Đại Kiều và Tiểu Kiều xinh đẹp tới mức nào thì sử sách không hề ghi chép. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, hai nàng Kiều phải thuộc hàng khuynh nước khuynh thành mới có thể trở thành đối tượng ca ngợi của các văn nhân từ xưa tới nay. Vì thế, có lẽ may mắn cho Chu Du và Tôn Sách là khi còn sống, Tào Tháo không chiếm được Giang Đông, nếu không, Đại Kiều và Tiểu Kiều khó mà thoát khỏi số phận bị “khóa” trong Đài Đổng Tước của Tào Tháo…
Tào Tháo tự là Mạnh Đức, tên gọi khi còn nhỏ là A Man, vốn là người huyện Tiêu, nước Bái nay là huyện Bặc ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Sử chép, Tào Tháo từ bé là người rất thông minh, ít để ý đến cái nhỏ, tính tình phóng túng nhưng rất ham đọc sách, đặc biệt là binh thư.
Tào Tháo là người quyền biến, nhiều mưu mẹo vì vậy thường hay nghĩ ra những trò chọc phá nói dối người khác. Chú ruột của Tào Tháo thấy vậy thường mách với Tào Tung, cha của Tào Tháo về các việc làm của cháu.
Tào Tháo biết vậy nghĩ cách, một lần giả bị trúng gió ngã lăn ra. Người chú chạy đi gọi Tào Tung, nhưng khi thấy cha đến thì Tào Tháo lại tươi tỉnh như bình thường. Tào Tung hỏi nguyên do, Tào Tháo nói rằng: “Vì chú không thích con nên bày đặt điều xấu thôi”. Từ đó về sau, Tào Tung không tin lời người chú mách tội của Tào Tháo nữa.
Khi lớn, Tào Tháo vẫn thích chơi bời, khác hẳn với những sĩ phu trọng danh tiết, tuy vậy vẫn có những người kính trọng ông như Kiều Huyền, Hứa Tử Tương. Hứa Tử Tương đánh giá Tào Tháo là năng thần (quan giỏi) thời trị và gian hùng thời loạn.
Năm 20 tuổi, Tào Tháo thi đỗ hiếu liêm. Ông được quan Kinh Triệu doãn là Tư Mã Phòng (cha của Tư Mã Ý) tiến cử giữ chắc Bắc bộ Uý (coi giữ phía bắc) ở kinh thành Lạc Dương. Sau khi đến nhiệm sở, Tào Tháo cho đặt roi ngũ sắc trước cửa công đường, hễ ai phạm tội đều trị thẳng tay.
Tào Tháo trên phim |
Chú của đại thần Kiển Thạc là Kiển Thúc phạm tội vác dao đi đêm, ông sai bắt vào phủ đánh roi thẳng thừng không vị nể. Vì gia thế Tào Tháo rất lớn nên vụ việc này ông không gặp rắc rối, tiếng tăm ông cũng từ đó vang khắp kinh thành.
Năm 184, cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng do Trương Giác lãnh đạo bùng nổ. Tào Tháo cùng các quân phiệt địa phương và các tướng trong triều đình đàn áp thành công, nên được Hán Linh Đế phong làm Điển quân hiệu uý trong triều.
Tuy nhiên, khi đó, nhà Hán đã tới hồi mạt vận, hoạn quan và ngoại thích trong triều đấu đá lẫn nhau, dẫn tới việc quân Tây Lương do Đổng Trác dẫn đầu kéo vào kinh thành. Đổng Trác xưng làm tướng quốc, lộng quyền, xem thiên tử như cỏ rác.
Chẳng bao lâu sau, các chư hầu ở khắp nơi lại nổi lên chống lại Đổng Trác. Thực tế, chư hầu khắp nơi chỉ mượn danh nghĩa diệt Đổng Trác để mở rộng địa bàn cai trị của mình. Tào Tháo cũng nhân cơ hội này phát triển lực lượng riêng.
Tới năm Sơ Bình thứ 3, tức năm 192, Tào Tháo chiếm được Duyện châu. Tới năm Kiến An thứ nhất, tức năm 194, Tào Tháo nhận được mật chỉ của Hán Hiến Đế tới hộ giá ở Lạc Dương. Tào Tháo nhận lệnh, tới đón Hán Hiến Đế đưa về Hứa Xương.
Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Tào Tháo, bởi lẽ mặc dù nhà Hán đã suy mạt nhưng lòng người vẫn tôn trọng. Do vậy, việc Tào Tháo nắm được Hán Hiến Đế trong tay giúp ông ta có thể “ép thiên tử, lệnh chư hầu” như sau này.
Dưới danh nghĩa của Hán Hiến Đế, trước sau, Tào Tháo đã tiêu diệt các thế lực cát cứ như Lã Bố, Trương Tú, Viên Thuật,… Đặc biệt là kể từ sau trận chiến Quan Độ, đánh bại cha con Viên Thiệu, Tào Tháo dần dần thống nhất toàn bộ khu vực miền Bắc của Trung Quốc.
Tới năm Kiến An thứ 13, Tào Tháo được tấn phong làm thừa tướng, dẫn hơn 80 vạn quân Nam chinh nhưng bị liên quân Thục – Ngô đánh bại trong trận chiến Xích Bích phải rút chạy về Bắc.
Năm 213, Tào Tháo ép Hiến Đế phong mình làm Ngụy Công, ban cho “cửu tích” gồm: xe ngựa, y phục, nhà son, đội nhạc, nạp bệ, cung tên, hổ bôn, việt vàng. Ông cắt Ngụy quận và 9 quận khác ở Ký Châu vào lãnh thổ nước Ngụy làm đất ăn lộc.
Nước Ngụy của Tào Tháo với tư cách là một nước chư hầu nằm trong lãnh thổ nhà Hán bắt đầu hình thành. Tới tháng 11 năm 213, Tào Tháo thiết lập một bộ máy triều đình nước Ngụy riêng biệt, có thượng thư lệnh, thị trung và 6 viên khanh.
Năm 216, sau khi đánh bại Trương Lỗ trở về, Tào Tháo sai Hoa Hâm chuẩn bị và ép Hán Hiến Đế ra chiếu phong mình làm Ngụy Vương. Sau đó, Tào Tháo lập con thứ hai là Tào Phi làm thế tử. Sau này Tào Phi cướp ngôi nhà Hán, lập nên nhà Ngụy mới truy tôn Tào Tháo làm Ngụy Vũ Đế.
“Tam Quốc diễn nghĩa” kể rằng, sau khi thống nhất phương Bắc, Tào Tháo có ý định tiêu diệt Đông Ngô nên kéo hơn 80 vạn binh mã xuống phía Nam. Gia Cát Lượng phụng mệnh của Lưu Bị sang Giang Đông khuyên Tôn Quyền, lúc bấy giờ là chúa của Đông Ngô liên hợp với mình để chống quân Tào.
Để thuyết phục Đông Ngô đồng ý liên minh, Gia Cát Lượng buộc phải thuyết phục được 2 người: Một là Tôn Quyền, hai là Chu Du. Tôn Quyền là chúa của Đông Ngô còn Chu Du chính là thống soái của quân Giang Đông, rất có uy tín.
Nàng Tiểu Kiều trên phim |
“Tam Quốc diễn nghĩa” viết rằng, sau khi đến gặp và thuyết phục Tôn Quyền, Gia Cát Lượng cùng Lỗ Túc tới gặp Chu Du. Chu Du vốn chủ trương kháng Tào nhưng khi nói chuyện với Lỗ Túc trước mặt Khổng Minh lại nói:
“Tào Tháo mượn tiếng thiên tử, thì không nên kháng cự; vả lại thế Tào to lắm, chưa dễ địch nổi. Đánh thì tất thua, mà hàng thì dễ yên. Ý ta đã quyết, ngày mai ta vào hầu chúa công xin sai sứ đi hàng Tào“. Khi thấy Chu Du và Lỗ Túc tranh luận, Khổng Minh chỉ ngồi thu tay cười mát.
Khi được hỏi tại sao cười, Khổng Minh nói cười Lỗ Túc không thức thời, rồi nói: “Tháo rất giỏi việc dùng binh, thiên hạ không ai địch nổi. Trước chỉ có Lã Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu là dám chống cự. Mấy người ấy đều bị Tháo giết cả rồi, thiên hạ không còn ai nữa! Chỉ có Lưu Dự Châu là không thức thời, mới dám gượng gạo chống lại, nay thân cô thế cô ở đất Giang Hạ, mất còn chưa biết ra sao?
Tướng quân quyết kế hàng Tào, để bảo toàn vợ con, phú quý; còn như vận nước đổi thay, phó mặc trời, có chi đáng tiếc!” Tiếp đó, Khổng Minh nói với Chu Du rằng mình có một kế không cần làm gì, chỉ cần dâng cho Tào Tháo 2 người thì quân Tào sẽ cởi giáp cuốn cờ rút lui ngay. Chu Du hỏi: “Dùng 2 người nào?”
Khổng Minh đáp: “Tôi khi còn ở Long Trung từng có nghe nói Tào Tháo cho xây dựng một tòa lầu cao gọi là Đổng Tước Đài rồi tuyển mỹ nữ khắp thiên hạ về nhốt ở đó. Tào Tháo từ lâu đã nghe ở Giang Đông có hai người con của Kiều công, lớn gọi là Đại Kiều, nhỏ gọi là Tiểu Kiều, đều thuộc hạng nghiêng nước nghiên thành.
Tào Tháo từng thề rằng: Ta có 2 ước muốn, một là quét sạch bốn bể, hoàn thành đế nghiệp, hai là có được 2 nàng Kiều ở Giang Đông, nhốt ở Đổng Tước Đài để vui vẻ những năm cuối đời, được như vậy thì chết cũng không hối hận.
Rõ ràng, Tào Tháo dẫn quân xuống phía Nam chẳng qua là vì 2 người phụ nữ này. Tướng quân chỉ việc giao nộp 2 nàng Kiều này cho Tào Tháo, tự nhiên quân Tào sẽ rút lui mà không cần đánh”.
Chu Du hỏi: “Có bằng chứng gì?” Khổng Minh nói: “Tào Tháo từng lệnh cho đứa con nhỏ của mình là Tào Thực viết bài ‘Phú Đổng Tước Đài”. Nói xong, Khổng Minh đọc cho Chu Du nghe bài phú của Tào Thực:
“… Lập song đài ư tả hữu hề! Hữu Ngọc long dữ Kim phụng; Lãm nhị kiều ư Đông Nam hề! Lạc chiêu tịch chí dữ cộng”. (Nghĩa là: … Dựng hai đài ở bên tả bên hữu, có đài Ngọc long, có đài Kim phụng. Nhốt hai nàng Kiều bên Đông Nam; để sớm chiều cùng vui vầy).
Chu Du nghe xong mấy câu ấy, đỏ mặt tía tai, đứng phắt dậy trỏ tay về phương Bắc mà mắng rằng: “Thằng giặc Tào này khinh ta quá chừng!” Khổng Minh vội ngăn lại, nói: “Ngày xưa chúa rợ Hung Nô hay xâm lấn bờ cõi, thiên tử nhà Hán còn phải đem công chúa gả cho nó để cầu hoà, nay tướng quân tiếc làm chi hai người con gái thường dân ấy?”
Chu Du nói: “Ông chưa rõ Đại Kiều là vợ Tôn Bá Phù, Tiểu Kiều là vợ Du đó”. Khổng Minh giả vờ sợ sệt nói: “Tôi thật vô tình, nói năng lỗ mãng, tội đáng chết, đáng chết!” Chu Du nói: “Ta thề cùng thằng giặc già một còn một mất!” Khổng Minh nói: “Tướng quân nên nghĩ cho chín, kẻo hối về sau“.
Chu Du nói: “Ta đã vâng lời Tôn Bá Phù uỷ thác, lẽ đâu hạ mình hàng Tào. Vừa rồi ta nói thế, là thử lòng nhau đó thôi. Ta từ khi ở Phiên Dương về đây, vẫn có chủ trương đánh miền Bắc; dù dao búa kề đầu cũng không lay được. Xin Khổng Minh giúp ta một tay, cùng phá giặc Tào“.
Nhờ có ý kiến của Chu Du, Tôn Quyền đã quyết tâm chống lại Tào Tháo và đồng ý liên minh với Lưu Bị.
Theo như “Tam Quốc diễn nghĩa”, dù không phải Tào Tháo kéo quân tấn công Đông Ngô vì 2 nàng Kiều đi chăng nữa thì họ Tào cũng có ý định chiếm đoạt 2 người đẹp nổi tiếng đất Giang Đông này. Tuy nhiên, đó là lời của nhà tiểu thuyết mà đã là tiểu thuyết thì không đáng tin chút nào.
Bởi lẽ, chi tiết này hoàn toàn là do tác giả La Quán Trung của “Tam Quốc diễn nghĩa” hư cấu mà ra. Chỉ cần dựa vào những mốc lịch sử xác thực có thể chỉ ra sự vô lý trong tiểu thuyết của tác gia họ La.
Lịch sử chép rằng, trận Xích Bích diễn ra vào năm Kiến An thứ 13 (năm 208), trong khi đó, Đổng Tước Đài được xây dựng vào năm Kiến An thứ 15 (năm 210) như vậy, lúc Khổng Minh phụng mệnh Lưu Bị sang Đông Ngô thuyết phục Tôn Quyền và Chu Du thì cả Đài Đổng Tước và bài “Phú Đổng Tước Đài” đều chưa hề tồn tại.
Thêm nữa, La Quán Trung đã thay đổi nguyên văn bài phú của Tào Thực từ “Liên nhị kiều vu Đông Tây hề, Nhược trường không chi đế đống” (nghĩa là Bắc hai cầu Tây Đông nối lại, Như cầu vồng sáng chói không gian) thành:
“Lãm nhị kiều ư Đông Nam hề! Lạc chiêu tịch chí dữ cộng” (nghĩa là Nhốt hai nàng Kiều bên Đông Nam, để sớm chiều cùng vui vầy). Ở đây, La Quán Trung đã đổi từ chữ “liên” (nối) thành chữ “lãm” (bắt giữ) đồng thời hai chữ “nhị kiều” (2 cây cầu) lại được hiểu thành “hai nàng Kiều ở Giang Đông”.
Từ đây có thể khẳng định rằng, chuyện Tào Tháo tấn công Giang Đông vì hai nàng Kiều là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Mặc dù Tào Tháo không phải là lý do Tào Tháo tấn công Đông Ngô, tuy nhiên, Đại Kiều và Tiểu Kiều thực sự là hai mỹ nhân nổi tiếng thời Tam Quốc.
Cho tới nay, sử liệu viết về hai nàng Kiều của đất Giang Đông được tìm thấy rất ít. Sách “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ viết: “Tôn Sách tự mình đi đón Chu Du, phong làm Kiến Uy Trung lang tướng, giao cho 2.000 binh mã, 50 ngựa tốt.
Năm đó Chu Du 24 tuổi, những người ở đất Ngô đều gọi là Chu Lang (Chàng Chu). Thời bấy giờ Kiều công có 2 cô con gái, đều hàng tuyệt sắc giai nhân. Sách nạp cô chị là Đại Kiều làm vợ, Du lấy Tiểu Kiều”.
Năm Kiến An thứ 4, Tôn Sách nhận hơn 3.000 binh mã từ Viên Thiệu trở về Giang Đông khôi phục sự nghiệp của cha ông. Nhờ sự dốc lòng giúp sức của người bạn là Chu Du, Tôn Sách cất binh chiếm được Hoản thành.
Ở ngoại ô phía đông của Hoản Thành, có một gia trang rộng lớn, cây côi um tùm, tươi mát, chính là nơi ở của Kiều công. Kiều Công có hai cô con gái rất xinh đẹp, lại thông minh hơn người, nổi tiếng khắp xa gần.
Vì thế, sau khi Tôn Sách chiếm được Hoản Thành đã nhờ người đưa lễ tới cầu hôn được Kiều công chấp thuận nhờ vậy mới có chuyện Tôn Sách nạp Đại Kiều còn Chu Du nạp Tiểu Kiều làm vợ.
Chuyện kể rằng, ở phía sau nhà của Kiều công có một cái giếng cổ, giếng sâu và nước rất trong. Tương truyền, chị em nhà họ Kiều thường ra cạnh giếng để chải tóc, trang điểm. Mỗi lần trang điểm như vậy, hai chị em họ Kiều lại để rơi bụi son xuống giếng.
Lâu dần, những bụi son này tích tụ khiến màu nước giếng cũng đổi thành màu son và vị nước cũng có vị son. Do vậy, chiếc giếng cổ ở phía sau nhà của họ Kiều còn có tên gọi là “giếng son”.
Thực ra, trong dân gian còn lưu truyền một phiên bản khác của việc “nhị Kiều” lấy Tôn Sách và Chu Du. Người ta nói rằng, việc hai nàng Kiều xinh đẹp được gả cho Tôn Sách và Chu Du không phải là việc mà Kiều công tự nguyện.
Lúc Tôn Sách và Chu Du chiếm được Hoản thành, nghe tiếng hai nàng Kiều mới tìm đến bức hôn. Hai nàng Kiều đều không chịu bị ép uổng, định nhảy xuống giếng tự sát. Tuy nhiên, sau đó cả hai nghĩ tới người cha già cô độc của mình. Một khi hai người chết đi, người khổ nhất chính là Kiều công.
Vì thế, hai nàng đành ngậm nước mắt chấp nhận cuộc hôn nhân với Tôn Sách và Chu Du. Chuyện kể rằng, trước khi hai nàng Kiều ra đi, họ đã ra giếng khóc, nước mắt rơi xuống giếng nhuộm đỏ cả giếng.
Thực tế thì việc hai chị em Đại Kiều và Tiểu Kiều cùng một lúc gả cho hai anh hùng hào kiệt như Tôn Sách và Chu Du không phải là chuyện tốt. Tôn Sách hùng lược hơn người, tương lai là chúa của Đông Ngô còn Chu Du nổi tiếng phong lưu, văn võ toàn tài.
Đại Kiều và Tiểu Kiều về làm vợ hai người như vậy có thể nói là anh hùng gặp mỹ nhân, một cuộc hôn nhân hoàn mỹ. Tuy nhiên kết cục của Đại Kiều và Tiểu Kiều với hai người anh hùng này lại không hoàn mỹ như mong đợi.
Năm Tôn Sách lấy Đại Kiều về làm vợ là khi 24 tuổi, Đại Kiều khi đó cũng mới chỉ 18. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, khi Tào Tháo và Viên Thiệu đang giao tranh ở Quan Độ, Tôn Sách định chộp thời cơ đánh úp Hứa Xương đón Hán Hiến Đế, nhằm đoạt lợi thế “ép thiên tử, lệnh chư hầu” của Tào Tháo thì bị thích khách của Hứa Cống hành thích, chết năm 26 tuổi.
Tính ra, Tôn Sách và Đại Kiều chỉ sống với nhau vỏn vẹn có 3 năm vợ chồng. Năm đó, Đại Kiều mới chỉ tròn 20 tuổi, đương độ tuổi thanh xuân đã trở thành quả phụ, bên cạnh chỉ còn lại đứa con còn nằm nôi với Tôn Sách. Từ đó về sau, Đại Kiều chỉ cô đơn lủi thủi sống một mình nuôi nấng đứa con trai duy nhất của mình.
Tiểu Kiều có vẻ như may mắn hơn chị gái của mình một chút. Cô có được cuộc hôn nhân hạnh phúc với Chu Du suốt 12 năm. Chu Du không chỉ là võ tướng tài năng mà còn là một tài tử phong lưu, tinh thông âm luật.
Cho tới nay người ta vẫn còn lưu truyền câu nói rằng: “Trong khúc nhạc có chỗ sai, Chu Lang chau mày”. Chu Du và Tiểu Kiều tình cảm mặn nồng, bên nhau như hình với bóng. Tiểu Kiều còn cùng Chu Du tham gia trận chiến Xích Bích lừng danh.
Tuy nhiên, sau Xích Bích 2 năm, năm 210, Chu Du trở về Giang Lăng, nhưng mắc bệnh và chết trên đường khi mới 36 tuổi. Trong suốt 12 năm kể từ khi lấy Tiểu Kiều, Chu Du là đại tướng thống lĩnh quân Đông Ngô, lập nhiều chiến công hiển hách, nổi tiếng khắp thiên hạ.
Không may, Chu Du đoản thọ, qua đời khi tuổi đời còn quá trẻ. Khi Chu Du chết, Tiểu Kiều cũng chưa tới 30. Người ta nói hồng nhan bạc phận, Đại Kiều và Tiểu Kiều xinh đẹp nổi tiếng Giang Đông nhưng cuối cùng phải sống trong cảnh cô đơn, lạnh lẽo.
Nói rằng, Tào Tháo không tấn công Đông Ngô vì hai nàng Kiều, tuy nhiên, điều này không hề có nghĩa Tào Tháo không để tâm gì tới hai người đẹp lừng danh đất Giang Nam này. Tào Tháo vốn là kẻ anh hùng, chí lớn nuốt cả thiên hạ, tuy nhiên cũng là kẻ theo đuổi sự hưởng lạc và dâm loạn.
Tào Tháo xác thực là có xây dựng Đài Đổng Tước và sau khi xây xong đã tuyển không ít mỹ nữ về giam ở đây để thỏa sức hành lạc. Tào Tháo còn cho mời các thuật sĩ thông thạo phòng trung thuật giúp mình luyện đan và dùng những cung nữ này làm vật thí nghiệm.
Sách “Lâm Chương Chí” có chép: “Năm Kiến An thứ 15, Tào Tháo xây dựng Đổng Tước Đài ở phía Tây Bắc Nghiệp Thành. Đài cao 57 trượng, gian chính rộng hơn trăm gian, cửa đều làm bằng đồng có chạm khắc hình rồng, ánh sáng chói lòa.
Ở phía đỉnh lầu có một chim đổng tướng, cao một trượng năm thước, hai cánh dang rộng như đang bay”. Ngoài Đổng Tước Đài, Tào Tháo còn xây dựng nhiều đài khác như Kim Phượng Đài xây dựng vào năm Kiến An thứ 18, cao 8 trượng, phòng ốc rộng tới hơn trăm gian hay Băng Tỉnh Đài ở phía Bắc của Đài Đổng Tước xây vào năm Kiến An thứ 18.
Sau khi xây dựng xong Đổng Tước Đài, ở mỗi phòng, Tào Tháo cho nhốt một mỹ nữ. Tào Tháo khi còn sống thường tới các đài này thỏa sức hành lạc, dâm loạn. Cho tới khi chết, Tào Tháo còn dặn con cháu rằng, mỗi khi tới ngày mồng một hoặc rằm, lệnh cho các mỹ nữ này lên đài hát cho mình nghe.
Tuy nhiên, không may là những mỹ nữ này sau đó đã bị con trai của Tào Tháo là Tào Phi nạp làm cung phi của mình.
Đại Kiều và Tiểu Kiều xinh đẹp tới mức nào thì sử sách không hề ghi chép. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, hai nàng Kiều phải thuộc hàng khuynh nước khuynh thành mới có thể trở thành đối tượng ca ngợi của các văn nhân từ xưa tới nay.
Vì thế, có lẽ may mắn cho Chu Du và Tôn Sách là khi còn sống, Tào Tháo không chiếm được Giang Đông, nếu không, Đại Kiều và Tiểu Kiều khó mà thoát khỏi số phận bị “khóa” trong Đài Đổng Tước của Tào Tháo…
- Phong Nguyệt