Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay có khoảng 86.000 DN không còn hoạt động nhưng không thực hiện quy trình giải thể phá sản theo quy định.
Trong Hội thảo: "Những giải pháp pháp lý cần xây dựng và hoàn thiện nhằm đảm bảo DN rút khỏi thị trường" do Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 17/8/2012, câu chuyện mà các chuyên gia luât đưa ra là về siêu thị điện máy WonderBuy ở tp Hồ Chí Minh, kinh doanh thua lỗ tới 52 tỷ đồng và tuyên bố phá sản hồi giữa năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay DN này vẫn chưa hoàn tất thủ tục phá sản. Dù chủ DN rất muốn giải quyết vấn đề này theo quy định pháp luật.
Ngược lại, cũng tại TP Hồ Chí Minh, có một cá nhân thành lập tới 42 DN và trên 30 DN trong số đó không còn hoạt động mà không cần thực hiện theo quy định về giải thể hay phá sản, chủ DN vẫn bình yên vô sự.
Theo ông Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp, dẫn đến tình trạng hàng chục nghìn DN phải "tùy nghi di tản" như hiện nay, vấn đề chính là thể chế của chúng ta đã không cho phép các DN được án tử. Luật thì rất hay nhưng không thực hiện được. Luật Phá sản chưa phải là câu trả lời đúng, các quy định về sáp nhập, giải thể trong luật DN cũng chưa đáp ứng được.
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh,Trưởng phòng nghiệp vụ Cục quản lý đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì hệ thống pháp luật quy định về giải thể, phá sản DN còn nhiều điều chưa phù hợp.
Doanh nghiệp không dễ chết. Ảnh minh họa.
Lấy ví dụ về thủ tục phá sản, ông Thịnh cho biết, luật Phá sản quy định, các ông chủ của DN bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập DN, không được làm người quản lý DN, trong thời hạn từ 1 - 3 năm, kể từ ngày bị tuyên bố phá sản. Vì vậy, chẳng ông chủ nào muốn ra tòa để bị tước quyền kinh doanh, quản lý.
Tương tự, người giữ chức vụ quản lý, điều hành công ty 100% vốn nhà nước, người được giao đại diện phần vốn góp của nhà nước ở DN khác bị tuyên bố phá sản cũng sẽ không được đảm đương chức vụ đó ở bất kỳ DN nhà nước cũng như DN có vốn nhà nước. Trong khi nếu "âm thầm chết" vẫn có thể mở DN khác, xin làm quản lý ở đơn vị khác.
Để DN được quyền chết
Theo ông Thịnh, thời gian tiến hành giải thể DN theo quy định là 6 tháng, nhưng để tiến hành các thủ tục, nhất là quyết toán thuế, thường kéo dài, có DN hoàn tất thủ tục mất từ 1-2 năm như vậy là vi phạm quy định, không thể tiến hành giải thể được. Đó là chưa kể, cơ quan thuế nhiều khi không cho DN đóng mã số thuế, vì DN "chết", toàn bộ nghĩa vụ thuế chuyển cho cổ đông, rất khó triển khai.
Ông Thịnh kể, một DN kinh doanh thua lỗ đã ra thông báo do tình hình kinh doanh không hiệu quả nên không thể tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên giữa thông báo và việc hoàn thiện thủ tục là một quá trình và thời gian dài đằng đẵng. Kế toán của một trong những DN trên phải chạy hàng tháng trời chỉ để lo thủ tục thuế cho công ty mà cũng không xong. Theo quy định, muốn giải thể phải có giấy xác nhận không nợ thuế. Như vậy phải mang toàn bộ hồ sơ, sổ sách lên để kiểm tra, mất rất nhiều thời gian.
Đặc biêt, chế tài xử lý với chủ DN, người đại diện DN theo quy định hiện nay chưa đủ răn đe, dẫn tới người ta không thèm quan tâm đến nghĩa vụ giải thể, phá sản DN. Việc xử phạt vài chục triệu không có tác dụng mạnh để buộc các chủ DN phải thực hiện giải thể phán sản DN theo quy định của pháp luật.
Theo ông Trần Quang Minh, trưởng phòng đăng ký kinh doanh số 2 Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2012 Hà Nội chỉ có 480 DN làm thủ tục giải thể, trong khi trên thực tế số lượng DN giải thể lớn hơn rất nhiều, nhưng nhiều DN đã không làm thủ tục.
Tại Hà Nội, đến nay có 3.480 DN đã hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế ( đã giải thể tại cơ quan thuế) nhưng không rõ lý do sao lại không làm thủ tục với quan đăng ký kinh doanh. Trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, vẫn ghi nhận các DN này hoạt động bình thường. Ngoài ra cũng có một số lớn các DN đăng ký kinh doanh xong nhưng không đăng ký thuế, chỉ giữ con dấu và không biết có tham gia thị trường không. Số lượng những DN này đến nay rất khó giải quyết, ông Minh cho biết.
Theo ông Thịnh, từ đầu năm 2012 đến 20/7 đã có khoảng 30.000 DN ngừng hoạt động. Con số này có được là từ cơ quan thuế thống kê số DN không còn nộp thuế. Còn thực tế, trong số này, DN nào tạm ngừng hoạt động, DN nào ngừng hẳn, DN nào giải thể, phá sản thì chịu, không thể phân tách được. Vì các DN không làm thủ tục, xin tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản thì khó có thể nắm bắt được chính xác.
Việc một số lượng lớn DN không giải thể phá sản được dẫn tới Nhà nước thất thu thuế, người lao động bị xâm hại quyền lợi, và làm sai lệch các thông tin thống kê về DN, ảnh hưởng tới sự minh bạch về môi trường kinh doanh. Đặc biệt việc DN đã ngừng hoạt động nhưng vẫn gây hậu quả kéo dài đang thể hiện rõ với chủ DN là người nước ngoài có thuê đất của Nhà nước, còn nợ thuế, nợ khách hàng, nợ lương người lao động nhưng chủ DN đã bỏ về nước nên không có người chịu trách nhiệm để thực hiện thủ tục giải thể phá sản theo quy định.
Theo các chuyên gia, để DN rút khỏi thị trường có trật tự, loại bỏ tình trạng "sống dở chết dở", thì trước hết cần phải có chế tài mạnh để buộc các chủ DN, người đại diện phải làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định; cùng với đó là đơn giản hóa những thủ tục hành chính, cụ thể là về quy trình kê khai quyết toán thuế; sửa đổi luật DN và luật Đầu tư theo hướng phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước đối với DN và với dự án đầu tư; sửa đổi bổ sung, hoàn thiện quy định về giải thể DN, luật phá sản...
Theo Trần Thủy - VEF