Nước Mỹ đang trong tình trạng bị choáng váng chưa biết đến khi nào mới hết thì lại bị rung chuyển bởi hệ luỵ của vụ việc người Mỹ da đen 46 tuổi George Floyd bị một viên cảnh sát người da trắng ghì cổ cho tới chết ngạt trong khi 3 viên cảnh sát khác cũng da trắng đứng cạnh nhìn ở bang Minneapolis ngày 25/5 vừa qua.
Bức tranh chủ đạo trên các đường phố ở Mỹ là hỗn loạn và bạo lực, phẫn nộ và đối kháng. (Nguồn: REUTERS/Christian Hartmann) |
Căn bệnh nội sinh
Tại rất nhiều nơi trên khắp nước Mỹ và cả ở bên ngoài nước Mỹ dấy lên làn sóng biểu tình phản đối vụ giết người dã man này. Ở nước Mỹ, từ xưa tới nay khi nào chẳng thế, cứ có biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc và mầu da, chống bạo lực của cảnh sát và chống những hành động vô nhân đạo, bất chấp đạo lý và luật pháp của cảnh sát người da trắng đối với người da mầu ở đất nước này thì luôn đi cùng với sự trấn áp của cảnh sát, luôn xảy ra xô sát và xung đột, bạo lực và phá phách, tạo nên bức tranh chủ đạo trên các đường phố ở Mỹ là hỗn loạn và bạo lực, phẫn nộ và đối kháng.
Chỉ tác động của dịch bệnh không thôi cũng đã đủ để làm cho nội bộ xã hội nước Mỹ chẳng khác gì thùng thuốc nổ mà bất cứ khi nào cũng có thể nổ tung. Trong bối cảnh tình hình như thế, chỉ cần một vụ việc nhỏ nhoi thôi chứ không cần đến vụ việc cảnh sát người da trắng sát hại người da đen công khai giữa ban ngày ban mặt trước sự chứng kiến của 3 viên cảnh sát khác cũng đã đủ để một căn bệnh nội sinh từ hệ thống và cấu trúc chính trị xã hội nước Mỹ tái bùng phát như khối ung nhọt lại bung nứt.
Như năm 1968 khi mục sư Martin Luther King bị ám sát. Như năm 1991 khi cảnh sát ở Los Angeles bạo hành Rodney King. Hay như năm 2014 khi cảnh sát ở Fergusson bắn chết Michael Brown. Căn bệnh kinh niên này của nước Mỹ có tên gọi là phân biệt sắc tộc và mầu da, là bạo lực của cảnh sát nhằm vào người da mầu ở Mỹ, là sự phân hoá trầm trọng và sâu sắc thêm theo thời gian về xã hội làm cho trong nội bộ xã hội luôn có đối kháng và bất hoà chứ không đoàn kết và đồng thuận.
Cả mấy trăm năm sau khi hình thành, nước Mỹ càng phát triển càng có thêm nhiều nghịch lý. Cường quốc thế giới đấy về kinh tế, quân sự, kỹ thuật và công nghệ nhưng bất bình đẳng xã hội lại rõ ràng và trầm trọng hơn nhiều và mạng lưới an sinh xã hội lại bất cập hơn nhiều so với tất cả các nước công nghiệp phát triển khác. Xã hội Mỹ không phải pha trộn thế giới của người giàu với thế giới của người nghèo, của người da trắng với người da mầu mà tách bạch trên thực tế hai thế giới ấy với nhau.
Nước Mỹ tự lấy chính danh là một hợp chủng quốc mà qua hơn hai trăm năm rồi trong thế giới đã thay đổi rất cơ bản, người da trắng ở Mỹ vẫn tự nhìn nhận họ như ở thời lập quốc là có quyền đối xử với người da mầu như thế nào cũng được. Không phải người da trắng nào ở Mỹ cũng vậy nhưng chắc chắn đa số như thế, đặc biệt ở trong bộ máy công quyền nhà nước, tư pháp và cảnh sát. Chỉ nhìn nhận như thế mới có thể lý giải được vì sao chẳng có tổng thống nào ở Mỹ đến nay, kể cả Barack Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên người gốc châu Phi, chữa chạy nước Mỹ khỏi được căn bệnh này và vì sao nước Mỹ tái phát bệnh cũ hết lần này đến lần khác.
Ở thời ông Donald Trump lại càng không. Nước Mỹ ở thời này tôn vinh rõ ràng và đầy đủ hơn ở thời của tất cả mọi người tiền nhiệm những giá trị "đặc sệt Mỹ cổ điển" như tôn thờ vật chất, đề cao cá nhân, sùng bái các quyền tự do của cá thể trong xã hội, sự ngạo mạn của người da trắng trước người da mầu,.... Năm 2016, sách lược vận động tranh cử tổng thống của ông Trump là khoét sâu phân rẽ chứ không đoàn kết, thái cực hoá chứ không dung hoà chính trị xã hội nội bộ Mỹ.
Thêm một cơ hội
Ở cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện tại, ông Trump cũng vậy. Người này ý thức được rằng năm nay chắc chắn vẫn sẽ không thể giành về được đa số phiếu bầu phổ thông nên phải tranh thủ bằng mọi giá sự ủng hộ của bộ phận cử tri truyền thống mà chủ yếu là người Mỹ da trắng. Quốc gia lâm vào khủng hoảng luôn tạo cơ hội cho người lãnh đạo ở Mỹ thể hiện khả năng và bản lĩnh, gây dựng uy tín cá nhân và chinh phục nhân tâm.
Dịch bệnh đem lại cơ hội như thế nhưng mọi dấu hiệu đến nay đều cho thấy ông Trump đã không tận dụng được. Giờ đến chuyện này, ông Trump lại có thêm một cơ hội nữa. Chuyện này làm cho dịch bệnh mai một tính thời sự bức bách ở nước Mỹ và lại còn động chạm trực tiếp hơn và mạnh mẽ hơn tâm lý của bộ phận cử tri da trắng vốn luôn ủng hộ ông Trump ở Mỹ cho đến nay.
Ông Trump hiện đang tìm cách không bỏ lỡ cơ hội này khi không nỗ lực chạy chữa tận gốc rễ căn bệnh kinh niên kia của nước Mỹ mà tập trung gây dựng hình ảnh về "Tổng thống của pháp luật và trật tự" để khai thác triệt để tác dụng dân tuý của chiêu thức này. Hiện không thể loại trừ khả năng ông Trump sẽ thành công với nó bởi nước Mỹ luôn đầy rẫy biến cố bất ngờ về chính trị xã hội nội bộ và bởi ở đấy đã từng có tiền lệ.
Năm 1968, nước Mỹ lâm vào tình trạng hỗn loạn và bạo lực như hiện tại sau khi mục sư Martin Luther King bị ám sát. Nhưng người thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó ở nước Mỹ không phải là người thuộc phe Đảng Dân chủ mà là người thuộc phía Đảng Cộng hoà như ông Trump hiện tại có tên gọi là Richard Nixon.