Type Here to Get Search Results !

Thời điểm đưa thiệp cưới


Việc lựa chọn thời điểm gửi thiệp không quá muộn, cũng không quá sớm là điều quan trọng để các vị khách sắp xếp thời gian đến dự đám cưới của bạn.
Sau khi đã đặt in thiệp, viết thiệp mời chu đáo, các cô dâu chú rể cũng cần có kế hoạch gửi thiệp tới tận tay khách mời để thể hiện sự trân trọng và mong muốn khách mời tham dự đám cưới của bạn.
thiệp cưới
Tấm thiệp là lời thông báo trân trọng mà cô dâu chú rể muốn dành cho khách mời. Ảnh: internet
Thời điểm thích hợp nhất
Khoảng thời gian từ 1 tuần tới 10 ngày trước đám cưới là thời điểm hoàn hảo để cô dâu chú rể gửi thiệp cho các vị khách. Không nên đưa thiệp quá sớm, tránh tình trạng các vị khách có thể quên mất ngày lễ trọng đại của bạn. Cô dâu chú rể cũng không nên gửi thiệp quá muộn, khách mời không sắp xếp thời gian kịp để tới dự hôn lễ của bạn.
Thời điểm đưa thiệp phụ thuộc vào thời điểm ăn hỏi
Ở các tỉnh thành miền Bắc, các gia đình thường đi mời khách sau khi lễ ăn hỏi truyền thống diễn ra. Bởi lẽ, khi đó, gia đình cô dâu sẽ nhận được mâm quả lễ vật do nhà chú rể mang tới và cô dâu sẽ chia lễ vật thành nhiều phần nhỏ để gửi kèm thiệp mời tới các vị khách thân thiết. Việc đưa đồ lễ ăn hỏi kèm thiếp mời giống như một lời báo tin tới các vị khách khiến họ cảm thấy mình được tôn trọng, yêu quý hơn.
Vì lẽ này, không phải gia đình nào cũng có thể mời khách trong thời điểm hoàn hảo từ 7 đến 10 ngày vì khoảng cách giữa lễ ăn hỏi và lễ cưới ở mỗi nhà khác nhau. Có gia đình ăn hỏi và thành hôn chỉ cách nhau 2, 3 ngày, nhưng có gia đình lại tổ chức lễ ăn hỏi trước ngày cưới 1 tháng. Do đó, nhà gái sẽ "tùy cơ ứng biến" để nhanh chóng gửi thiệp và đồ lễ tới khách mời ngay sau lễ ăn hỏi.
Nếu mời khách sớm, trước lễ cưới vài tuần tới cả tháng, gia đình cô dâu cần chú ý có kế hoạch "nhắc nhở" các vị khách. Ví dụ, khoảng 1 tuần trước khi kết hôn, cô dâu có thể gọi điện, gửi tin nhắn hay email tới những người khách thân quen, họ hàng để nhắc lại thời điểm bạn kết hôn. Đối với gia đình nhà trai, không có phần chia lễ ăn hỏi nên việc mời khách hoàn toàn do gia đình và chú rể bàn bạc, thống nhất.
thiệp cưới
Với những khách ở xa, bạn có thể gọi điện, email trước và gửi thiệp qua đường bưu điện. Ảnh: internet
Phân chia kế hoạch mời khách
Việc chia khách mời ra thành nhiều đối tượng sẽ giúp gia đình hai bên dễ dàng hơn trong quá trình gửi thiệp. Với những vị khách lớn tuổi, họ hàng, khách ngang hàng với bố mẹ, thì bố mẹ cô dâu chú rể nên đứng tên mời cũng như là người đưa thiệp. Ngược lại, cô dâu chú rể sẽ là người chịu trách nhiệm mời bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng ngang hàng với tầm tuổi của đôi uyên ương.
Hình thức đưa thiệp mời
Cách tốt nhất là bố mẹ hai bên và cô dâu chú rể trực tiếp đưa thiệp đến tận tay khách, tránh tình trạng gửi thiệp của người này qua người khác. Trong trường hợp khách mời ở xa, gia đình có thể gọi điện thông báo trước rồi gửi thiếp mời qua đường bưu điện cho họ. Khi đưa thiệp trực tiếp, đôi uyên ương nên thể hiện sự tôn trọng, nồng nhiệt, vui mừng khi được đón tiếp các vị khách trong ngày vui của mình. Chính những biểu hiện của bạn sẽ khiến khách mời cảm thấy vui vẻ và muốn đến dự đám cưới.