Thư thứ 19:
CHỈ CẦN NHỮNG GÌ PHẢI CẦN
Kim Loan con cưng của ba,
“Hãy tận dụng những gì con có. Đừng đụng đến những gì con chưa có!”
Đó là lời châu ngọc của cụ bà Davidson.
Ba vẫn gọi bà ta là “cây khôn ngoan ngọt ngào”. Bà là sinh viên đầu tiên lớp mục vụ của ba. Bà có vừa con vừa cháu nội, ngoại cả thảy 27 đứa. Cứ mỗi chủ nhật, đến bữa ăn tối là tất cả ngồi chung với nhau, chật cả phòng.
Khi ba má mới hứa hôn, ba quan sát để học hỏi. Trong khi mọi người ngồi ăn bay cả núi thịt gà chiên, và xin bà cho ăn vòng nhì món kem làm nhà, ba nghĩ trong bụng rằng họ sống hạnh phúc quá. Những đôi vợ chồng hạnh phúc này có được những điều mà ba má mong muốn. Họ rất linh hoạt với nhau và rất an hòa với mọi người.
Ba thường dừng lại thăm bà vào cuối tuần. Có lần ba xin bà dạy ba những gì bà đã dạy tụi cháu “thò lò” của bà. Bà biết ba sắp mang “gông vào cổ” nên bà “mở miệng giảng dạy lời khôn ngoan!”
Trong số những lời bà khuyên bảo, ba chuyển cho con một lời thật ngắn mà ba đã nghe nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần: “Hãy tận dụng những gì con có. Đừng đụng vào những gì con chưa có”.
Thật không phải tình cờ mà con cháu bà sống với nhau đoàn kết chặt chẽ như vậy. Tụi chúng đã nhập tâm những lời đáng ghi nhớ của bà, và dấu chỉ rõ nhất chứng tỏ chúng thương yêu nhau, đó là biết chung vui với niềm vui, và từ chối những điều phải từ chối. Điều này nhiều đôi vợ chồng hay quên lắm.
Có hai thực trạng con có thể áp dụng để yêu chàng hơn qua câu nói của bà Davidson. Thực trạng thứ nhất thích hợp đặc biệt đối với lỗ tai của đàn bà. Thực trạng thứ hai, con và Vĩnh Sơn có thể cùng nhau thực hiện.
1. Hãy quy vinh Thượng Đế, và thường khen chàng với những lời: “Em cảm ơn mình”, “Anh hay lắm”, “Em phục anh ghê đi!”
Trong mấy lá thư trước, ba có nói qua về vấn đề này. Nhưng khi thấy ba cứ nhắc đi nhắc lại một vấn đề, chắc con cũng hiểu là phải có một lý do. Đó là vì ba đã gặp quá nhiều trường hợp như vậy khiến ba cứ phải nhắc lại. Trong nhiệm vụ hướng dẫn tâm lý hôn nhân, ba đã tiếp xúc với quá nhiều bà vợ cứ tưởng rằng họ có thể “xỏ mũi” chồng và kéo đến thành công bằng những “lịnh bà xã” hoặc những kiểu “hờn mát” khéo léo.
Ai cũng hiểu rằng có nhiều người đàn ông lờ đờ, và tính lười biếng của họ có ảnh hưởng thật bất lợi cho gia đình. Nhưng ở đây ba không muốn xét tới vấn đề đó. Ba đang muốn nghĩ đến hàng lô những ông chồng hăng say đang cố gắng hết mình mà vẫn chưa làm vừa lòng người vợ hạch sách đủ điều ở nhà.
Sau đây là một vài nhận định của những ông chồng đáng thương đó, để chứng minh điều ba vừa nói. Nhận định thứ nhất là do chính kinh nghiệm bản thân của ba.
Một lần kia, ba đang ở phòng riêng làm việc thì nghe một ông chồng nói một cách tuyệt vọng về trường hợp thê thảm như sau: “Chán quá rồi. Nói ra thật tủi hổ nhưng nhất định phải nói cho được. Cái gì nó cũng cho là nó đúng hết, nhưng nào nó có hiểu gì đâu! Tôi tuyệt vọng rồi. Tôi muốn bỏ luôn cả lũ con để khỏi bị nó “xỏ mũi” mãi!
Nhận định thứ hai là do ba đọc sách. Người ta kể rằng: Thi sĩ Heine của Đức, sống đầu thế kỷ 19 đã ước nếu phải nhắm mắt chết trước vợ, ông cầu mong cho bà được tái giá để ít ra có một người trên thế gian này hối tiếc vì ông đã qua đời.
Con hãy đọc lại câu trích thứ nhất một lần nữa và khóc đi! Rồi đọc lại nhận định thứ hai một lần nữa và mỉm cười! Nhưng nhớ kỹ đừng bao giờ mỉm cười khinh bỉ như nhiều bà vợ vẫn thường làm như thế đối với những công việc của chồng.
Nếu có gì cần phải thay đổi, chúng con phải khôn ngoan mà cùng hội ý, thảo luận thành thật với nhau trong tình yêu. Phải biết vừa nói vừa khen chàng đã cố gắng hết mình, và phải làm sao để chàng hiểu mỗi lời của con nói là một lời nâng chàng lên chớ không phải để dìm chàng xuống.
Lời cảm tạ và lòng biết ơn là những việc con phải tuyệt đối thực hiện cho được vì một lý do nữa mà có lẽ con chưa hiểu. Đó là đôi khi người đàn ông nào cũng có thể có một tư tưởng chán nản kinh hoàng lẻn vào trong tâm trí. Nếu như chàng cưới vợ xong là phải làm việc, chàng có thể cảm thấy như bị mắc bẫy, nhất là khi chàng không hứng chí được. Trước kia chàng được tự do, còn bây giờ chàng phải làm việc tận lực vì vợ, vì con, vì hàng trăm hàng ngàn chuyện bất thường trong gia đình, cái gì cũng bám vào những đồng tiền mồ hôi nước mắt của chàng. Và tệ nhất là có thể chàng dám coi vợ chàng như là một thứ tầm gửi ăn bám vào sức chàng. Khi đó mà nàng còn ngồi bắt chân chữ ngũ đọc sách, còn nghe nhạc thời trang, còn xem kịch truyền hình còn uống trà đấu láo với mấy cô bạn, để chàng quần quật một mình làm việc như tôi mọi nơi công trường thì thật là một thảm trạng
Cũng may, đó chỉ là những nhận định mau qua và có khi chỉ là vô tình. Khi chàng trở lại vấn đề, biết đâu chàng lại chẳng nghĩ thành hôn với con là cả một đời người chớ đâu có phải hơi một chút là bỏ nhau.
Liều thuốc chữa trị tất cả những chuyện đó chính là những lời nói êm ái, thái độ biết ơn thành thật và thể xác thân mật ấm cúng. Cũng còn một liều thuốc an thần nữa là tư tưởng sau đây: Để chàng được tự do quyết định về những khoảng chi tiêu!
Biết đâu chàng đang cần dùng một món tiền. Nhiều khi chàng chỉ muốn quyết định ngân sách thôi. Những khi đó con hãy biết kề vai chàng mà tỏ ra cảm phục chàng khôn ngoan, rồi sẽ góp được ý kiến như con muốn. Cũng có những ông chồng “bán trời không văn tự”, nhưng đó chỉ là rất hiếm. Nhất là trong những năm mới cưới, chàng muốn chứng tỏ chủ quyền bằng việc duyệt xét ngân sách đó! Nếu con biết khen chàng và chấp nhận ý kiến của chàng, biết đâu rồi sẽ có một ngày chàng sẽ nói như ba đã nói với má con: “Cưng ơi em chịu khó lo việc tài chính nhé! Anh còn phải để giờ lo nhiều việc quan trọng khác!”
2. Chỉ cần những gì thật cần.
Có một kế toán viên đã ngồi tính sổ cho biết một gia đình trung bình bây giờ có chừng 1.158 dịp mua sắm mỗi ngày. Ba không hiểu ông này kiếm làm sao ra con số đó. Nhưng như con biết thử ngồi nhẩm một chút, con cũng thấy tất cả những tiếng tĩnh từ, trạng từ đều được huy động để vận chuyển những bánh xe quảng cáo và thương mại.
Mở máy thu thanh, đọc báo, coi tivi, xem tạp san, đâu đâu cũng thấy những tiếng “Sơn Đông mãi võ”: Mại vô! Mại vô!… Mời bà con mua ngay; mời cô bác mua đi! Mua mau kẻo mất dịp may hiếm có!… Những người sành điệu đều dùng nhãn hiệu của chúng tôi… Quí ông quí bà là người lịch sự hào hoa nếu quí vị biết… Nơi lịch sự nhất thủ đô. Đẹp nhất thủ đô. Trong gia đình, ba, ma, anh, chị, em đều dùng… Vừa rẻ vừa đẹp!…” Tất cả chỉ là để đập vào mắt con! Và nếu như không có gì đập vào mắt, thì ít ra người ta cũng đã được một việc. Con đã phải đọc!
Nếu con không đề phòng cẩn thận, con sẽ bị người ta lợi dụng. Người ta có một cách làm mất niềm vui ngay từ nơi con. Mánh khóe của họ là cho con đi tàu bay giấy! Lỡ bước lên rồi thì khó mà xuống lắm. Họ sẽ cố gắng làm cho con tin rằng những gì họ làm cho con là tốt nhất, chớ con có làm cũng không bằng. Với tất cả nghệ thuật quảng cáo, họ làm cho con dán mắt dán mũi vào những tủ hàng: màu vải mới, kiểu áo mới, kiểu kính mới, và đủ mọi thứ, cái gì cũng mới hết, cũng đáng mua.
Rồi người ta còn cho mua chịu (thiếu) để dùng thử, hoặc cho mua trả góp nữa. Và khi đã sa vào bẫy của người bán hàng, lại có những người sẵn sàng cho con vay tiền để trả giùm nữa!
Khi ba má cưới nhau rồi nhưng vẫn còn đi học, ba má cũng phải vay mượn chỗ này chỗ khác một ít! Nhưng rồi cứ đến cuối tháng cộng sổ trả nợ, lần nào cũng thấy trội hơn tháng trước một chút!
Con hãy khôn ngoan, tránh đừng có vay mượn của ai. Nếu việc bất đắc dĩ phải vay mượn, thì phải tìm những nơi tử tế đàng hoàng. Nếu con không cẩn thận về vấn đề này, con có thể đã vô tình vì một vài lầm lẫn mà phải lãnh tất cả trách nhiệm. Mất của rồi mất cả người.
Có người nói thế này:
Nếu ngân hàng không cho vay,
Đừng sắm gì cả để sau sẽ hay,
Vì nếu họ không được lợi,
Chắc chắn bạn chẳng thu được gì hay.
Ba thường gặp những người kém trí đó, họ ham thích “món hàng” mà họ bị quá khích động. Rồi họ cuống quít vơ cho được “thứ” đó mà giá trị chân thật của cuộc sống đã vuột khỏi tay họ.
Do đó chỉ cần những gì con thật cần! Đừng có để cho những lời “mua đi! Mại vô!” làm cho con mất lần mất mòn niềm vui hiện tại. Con có gì, con phải tận dụng hết sức còn những gì chưa có, con đừng để ý đến nhiều.
Chúc con khéo xử dụng đồng tiền
Ba.
Cam on ban than yeu Ali ! Những van đe nay minh cung kha kha ...“Hay tận dụng những gi con co. Đừng đụng vo những gi con chưa co”.
Trả lờiXóa