Thay vì đi theo lối mòn của phim tài liệu hình sự thường căn ke từng hành vi phạm tội và nhét sao cho nhiều chứng cứ nhất vào tập phim... Trial by Media mổ xẻ các vụ án đình đám dưới con mắt báo chí.
"Tôi luôn băn khoăn về việc chúng tôi đang làm vì khi đưa tin, chúng tôi đã trục lợi từ những kẻ vốn trục lợi từ người khác. Liệu chúng tôi có làm tổn hại đến người trong cuộc hay không?
- Nhà báo Lori Brasier
Loạt phim khuấy tung lại bầu không khí náo loạn của những vụ kiện với cảnh phóng viên vây kín tòa án, những luật sư thân với báo giới còn hơn với thẩm phán và đủ các chiêu trò tẩy đen thành trắng hoặc hóa trắng thành đen, xám, ngà.
Nguồn hình ảnh: megastreaming |
Cuộc chiến màu da, những chương trình thực tế "phục kích"...
"Luật pháp là thứ khá nguyên tắc, bạn phải tuân theo các luật lệ nhất định, nhưng cũng như kỹ thuật của các họa sĩ hay nghệ sĩ khác, ta cần phương tiện truyền tải. Tôi biết phương tiện truyền tải của pháp luật. Và nghệ thuật của tôi chính là nghệ thuật kể chuyện" - luật sư Geoffrey Fieger tuyên bố.
Geoffrey Fieger đã có dịp phô trương nghệ thuật kể chuyện trong vụ kiện giữa gia đình Scott Amedure và chương trình The Jenny Jones Show. Ông tung hứng trước các nhà báo, truyền cảm hứng cho bồi thẩm đoàn và chẳng ngại lên sóng truyền hình như một ngôi sao công lý.
Cánh phóng viên bị chia làm hai, một bên tấn công những chương trình thực tế "phục kích" tựa The Jenny Jones Show, vốn lấy biểu cảm bất ngờ của các nhân vật làm yếu tố gây sốc và bất chấp hậu quả. Phía còn lại quyết bảo vệ quyền tự do của những nhà sản xuất truyền hình.
Dư luận cuốn theo những bài báo in vội lúc 2h sáng, lúc thiên về nạn nhân, lúc chỉ trích, bĩu bôi và tạo áp lực cho phiên tòa, để rồi cho ra những kết quả cũng nghiêng ngả nốt.
Trong vụ án về Amadou Diallo, một thanh niên da màu đứng trước nhà, tìm chìa khóa mở cửa đã vô tình lọt vào ánh mắt nghi ngờ của bốn cảnh sát da trắng. Amadou nhận 41 phát đạn liên tiếp vào ngực, không chống cự, không có cơ hội bỏ trốn.
Những tưởng vụ việc sẽ đi đến một bản án đích đáng, nhưng rồi công chúng bị chia rẽ bởi cuộc chiến màu da. Từ các đoàn thể bảo vệ người da màu cho đến nhà thờ, chính quyền, người dân địa phương đều bị lôi kéo vào chuỗi ngày nặng trĩu bầu không khí thù địch. Phe nào hô khẩu hiệu to hơn, chạm được đến bồi thẩm đoàn, người ấy trở thành kẻ chiến thắng.
Dù câu chuyện xảy ra năm 1999, bộ phim đã tô một liên tưởng xám xịt lên cái chết của người đàn ông da màu George Floyd - nguồn cơn của làn sóng biểu tình đang bùng nổ trên toàn nước Mỹ. Một lần nữa, dư luận chia năm xẻ bảy và phép thử Amadou lại hiện về khi ngày ấy trong phiên tòa, bốn viên cảnh sát đã được tha bổng...
Tin tức trôi qua, nhưng nạn nhân vẫn mắc kẹt với quá khứ
Bộ phim đã mở rộng cánh cửa của các phiên tòa, những bài báo và loạt phóng sự dẫu khiến tình hình càng thêm rối loạn, ngược đời thay, cũng khiến công chúng đứng lên dấn thân cho thứ họ tin là lẽ phải.
Khởi đầu là một vụ án, tiếp theo là những sợi dây giới luật sư đang giật và những tin tức ra rả nhưng đến cuối cùng, chính người dân phải nhận thức được công lý và đấu tranh vì cuộc sống của bản thân, gia đình.
Trial by Media không nhấn mạnh các tiểu xảo truyền thông - những điều Machiavelli đã bàn đến tận cùng trong sách Quân vương ra đời cách đây 600 năm, mà về điều Machiavelli không nói: đằng sau những mánh khóe đó, mẩu bánh mì sự thật sẽ còn lại mấy phần, cán công lý sẽ bị nghiêng vẹo đến mức nào.
Mỗi vụ án trôi qua, nhóm đạo diễn lại đi sâu hơn vào góc khuất suy nghĩ của những người từng tham gia phiên tòa.
Nhà báo Lori Brasier tự vấn: "Tôi luôn băn khoăn về việc chúng tôi đang làm vì khi đưa tin, chúng tôi đã trục lợi từ những kẻ vốn trục lợi từ người khác. Liệu chúng tôi có làm tổn hại đến người trong cuộc hay không?". Có những gia đình dời đi nơi khác, căm ghét mọi cuộc phỏng vấn và cũng có người bị phóng viên vây quanh khi vừa đặt chân khỏi nhà tù.
Bản thân bộ phim cũng dẫn dắt cảm xúc người xem theo nhiều chiều hướng mâu thuẫn: có khi khán giả thấy mình đứng về phía công tố với mong muốn kẻ thủ ác phải nhận bản án xứng đáng, lại có thời điểm chúng ta hồ hởi với mưu mẹo luồn lách của họ.
Suy cho cùng, con người là một sinh vật truyền thông, theo nghĩa phụ thuộc vào cách kể chuyện, chúng ta có thể phán quyết điều gì đó là chân lý hoặc không.
Dẫu chẳng thể thay đổi thực tế trên, bộ phim vẫn muốn nhắc giới báo chí và dư luận trước khi đặt bút xuống hoặc buông lời phán xét ai đó hãy nhớ lại thật kỹ gương mặt chán chường của những con người ở cuối mỗi vụ án.
Tin tức liên tục trôi qua trong từng khoảnh khắc, chỉ có những nạn nhân là sống mãi với quá khứ.