Lời bài hát Nhà em ở lưng đồi
Sáng tác: Đức Trịnh
Lời thơ: Lê Tự Minh
Hình ảnh: Nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh
Nhà em ở lưng đồi
Nơi chim rừng thánh thót
Bầu trời xanh dịu ngọt
Gió tràn về mênh mang
Nhà em giữa nắng vàng
Con suối tràn bờ đá
Hương rừng thơm mùa hạ
Đường chiều về quanh co
Nhà em ở lưng đồi
Mẹ cười bên nương ngô
Mừng năm nay được mùa
Theo tiếng khèn xuống phố
Nhà em ở nơi đó
Theo cha bẫy gà rừng
Cùng lũ bạn tới trường
Tuổi thơ xanh vời vợi
Nhà em ở nơi đó
Hoa nở trắng cánh rừng
Bầy ong theo mùi hương
Về bên kia khe núi
Nhà em ở nơi đó
Chập chờn những giấc mơ
Nơi dâng trào thương nhớ
Em về nơi lưng đồi
Cảm nhận bài hát
T
rong chuyên mục Cảm nhận bài hát/Review bài hát, tôi thường giới thiệu những ca khúc và viết cảm nhận của bản thân về ca khúc đó. Hôm nay tôi muốn giới thiệu một bài hát hay khác, bài hát có tên là Nhà em ở lưng đồi.
Nhà em ở lưng đồi là nhạc phẩm được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Đức Trịnh, theo lời thơ Lê Tự Minh. Kể từ khi ra mắt vào đầu 2018, ca khúc này đã được nhiều ca sĩ thể hiện và để lại dấu ấn với người nghe, trong đó có Thùy Chi.
Tôi bắt gặp bài hát này trong đề xuất của Youtube. Nó nhanh chóng chạm tới nơi sâu thẳm nhất trái tim tôi bởi ca từ bài hát như đang vẽ nơi mà tôi sinh ra cho đến khi trưởng thành. Chỉ thiếu dòng suối chảy ra từ những mạch nước ngầm tựa như nguồn sống dưỡng nuôi cuộc đời tôi khôn lớn.
Hiếm thấy một bài hát có ca từ thướt tha, đẹp mỹ miều và trong trẻo tựa mặt nước hồ thu trong thời đại này, đặc biệt là với âm nhạc Việt. Tôi không có ý chê nhạc Việt dở, nhưng thực sự hiếm thấy tác phẩm âm nhạc nào có ca từ đẹp trong một vài thập niên trở lại đây.
Bài hát là một bức tranh đẹp. Trong đó có hình ảnh của núi, rừng, có những con dốc thoai thoải, có cây lớn-nơi những tấm lưng người lên nương dựa vào trong những buổi trưa oi nồng, lại có những đứa trẻ tung tăng vui đùa, đong đầy tuổi thơ bằng những buổi tắm suối tắm sông vào buổi xế chiều,... Đó là một tuổi thơ, là xứ sở thần tiên mà những đứa trẻ có được. Là trẻ thơ, chúng chỉ cần chơi đùa và làm những gì mình thích, chẳng ai dạy chúng cách miệt thị những đứa trẻ có "điều kiện" hơn, chúng chỉ biết những đứa trẻ khác đều là bạn, chơi với nhau và lớn lên.
Một điểm đáng chú ý góp phần làm cho bài hát trở nên có cảm xúc hơn chính là phần phối khí. Nếu trong bản của Thùy chi, violon là chủ đạo thì bản của Thu Hằng nổi bật bởi tiếng sáo mèo. Nhưng tôi xem bản của Thu Hằng chẳng thấy cái sáo mèo đâu, chỉ thấy cây sáo tầm thường kiểu như đóng clip xong là vứt đi, thêm vào đó, cái vũ điệu lại chấm phá theo bản múa của Cáp Ni khắc Tư nên tôi đánh giá bản đấy chỉ là bản vá đắp cho đẹp chứ giá trị thì rất tệ. Riêng bản của Thùy Chi thì tâm điểm trong các bài hát chính là giọng của Thùy Chi. Với tôi như vậy là đủ.
Nhà em ở lưng đồi là một bài ca đáng để nghe. Một ca khúc cho chúng ta cái cảm giác bình yên, từ từ dựa lưng vào ghế, khẽ nhắm mắt để mặc cho tiếng hát và ca từ dẫn lối tâm hồn ta đi. Một khung trời dịu mát, dịu dàng như những cơn gió thoảng qua tắm mát những tâm hồn giữa bộn bề tất bật. Cảm ơn người nhạc sĩ, cũng không quên cảm ơn tiếng hát dịu ngọt của Thùy Chi để cho ra một tác phẩm âm nhạc "đỉnh" như vậy.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.