Type Here to Get Search Results !

9 cách để cãi nhau không gây tổn thương tình cảm


Vấn đề là làm thế nào để nó không ảnh hưởng, không làm tổn thương tình cảm đôi bên, thậm chí lại trở thành cầu nối để cả hai có thể xích gần nhau hơn?

1. Dùng ngữ câu "Em/ anh nghĩ rằng..." để biểu đạt quan điểm

Các chuyên gia Xã hội học Mỹ nhấn mạnh, khi cãi nhau tốt nhất bạn nên dùng nữ câu "em/anh/mình cảm thấy bạn đang làm tổn thương mình", hoặc "Mình cảm thấy ý của bạn là"…, để nhấn mạnh đây chỉ là cảm nhận của cá nhân bạn. Cách nói này sẽ giảm nhẹ bầu không khí căng thẳng của cuộc tranh luận, cũng đồng thời chứng tỏ sự khiêm nhường, từ tốn của bạn rất đáng để đối phương phải tôn trọng.

2. Nói đơn giản, thẳng thắn

Cách nói nhập nhằng, bóng gió rất khó làm cho đối phương hiểu được rốt cuộc bạn đang nghĩ gì, điều gì khiến bạn chưa hài lòng... Muốn giải quyết tranh luận sớm, thì cách tốt nhất là nói trực diện vào vấn đề, không bóng gió này nọ, bộc lộ thẳng thắn quan điểm, cách nghĩ của bạn để đối phương hiểu được trong lòng bạn đang nghĩ gì, muốn gì.

3. Không nên lấy bí mật riêng tư của người khác ra để cười cợt

Cho dù cuộc tranh luận có trở nên vô cùng kịch liệt, lên tới đỉnh điểm chăng nữa, bạn cũng cần tránh nhắc đến bí mật riêng tư của đối phương, hoặc một số vấn đề cá nhân đối phương không muốn nhắc đến. Vi phạm điểm này, bạn sẽ khiến cho niềm tin của người ấy dành cho bạn bị giảm sút nghiêm trọng. Đồng thời biến chuyện đang nhỏ như con kiến cũng có thể to bằng con voi.


4. Cho đối phương cơ hội nói

Khi muốn kết thúc những rắc rối, thì một trong những cách làm thông minh nhất là hãy cho đối phương cơ hội giải thích, lý luận và tất nhiên, việc của bạn là nhẫn nại lắng nghe. Có như vậy cả hai mới tìm ra được nguyên nhân thực sự tồn tại khiến cả hai bất đồng là gì để cùng nhau tháo gỡ, giảng hòa.

5. Cho hai bên chút thời gian suy nghĩ, tĩnh tâm

Mục đích của việc tranh luận là để giải quyết tháo gỡ vấn đề, chứ không phải là làm cho nó lớn chuyện, căng thẳng hơn. Bởi vậy, nếu có thể, hãy cho cả hai chút thời gian để cùng nhau suy nghĩ, nhìn nhận lại vấn đề. Từ đó, từng bước một, vấn đề sẽ sớm được tháo gỡ mà không cần phải mất quá nhiều sức.

6. Không nói lời tổn thương đối phương

Đừng bao giờ giận quá mất khôn mà nói những lời phỉ báng, làm tổn thương lòng tự trọng của nhau. Những lời nói độc địa, cay nghiệt có thể sẽ khiến bạn hả giận, nhưng lại vô tình làm tổn thương sâu sắc đến người ấy, đồng thời biến vấn đề từ giản thành phức tạp hơn rất nhiều.

7. Không ném đồ hoặc động "thủ"

Dù có tức giận đến đâu, thì việc hất nước, động tay chân, vứt đồ đạc khi cãi nhau là điều cấm kỵ. Bởi bất cứ hành vi phi ngôn ngữ nào sẽ chỉ khiến "đối phương" có ấn tương ngày càng kém về bạn mà thôi.

8. Không nên phân rõ đúng sai

Bạn cần cảnh tỉnh bản thân trong mỗi cuộc cãi vã, đó là vấn đề chính không phải ai đúng ai sai, chỉ là do cách nhìn hai người không đồng nhất và cần tìm ra một điểm chung tương đồng giữa hai người. Hiểu rõ điều này, mọi xung đột mới có thể tháo gỡ một cách nhanh chóng, triệt để.

9. Không nên để mọi người xung quanh biết

Khi cãi nhau, nếu để mọi người biết và nghe thấy sẽ chỉ khiến hai người rơi vào trạng thái lúng túng, dễ bị rối bời. Đã thế, cả hai sẽ bị mọi người xung quanh nhận xét này nọ không hay.

Bởi vậy, dù có bực mình đến mấy, thì lời khuyên chân thành là hai bạn nên tìm một nơi yên tĩnh, vắng vẻ để tranh luận cho rõ ràng và không lo bị làm phiền.

Theo Ione.net