhưng có lẽ cần sức khỏe, cần một sự năng động hơn. Tôi thấy rằng là cần thiết một vị trẻ hơn thì có thể thay cho giáo hội, cho cả thế giới nữa."
Sự kiện Ðức Giáo hoàng Benedict thoái vị đã làm cho cộng đồng Công giáo La Mã trên khắp thế giới suy đoán về người sẽ thay thế Ngài lãnh đạo giáo phái Kitô giáo lớn nhất thế giới.
Nhiều người tin rằng vị Giáo hoàng mới sẽ có thể đến từ các nước đang phát triển, đặc biệt là Mỹ Latinh, nơi mà Công giáo là tôn giáo chính, hoặc châu Phi, nơi mà số người theo Công giáo đang tăng lên.
Nhưng cũng có một số người cho rằng Đức giáo hoàng tiếp theo có thể đến từ Bắc Mỹ, có nghĩa là Canada hay Hoa Kỳ.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.