Type Here to Get Search Results !

'Lời tiên tri của giọt sương' và cuộc phiêu lưu chất liệu (2)


2. Chất liệu - một sự phơi bày và ẩn giấu

"Lời tiên tri của giọt sương" làm chứng cho một cuộc nhào nặn lạ kỳ và dai dẳng những thế giới khác biệt của tri thức: Tri thức trở thành đời sống và trở thành chất liệu duy nhất. Cũng không khó hiểu khi có độc giả than phiền Nhật Chiêu chỉ viết dựa những gì ông đọc được, rằng tác giả chỉ đơn giản là người có tài thâu nhập kiến thức, viết văn hay, dịch thơ giỏi.

Nhưng sự nghi ngại đó không làm mờ đi một sự thật khác, đó là tính chất phơi bày và ẩn giấu trong khả năng tư duy về chất liệu sáng tạo của  Nhật Chiêu; có thể nói, là "nhà giả kim" trên chính chất liệu đặc biệt của mình, ông đã du nhập và làm nổi rõ một cảm hứng hậu hiện đại rất mạnh mẽ từ quan niệm táo bạo về chất liệu.

Người ta vẫn có thể sáng tạo văn chương dựa trên chính văn chương. Có lý gì tâm hồn không thể trở thành văn bản, và văn bản không thể được xem là một phần của đời sống? Nhật Chiêu không ngại phơi bày cả tên nhân vật, tác phẩm, sự kiện, chi tiết... đã từng quen thuộc trong sự kính cẩn nhàm chán của người đọc mọi thời. Chính sự phơi bày đó mà mọi ý nghĩa được ẩn giấu, "lấp lánh" đến nỗi người đọc có thể tìm thấy vô số cách "tạo nghĩa" cho tác phẩm.

"THIỀN SƯ đọc cho người đàn ông nghe bài thơ vừa mới soạn xong :

Tên trộm đi rồi
Bỏ quên bên cửa sổ
Một vầng trăng soi

Bữa sau, người đàn ông trở lại, kể rằng ông cũng vừa bị trộm hồi hôm.

- Tên trộm dường như không lấy gì hết. Nhưng vợ tôi thường ngồi bên cửa sổ thì đã biến mất trong đêm. Không biết có phải là cùng một tên trộm đã viếng nhà thầy không ?

Phần đầu truyện liên quan đến thiền sư Ryokan, tác giả bài thơ lừng danh trên. Phần còn lại có thể là giấc mơ của chính thiền sư, tuy vậy chưa từng có sách nào ghi chép nó". (Tên trộm)

Thiền nhân, thi nhân Nhật Bản Ryokan (1758-1831) là nhân vật có thật trong lịch sử thiền tông và văn học Nhật Bản. Bài thơ ngắn mà lộng lẫy của ông cũng được chính Nhật Chiêu dịch trong cuốn Thơ ca Nhật Bản [4]. Cuộc đời trong lành và thơ mộng của Ryokan qua ý thơ cao quí bỗng nhiên biến thành nơi neo đậu của một câu chuyện "dở khóc dở cười" về sự biến mất của người vợ nào đó, biến thành nơi xuất phát của một câu chuyện trần thế có thể gặp ở bất kỳ đâu, và cũng kỳ lạ hơn bất kỳ đâu. Có cái gì đó đã trộn lẫn sự tu và sự đời, cô tịch và ồn ào, thanh nhã và tục lụy. Phần giả định cuối truyện càng làm cho câu chuyện hài hước hơn, bất chấp tinh thần của nó rất mực thanh cao.

Một câu chuyện khác được Nhật Chiêu kể như sau :

"GẶP CÓC, Trời xin từ nhiệm vì không muốn làm Trời nữa, Cóc khuyên giải, "Cháu bắt chước con người làm gì, như ta đây là Cậu của Trời phải cai quản mưa, nếu ta từ nhiệm thì cả thiên hạ đành chết khát, Cóc và Trời không thể thay thế, vậy mới là Chí Tôn" (Chí Tôn)

"Con cóc là cậu ông Trời - Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho" - câu ca dao quen thuộc này là văn bản xuất hiện phần cuối một câu chuyện cổ tích loài vật nổi tiếng ở Việt Nam, đã được tác giả liên kết ngầm vào phía trước câu chuyện. Vậy, câu chuyện tiếp theo cuộc chiến thắng ngoạn mục của con Cóc là gì vậy ? Là ông Trời xin từ nhiệm. Và con Cóc đã có câu trả lời đột xuất "thông thái". Con Cóc quả khôn ngoan, nó xứng đáng làm cậu ông Trời lắm, vì nó biết rằng mọi sự thu xếp ở đời mới là Chí Tôn, nghĩa là mọi sự tương đối mới là tuyệt đối. Con Cóc này không tự nảy ra ý định ấy, nó chỉ có thể là con Cóc của Nhật Chiêu. Chúng ta mỉm cười được ở điểm này.

Trong thế giới truyện kể của Nhật Chiêu, có vẻ như nhiều mảng tri thức bị tước đi lớp vỏ hiền thánh và cổ điển, tự nó làm vỡ đi các lớp bọc mòn mỏi và niềm tin vô hình để sinh tạo chính mình từ những tế bào chết. Nó từ chối sự yên ổn. Với ông, mọi thần tượng đều rời bỏ ngôi vị. Mọi thành ngữ đều đánh mất bản chất cố định. Mọi cốt truyện  đều bị phá vỡ. Mọi motif đều tự hoại. Mọi nhân vật kinh điển đều từ giã sách vở để trở thành người sống. Những phát biểu lỗi lạc trở thành hạt nhân của một câu chuyện cười. Những cái kết có hậu quay ngược thành bi hài kịch. Lời tiên tri của giọt sương là một cuộc phiêu lưu của chất liệu, một thứ "giả kim" nhọc nhằn trên chất liệu.

Điều rất đáng quan tâm là dấu vết thiền học và thiền đạo trong tác phẩm. Chính nơi phiêu lưu chất liệu ấy, công năng của thiền học lại được cơ hội hoạt hóa.

"LẠC BƯỚC VÀO XỨ SỞ CỦA NGƯỜI VÔ HÌNH, tôi chỉ nghe tiếng nói của họ lao xao như lá cây trong gió – "Tại sao y dám hiện hình ra như vậy, còn tệ hơn trần truồng » là câu họ thường phẩm bình tôi xui tôi cảm thấy mình cùng đường vô vọng hơn bao giờ hết". (Vô vọng)

"VƯỢT THOÁT TRONG HOAN CA và rồi nàng bật khóc khi nhận ra mình đã tự nhốt mình bấy lâu sau cánh cửa không hề có khóa" (Cánh cửa của nàng)

"LÀ NGƯỜI CUỐI CÙNG được phóng vào vũ trụ, anh nhìn thấy trái đất nổ tan" (Vong)

Những nhan đề trên liên quan đến các chữ : Vong, cánh cửa (môn), vô, vọng... đều là thiền ngữ, thiền tự có mặt trong lịch sử thiền tịch Đông Á đậm nét suốt hàng nghìn năm. Cách viết truyện của Nhật Chiêu dưới ánh sáng cảm hứng thiền học làm nổi lên một băn khoăn về giá trị của văn học tâm linh, tôn giáo đối với tâm lý sáng tạo đương đại.

Nhuần nhuyễn tri kiến thiền học, tác giả Lời tiên tri của giọt sương không mấy khó khăn để cấu trúc lại tinh thần của công án thiền, thiền ngữ thành những ẩn ngôn mới. “Trước khi sáng tác truyện ngắn, tôi thường dịch thơ Tanka và Haiku của Nhật, những bài thơ một câu của Tagore... đó là cảm hứng đầu tiên. Sau đó là những truyện ngắn gọi là “flash fiction” đang phổ biến trên thế giới, đặc biệt là những tập truyện của Augusto Monterroso mà tôi may mắn có được. Có thể kể thêm công án Thiền tông là một cảm hứng gần như thường xuyên trong sáng tác của tôi” [5]  – Lời tự bạch này của chính tác giả đã hướng dẫn cho chúng ta trước một cách đọc "khó" đối với tập truyện ngắn như những mẩu cổ tích kỳ dị này.

Chất thiền trong truyện toát ra từ cảm hứng triết lý, đồng thời, nó lẫn vào chất đời và tạo nên một niềm ám ảnh mới mẻ. Công án Thiền thực chất là một câu chuyện tu tập, một "khả năng giác ngộ". Nhưng công án Thiền trong sâu xa còn là một câu chuyện đời thuở "vô minh". Mỗi câu chuyện nhỏ nhắn của Nhật Chiêu là một sự hòa trộn "bẩm sinh" giữa thiền và đời. Bởi vậy, có nỗi đau tinh thần đến từ những hình ảnh ngụ ngôn.

Ở nơi không thể thấu suốt (vô mình), sự hiện hình là nỗi đau (nỗi tuyệt vọng vì không được phép có "hữu thể"). Ở nơi không thấu suốt (vô minh), sự vượt thoát là nỗi đau (vì có cánh cửa nào đâu – "Địa ngục vô môn nghiệp tự chiêu"). Ở nơi không thấu suốt (vô minh), sự giã từ là nỗi đau (nhìn thấy trái đất nổ tan – có sự thật ấy không ? Hay mọi sự vong hóa, vong thân, chia biệt đều gắn liền với cuộc đại hủy trong mắt người ?)...

Giá trị những câu chuyện vừa nêu nằm ở chiều sâu về nhận thức, cảm giác và hoài cảm về một con người nguyên sơ và thống khổ. Chỉ mô phỏng các công án thì người viết không thể "gây ra" những thao thức lớn. Các truyện trong Lời tiên tri của giọt sương bộc lộ phương thức dồn nén hiệu lực công án Thiền và sự suy diễn tình huống rất tinh tế của tác giả. Dồn cái tinh thâm của thiền vào cái trớ trêu của đời trong một thứ ngôn ngữ viết được "bào chế" gọn tênh - điều này mới thật sự mới mẻ, "gây sốc", và cũng có dễ dàng gì. Trong thiền môn, một thuật ngữ kỳ đặc rất tương ứng với mỹ học tiếp nhận là "hiện thành công án". Bài tập tâm linh sẽ không bao giờ có được công năng giác ngộ khi nó không thể "hiện thành" đời sống, hòa nhập toàn vẹn vào một satna của đời sống, và đến lượt nó lại tạo thành vô biên vô hạn những làn sóng trùng trùng các "công án" khác.

Mỗi tác phẩm Nhật Chiêu trong thế giới truyện tuyệt ngắn là một thứ hiện thành công án, là một sự khảo chứng lạ lùng và sâu sắc về những nẻo đường của tâm linh, cảm xúc.

Phần 1, còn tiếp...

CHÚ THÍCH TÀI LIỆU THAM KHẢO

[4]: Thơ ca Nhật Bản, Nhật Chiêu, NXB Giáo dục, 1998.
[5]:Thế giới trong giọt sương của Nhật Chiêu, xem chú thích [2].


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.