Type Here to Get Search Results !

Giá trị của đồng tiền


Tác giả: Xuân Chung từ VNExpress

Có lẽ ở sâu thẳm tâm hồn anh vẫn còn một chỗ trống cần được lấp đầy, khi mà cuộc sống đối với anh quá dễ dàng, kiếm tiền dễ, tiêu tiền dễ, bạn bè tôn sùng. Có lẽ vì những điều đó mà anh không còn thời gian để phát hiện ra, chỉ dành thời gian cho những thứ phù phiếm xa hoa.

Tại sao? Tại sao lại có sự thay đổi từ một con người vốn chỉ coi đồng tiền là công cụ để mua vui. Một con người có thể nướng hơn ba triệu cho một chai Chivas chỉ một đêm trong vũ trường để rồi sáng mai lại phải đi cày kiếm sống. Có phải chăng đồng tiền mà người ta kiếm quá dễ dàng thì người ta cũng dùng nó dễ dàng như thế. Cho dù đồng tiền ấy chính do tay người đó kiếm ra, đồng tiền ấy do mồ hôi, nước mắt mới có được.


Tại sao? Tại sao một con người khi đã dành dụm được hơn 40 triệu lại có thể nướng nó không thương tiếc vào bar, vào nhậu nhẹt trong vòng một tuần. Tại sao? Và càng khó hiểu hơn, tại sao bây giờ có thể ngồi để nói với người khác “thực sự bây giờ anh mới biết kiếm đồng tiền là như thế nào”. Đồng tiền của anh là những lần chạy xe đường rừng cả trăm km, là những lần vác mấy tấn nông sản, là những hôm trời mưa phải nằm ngủ ngoài rừng giữ xe với đàn muỗi, con nào con nấy to như con ruồi bay vo ve.

“Anh quý lắm, quý lắm em ơi” anh nói khi mắt rưng rưng như muốn khóc. Rồi anh tiếp, ngày trước làm ngoài Hà Nội một tháng anh có thể kiếm gần chục triệu, còn bây giờ chỉ hơn sáu triệu nhưng anh lại thấy nó khác. Sáu triệu của anh bây giờ anh vẫn còn thấy nó những ngày cuối tháng, không giống như những đồng tiền của 10 triệu ngày trước. Ngày trước anh chỉ biết là mình đã kiếm được nó, còn nó ra sao chỉ có thể hỏi những người chủ quán bar hay quán nhậu, những chỗ mà anh và bạn bè thường xuyên lui tới, chả kể cuối tuần hay đầu tuần, chỉ cần có tiền là anh có thể đến được.

Con người anh mạnh mẽ là thế, ngang tàng là thế, nhưng sau khi trải lòng mình với những ký ức mà anh từng xem là oai hùng thì lại mềm yếu, cứ như một cọng bún chỉ cần vẩy thêm vài giọt nước nữa là tan ra. Ăn chơi là thế, giang hồ là thế nhưng tại sao? Tại sao, điều gì làm một con người tưởng chừng cả đời chỉ biết chửi thề và đấm đá lại có thể khóc khi thấy hai đứa bé mặt mày nhếch nhác cầm túi vào mua gạo ở xứ người.

Có lẽ ở sâu thẳm tâm hồn anh vẫn còn một chỗ trống cần được lấp đầy, một điều mà anh không thấy trước kia, khi mà cuộc sống đối với anh quá dễ dàng, kiếm tiền dễ, tiêu tiền dễ, bạn bè tôn sùng. Có lẽ vì những điều đó mà anh không còn thời gian để phát hiện ra, mà chỉ dành thời gian cho những thứ phù phiếm xa hoa, những thứ mà anh tưởng anh chỉ cần bỏ tiền ra mua là được.

Nhưng anh nói anh đã lầm, những thứ như vậy không ai bán mà mua, có chăng do mình tưởng tượng ra hoặc nếu có ai đó bán đi nữa thì anh cũng không đủ tiền để mua và duy trì những điều đó. Anh càng chạy theo nó thì càng bị cuốn vào và lại càng không thể dứt ra được, cứ như thế anh phải cày, cày để có tiền đổi lấy sự tôn sùng, cày để có tiền và xài tiền để có được tiếng thơm “thằng này chơi đẹp”.

Mọi thứ với anh bây giờ đã khác. Khác thật sự, không phải khác cách kiếm tiền vì anh vẫn làm nghề lái xe. Điều khác ở đây là ở cách anh đối xử với đồng tiền, ở chỗ anh nhìn nhận đúng giá trị thực sự của mình, ở chỗ mỗi lần anh nghĩ mình không thể làm được, không thể vượt qua được, những lần như vậy anh lại tự nhắc mình “người ta làm được tại sao mình lại không thể”.

Rồi anh lại nghĩ đến người mẹ ở quê, anh lại chảy nước mắt. Anh khóc, không phải khóc vì tuyệt vọng, vì sự kém cỏi của bản thân mà khóc cho những quyết tâm cộng thêm hình ảnh người mẹ lam lũ “một nắng hai sương”. Những điều đó giúp anh có thêm động lực hơn. Những lần như vậy lại càng làm cho anh cảm thấy thấm thía ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa của đồng tiền. Đồng tiền không phải là những đồng tiền của 10 triệu, mà là đồng tiền của mồ hôi, của sự quyết tâm, của một ý chí kiên cường và cả của những giọt nước mắt anh rơi khi nghĩ về mẹ.

Anh nói “Cái số anh nó thế. Ban đầu trời cho sướng nhưng anh lại không biết trân trọng, khi mà mọi thứ đã vụt qua thì anh phải bắt đầu lại từ đầu với hai bàn tay trắng”. Có lẽ anh nói đúng nhưng trời không cho không ai cái gì, cũng không lấy mất đi của ai cái gì cả, mất cái này sẽ được cái khác.

Qua những việc trước đây mà giờ anh đã khác, khác theo nghĩa tích cực. Từ những thứ mà anh chưa bao giờ nghĩ tới và anh cho là những điều dở hơi. Giờ anh đã có một ước mơ, một ước mơ nghiêm túc, một ước mơ mà có nằm mơ trước đây anh cũng không mơ tới, một điều mà ngay cả khi nằm mơ anh cũng không dám nghĩ đến.

“Anh mơ sẽ có tiền mua con xe ben để chạy kiếm tiền, trước hết cho bản thân rồi sau đó mới tính tới chuyện khác”. Đối với nhiều người số tiền khoảng hơn 200 triệu là một việc “nhẹ như lông hồng” nhưng với anh và với nhiều người xuất thân ở vùng quê như anh thì đó là một “giấc mơ hạng sang”, một giấc mơ đáng phải mơ rồi.

Giờ anh đang từng bước hiện thực ước mơ của mình vì “Anh quý đồng tiền lắm em ơi”. Anh hỏi “Bây giờ có phải trễ không em, anh chuẩn bị 29 tuổi rồi, nếu thực hiện được dự định của mình thì anh phải mất hơn ba năm nữa”. Không có gì là trễ đâu anh, nhất là một người khi đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu sóng gió như anh. Như em đã nói, con người ta sống qua năm tháng không được cái này cũng được cái khác, ngày trước anh chỉ có sự trải nghiệm, kinh nghiệm sống, biết phân biệt được cái đúng cái sai, biết được giá trị thực sự của cuộc sống, giá trị của đồng tiền.

Còn ba năm tiếp theo đây của anh, nó giúp anh có tiền để thực hiện ước mơ, có thêm kinh nghiệm trong nghề lái xe, có được những bài học khi anh vượt qua những thử thách trong tương lai. Và có một điều quan trọng nữa là anh có cuộc sống cùng “một ước mơ sống”.

Trời đêm những ngày cuối năm ở Sài Gòn se lạnh, anh phải về để chuẩn bị chuyến xe đêm sang Campuchia. Anh từ biệt và không ngừng nhắc “anh thực sự quý đồng tiền”. Và tôi cũng chỉ kịp chúc anh một năm mới với những điều tốt đẹp và chúc cho ước mơ của anh sớm trở thành hiện thực.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.