Đã vào cửa Phật thì phải "kiêng" nữ sắc. Thế nhưng ở Trung Quốc, rất nhiều phụ nữ cổ đại, mà đặc biệt là phụ nữ xinh đẹp, thích vụng trộm với các hòa thượng. Đã xảy ra không ít chuyện ngoại tình bi hài mà nhân vật chính không ai khác chính là các đệ tử Phật môn.
Chê chồng xấu, ngoại tình với sư
Theo những gì còn lưu lại thì người phụ nữ có “bê bối tình ái” sớm nhất với các đệ tử Phật môn là hoàng hậu Từ Chiêu Bội của ông vua Nam triều Tiêu Trạch. Theo ghi chép của “Nam sử”, Lương Nguyên đế Tiêu Trạch lấy Từ Chiêu Bội về làm phi, song vị vua này chỉ có một con mắt, không hợp ý nàng Chiêu Bội. Mỗi lần “sủng hạnh” là nàng lấy vải che một nửa khuôn mặt vì cho rằng mắt của Lương Nguyên đế chỉ nhìn thấy một nửa mà thôi. Vua nổi giận, đâm ra chán ghét Từ phi, nhiều năm không thèm ngó ngàng tới. Tuy nhiên, Từ Chiêu Bội cũng chẳng chịu cảnh lạnh lẽo trong hậu cung. Nàng để ý tới vị hòa thượng Trí Viễn của Dao Quang Tự ở Kinh Châu. Vị hòa thượng này cũng không vượt qua được sức quyến rũ của nàng quý phi nhiều ham muốn. Hai người thường xuyên tìm cách tư thông với nhau.
Ít lâu sau, Từ Chiêu Bội lại để ý tới một vị đại thần trong triều đình tên là Ký Lý Giang. Khác với ông vua “độc nhãn” Lương Tiêu Trạch, vị đại thần này tướng mạo khôi ngô, lại đa tình quyến rũ. Từ Chiêu Bội bèn phái người tâm phúc tìm tới tận phủ của họ Ký, dẫn vị đại thần này vào hậu cung bí mật tư thông với mình. Ông ta sau này đã phải thốt lên rằng: “Loài chó Bá Trực dù già vẫn có thể đi săn được, loài ngựa Tiêu Lật Dương dù già vẫn có thể cưỡi được, Từ nương (Từ Chiêu Bội) tuy già nhưng hãy còn đa tình lắm lắm”.
Đường đường là ông vua một nước, dù chỉ có một mắt nhưng lẽ nào lại không bằng một gã hòa thượng “vô danh tiểu tốt”? Lương Nguyên đế cuối cùng không chịu nổi cảnh Từ Chiêu Bội vụng trộm hết người này tới người khác nên đã buộc nàng nhảy xuống giếng tự sát, đem thi thể trả về cho nhà họ Từ. Chưa hả giận, vua còn giết sạch sư Trí Viễn và những người từng vụng trộm với Từ Chiêu Bội. Sau đó, vị hoàng đế ưa văn thơ còn tự tay viết hẳn một cuốn sách kể lại toàn bộ hành vi dâm đãng vụng trộm của Từ Chiêu Bội để giải tỏa mối hận bị “cắm sừng” của mình.
Tuy nhiên, những người phụ nữ thích vụng trộm với hòa thượng không chỉ có một mình Từ Chiêu Bội. Từ khi có vị quý phi họ Từ làm gương, những Hoàng hậu, công chúa thời cổ đại thích ngoại tình với các đệ tử Phật môn xuất hiện trong sử sách ngày càng nhiều.
Thái hậu đưa sư vào cung
Theo sử sách thời Bắc Tề, Vũ Thành đế là Cao Trạm sau khi kế thừa ngai vàng đã cưỡng bức chị dâu là Lý Tổ Nga, suốt ngày quanh quẩn trong hậu cung của bà “cựu hoàng hậu” này, bỏ bê hậu cung với hàng ngàn mỹ nữ. Vợ cả của Vũ Thành đế là Hồ Hoàng hậu không chịu cảnh tĩnh mịch lạnh lẽo, đã tìm cách quyến rũ một đại thần thân tín của Vũ Thành đế là Hòa Sỹ Khai.
Hai người vụng trộm tư thông trong suốt một gian dài mà Vũ Thành Đế không hề hay biết. Sau Hòa Sỹ Khai bị giết, Hồ Hoàng hậu, lúc này đã trở thành thái hậu, vẫn không chịu nổi cảnh cô đơn. Lấy cớ đi lễ Phật, Hồ Thái hậu liên tục lên các chùa nằm ở ngoại ô kinh thành. Sau rất nhiều chuyến “xuất cung bái Phật” như vây, bà thái hậu họ Hồ quyến rũ được một hòa thượng tên là Đàm Hiến. Đàm Hiến dung mạo tuấn tú, sức khỏe lại hơn người nên rất được Hồ Thái hậu yêu chiều.
Tuy nhiên, một tháng đôi lần xuất cung lễ Phật không đủ để thỏa mãn thái hậu. Vì vậy, bà mượn cớ muốn hằng ngày được ăn chay niệm Phật, cho xây dựng hẳn một Phật đường trong hậu cung rồi mời Đàm Hiến về đây giảng kinh để thuận tiện cho việc tư thông. Bao nhiêu tiền trong ngân khố quốc gia đều bị Hồ Thái hậu đem chuyển hết vào Phật đường cho Đàm Hiến, thậm chí cả đến chiếc giường của ông chồng quá cố là Cao Trạm cũng được Hồ Thái hậu đưa vào Phật đường, biến nơi đây thành phòng hưởng lạc riêng cho mình và Đàm Hiến.
Chuyện tư thông với Đàm Hiến của Hồ Thái hậu, trong ngoài cung không ai không biết, chỉ môt mình Cao Vỹ Hoàng đế, con trai của Hồ Thái hậu, là vẫn không hay biết gì. Một lần, Cao Vỹ vào cung để hỏi thăm sức khỏe mẫu hậu, thấy hai ni cô rất xinh đẹp nên đến đêm cho người triệu vào cung để hầu hạ mình. Hai ni cô nhất định từ chối, không chịu nhận sự “sủng hạnh” của Hoàng đế. Cao Vỹ bừng bừng nổi giận, sai người hầu lột hết quần áo của họ để cưỡng bức thì hóa ra hai ni cô xinh đẹp nọ là… đàn ông. Đây là hai hòa thượng trẻ, tay chân dưới trướng của Đàm Hiến, được ông ta đưa vào cung để “giảng kinh” phục vụ Thái hậu. Bởi vì hai vị hòa thượng trẻ này đều rất tuấn tú, da dẻ lại trắng trẻo như con gái nên Hồ Thái hậu mới cho họ hóa trang thành ni cô rồi lưu lại cung luôn, không cho về nữa.
Hoàng đế Cao Vỹ khi phát hiện ra chuyện hủ bại của mẹ đã nổi giận đùng đùng. Ngay sáng hôm sau, chẳng phải mất thời gian tra xét gì, Cao Vỹ ra lệnh đem Đàm Hiến và hai tên hòa thượng giả ni cô chém đầu rồi bêu giữa chợ.
Cả mẹ lẫn con đều mê hòa thượng
Nhắc tới những người phụ nữ thích vụng trộm với hòa thượng thời cổ đại, không thể không nói tới nữ hoàng Võ Tắc Thiên. Bà đã biến không ít đàn ông Đại Đường thành “nam sủng” của mình, nhưng người đầu tiên trở thành tình nhân của bà lại là một vị hòa thượng có tên là Tiết Hoài Nghĩa ở gần ngôi chùa mà Võ Tắc Thiên bị đưa vào làm ni cô. Hai người lén lút tư thông với nhau. Sau này, khi đã trở thành hoàng đế, Võ Tắc Thiên lấy cớ hướng Phật, cho phép Tiết Hoài Nghĩa tự do ra vào cung cấm để thuận tiện cho việc “sủng hạnh” của mình.
Nữ hoàng Đại Đường tư thông với hòa thượng thì các cô công chúa Đại Đường cũng chẳng chịu kém cạnh chút nào, nổi tiếng nhất là Thái Bình công chúa và Cao Dương công chúa.
Thái Bình công chúa là con gái Võ Tắc Thiên nên đã thừa hưởng toàn bộ những đức tính “tốt” của người mẹ. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Thái Bình Công chúa đã nuôi ý định một ngày kia sẽ kế thừa ngai vị nữ hoàng của mẹ mình. Và cũng giống như mẹ, nàng đặc biệt lưu ý tới các đệ tử nhà Phật. Người tình của cô công chúa lắm điều tiếng này chính là hòa thượng Phạm Nghị. Nhờ vào mối tình với công chúa, Phạm Nghị đã được phong làm trụ trì chùa Thánh Thiện, sau đó lại được phong quan hàm tam phẩm, tước công, có thể nói là không vinh dự nào bằng. Tuy nhiên, sau khi âm mưu chính trị của Thái Bình công chúa đổ vỡ thì Phạm Nghị cũng bị giết chết.
Cao Dương công chúa là con gái thứ 17 của Đường Thái tông Lý Thế Dân. Khi Cao Dương mới 15 tuổi, Lý Thế Dân đã lao tâm khổ tứ sắp đặt để con trai thứ của vị tể tướng tài năng Phòng Huyền Linh là Phòng Di Ái thành rể. Nhưng Phòng Di Ái quá cao lớn, thô lỗ, không hợp khẩu vị của công chúa. Nàng thích những chàng trai thư sinh, nho nhã, khôi ngô. Thấy vợ không thích mình, sau đêm động phòng hoa chúc, Phòng Di Ái tuyệt nhiên không bao giờ xuất hiện trên chiếc giường của công chúa Cao Dương nữa.
Trong một lần đi săn, công chúa Cao Dương gặp hòa thượng Biện Cơ. Chẳng hiểu ông trời sắp đặt thế nào mà Biện Cơ lại hội đủ mọi tố chất người đàn ông lý tưởng của cô công chúa đỏng đảnh: khôi ngô, tuấn tú, nho nhã, thư sinh. Lần đó, sau khi săn bắn một hồi, Cao Dương cảm thấy thấm mệt và muốn nghỉ ngơi. Phòng Di Ái và bọn người hầu vội vã đưa nàng vào trong ngôi chùa nhỏ ở ven rừng nghỉ tạm. Đó cũng chính là nơi mà Biện Cơ đang ngày ngày cố công tu hành, một lòng hướng Phật. Công chúa và phò mã đột nhiên ghé đến, Biện Cơ bỏ cả sách vở, vội vàng chạy ra tiếp đón.
Công chúa vừa nhìn thấy vị sư nho nhã, mặt lập tức đỏ bừng lên. Vốn tính kiêu ngạo, nàng chẳng thèm giấu giếm ánh mắt tình tứ và say đắm dành cho Biện Cơ. Và bằng sự mẫn cảm, Biện Cơ cũng nhìn thấy cảm tình công chúa dành cho mình. Những kinh sách nhà Phật mà nhà sư 26 tuổi khổ công dùi mài suốt mười mấy năm đã bị ánh mắt sắc lẹm của công chúa đốt trụi cả. Phò mã cùng bọn người hầu mang màn trướng lẫn giường nệm vào chùa, dọn phòng cho Cao Dương nghỉ ngơi. Sau khi đã yên vị trong căn phòng ấm áp, công chúa cho gọi Biện Cơ vào.
Phòng Di Ái sợ chuyện ngoại tình chướng tai gai mắt của vợ lọt ra ngoài nên lấy cớ sợ bọn người hầu quấy nhiễu công chúa nghỉ ngơi, đuổi hết chúng ra ngoài, tự mình canh cửa. Về sau, với sự canh gác của chồng, Cao Dương còn nhiều lần hẹn hò với Biện Cơ nữa. Để đáp lại sự trung thành của vị phò mã tội nghiệp, Cao Dương thưởng cho Di Ái hai thị nữ xinh đẹp của mình.
Nguồn Báo Đất Việt