Type Here to Get Search Results !

Socrates và nhận thức chính mình!


Khi nhắc đến các triết gia bàn về con người, nhân vật đầu tiên mà tôi nghĩ tới là Socrates. Khi bàn về triết lý của họ, câu châm ngôn mà tôi tâm đắc nhất là “Hãy nhận thức chính mình”. Vâng, Socrates là ai? Câu châm ngôn này xuất phát từ đâu và nó có liên hệ gì với Socrates? Và đặc biệt là làm thế nào để nhận thức được chính mình. Để làm rõ vấn đề này, theo tôi nghĩ, trước hết chúng ta cùng điểm qua một vài nét về Socrates và nguồn gốc của câu châm ngôn. Kế đến chúng ta sẽ cùng nghiên cứu xem làm sao để nhận thức được chính. Cuối cùng chúng ta sẽ nêu lên một vài phản tỉnh và kết luận về vấn đề này.II. Socrates và nguồn gốc của câu châm ngôn

Socrates là ai?

 Socrates (470-339 TCN) là một triết gia Hy Lạp cổ đại. Ông sinh ra tại Athens, trong một gia đình nghèo. Cha là Sophronisque làm nghề gốm, mẹ là Phaenarete, một bà đỡ (nữ hộ sinh). Nghề của mẹ (và chắc cũng của cha nữa) thường được ví với phong cách sống của ông: làm người “đỡ đẻ” và hun đúc cho việc đi tìm chân lý.[1] Socrates nổi tiếng là học vấn uyên bác và đã từng là một chiến binh dũng cảm, nhưng về sau ông thấy công việc “hộ sinh tinh thần” mới thực là sứ mệnh đáng cho ông dâng hiến trọn đời.[2]  


Sinh thời, Socrates được coi là một nhà hiền triết, một công dân mẫu mực của thành Athens. Ông không mở trường lớp. Trường của ông là nơi công cộng, tại các chợ ngày xưa. Ông nói chuyện với mọi người, bàn về những việc hàng ngày. Theo Plato kể lại, Socrates đã nói là ông có sứ mệnh của thần linh là dạy dỗ người cùng thời và không được làm nghề gì khác, nên ông chấp nhận sống nghèo, giảng dạy không công cho mọi người.[3]Ông là nhà tư tưởng làm cầu nối giữa giai đoạn bóng tối và ánh sáng của nền triết học Hy Lạp. Bên cạnh đó, ông còn được nhìn nhận là người đặt nền móng cho thuật hùng biện dựa trên hệ thống những câu hỏi đối thoại.[4] Ông có tư tưởng tiến bộ, nổi tiếng về đức hạnh với các quan điểm: “Hãy nhận thức chính mình”, “Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”, và “Cuộc sống mà không suy xét thì không đáng sống”.
Tới 50 tuổi Socrates mới lập gia đình. Vợ ông là bà Xanthippe, một cô gái trẻ hơn ông rất nhiều. Bà sinh cho ông ba người con trai Lamprocles, Sophroniscus và Menexenus. Bà vợ của ông nổi danh với hình ảnh một bà vợ hung dữ, khó tính. Không phải không có lỗi của ông: chẳng mang được đồng xu nào về nhà! Khác với những biện sĩ đương thời bán trí khôn kiếm tiền, ông dứt khoát dạy miễn phí. Không rõ bà vợ thường tranh cãi có phải vì ông cương quyết không chịu… thương mại hoá giáo dục hay không, nhưng “chân lý” sáng giá được ông khám phá là: “Nên lấy vợ! Gặp vợ hiền, bạn được hạnh phúc; gặp vợ dữ, bạn thành… triết gia; đàng nào cũng có lợi!”[5]

Với tính tình ngay thẳng, chỉ thích sự thật, ông bị nhà cầm quyền lúc bấy giờ ghét bỏ. Và điều không mong đợi đã thực sự đến với Socrates, vào năm 399 (TCN) ông bị họ tố cáo về các tội “dụ dỗ thanh niên”, “báng bổ thánh thần” và “cải cách tôn giáo”. Hình phạt là bắt ông uống thuốc độc tự tử.[6]

Ai là tác giả của câu châm ngôn?

Có một số ý kiến cho rằng đây là câu châm ngôn của Socrates, để biết rõ thực hư của vấn đề này chúng ta sẽ đi tìm lại nguồn gốc của nó. Theo truyền thuyết Hy Lạp, câu châm ngôn “Hãy nhận thức chính mình”– “Gnothi seauton” được ghi tại đền Apollo ở Delphes. Tác giả của câu châm ngôn này là Solon (638-558 TCN) quê ở Mytilene – một trong bảy nhà thông thái của Hy Lạp cổ đại.[7] Đền Apollo là nơi có uy quyền rất lớn đối với mọi người dân Hy Lạp.Vậy thì câu châm ngôn này có liên hệ gì với Socrates? Theo Aristoteles kể lại, ngay từ khi còn nhỏ, Socrates đã thường đến viếng thăm đền Apollo ở Delphes. Khi đó, văn bia “Hãy nhận thức chính mình”đã thu hút sự quan tâm và xâm chiếm tâm trí ông. Về sau, chính châm ngôn này đã trở thành đòn bẩy cho hoạt động triết học và định hướng tìm kiếm chân lý của ông. Socrates lĩnh hội châm ngôn này như lời kêu gọi về nhận thức, đồng thời làm sáng tỏ giới hạn nhận thức của con người so với sự thông thái của thần linh.[8]

Triết lý của Socrates[9]

Như chúng ta đã biết, trước Socrate, các triết gia Hy lạp cổ đại chỉ nghiên cứu những vấn nạn về nguồn gốc của vũ trụ, nguyên lý phát sinh hiện hữu. Họ mặc nhiên nhìn nhận sự hiện hữu của vũ trụ này: cái gì có là có, cái không không thể sản sinh ra cái có và cái có không thể giản trừ cái không. Cái có được vận hành từ một Uyên Nguyên nào đó. Cụ thể, đối với Thales, nước là nguyên lý phát sinh mọi sự và hồn là nguyên lý của sự sống vận hành. Còn đối với Anaximander, bất định (apeiron) là nguyên sơ chất thể là nguyên lý thần linh và là nguyên sinh vạn vật. Tuy nhiên, đối với Anaximenes, khí (pneuma) phát sinh mọi sự, khí bao bọc nuôi dưỡng mọi sự, khí còn mang chiều kích siêu việt. Trái lại, Heraclitus coi lửa (pyr) là nguyên tiêu phát sinh vạn vật. Hơn nữa ông còn xem Logos là lý tính vừa nhân bản vừa siêu việt. Kế đến, đối với Pythagoras, con số là nguyên cội mọi sự.[10] Nói tóm lại, các triết gia trước Socrates chưa có một nghiên cứu cụ thể nào liên quan đến đạo đức giúp con người nhận thức chính mình.

Còn đối với Socrates thì sao? Socrateslà một trong những tư tưởng gia Hy Lạp cổ đại đầu tiên kêu gọi giới học giả và các nhà lãnh đạo quốc gia đương thời, những người quá chú tâm đến các công trình nghiên cứu thế giới tự nhiên, nên quan tâm nhiều hơn đến bản chất của con người. Ông xem con người là một con vật có lý trí, xã hội tính, có xác và hồn là một tổng thể thống nhất, ông tin có thượng đế là thần minh thấu suốt những điều tốt điều xấu và vì thế ông là người đầu tiên đề ra chuẩn mực đạo đức cho triết học về con người. Và đặc biệt ông tin có sự sống đời sau khi ông nói về sự bất tử của linh hồn.

Đối với Socrates, con người là đối tượng đáng được quan tâm hơn cả và bất cứ điều gì ảnh hưởng đến con người đều có tầm quan trọng quyết định. Tri thức về thế giới tự nhiên bên ngoài (vũ trụ học-cosmology), nếu không có ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống con người, chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Mọi tri thức có liên quan đến bản chất và cuộc sống của con người đều đáng được sở hữu và cần phải được tích luỹ. Hơn nữa, theo cách nói của Socrates, “cuộc sống vô minh (the unexamined life) thì không đáng để sống.”

Tự biết mình

Tự biết mình, hoàn toàn biết rõ bản chất ý thức lẫn vô thức của chính mình, là động cơ tạo nên năng lực, sự tiết độ và thành đạt. Các cá nhân gặp phải khó khăn trong đời phần lớn bởi vì họ không thực sự hiểu biết được sự hiểu được bản chất, khả năng, giới hạn, động cơ-toàn bộ cung bậc tính cách của chính họ. Thực chất, họ cần đến một tấm gương “tâm lý” có khả năng giúp họ nhận ra bản ngã của chính mình, bao gồm toàn bộ ưu khuyết điểm và tiềm năng thực tế của họ.

Một người thực sự tự biết mình sẽ đạt được thành công trong cuộc sống, bởi lẽ anh ta biết chính xác những gì nằm trong khả năng của mình cũng như cách thức vận dụng chúng. Ngược lại, một người không tự biết mình sẽ tiếp tục vấp ngã, thậm chí đi đến những huỷ hoại cả cuộc đời.

Hầu hết mọi người đều cho rằng tự biết rõ chính mình, rằng “không ai gần gũi ta hơn chính bản thân bản thân ta.” Tuy nhiên, tự tin không có nghĩa là tự biết mình. Thực ra, một người khôn ngoan và từng trải có thể “biết ” về bạn nhiều hơn chính bạn đấy! Socrates đã đặt ra câu hỏi: “ Phải chăng bạn cho rằng bạn tự biết mình, đơn giản chỉ vì bạn sở hữu cái tên của mình?”. Ông cũng chỉ ra rằng, nếu chỉ muốn biết về con ngựa, chúng ta phải nắm được tuổi đời , sức vóc và tình trạng sức khoẻ của nó, từ đó mới có thể xác định được mức độ nhanh nhẹn và khả năng làm việc của nó. Nguyên lý này cũng áp dụng đúng với con người để hiểu chính mình, con người trên cõi đời. Quá trình tìm hiểu bản thân đòi hỏi không ít nỗ lực. Nói cho cùng, tự biết mình là một lẽ thiện trong đời.

Theo Socrates, con đường tự nhận thức sẽ đưa con người đến sự nhận biết địa vị của mình trong thế giới, làm sáng tỏ mình là gì với tư cách con người. Rằng, con người cần phải thấy rằng, nhờ có tri thức mà con người có được nhiều điều tốt đẹp và do có những quan niệm sai lầm mà con người phải nếm trải nhiều thứ xấu xa. Khi tự hiểu biết mình, con người cũng hiểu biết cái gì là tốt đẹp đối với nó và phân biệt được cái gì có thể làm và cái gì không nên làm.

Đề cao lý tính và thừa nhận sức mạnh toàn năng của nó, Socrates buộc mọi sự kiện diễn ra trong vũ trụ và trái đất phải phục tùng nó. Tri thức, trong sự lý giải của Socrates, thể hiện ra với tư cách cái điều tiết cần thiết duy nhất và là tiêu chí đáng tin cậy về lối ứng xử của con người. Qua đó, ông đã đem lại một cách hiểu mới, một sức sống mới cho câu châm ngôn “Hãy nhận thức chính mình”. Đây cũng chính là xuất phát điểm để Socrates xây dựng triết học con người của ông.

Đức hạnh là tri thức

Đối với Socrates, bất cứ ai biết điều gì là đúng đắn tất sẽ thực hiện điều đó. Hành vi sai trái chỉ xuất phát từ sự vô minh. Một người có hành động không đúng bởi vì, và chỉ vì, anh ta không biết cái gì là đúng đắn. Không có một người tỉnh táo và lành mạnh nào lại chủ tâm làm tổn hại bản thân mình. Nếu anh ta thực sự làm một điều như vậy, đơn giản chỉ vì phạm phải sai lầm nào đó trong quá trình hành động, hoàn toàn không phải do cố ý. Không ai chủ định chọn lựa điều sai trái, bởi lẽ hành vị tội lỗi luôn mang đến tai hoạ cho bản thân họ và người khác.

Nếu thấu hiểu hậu quả thực sự của trộm cắp, dối trá, lừa đảo, thù hằn và các hành vi tội lỗi khác; nếu biết được chúng sẽ gây tổn hại như thế nào cho bản thân họ, chẳng hạn như sự sa đoạ về mặt tinh thần và sự thoái hoá về mặt nhân cách, chắc chắn con người sẽ tự giác né tránh chúng. Thiếu nhận thức đúng đắn chính là lý do duy nhất khiến một số người không thể kiềm chế được chính mình trước những cám dỗ tội lỗi; bởi lẽ bất cứ người nào biết điều gì là đúng đắn tất sẽ thực hiện điều đó.

Đức hạnh là hạnh phúc

Theo Socrates, đức hạnh không chỉ là tri thức, bản thân nó cũng đồng nghĩa với hạnh phúc. Bởi lẽ, hành vi đạo đức cũng chính là hành vi mang đến những điều tốt đẹp cho người thực hiện nó. Hạnh phúc kết thành quả từ đó.

Làm sao để nhận thức chính mình?

Theo quan điểm của Socrates
Socrates đã nghiên cứu nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau, như nhận thức, chính trị, giáo dục học, nhưng ông tập trung nhất vào đạo đức học. Ông đặt ra nhiệm vụ cho triết học là phải dạy người ta sống một cuộc sống lương thiện. Muốn thế, phải biết chuẩn mực đạo đức chung, phải quan tâm tới phúc lợi chung, Socrates quan niệm đạo đức và tri thức là một, và nguồn gốc của nhận thức là tự nhận thức. Ông quan niệm tự nhận thức bắt đầu từ chỗ con người nghi ngờ chính hiểu biết của bản thân. Vì vậy, nhà triết học lừng danh ấy đã đưa ra châm ngôn: “tôi chỉ biết một điều là chẳng biết gì cả”. Tư tưởng này ta cũng gặp trong triết học cổ ở Phương Đông: biết rằng không biết mới thực là biết. Cái “chẳng biết gì” của Socrates lại là nguồn gốc của cái biết. Vì biết về điều mình không biết, là tiền đề của tri thức: cái dốt nát được ta nhận thức sẽ kích thích tìm tòi, suy nghĩ, nghiên cứu, học hỏi…và tìm ra tri thức. Nói cách khác, cái dốt được nhận thức là động lực đi tìm tri thức.

Socrates đã làm gì để giúp ông cũng như người khác nhận thức chính mình? Trước hết ông dùng phương pháp đối thoại, trò chuyện tay đôi bằng cách đặt câu hỏi, hai người tranh luận với nhau tìm ra chân lý. Ông thường chuẩn bị trước một số câu hỏi được lựa chọn theo một cách thức nhất định tùy người và tùy hoàn cảnh để cho người đối thoại phát hiện ra cái mình chưa biết, và sau đó đi đến những hiểu biết nhất định, để cuối cùng có một quan niệm về cuộc sống chân thiện mỹ. Đồng thời với các câu hỏi ông cũng đưa ra các sự kiện để dẫn dắt người bạn đàm thoại tới một khái niệm cụ thể. Cuối cùng ông giúp người ta chia các khái niệm đó thành loại và nhóm… Nói tóm lại, qua việc đối thoại Socrates muốn giúp cho ông cũng như người đối thoại tìm ra chân lý hay nói đúng hơn là đi từ hiểu biết mơ hồ đến một nhận thức rõ ràng về các khái niệm thường ngày như: công bằng, bất công, thiện và ác, cái đẹp và dũng cảm. Và mục đích sâu xa hơn là ông muốn cho chính bản thân cũng như người đối thoại nhận thức sâu xa hơn về chính mình.

Các quan điểm khác

Nhận thức chính mình là làm sao để biết rõ bản chất ý thức lẫn vô thức của chính mình, là động cơ tạo nên năng lực, sự tiết độ, thành công và hạnh phúc cho cuộc sống của chúng ta. Một người thực sự tự biết mình sẽ đạt được thành công trong cuộc sống, bởi lẽ anh ta biết chính xác những gì nằm trong khả năng của mình cũng như tìm ra cách thức vận dụng chúng. Ngược lại, một người không tự biết mình sẽ tiếp tục vấp ngã, thậm chí đi đến huỷ hoại cả cuộc đời.

Sự tự nhận thức giúp chúng ta biết được cái gì thúc đẩy mình và mình say mê cái gì. Điều này hướng chúng ta đến những công việc yêu thích, khiến chúng ta làm việc vui vẻ, hiệu quả. Nó dẫn tới những mối tương quan, cả trong công việc lẫn tương quan cá nhân, ở đó chúng ta sẽ đóng góp có tính xây dựng và tích cực hơn. Và nó cũng dẫn đến cuộc sống chân thật hơn cũng như làm cho chúng ta hài lòng hơn.

Biết về chính mình tức là biết về con người, nghĩa là biết vể đời sống và ý nghĩa của nó. Binh pháp Tôn gia nói: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng.” Nhưng nếu ta thực sự biết rõ về ta, thì có lẽ là ta cũng đã biết gần hết về người rồi, vì người với ta có lẽ giống nhau khoảng 90 phần trăm và chỉ 10 phần trăm là khác nhau.

Nhưng biết mình không phải là việc dễ. Benjamin Franklin viết: “Có ba điều cứng và khó uốn nhất—sắt, kim cương, và biết chính mình.” Đôi khi ta có cảm tưởng là ta biết rất rõ về chính mình. Tuy nhiên, “biết” có nghĩa là kiểm soát được. Nếu ta biết giờ nào kẻ trộm đến, đương nhiên là ta không thể bị trộm. Nhưng đã bao nhiêu lần người khác nói một câu hơi “sốc” thôi là ta đã bốc lửa hừng hực đầy căm phẫn, thay vì suy nghĩ “có nên nổi giận không?” Đã bao nhiêu lần ta biết là nên làm hòa với hắn, nhưng hễ thấy mặt hắn thì ta lại chỉ muốn tát cho hắn một cái, thế là ta lại bước sang hướng khác? Đã bao nhiêu lần ta biết khoe khoang là không hay, nhưng vẫn tiếp tục khoe khoang?

Biết được chính mình tức là biết được tất cả những thói quen, những điều đã trở thành vô thức đang xảy ra trong mình, đang hành động trong mình, và tìm cách đưa nó lên ý thức để điều khiển chúng, không để cho chúng điều khiển mình. Biết mình tức là làm chủ được chính mình.

Nhưng làm thế nào để biết mình? Ngày nay một số người khi gặp phải khó khăn trong đời phần lớn bởi vì họ không thực sự hiểu biết được bản chất, khả năng, giới hạn về chính mình. Vì thế, họ cần đến một nhà “tâm lý” có khả năng giúp họ nhận ra bản ngã, những ưu khuyết điểm và tiềm năng thực tế của họ.

Cách tự nhiên là mình phải lặng yên để quan sát mình. Muốn biết về con ve, cái kiến, hay bất cứ điều gì đó, thì chỉ có cách là quan sát thật kỹ thôi. Muốn biết về chính mình cũng thế, ta cứ phải quan sát chính mình. Và nếu không thể vừa quan sát con kiến vừa nhảy rock and roll, thì ta cũng chỉ có thể quan sát chính mình trong yên lặng. Yên lặng là điều kiện cần thiết để quan sát. Và bởi vì yên lặng quá hiếm hoi trong thời đại chạy đua ồn ào của chúng ta, quan sát chính mình trở nên quá khó khăn , vì vậy nhiều người không có cơ hội thấy được mình một cách rõ ràng. Đây là điều mà nhà Phật gọi là vô minh, và môt số triết gia và xã hội học gia tây phương gọi là “vong thân” (alienation).

Đối với thánh I-nhã, phương pháp đơn giản để biết mình là nhận định (discernment). Mỗi ngày ngài dành ra hai lần, 15 phút vào buổi trưa và 15 phút buổi tối trước khi đi ngủ để nhìn lại ngày sống, hay còn gọi là xét mình. Xét mình ở đây không chỉ là xét lỗi lầm mình phạm trong ngày, nhưng còn là xét xem những thành công và những thất bại trong ngày sống đó, nguyên nhân từ đâu? Rồi tìm cách để khắc phục và thực hiện tốt hơn cho ngày tới.

Phản tỉnh và kết luận

Sự thâm nhập của Socrates vào thực chất những vấn đề của con người đã thôi thúc ông không ngừng tìm kiếm con đường nhận thức mới, chân thực. Sự quan tâm triết học của Socrates đến vấn đề về con người và nhận thức của con người, đã đánh dấu bước chuyển của ông từ triết học tự nhiên sang triết học con người. Điều này được thể hiện ở chỗ, con người và vị trí của nó trong thế giới đã trở thành vấn đề trung tâm của triết học Socrates và là đề tài chủ yếu trong mọi cuộc đối thoại của ông.Có thể nói Socrates là người khơi nguồn cho nền triết học về con người, bằng việc kêu gọi mọi người trước hết hãy nhận thức chính mình. Chính khi biết mình con người mới có thể định hướng được cuộc sống mình đang sống.

Con người thể kỷ XX nhìn nhận về Socrates như thế nào? Theo cuốn “On Socrates” ghi lại rằng con người ngày nay coi Socrates là một nhà hiền triết, một vị tử đạo và là một trong những triết gia đạo đức quan trọng trong lịch sử. Tên của ông được gán cho nhiều trường đại học và thư viện trên toàn thế giới. Đặc biệt “Socratic method” đã trở nên phương pháp giáo dục hữu hiệu trong thế giới hôm nay. Chúng ta phải ca ngợi Socrates vì hai lý do. Thứ nhất là thái độ không ngừng tìm kiếm chân lý của ông. Thứ hai là về niềm tin tưởng vào lý trí và suy nghĩ của con người, cũng như tin rằng họ có thể sống tốt và hạnh phúc hơn nhờ sự tra vấn và kiểm thảo đời sống cách hợp lý.[11]

Sống trong xã hội xưa cũng như nay, đạo cũng như đời, biết mình hay nhận thức chính mình là một điều hết sức vô cùng quan trọng. Nó giúp ta biết rõ mình là ai? Tôi sinh ra để làm gì? Và tôi phải sống như thế nào? Càng hiểu rõ bản thân, chúng ta càng có thể kiểm soát và lựa chọn hành vi muốn biểu hiện. Sự tự nhận thức giúp chúng ta hiểu mình đang ở đâu, muốn đi đâu để sẵn sàng thay đổi nhằm đến được nơi cần đến. Không có sự tự nhận thức, các cảm xúc có thể che mắt chúng ta, khiến ta trở thành người mà mình không muốn. Nếu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của mình, chúng ta có thể lựa chọn thích hợp cách hành động hoặc phản ứng trong một tình huống nào đó hoặc với một người nào đó. Sự lựa chọn này trở thành sức mạnh, một sức mạnh nội tại không ai có thể lấy đi. Vì vậy “hãy nhận thức chình mình” là thế đó.

Tác giả Anthony Lợi

Tài liệu tham khảo

1.      Wadsworth, On Socrates, Belmont, CA, 2000
2.      Plato, Phaedo, tập 2, Nxb Tư tưởng, Mátxcơva, 1970, (ThS: Nguyễn Thị Vui, chuyển dịch)
3.      Plato, Apology of Socrates, Nguyễn Văn Khoa dịch, NXB Tri Thức, 2006.
4.      Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học Tây Phương, Tập II: Thời kỳ thượng cổ, NXB TPHCM, 2000.
5.      Vlastos, Gregory (1991). Socrates, Ironist and Moral Philosopher. Ithaca: Cornell University Press.
6.      Taylor, C.C.W. (2001). Socrates: A very short introduction. Oxford: Oxford University Press.
7.      Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy (chuyển ngữ), NXB Lao Động, Hà Nội 2004.
8.      Yarza, op.cit., p. 11-77
 
[1] Taylor, C.C.W. (2001). Socrates: A very short introduction. Oxford: Oxford University Press. P.233
[2] Vlastos, Gregory (1991). Socrates, Ironist and Moral Philosopher. Ithaca: Cornell University Press, p.7
[3]Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy (chuyển ngữ), NXB Lao Động, Hà Nội 2004, tr 35-43.
[4] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học Tây Phương, Tập II: Thời kỳ thượng cổ, NXB TPHCM, 2000, tr. 17
[5]  Socrates tự biện  (Apology of Socrates) , Nguyễn Văn Khoa dịch, NXB Tri Thức, 2006, tr.26
[6]Wadsworth, On Socrates, Belmont, CA, 2000, pp.20-29
[7] Bảy nhà hiền triết của Hy Lạp cổ đại thường được nhắc tới là Thales ở Miletus, Kleobulos ở Lindos,  Periandros ở Korinth, Bias ở Priene, Solon và Pittakos ở Mytilene và Epicharmos.
[8] X. Plato. Phaedo, tập 2, Nxb Tư tưởng, Mátxcơva, 1970, tr.96 (Thạc sĩ Nguyễn thị Vui, chuyển dịch)
[9]Chungta.com/tritelycuaSocrates
[10]Yarza, op.cit., p. 11-77
[11]Wadsworth, On Socrates, Belmont, CA, 2000, p.6

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.