- Như con biết đó, ngoài những ông đầu bếp nhà hàng ra, tất cả đàn ông đều không biết nấu ăn. Ba cũng không ngoại lệ. Cho nên, cha con ta sẽ hoặc cơm hàng cháo chợ hoặc mì gói lót dạ đỡ vậy.
Thằng nhỏ trừng mắt nhìn anh sửng sốt. Vài giây sau, đôi mắt ấy cụp xuống cố giấu đi nỗi hụt hẫng vừa trào lên:
- Sao cũng được. Tui là đứa ăn tạp, dễ nuôi, dễ sống. Miễn không đói chết là được.
Một câu nói nhẹ hẫng, ngang phè bình thường mà anh nghe sao như mỗi tiếng cõng trên lưng một cục đá to, đè nặng xuống cái tâm hồn đang áy náy không tả xiết của mình. Rõ ràng là nó bất cần nhưng cũng ngấm ngầm trách cứ anh lâu nay bỏ mặc nó, chẳng ngó ngàng, chẳng chăm sóc, nuôi nấng được ngày nào. Đâu phải anh nghèo hoặc ki bo đến mức không nuôi nổi núm ruột của mình. Nhưng hai mẹ con họ đã không trao cho anh một cơ hội nào. Hai cha con lâu thiệt lâu mới có dịp được gặp nhau, tưởng sẽ cuống quýt mừng đến độ quíu tay quíu chân, quíu miệng quíu lưỡi, mừng đến độ nước mắt sẽ chảy, dù anh là người xưa nay chưa từng khóc. Nhưng không, thằng nhỏ mở cổng đón anh, buông một câu ơ hờ:
- Ba mới qua!
- Ừ! Mẹ con nhờ ba qua ở với con mấy ngày. Nghe nói mẹ đi công tác Hà Nội?
- Mẹ đi nhận giải báo chí gì đó. Lần đầu tiên mẹ đi xa.
Vậy rồi thôi. Anh líu ríu dắt cái xe đạp cà tàng vô nhà. Căn nhà xưa giờ vẫn vậy, tường vẫn giữ nguyên nước sơn màu gạch tôm, không sáng, không tối. Nhà dài gần hai chục mét, mà rộng mỗi bốn mét, chỉ có mỗi một đường đi từ cổng chính nép sang mép hành lang bên căn buồng rồi đi thẳng ra bếp. Mẹ thằng nhỏ là người kỹ tính, sạch sẽ, ngăn nắp, nên khi qua đây ở tạm vài ngày, anh cũng phải giữ ý giữ tứ. Đã không còn đồng lòng với nhau từ lâu lắm, bây giờ làm gì trái ý nhau một chút cũng dễ sinh buồn phiền. Anh bỏ dép, loay hoay nắm ghi-đông và cái sườn xe nhấc lên, mang xuống nhà bếp để cho gọn. Thằng nhỏ khóa cổng xong, không nói không rằng, túm lấy cái xe, đúng hơn là giựt ra khỏi tay anh, vác lên đi xăm xăm xuống bếp. Nó giờ đã cao hơn anh cả cái đầu, đôi vai rộng vươn ra vững chãi, chỉ có gương mặt trẻ con lúc nào cũng lầm lầm lì lì. Anh nhìn nó mà thắc mắc: mày giống ai mà mang cái bộ mặt rầu thúi ruột đó hả con? Rồi cũng tự anh nghiệm ra: thời gian đã tạc những nét lầm lì cáu kỉnh lên gương mặt đó. Hồi xưa, lúc anh và mẹ nó chưa chia tay, nó tinh nghịch đáng yêu lắm. Thời gian và những sự kiện xô bồ không ai muốn đã bắt tay nhau đẩy hai cha con nó ra xa, ngày càng xa, không biết chừng nào mới có thể gần trở lại.
Nó cất xe cho anh xong thì thông báo gọn lỏn:
- Mọi thứ trong nhà mẹ vẫn để nguyên vị trí cũ, chắc ba còn nhớ mà, ba cần gì cứ việc đi lấy. Tui đi làm bài đây.
- Ờ…
Anh đi ra khoảnh sân con trước hiên. Mấy khóm bông dừa tím phất phơ trong gió. Cái màu tím buồn đến cháy lòng, vậy mà vợ anh tôn thờ nó là biểu tượng của tình yêu thuỷ chung, lãng mạn. Giờ thì cô ấy còn trồng cả vài khóm hồng tỉ muội, hồng vàng, nhưng bông dừa tím vẫn không dời đổi. Anh lấy ca múc vài ca nước tưới bông. Mấy bông dừa vẫn còn đây, liệu tình yêu của cô ấy với mình có còn? Đã hàng trăm lần anh vắt óc hỏi mình câu đó, nhưng không có câu trả lời. Một lần sai đường đã khiến anh phải lủi thủi bước chân ra khỏi cuộc đời của cô ấy. Để rồi, sau bao nhiêu năm sống trong dằn vặt, tóc đã bạc thành từng nhúm trên đầu, anh mới hiểu hết một chân lý mà cô ấy đã trao tặng: trên đời này, con người được trời ban cho hai chân để đi cùng lúc trên một con đường, cốt là để giữ cho người mình không khập khiễng, lòng mình vững, mọi trở ngại đều vượt qua. Nhưng anh, anh là người tham lam, đặt hai chân trên hai con đường không cùng ranh giới. Cuối cùng, chân không què thì người cũng ngã. Hai con đường anh đi giờ tẻ ra hai hướng, để lại một khoảng nứt vỡ rộng ngoác, anh ngã vào đó, bị nó hút sâu đến tận cùng, gần như ngạt thở. Đàn bà, cái gì cũng có thể tha thứ được cho chồng, trừ ngoại tình. Vợ anh không phải cục đá mà không có những hỉ nộ thường tình. Chia tay rồi anh mới biết, hoá ra mình yêu mẹ con cô ấy biết chừng nào. Nhưng thế gian này rất sòng phẳng: anh đừng gây ra sóng gió để rồi ngồi đó khóc than hối hận. Gieo gió thì gặt bão. Đời mà.
Anh tưới cây giết thời gian, ngồi thẫn thờ ôn lại những ngày êm đềm xưa cũ cũng tốn hết một buổi. Sực nhớ đến giờ cơm trưa, anh đi vô phòng thằng nhỏ. Cửa mở, nó không làm bài gì hết mà đang mải miết chơi game.
Anh tròn mắt. Thằng con ngoan ngoãn của anh ngày nào giờ lại nghiện cái thú game bạo lực, bắn nhau ì đùng vầy sao? Trời đất ơi!
- Giờ ăn cơm không con?
Thằng nhỏ vẫn không rời màn hình:
- Ba ăn trước đi.
- Ờ, con muốn ăn gì, ba đi mua nha?
- Cơm sườn đi. Ba ăn gì thì cứ mua.
- Ờ, ba cũng…cơm sườn cho gọn.
Bà bán cơm sườn vỉa hè nhận ra anh ngay, dù đã mấy năm anh không hề lui tới góc phố này. Bà bới hộp cơm nóng hổi, cười cười:
- Anh mua cho thằng Toàn phải không? Để tui cho nhiều dầu hành, nó khoái dầu hành lắm!
- Ờ, sao chị biết?
- Trời ơi, nó là mối ruột của tui, tui phải rành hơn ai hết chứ!
Anh đỡ lấy hai hộp cơm, nghe mặt mình nóng ran. Mang tiếng là ba của nó mà anh chẳng biết con mình thích gì, chẳng bù với bà bán cơm. Cái câu nói của bả là cố tình khự vết thương lòng của anh lên săm soi đây mà. Trả tiền xong, anh cắm cúi đi như chạy. Cầu trời ngày mai nó đừng có đòi ăn cơm sườn để anh khỏi mất mặt như vầy. Anh tưởng tượng mặt mình giống cá ương, sình lên, sừng sộ, xấu xí không chịu nổi.
- Con ăn đi, ba đổ bịch nước mắm ra sẵn rồi nè.
Thằng nhỏ nhìn hộp cơm, giãy nãy:
- Trời ơi, ai biểu ba bỏ ớt vô chi vậy. Đã biết người ta không ăn cay được mà!
Anh chưng hửng. Cái thằng, còn dám hỗn với ba nó nữa kìa. Anh nạt:
- Người ta nào? Con ăn nói với ba vậy đó hả? Ba đâu có biết mày không ăn cay.
Nó quỵt mặt xuống, rồi đứng phắt dậy, gầm ghè trong họng:
- Thôi, ba ăn hết luôn đi. Tui mua mì gói về ăn cho rồi!
Anh lật đật nắm tay nó, ghị xuống, đẩy hộp cơm còn nguyên xi của mình qua chỗ nó:
- Thôi, ba xin lỗi vậy. Con ăn hộp cơm của ba đi, còn nguyên nè!
Thằng nhỏ dường như đói quíu, hay do không tự tin vào tài nấu mì của mình, ậm ừ ngồi xuống, mở nắp hộp cơm, xắn một muỗng, càu nhàu:
- Bữa nay sao bà bán cơm rưới dầu hành ít như thằn lằn đái vậy. Khô queo vầy ăn ngon lành gì!
Anh xuống nước:
- Hộp này của con bả mới cho nhiều dầu hành, mà ba lỡ tay bỏ ớt rồi nè. Thôi, ăn đỡ đi, coi như ăn chống đói vậy mà. Chống đói thì cần gì phải ngon, ha!
Chờ nó ăn gần hết hộp cơm, anh mới dám mở lời:
- Nè, sao con không học bài, chơi chi mấy cái game bạo lực thấy ghê vậy Toàn? Máu me không hà, thấy ớn quá!
Thằng nhỏ thờ ơ:
- Tui học xong hết rồi mới chơi game giải trí, xả stress thôi. Game đó nhằm nhò gì, còn mấy cái “khủng” hơn nữa kìa!
- Game bạo lực không tốt đâu, ảnh hưởng tới tâm tính, suy nghĩ của người chơi dữ lắm, chơi lâu dễ bị kích động lắm. Ngưng ngay đi con!
Thằng nhỏ vùng vằng:
- Ba mắc cười quá! Chơi hay không là quyền của tui. Hồi nhỏ ba mê phim kiếm hiệp đó, ai cấm???
Bó tay. Anh chới với khi nghe những lời đó phát ra từ miệng con. Cái hồi đó của anh và cái bây giờ của con làm sao mà giống được. Hồi đó, cả cái xã gần năm sáu cây số vuông mà ti vi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhà nào có đàn trâu đàn bò thì hoạ may. Đa số người già, con nít đều kéo nhau ra quán cà phê, chen chúc trong những chiếc ghế đẩu cao thấp lố nhố, xem phim bộ Hồng Kông, toàn kiếm hiệp, phim chưởng, múa đao đánh kiếm, chưởng ra khói, núi cũng lở. Biết là phim xạo đó, vậy mà vẫn khoái, vẫn tôn thờ các diễn viên đóng vai giang hồ hảo hán như Tiêu Phong, như Lâm Xung…Vậy mà hồi đó thấy có ai hành xử bạo lực như phim đâu. Giờ thì đi đâu cũng nghe bạo lực: bạo lực học đường( nghiện game bạo lực mà ra chăng?), bạo lực đường phố, bạo lực khi xảy ra tai nạn giao thông… Khi không anh nghe tay mình lạnh. Những sợi gân tím xanh luồn trong lớp da đang trồi lên như cố thoát. Chúng không bao giờ thoát ra khỏi lớp da bao bọc bên ngoài, trừ khi chúng chết. Anh cũng đang ngoi ngóp trong một lớp vỏ bọc nào đó, cũng cố thoát nhưng không thể. Bất lực là từ đáng nguyền rủa nhất trong tình trạng của anh hiện giờ. Thằng nhỏ phủ nhận tất cả quyền quan tâm, quyền chăm sóc, bảo ban của ba nó. Hoá ra mười mấy năm làm cha trở về con số không tròn trĩnh.
Buồn rũ như con cú, anh ra phòng khách châm thuốc hút. Tật nghiện thuốc của anh nặng rồi, trước thì ngày lai rai chục điếu, giờ có nhiều chuyện phải suy nghĩ, mà càng suy nghĩ càng phải hút nhiều, một gói vẫn chưa xi nhê gì. Hổm rày có lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng. Nhưng anh thấy có giảm được gì đâu, lệnh thì lệnh đó, mà biết ai có chức năng phạt người hút thuốc, lệnh không nêu ra, cũng có thấy ai bắt bớ gì, nên ông nào cũng tự biến mình thành “còi tàu”, chừng nào phổi lủng như cái rổ thì hay. Lúc đó chắc chết mất rồi, còn hơi đâu mà lo bị phạt này nọ. Giỡn chơi thôi, chứ anh cũng biết tác hại của thuốc rành lắm, mà lỡ nghiện rồi, khó cai.
Già nửa điếu Địa Cầu, anh nghe tiếng thằng nhỏ lệt bệt đi ra, ho sằng sặc:
- Trời ơi, ba làm gì hút thuốc nặng dữ vậy? Muốn “đầu độc” tui hay sao vậy?
Anh nổi cáu thật sự:
- Hừm, mày chơi game được mà ba hút có điếu thuốc cũng la làng là sao?
Thằng nhỏ trừng cặp mắt đỏ ngầu lên nhìn anh, tay nó ôm ngực, gíong lên một trận ho báng bổ:
- Ba đúng là ác thật mà!
Rồi cái mặt trắng bệt tự nhiên chuyển sang tím tái. Hai chân nó run rẩy, tay vịn thành ghế sofa, cái thân hình cao to gập xuống đột ngột:
- Thuốc…lấy dùm tui thuốc hen…trong tủ kiếng…
Anh đứng phắt dậy. Chết cha! Thằng nhỏ bị hen suyễn từ nhỏ, vậy mà xa con mới mấy năm anh lại quên khuấy. Anh quýnh quáng bổ nhào tới cái tủ kiếng kê tivi, lục tung mấy lọ thuốc trong đó. Cái nào là thuốc hen suyễn dùng để hít đâu? Sao tay chân mình vụng về thế này? Sao mắt mình như bóng đèn hư thế này? Trời ơi…
Cuối cùng thì cũng tới được bệnh viện trong cơn khó thở mệt nhọc của cả cha lẫn con. Ở nhà, anh chỉ tìm được lọ thuốc rỗng. May có xe ôm ngay đầu ngõ, anh xốc nách thằng nhỏ bắt xe ôm thẳng tới bệnh viện. Cái thân hình to lớn tồng ngồng giờ nằm mẹp một đống trên giường bệnh, thoi thóp, mắt lim dim như không muốn nhìn anh. Ánh mắt vờ như ngủ, nặng trĩu của thằng nhỏ giờ trở thành nỗi ám ảnh. Giá như nó trừng mắt lên, tức giận quát ầm lên rằng ba chỉ là đồ vô dụng, bất tài, xem ra anh vẫn dễ thở hơn biết mấy. Tay anh nắm chặt mép tấm riđô trải giường, cách bàn tay con có vài phân mà mãi vẫn không dám chạm vào, không dám cầm bàn tay to bè ấy lên để sờ nắn. Cái thân thể nó rời khỏi vòng tay anh, cuốn những cái ôm siết, vỗ về, những câu khen ngợi quẳng vào đám rối những lo toan cuộc sống thường tình. Những ấm áp dần trở nên lạnh lẽo. Anh vô tâm đến mức suýt chút hại đến tính mạng con mình. Mình có còn là đàn ông? Mình có phải là một người cha? Một người cha thật tệ trong mắt nó.
Đêm trong bệnh viện thật dài. Anh ngồi ở ghế đá ngoài hành lang, nhìn ra những cây quyết trái đỏ chi chít trong những chùm lá. Cơn thèm thuốc lại đến, kéo cơ mép giựt giựt khó chịu. Cảm tính, anh lôi bao thuốc lá trong túi ra, rút một điếu. Vài bệnh nhân được người nhà đưa ra ngoài hành lang hóng mát bằng xe đẩy. Chẳng ai buồn nói chuyện. Một người nào đó húng hắng ho. Tràng ho dày vang lên xé nát khoảng lặng đáng sợ. Anh bẻ điếu thuốc ra từng mẩu nhỏ, bóp nát. Anh nghĩ đến thằng con nằm trong phòng kia. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua vẫn chưa tỉnh. Có lẽ nó không muốn tỉnh, không muốn đối diện với sự thật đáng nguyền rủa: người vô tình hại nó giờ lại đang ngồi đây, chờ nó tỉnh để nói lời hối lỗi. Có lẽ thằng nhỏ không gật không lắc khi anh mở miệng xin lỗi con. Những câu thảng hoặc, nhát gừng, vô cảm luôn được nó sử dụng triệt để. Anh rùng mình mường tượng ra cảnh tượng thế này, mười hoặc hai mươi năm sau, hai cha con gặp lại, cũng những câu ơ hờ, ba khoẻ không, khoẻ, con dạo này sao, mần ăn khá không…Sau mỗi câu không hẳn quan tâm ấy luôn luôn có đặt dấu chấm hết. Hai cha con máu mủ ruột rà đó, mà sao khách sáo như hai người dưng. Hai người dưng nhưng cùng họ. Thằng nhỏ cũng mang họ Phạm của anh. Và mẹ nó chưa hề có ý định thay tên đổi họ cho nó. Anh vừa chua xót vừa thấy mình may mắn. Chính anh mới là người phản bội. Hai mẹ con cô ấy chỉ trừng phạt anh chứ chưa hẳn đã quay lưng, chưa có ý định tống anh ra khỏi cuộc đời họ. Mới đây thôi, tình cờ đọc được một bài cảm nhận trên báo, của một người cha trẻ nào đó rất hiện đại. Hiện đại vì người cha ấy có lẽ thuộc tầng lớp trí thức, ngang bằng với vợ anh, không cọc cạch cà tàng như thằng đàn ông quê mùa, cổ hủ như anh. Hiện đại vì người cha ấy yêu con bằng một tình yêu rất lạ. Bài báo đó là một đoạn trích trong một trang blog của người cha trẻ, giờ đã rất nổi tiếng. Anh ta có cách ví con trẻ rất lạ đời, kì dị nhưng đúng bóc. “ Nếu cha là nóc nhà thì mẹ sẽ là tấm vách, kề vai sát cánh với nhau xây dựng nên một mái ấm. Trong mái ấm không thể thiếu những đồ vật hữu dụng và quý giá. Con trẻ chính là thứ đồ vật hữu dụng quý giá đó. Khi người ta chuyển nhà hoặc rời đi, người ta có thể bỏ mọi thứ, trừ những đồ vật quen thuộc và đầy ắp kỉ niệm. Theo thời gian, chúng trở nên vô giá.” Anh giật mình. Ừ nhỉ, có người nào khi ra đi lại bỏ rơi núm ruột của mình như anh không?
“Mọi thứ, theo thời gian rồi sẽ mục nát đi, trừ con của chúng ta, và tình yêu thương của chúng ta. Chúng bất tử.”
Nhưng làm sao để tình yêu của anh trở nên bất tử? Ít ra là thằng nhỏ phải hiểu được điều đó. Làm sao để mai này khi anh nằm xuống, thì thứ tình yêu ấy không phân rã theo thân xác anh mà ở lại mãi mãi với con. Anh bóp trán. Đêm thẳm sâu. Anh rút điện thoại, lập cập lục tìm trong danh bạ cái tên “bà xã” thân thương mà đã lâu lắm rồi anh chưa từng gọi. Điện thoại báo ngoài vùng phủ sóng. Anh nheo mắt, những ngón tay nhăn nhúm bấm vội những ký tự nhỏ xíu: “ Cảm ơn em đã cho hai cha con anh cơ hội hàn gắn. Anh sẽ cai thuốc. Và bán nhà. Anh sẽ không để mình phải hối tiếc điều gì nữa”.
Có thể tin nhắn ấy sẽ được vợ anh đọc trong ngày mai, lúc cô ấy ngồi xe taxi từ phi trường về nhà.
Mặc cô ấy nghĩ gì. Anh vẫn tin mình đúng.
Nguồn Yume
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.