Type Here to Get Search Results !

Ẩm thực Nhật bản: Những món ăn không thể bỏ qua

Gindara saikyo-yaki

  
Một chiếc vỉ sắt nhỏ cháy từ từ đặt trên than nóng, những miếng cá xanh hoàn hảo mỏng manh, mềm ướt, ngọt ngào đầy tính gợi mở và những gia vị hấp dẫn không thể cưỡng lại… đang diễn ra trước mắt bạn. Cá tuyết - tự thân nó đã là một vẻ đẹp nhưng khi được tẩm ướp trong tương Miso, sẽ đem đến một cảm giác thơm ngậy của bơ rất khỏ diễn tả bằng lời và thậm chí, ngừng lại việc thưởng thức cũng là một chuyện khó khăn. Người Nhật Bản từ thời xa xưa đã phát triển kĩ thuật này với mục đích bảo quản cá trước khi phát minh về chiếc tủ lạnh được ra đời. Những ngày xưa cũ dù đã qua từ lâu song tình yêu dành cho món Saikyo-yaki vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Các thực khách đặc biệt yêu thích món Gindara saikyo-yaki ở Ginka. Đó là một cửa hàng bán himono (cá khô) ở vị trí vô cùng kín đáo.

Thịt ngựa

Với sự sơ chế đặc biệt, thịt ngựa sẽ trở nên non mềm, có hương vị ngọt nhẹ nhàng và không còn khô cứng nữa. Bí quyết là gì các bạn biết không? Phơi khô thịt sẽ làm đọng lại hương vị và giúp các thớ thịt căng ra đến độ hài lòng. Cũng bởi màu sắc hồng nhạt của nó mà người Nhật thường gọi thịt ngựa là sakuraniku (tạm dịch là món thịt hoa anh đào ^^). Thịt ngựa chủ yếu xuất hiện trong món basashi - thịt ngựa sống, bao gồm những miếng thịt được thái lát mỏng tang như giấy, nhấn chìm trong nước tương trộn với gừng đỏ, thường xuyên được phục vụ tại Izakayas.
  
Bạn có thể đến Minoya, một trong những nhà hàng thịt ngựa lâu đời nhất ở Shitamachi tại Tokyo để thưởng thức sakuranabe. Một chiếc chảo nóng gồm thịt ngựa chìm trong tương miso được đun sôi cùng với naganegi ( tỏi tây Nhật Bản) và ăn kèm với một chút mỳ shirataki sẽ khiến bạn thích thú.

Warabi mochi

Sóng sánh, lúc lắc nhè nhẹ, ngọt ngào và lành lạnh mỗi khi chạm vào - warabi mochi có vẻ giống với thạch Jell-o, chỉ trừ có một điều là nó ngon hơn thế. Về mặt kĩ thuật, từ “mochi” có chút nhầm lẫn trong việc gọi tên. Warabi mochi không phải làm từ gạo mà là tinh bột cây dương xỉ. Thành phẩm chính là những miếng cuộn trong suốt ngon lành cùng với kinako - bột đậu nành.
  
Sẽ không khó khăn để tìm mua warabi mochi ngay trong tiệm đồ ăn Nhật bất kì gần nhà bạn, đặc biệt là trong những dịp hè. Món ăn này cũng có thể tìm mua tại những cửa hàng wagashi (bánh kẹo kiểu Nhật) như là Kazuya.

Umi-budo

Lóng lánh như những hạt cườm nhỏ xíu với sắc xanh, umi-budo trông giống những viên ngọc bích hơn là một loài rong dưới đáy biển. Được gọi là “nho biển” thu nhỏ thế nhưng đây lại không phải là nho, mà là một loài thực vật biển mọc theo cụm ở Okinawa. Khi bạn cắn một miếng, nó sẽ phồng lên một chút rồi nổ “pốp” ngay trong miệng, tạo ra những tiếng lạo rạo đầy phấn khích trước khi vị mặn tuyệt hảo của nó chạm tới khẩu vị của bạn. Thật thú vị phải không nào?
  
Ở những nhà hàng tại Okinawa như Dachibin, umi-budo được phục vụ kèm với sốt Ponzu để mang đến sự cân bằng hài hòa giữa vị chua và vị ngọt.

Sushi

Sushi thực sự là một trong những món quà ẩm thực mà Nhật Bản dành tặng thế giới. Hầu hết những gì thơ mộng nhất lại nằm ở những thứ bình dị mà bạn không hề nghĩ tới. Sushi ngon dựa vào hai điều: sự tươi mới của nguyên liệu và kĩ thuật dùng dao điêu luyện của người đầu bếp.
Bất kể bạn yêu thích sushi như thế nào, cá sống được phủ lên cơm cuộn trộn giấm, cuộn tròn trong rong biển hay được đặt vào giữa những khoanh gỗ hình chữ nhật, thì những suất sushi ngon lành vẫn được tìm thấy dễ dàng ở mọi mức giá.
  
Sushi ở Sushisho Masa tại Roppongi là một sự hoàn hảo. Từng miếng sushi đều được phục vụ với sự chỉ dẫn hết sức tinh tế và đặc biệt để thực khách có thể thưởng thức sao cho đúng cách. Với sự dao động trong khoảng 20.000 yên một người, điều đó cũng có chút khoa trương, nhưng sự hoàn hảo nào có cái giá rẻ đâu?

Chirashi-don

Chirashi-don được kết hợp giữa sự giản dị tao nhã của những miếng cá sống tươi ngon với sự thoải mái từ bát cơm dung dị hàng ngày - donburi. Món đặc biệt tại Uogashi Senryo chính là Kaisen hitsumabushi, một loại chirashi donburi được trộn với rất nhiều miếng cá sống và được đặt trên cùng là uni - nhím biển và ikura - trứng cá hồi.
  
Thưởng thức món ăn này là cả một quá trình bao gồm nhiều thủ tục, gần như một nghi lễ vậy. Cá và cơm ban đầu được trộn với dầu đậu nành và wasabi (mù tạt), sau đó là với rau đã được ngâm trước. Khi phần nhiều hỗn hợp trên đã được thưởng thức qua, người ta sẽ rót thêm vào một ít dashi (canh) vào phần cơm còn lại. Món ăn giờ đây lại được thưởng thức như một bát súp ngon lành.

Tonkatsu

Có lẽ sẽ không thể có món thịt nào qua mặt được Tonkatsu: những miếng thịt heo được rán chìm trong chảo dầu nóng, chiên xù tới độ giòn tan và ánh lên màu vàng nâu hấp dẫn, sau đó, nó lại phủ lên một lớp nước sốt ngọt thơm và cay dịu. Nhìn thật ngon mắt phải không nảo?
  
Tại nhà hàng Tonki, họ không bao giờ nhận đặt bàn trước. Những vị thực khách tới đây đều phải đứng xếp hàng trong những hàng dài để chờ phục vụ, thế nhưng chính món Tonkatsu ngọt mọng được ăn kèm với “núi” bắp cải vụn nho nhỏ sẽ làm thỏa mãn bất cứ ai, xóa tan đi cảm giác mệt mỏi. Và lúc này mọi người sẽ cảm thấy chờ đợi cũng là một điều đáng giá.

Wagyu

Không gì có thể so sánh được với miếng cắn đầu tiên của món wagyu xa xỉ này. Nó thơm như bơ, mềm ra trong khoang miệng rồi nhẹ nhàng tan chảy. Một khi bạn đã thưởng thức qua wagyu, thì tất cả các món thịt khác dường như sẽ kém hấp dẫn hơn bởi sự nghèo nàn của nó. Ban đầu những thớ mỡ trắng có vẻ hơi “dọa người” nhưng khi đem so sánh với những loại thịt bò thường khác, rõ ràng là wagyu có chứa mức Omega-3 và Omega-6 cao hơn hẳn.
  
Chính yếu tố đó sẽ giúp làm giảm nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch. Ít nhất chúng tôi cũng tự nhủ với bản thân như thế khi thưởng thức món ăn này.

Tempura

Chinh phục cả thế giới bằng sự thơm ngon của món chiên, như một thứ ngôn ngữ mang tính toàn cầu, Tempura chính là món ăn được “xuất khẩu” ra nước ngoài nhiều nhất. Nhưng các bạn biết không, món ăn được biết đến như biểu tượng của ẩm thực Nhật Bản lại có nguồn gốc từ nước ngoài: đất nước Bồ Đào Nha. Khi những người Bồ Đào Nha tới vùng Nagasaki để truyền giáo và giao thương vào khoảng giữa thế kỉ thứ 16, họ đã đem theo những món ăn béo ngậy cũng như phương thức chế biến đồ chiên rán vào Nhật Bản. Những người theo đạo Cơ Đốc đó có thể không được biết đến nhiều cho lắm, thế nhưng món Tempura ngay lập tức đã trở thành một cú “hit” nổi tiếng.
  
Tại Kondo, những suất Tempuran rán giòn gần như là một sản phẩm nghệ thuật. Ở đó còn có những miếng măng tây mềm mại, những miếng cá kisu giòn tan thanh nhã và những con sò điệp béo ngậy còn nguyên sắc hồng tươi mới…