Việc có các kiến thức về các thành phần cơ bản của một website sẽ giúp ích rất nhiều cho khách hàng trong quá trình thiết lập cũng như duy trì hoạt động của trang web giới thiệu công ty hoặc bán hàng qua mạng. Khách hàng sẽ tránh được những vấn đề vượt khỏi khả năng kiểm soát như: website ngừng hoạt động mà không rõ vì sao, tên miền đã hết hạn nhưng không biết cách duy trì, thông tin trên website đã cũ nhưng không biết cách cập nhật,...
Một website sẽ gồm có các thành phần cơ bản như sau:
1. Tên miền:
Tên miền, hay domain name, có thể được xem là thành phần quan trọng nhất của một website. Tên miền là thành phần xác định danh tính của website trên môi trường mạng Internet. Tên miền thuộc quyền sở hữu của người đăng ký. Người đăng ký phải thanh toán chi phí đăng ký và duy trì hằng năm (hoặc nhiều năm) tại một trong những Nhà Đăng Ký Tên Miền và đại lý của họ. Người đăng ký có thể chuyển việc quản lý tên miền giữa các Nhà Đăng Ký Tên Miền khác nhau mà không đánh mất quyền sở hữu tên miền.
Điều quan trọng nhất mà khách hàng cần quan tâm khi đăng ký tên miền là: Nhà Đăng Ký phải xác nhận quyền sở hữu tên miền thuộc về Người Đăng Ký, và cam kết tạo điều kiện để Người đăng ký chuyển quyền quản lý tên miền sang Nhà Đăng Ký khác khi có nhu cầu. Khách hàng cũng cần yêu cầu cung cấp hóa đơn và lưu giữ các hóa đơn này để có cơ sở giải quyết tranh chấp về sau.
2. Hosting:
Hosting, hay web hosting - gói lưu trữ web, là nơi chứa nội dung của website, được xác định bởi phần thiết lập DNS của tên miền. Hosting có nhiều dạng:
- Shared hosting: Dành cho các website nhỏ, giới thiệu công ty, hoặc trang web bán hàng mới thành lập, chưa có nhiều giao dịch. Ưu điểm: giá cực rẻ, triển khai cực nhanh (thanh toán là có ngay hosting), có sẵn công cụ quản lý hosting bằng giao diện web. Nhược điểm: độ bảo mật không cao (do có hàng trăm, hàng ngàn website được lưu trữ chung trên một máy chủ), khách hàng không có quyền cài đặt các ứng dụng đặc biệt lên máy chủ, khả năng chịu tải kém, độ ổn định không cao (chỉ cần một website bị DDoS có thể làm gián đoạn tất cả các website còn lại). Chi phí cho giải pháp này khá rẻ, từ 50-200USD/năm.
- Dedicated Server (Máy chủ riêng): Đây là giải pháp tốt nhất cho việc lưu trữ nội dung website, thích hợp cho các website có lượng giao dịch lớn, cần độ an toàn cao, đặc biệt các website có tích hợp giải pháp thanh toán ngay tại website. Ưu điểm: an toàn, ổn định, chịu tải cao. Nhược điểm: đắt đỏ. Tùy vào cấu hình cụ thể của mỗi máy chủ mà giá cả có thể biến động, nhưng nhìn chung chi phí cho giải pháp này khá lớn, từ 100-300USD/tháng.
- VPS (Virtual Private Server, máy chủ riêng ảo): Đây là một giải pháp tiết kiệm hơn so với giải pháp máy chủ riêng. Nhà cung cấp dịch vụ có thể dùng một máy chủ thật để chia tách thành nhiều máy chủ riêng ảo có dung lượng đĩa cứng, bộ nhớ RAM, tốc độc CPU,... phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng. Ưu điểm: có được một máy chủ rie6gn (ảo) với chi phí rẻ, độ bảo mật cao hơn giải pháp shared hosting. Nhược điểm: Vẫn lệ thuộc vào máy chủ chung, độ an toàn không cao, độ ổn định không cao. Chi phí dao động từ 50-100USD/tháng.
Khách hàng có thể thay đổi nhà cung cấp dịch vụ hosting bất cứ lúc nào. Việc xác định nơi đặt hosting cho website được thực hiện thông qua công cụ quản lý DNS của tên miền (được cung cấp bởi Nhà Đăng Ký Tên Miền).
3. Web contents:
Web contents, hay còn gọi là mã nguồn của website, là thành phần tạo nên giao diện và các chức năng của website. Tùy vào yêu cầu cụ thể của mỗi khách hàng mà chi phí cho việc thiết kế và phát triển nội dung cho website có thể khác nhau. Web contents sẽ được khách hàng thuê một công ty thực hiện và thanh toán chi phí một lần duy nhất. Ngoài ra, khách hàng có thể yêu cầu công ty đó cung cấp dịch vụ quản lý, hỗ trợ kỹ thuật theo hợp đồng trọn gói hằng năm (thường bằng tối đa 20% chi phí thiết lập/năm).
Khi ký hợp đồng với một công ty, khách hàng cần yêu cầu công ty đó cam kết cung cấp toàn bộ mã nguồn của website dưới dạng nguyên bản, không mã hóa. Ngoài ra, khách hàng có quyền yêu cầu công ty đó cam kết không vi phạm bản quyền phần mềm.
Nhằm đảm bảo cho website hoạt động liên tục, ổn định và dễ dàng kiểm soát khi xảy ra sự cố, khách hàng chỉ nên chọn duy nhất một nhà cung cấp cho tất cả các thành phần trên. Khi không còn hợp tác được, khách hàng chỉ việc chuyển tất cả sang nhà cung cấp khác tốt hơn.