Có người nói: Mỗi người cần gìn giữ lấy đầu và chiếc mũ trên đầu.
Như chúng ta đã biết, mũ thường được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Còn cái đầu của mỗi người thì từ hàng nghìn năm nay đã là cuốn sách chưa viết; trong đó chứa đựng tiếng nói, lịch sử, chuyện cổ tích, chuyện huyền thoại của chúng ta - Nghĩa là tất cả những gì nhân dân sáng tạo nên. Nhiều điều đã lưu truyền lại và giữ được đến ngày nay, nhưng cũng có nhiều điều bị thất lạc, biến mất, không bao giờ thấy lại.
Người ta vẫn nói: "Những gì bị quên và mất đi là những gì tốt đẹp, cao quý nhất". Bởi vì khi bạn đang đọc một bài thơ bỗng quên mất một câu thì hình như câu đó là quan trọng nhất.
Nhiều điều đang bị chúng ta quên đi. Từ 100 câu thơ sẽ chỉ còn lại một câu, nhưng nếu còn lại tức là sẽ còn mãi mãi. Tương tự một kịch bản bị quên lãng đối với các bài văn hay những bài ca.
Người xưa đã nói: "Lời nói bay đi, lời ghi ở lại". Tôi thấy hoài nghi với câu nói này và dường như đã khá lâu rồi mọi chuyện lại xảy ra ngược lại với câu nói ấy.
Sách...Từng chữ, từng dòng, từng trang; tưởng rằng đó chỉ đơn thuần là những trang giấy. Nhưng trang giấy ấy là nhạc điệu của lời nói, là chất ngọt ngào của ngôn ngữ, là lý tưởng. Chính tôi là người đã viết lên những trang giấy đó, là những người khác mà tôi đã viết về họ và họ đã tự viết về mình; trang giấy ấy là mùa hè nóng bỏng, là bão tuyết mùa đông, là sự kiện hôm qua, mơ ước ngày mai, công việc ngày mai.
Lịch sử thế giới, cũng như số phận mỗi con người, nên chia thành hai phần: Trước khi có sách xuất hiện và sau khi có sách. Thời kỳ thứ nhất là đêm, thời kỳ thứ hai là ngày rạng rỡ.
Có thể nói rằng sự ngu dốt đã là tội ác nếu vì điều đó mà lịch sử đã trừng phạt chúng ta lâu dài và nặng nề đến thế. Bây giờ thì sách đến với mỗi người rất sớm, dưới dạng sách vỡ lòng, khi con người chập chững biết đi. Thật không may nếu một đứa trẻ ngày nay lớn lên mà làm bạn với sách muộn màng.
Ngày xưa, người ta ví thân hình người đàn ông là bình chứa mực, máu là mực, dao găm là bút chì. Và lúc ấy cuốn sách của sự chết chóc đã được viết lên, ngôn ngữ của nó mọi người đều hiểu, không cần ai phải dịch. Nỗi bất hạnh của người phụ nữ là cái bình chứa mực, nước mắt là mực, gối là trang giấy, và lúc ấy cuốn sách của nỗi đau khổ đã được viết lên, nhưng nào có ai xem được; người phụ nữ không muốn ai nhìn thấy nước mắt của mình.
Sách là cánh cửa sổ mở ra những điều mới mẻ cho ngôi nhà, ấy vậy mà có không ít người lại tự nhốt mình trong những căn phòng kín, đầy tăm tối.
"Hãy viết những gì anh biết và có thể viết. Còn những gì không biết thì hãy tìm đọc sách của người khác"
Nếu anh viết hay làm thơ, thì đừng làm thứ thơ không đọc được cho mẹ, cho chị, cho con gái nghe được. Nếu anh làm phim, thì cũng đừng nên làm thứ phim không cho người dưới 16 tuổi xem.
Còn tiếp...
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.