Khó có thể chịu bị cách chức
Dư luận từng nhiều lần đề cập ông Trương Đình Anh có tài trong kinh doanh. Dư luận cũng nói ông quản trị kiểu “độc tài”. Một câu hỏi dư luận cũng đặt ra lúc này là: “Một người như ông Trương Đình Anh liệu có thể chấp nhận bị cách chức hay không?”
Nhiều bài báo trong một tuần trở lại đây đã cho rằng ông Trương Đình Anh bị HĐQT của FPT “trảm” vì không hoàn thành chỉ tiêu cam kết khi ngồi vào “ghế nóng” CEO của FPT.
Ông Trương Đình Anh đã từ bỏ mơ ước làm Thủ tướng nhưng không chịu từ chức tại FPT.
Với tính cách được nhiều người thân cận mô tả “mạnh mẽ và quyết liệt”, cái lí do “các vấn đề sức khỏe cá nhân” như vị CEO trong cái đơn xin nghỉ phép cũng phải được kiểm chứng lại về tính xác thực.
Thứ nhất, Ông Trương Đình Anh không thiếu tiền (ông có lần thổ lộ trên blog cá nhân rằng cả gia đình ông ta tiêu xài thoải mái cũng chỉ hết 5% số tài sản đang có). Ông cũng chẳng thiếu tiếng tăm. Một người nhiều thành công như vậy tất nhiên cũng là một con người rất trọng danh dự.
Như thế, làm sao ông Trương Đình Anh có thể khoanh tay chờ bị “trảm” mà không sớm làm đơn “xin từ nhiệm” hay “thôi việc” trước một bước rút lui trong danh dự?
Thứ hai, khi “thái thượng hoàng” Trương Gia Bình còn đó, không lẽ lại để đứa cháu mà mình cơ cấu lên chức CEO bị “trảm” một cách mất mặt.
Thứ ba, lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm của FPT đạt tỉ lệ khoảng 44% vốn điều lệ (1.205 tỉ/2.700 tỉ đồng), đâu phải là quá tệ!
Có phải vì sự kì vọng quá lớn vào ông Trương Đình Anh, và HĐQT FPT đặt mục tiêu quá cao trong thời kì khủng hoảng mặc dù bản thân ông Trương Đình Anh không thực hiện được như cam kết từ đầu?
Tóm lại, việc ở lại hay rời khỏi chiếc ghế CEO của FPT, có lẽ ông Trương Đình Anh hoàn toàn có thể chủ động. Đã như thế, một người có vẻ đầy kiêu hãnh như ông khó có khả năng chấp nhận để bị cách chức.
"Theo lao" hay quy ẩn?
Trao đổi với một nữ nhân viên cũ của FPT, người có thái độ trung tính đối với Trương Đình Anh và từng được ông Trương Đình Anh trân trọng mở lời mời về làm tại FPT Telecom với nhiều biệt đãi nhưng đã từ chối vì ngại “dây” vào triết lí kinh doanh của ông Trương Đình Anh.
Cũng chính người này, đã có lúc thay đổi nhìn nhận về ông Trương Đình Anh sau một số bài viết đầy “nỗi niềm nhân thế” trên blog của vị CEO này. Cuối cùng, khi ra đi khỏi FPT, người này lại củng cố quan điểm rằng không thể nào “hội nhập” được với triết lí kinh doanh của ông Trương Đình Anh.
“Trong thời kì khủng hoảng FPT cần những người như ông Trương Đình Anh nên mới làm được một số việc” Người này bày tỏ “Nếu Trương Đình Anh ra đi thì ai có thể gánh được trọng trách này?”
Câu hỏi ngược của người nhân viên này có lẽ để thời gian trả lời. Bây giờ, một câu hỏi khác tôi muốn đặt lên trước: “Ông Trương Đình Anh sẽ tiếp tục ‘đâm lao phải theo lao’ hay đi “quy ẩn”?
Ông Trương Đình Anh đang nắm quyền chủ động quyết định việc đi hay ở. Thậm chí, thế cục đang nghiêng về tình huống: FPT cần Trương Đình Anh ở vị trí CEO nhiều hơn là ngược lại.
Như bài viết kì trước tôi đặt vấn đề: “Chấm dứt một tham vọng?”. Nếu ông Trương Đình Anh rút lui thì dư luận có thể sẽ nghĩ như vậy. Và khi ấy với dư luận, sự rút lui của Trương Đình Anh là trong thất bại.
Bất cứ một con người nào đầy kiêu hãnh và trọng danh dự cũng sẽ rất băn khoăn và cân nhắc về vấn đề này. Trên thực tế, sự nghỉ phép hai tháng đã khiến cho dư luận nhìn về ông Trương Đình Anh với một nửa thất bại ở chiếc ghế CEO rồi!
Nói vậy không có nghĩa là ông Trương Đình Anh chắc chắn sẽ tiếp tục ở lại FPT, và sau hai tháng nghỉ phép sẽ trở lại với thần khí tươi vui.
Việc ông Trương Đình Anh sau khi ngồi ghế CEO của FPT đã cơ cấu lại ban tổng giám đốc, muốn áp dụng cách quản lí kinh doanh tại FPT Telecom với cả tập đoàn, đã gây ra không ít phản ứng.
Có thể đây chính là nguồn cơn gây ra sự xung đột về quan điểm điều hành khiến không khí không còn vui vẻ.
Mấy hôm nay có những tin đồn rằng, thực sự là ông Trương Đình Anh đã muốn rút lui khỏi chức vụ CEO vì sự “mệt mỏi” trước áp lực kết quả kinh doanh và sự kì vọng, trước sự xung đột về quan điểm từ trong nội bộ…
Lãnh đạo FPT, đã phải “níu kéo” ông Trương Đình Anh ở lại bằng cả một ban bệ, thậm chí đi theo đường khuyên nhủ từ “nội tướng”.
Nếu có quan điểm cho rằng ông Trương Đình Anh lái con tàu FPT theo triết lí kinh doanh “độc tài” là một thảm họa thì cũng không ít ý kiến lúc này cho rằng sự rút lui của ông Trương Đình Anh, vốn nhạy bén trong kinh doanh, nếu xảy ra trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay cũng có thể xem như một thảm họa, có thể ảnh hưởng ngay đến kết quả kinh doanh của FPT.
Nhưng nếu níu kéo ông Trương Đình Anh ở lại sau hai tháng nghỉ phép, liệu HĐQT FPT có phải nhân nhượng hơn với quan điểm của Trương Đình Anh? Vậy theo bạn, liệu Trương Đình Anh sẽ tiếp tục “theo lao” hay sẽ “quy ẩn”?
Theo Thụy Lâm - Lao động