Type Here to Get Search Results !

Thư gửi Kim Loan (10)


Thư thứ 10:
CHUYỆN CHÚNG MÌNH

Kim Loan thân mến của ba,

“Chuyện Chúng Mình” đó là câu rút gọn bảy điều mà ba má gọi là “Bảy điều tâm niệm để được chiến thắng”.

Muốn cho hai người nên một, cần phải có những tiếng nói thật êm đềm đối với nhau. Nhưng nếu khôn hơn, con phải biết chuẩn bị sẵn sàng nghe một thứ tiếng nhạc nữa. Đó là tiếng gây chiến! Đã là hai người bằng da có thịt dù đã lập gia đình, con thấy cũng có lúc tức giận và đôi khi có đụng độ nẩy lửa.

Ước chi con đừng vì thế mà nản chí! Nếu con biết lợi dụng, những cuộc chiến nho nhỏ đó sẽ đáp ứng đúng nhu cầu của hôn nhân.

Nếu con đã biết cách thức thổ lộ tất cả tâm can con ra, việc đó có thể lợi cho con. Nó cũng có thể có lợi cho người phối ngẫu của con nữa.

Nếu Vĩnh Sơn có được một chỗ thân mật sau cửa phòng làm việc, có thể chàng sẽ làm việc được nhiều hơn. Ngày nay nhiều công việc đòi hỏi phải có tâm hồn thật cao thượng, ngay cả khi họ có quyền “thả lỏng” một chút. Một cuộc nội chiến khéo điều khiển có thể là phúc đức cho chàng, phúc đức cho con, và phúc đức cho bạn đồng nghiệp của chàng nữa. Có thể đó là bí quyết giúp chàng thăng tiến. Ai mà chả thích được thăng tiến!

Cuộc chiến đấu để thăng tiến có thể là liều thuốc hiệu nghiệm nhất giúp hai người bình an khỏe mạnh. Nhờ đó có thể khỏi bị nhức đầu, đau tim, áp huyết cao. Và con có thể thêm vào một lô những bịnh mà con muốn tránh như, loét bao tử, kích ứng, hờn giận, cáu kỉnh.

Ngoài ra nếu con thực hành đúng, con còn thấy vui vui nữa! Khi nghe có đôi vợ chồng nào nói “chúng tôi đã cưới nhau bấy nhiêu năm mà chưa bao giờ nói một lời mất lòng nhau”, con phải hiểu rằng họ đã biết cách đem những điểm dị biệt lên bàn mổ mà thảo luận với nhau rồi đó.

Nếu quả thật họ sống với nhau hiền như bụt chăng nữa, thì như thế là họ đã uổng phí một phần lớn cuộc sống thật. Trong nhà thờ kia, vị mục sư trưởng đoàn có mái tóc hoe xinh xắn tên là Phiên. Một lần người ta xin mục sư Phiên trình bày một nhân vật trong Cựu ước. Thái độ hắng giọng của mục sư Phiên lúc bắt đầu thật không đúng tí nào cả. Nhưng trước khi kết thúc, mục sư tóm lược nỗi bối rối của mình và nói câu bất hủ như sau: “Xin nghe đây, tôi khó chịu về nhân vật này quá. Tôi đã tìm kiếm tất cả tiểu sử của nhân vật đó, và theo như tôi hình dung, người đó sống một nếp sống bình thường!”.

Ba ước ao phải chi ba có thể nhớ rõ nhân vật đó là ai, nhưng ít ra ba không đến nỗi nhắc lại một nhân vật trong Kinh Thánh mà lại chỉ có chừng đó! Có thể vị mục sư đã lầm lẫn gì ở đây chăng. Nhưng nếu sự thật là thế, thì ta cũng nên tỏ thiện cảm.

Đời sống có một phần vui, và một phần vui đó là do ta tìm ra các vấn đề, lợi dụng các điểm dị biệt, chiến đấu để tiến tới tâm đầu ý hiệp, lướt thắng trên những rắc rối cản trở, và biết cách lợi dụng tất cả.

Vì thế trong khi đi trên chiếc cầu thông cảm. Con hãy lên đạn “thiện chí” sẵn sàng chuẩn bị cuộc chiến.

Bây giờ đây là: “Bảy điều tâm niệm để được chiến thắng”. Ba má đã khắc ghi vào tâm hồn và giờ đây ba má gởi cho chúng con, y như ba má đã sống hạnh phúc 25 năm qua.


1. Trước khi bắt đầu, cả hai phải đồng ý bắt đầu đúng lúc.

Khi có gì đau buồn khó chịu, hầu như ai cũng muốn nói ngay lập tức, nhưng rồi lại có ngày không buồn nhách mép làm gì.

Một người đàn bà khôn ngoan là người biết đùa giỡn với đàn mèo con thay vì tranh giành với mèo mẹ. Nếu chàng ở sở về còn đang mệt nhọc, thì phải hiểu đây không phải là lúc thuận tiện. Người đàn ông đàng hoàng cũng biết cách “xả hơi” khi trong mình đầy nộ khí xung thiên! Vì người vợ suốt ngày bận rộn với con cái, và có tuần thật mệt mỏi, người chồng cũng phải biết tự chủ. Chữ “cả hai” trong điều tâm niệm này trở nên ngày càng quan trọng hơn trong khi con để tâm nghiên cứu.

Con cũng phải học biết cách đọc được những ám hiệu của nhau, chỉ rõ lúc nào thuận tiện, lúc nào không. Để thu thập ý kiến cho con về phía nữ giới, mới đây ba đã dò hỏi một nhóm các bà xem các bà có đồng ý cho ba biết dấu hiệu gây chiến của chồng không.

Sau đây là 4 nhận xét, ba trích ra để con đọc cho vui:

“Hễ khi nào chàng bắt đầu lên tiếng chửi thề về nạn kẹt xe, đó là dấu hiệu cho tôi”. “Tôi có thể biết có những điều làm chàng khó chịu khi chàng nêm thêm mắm muối thật nhiều vô thức ăn”. “Khi nào thấy chàng bực bội bất thường về quần áo, tôi hiểu chàng đã sẵn sàng!” “Chồng tôi kiếm cứ gây sự khi chàng bắt đầu than vãn về chuyện nợ nần!”

Dĩ nhiên mỗi người một khác. Con có thể tìm hiều thêm nơi Vĩnh Sơn. Có những chuyện nên đợi. Có những chuyện không nên đợi. Lại có những chuyện phải đợi thật lâu.

Dù làm gì chăng nữa, cả hai chúng con nên cầm chắc trả lời được hai câu hỏi của tòa: “Bên nguyên cáo đã chuẩn bị chưa?” và “Bên bị cáo đã sẳn sàng chưa?”

2. Phải nhớ kỹ rằng mục đích chính của cuộc chiến là để hiểu nhau hơn.

Trong cuộc chiến bằng miệng này giữa hai vợ chồng, cần phải cẩn mật giữ đúng những tiêu lệnh sau:

“Khiêm tốn và hiền hòa” Đó là đề tài lá thư sau, nhưng ngay bây giờ chúng con đã phải cần đến rồi. Không ai là “thiên thần Mi-chiên” và cũng đừng để ai là “con rồng”.
“Kiên nhẫn” cũng thật cần thiết. Nếu không, chỉ trong một giờ chúng con phá đổ nhiều hơn là xây dựng trong nhiều tuần.

“Khoan dung”, “duyên dáng”, “nói lên sự thật vì yêu” là những điều phải nhập tâm khi các con hô to: “Sẵn Sàng – Nhắm – Bắn”.

Nếu người này chạm phải ánh mắt sừng sộ của người kia, chúng con đừng quên điều này: mục đích chính của con là để hiểu nhau hơn ngõ hầu thăng tiến hôn nhân, chứ không phải để “hạ” nhau.

3. Phải kiểm soát khí giới thường, để khỏi tạo nên tang tóc.

Điều tâm niệm này được suy diễn ra từ những gì ta vừa nói ở trên. Trong nhà, không thể có những trận “tử chiến”. Con hãy phá đổ những chướng ngại rắc rối, chứng đừng gây “tang tóc” cho ai.

Con phải đặc biệt thận trọng đến những lời la hét, nhất là khi ánh mắt tóe lửa đom đóm.

Giờ đây, ba đang giúp hàn gắn lại một gia đình mà vợ chồng đã mất bình tĩnh. Người chồng đã mắc phải lỗi trầm trọng. Chàng thét lên lúc giận dữ: “Tao không bao giờ thèm thương bộ mặt rỗ chằng rỗ chịt nữa!”

Thật ra nàng có vài vết tàng nhang, nhưng nàng vẫn xinh đẹp. Vào tuổi đôi tám, nàng hơi buồn về những vết tàn nhang đó. Chàng luôn luôn nói chàng không quan tâm lắm. Nhưng ba chỉ nghĩ chàng chỉ không quan tâm một phần nào. Và còn một phần chàng vẫn quan tâm. Và chính phần quan tâm đã vượt khỏi tầm tay kiểm soát của chàng khi cuộc nội chiến tiến đến cao điểm.

Bây giờ thì đã khá hơn một chút. Chàng đã xin lỗi cả ngàn lần, nhưng phải cần một thời gian lâu nữa mới làm cho nàng khỏi nghĩ “Chàng có thật sự thích nét mặt tàn nhang của mình như chàng vẫn nói không. Hoặc lời chàng nói khi tức giận mới là thật?”.

Hành hạ người ta, dù cách nào chăng nữa cũng là xấu. Và cách xấu nhất là xỉa xói người ta những điểm mà không bao giờ họ có quyền hay có thể đổi được.

Muốn chỉ trích thì chỉ có cách tốt nhất là hiền dịu. Lời phê bình chỉ trích trong lúc nóng giận chỉ đem lại hiểu lầm tai hại chớ không thể giúp ích gì được.

Trong con người, ai ai cũng có một bộ máy tự động biện hộ cho mình, đụng vào chỗ nào máy đó cũng chạy tức thì. Nhiều người chồng đã nhờ vợ mà tập được tánh tự chủ. Vậy nếu con biết làm chủ miệng lưỡi của con, ngay cả khi chàng không tự chủ được nữa, có thể rồi từ đó chàng sẽ tỏ lòng quý trọng hơn đối với con, một người vợ tài tình đã biết nhịn, không cãi lại!

Một khí giới khác cần loại bỏ đi ngay đó là những câu nói nhàm tai bắt người ta phải nghe đi nghe lại mãi, thế nào cũng tạo nên phản ứng không tốt. Một cặp vợ chồng hạnh phúc ba quen, có cho ba biết họ đồng ý không dùng những chữ “KHÔNG BAO GIỜ” và “LUÔN LUÔN” trong khi kiểm thảo. Những câu như “Anh KHÔNG BAO GIỜ về nhà đúng giờ!” hoặc “Em chỉ LUÔN LUÔN bận bịu với con cái mà thôi!” sẽ dễ dàng khơi ngòi lửa chiến tranh. Do đó họ đã khôn ngoan loại bỏ những chữ “nẩy lửa” đó. Chẳng mấy chốc con sẽ biết được chữ nào của con tạo nên tình trạng nặng nề và loại bỏ đi như cặp vợ chồng kia.

Bây giờ tới một chuyện thật trớ trêu! Như ba đã nói, có những khi không nói gì là hơn cả. Nhưng đồng thời cũng có khi không nói gì lại tệ hại hơn là nói. Khi chàng yêu con tha thiết, chàng đã khan cổ mỏi miệng xin con nói mà con không chịu nói một lời, thái độ đó sẽ như một tiếng nói thật lớn “khỉnh chàng”. Con hãy thuộc điều tâm niện thứ ba này và thực hành đúng lúc.

4. Phải hạ thấp giọng xuống hơn là gân cổ lên.

Điều tâm niệm này ba má đã quyết định khi còn tìm hiểu nhau trước khi cưới. Sở dĩ được như thế cũng như được nhiều điều khác là nhờ ở má con biết trầm tĩnh. Tánh tình ba đã nóng sẳn rồi, hễ ai nói gì thì quả thật là như đổ dầu vào lửa.

Ba đã kể cho con nghe ba mê giọng nói của má con và yêu ngay trước khi giáp mặt má con. Một ngày kia, má con đang đọc bài trong lớp. Lớp của má con học có khá đông học sinh. Ba chăm chú nhìn qua cửa sổ và ngạc nhiên không hiểu cô nữ sinh năm thứ hai này khởi đầu màn gì lý thú lắm đây.

Rồi tiếng nàng trầm lặng đã lọt vào tai ba ngọt ngào như lời kinh chiều. Ba nhìn vào nguồn phát thanh và ngay lúc đó ba đã thề hứa: Nếu có khi nào ba nghĩ về phái nữ, ba phải nghĩ nhiều về người con gái đó trước hết.
Con biết kết cuộc ra sao rồi. Khi bắt đầu hẹn hò gặp gỡ nhau, ba mới nhận ra tiếng nàng đúng là: “Trong như tiếng hạc bay qua” và “Êm như cơn gió thoảng ngoài”.

Thế mà rồi với tất cả hảo tâm thiện ý, giờ phút tức giận đầu tiên đã điểm. Ba vẫn quen thói như mọi khi gắt ầm lên. Nàng chận ba lại và giải thích cho ba hiểu có một đường lối giải thích êm đẹp hơn nhiều. Nàng nói với tâm hồn thật bình tĩnh: “Sao chúng mình lại không chịu đồng ý với nhau là, khi bực tức, chúng mình sẽ hạ giọng xuống hơn là cố gân cổ lên?”

Đó mới thật là một cuộc tranh đấu gây go. Nhưng đó là cách giải quyết vấn đề. Một người chồng muốn hạ được giọng xuống thì phải có một kỷ luật thật nghiêm khắc với chính mình. Và người vợ cũng phải tự kiềm chế như vậy.

5. Không bao giờ gây sự trước mặt người khác và không bao giờ tiết lộ đời tư của nhau

Gia đình ta sống trong một khu vực có một gia đình hay “bới lông tìm vết”. Đó là một đôi vợ chồng hay “đánh hơi” rình rập nhau.

Thí dụ: Anh chàng nhắc lại kỉ niệm khi đi nghỉ mát vui vẻ bên nhau. Cô nàng liền nguýt dài và cố tìm ra một lỗi để bắt bẻ. Và dĩ nhiên thế nào chả có. Rồi chàng đã vấp phải một lỗi kinh khủng! Khi nhắc lại những vui thích trong hai tuần qua, chàng nói: “Ngày thứ ba đầu tiên, trời mưa, thế mà tụi mình phải ở nhà và chơi bài này!”

Thế là rồi!

Nàng phản đối: “Đâu có, nội ơi, ông không nhớ là thứ ba tụi mình lái xe lên núi chơi à! Thứ tư trời mới mưa chứ!

Thế là hai người tiếp tục gây nhau.

“Đúng là thứ ba mà! Nhất định phải là thứ ba, bởi vì vân vân… v…v…!” Một lúc sau người ta nghe đủ cả thứ hai, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật. Rồi cô cậu còn tấn công qua tuần thứ hai nữa!

Cũng thuộc loại đánh hơi đó phải kể đến anh chàng chăn bò lực lưỡng mà người ta thường gọi là thằng “Bích Bự”. Hắn làm gì cũng được hết, và một trong những điều hắn hay làm là phun ra đủ thứ lời nói tục tằn khi nào hắn nổi cơn lên. Mặc cho ai khoái chí cười thầm kệ ai, hắn cứ như gầm hét vào tai mỗi người: “Sao hai người không chịu đóng cửa lại mà dạy nhau?”.

Câu hỏi đó thật hay và chỉ có một câu trả lời. Tất cả những nhận xét, phê bình riêng tư phải đúng chỗ – và chỗ đó là nơi riêng, không thể trước mặt người khác.

Phụ thêm vào điều tâm niệm này, ba má cũng đồng ý là không bao giờ được quyền đả kích nhau một cách công khai khi người kia vắng mặt. Theo ba biết, rất ít có người chồng nào sẵn sàng tha thứ cho những người vợ chỉ biết chê bai, chỉ trích, than vãn khi vắng mặt người chồng.

Con hãy nói chắc với Vĩnh Sơn về điểm này, đàn ba hơi khác đàn ông một chút.

Vì thế con lấy bút đỏ kẻ nổi dưới điều tâm niệm thứ năm này nhé!

6. Phải biết “ngưng chiến” khi một trong hai người thấy cần.

Con hãy để ý chữ “ngưng chiến”. Có những người đàn ông tự nhiên ngừng tấn công sớm. Và cũng có những bà vợ lại mau trương cờ trắng đầu hàng. Phần ba má thì cần phải có sự thỏa thuận của cả hai mới chịu ký kết ngưng chiến. Có khi yên lặng không phải là vàng. Mà chỉ là màu vàng úa.

Nếu con đồng ý chấp nhận những điều tâm niệm trên, con phải tuyệt đối giữ tinh thần cao thượng cho đến giờ phút chót. Nếu không có tinh thần “thượng võ” hào hiệp, cả hai đứa chúng con sẽ không thể đạt được kết quả của kiểm thảo là để giúp nhau nên tốt hơn như mục đích đã để ra.

Như con đã thấy, trong hôn nhân có những chuyện có thể xảy ra hoàn toàn trái ngược. Có người chồng lại muốn thức suốt đêm để “quay” cho đối phương hết lối chạy!

Nếu con muốn thôi mà chàng cứ muốn tiếp tục thì phải làm sao? Sau đây là một cách để ngưng chiến, đối với ba má ít khi không thành công. Có thể nói như “Em bắt đầu hiểu một phần nào anh nói! Nhưng em muốn suy nghĩ thêm nữa cho chắc chắn. Anh bằng lòng ngưng ở đây để em tìm hiểu anh rõ hơn nhé!”

Nếu như thế mà không thoát được, con phải hiểu hôn nhân của con ở vào thế kẹt rồi đó! Trong trường hợp đó con cần hỏi ý kiến nơi các nhà chuyên môn thêm và kiểm điểm lại nội tình để giải quyết những vấn đề trầm trọng hơn mà mấy điều tâm niệm này không chữa trị được.

7. Khi xong là thôi, cho đến khi cả hai thỏa thuận cần thảo luận thêm.

Sống hòa hợp với nhau có nghĩa là có những chuyện không bao giờ được quên và có những chuyện con không bao giờ được nhắc lại. Tòa nhà hạnh phúc của hôn nhân cũng có những hộp khóa. Trong vài căn phòng con chứa một vài đồ vật và ném chìa khóa đi, có những chìa khóa khác con cần giữ lại để sau sẽ dùng.

Con có để ý chữ “cả hai” trong điều tâm niệm cuối cùng này không? Nếu người này cảm thấy khó chịu khi người kia muốn “đợi khi khác”, con hãy hiểu là nên đặt lại vấn đề và biết đâu nhờ đó sẽ giải quyết được.
Trong tình nghĩa vợ chồng, sự thông cảm sâu xa nhất có thể nói được là khi chúng con vẫn còn yêu nhau tha thiết, mặc dầu có một vài bất đồng ý kiến.

Mới đây ba nghe nói có một vị nào đó đã quả quyết trong một bữa tiệc rằng, không một đôi vợ chồng nào được đi ngủ khi chưa nói tất cả mọi sự cho nhau nghe. Vị đó đã dùng lời Thánh Phaolô dẫn chứng: “Anh em đừng để mặt trời lặn trên cơn giận của anh em”.

Ba tiếc không có dịp nói chuyện với vị đó, nhưng ba lấy làm ngạc nhiên không hiểu vị đó muốn hiểu chữ “tất cả mọi sự” đó thật sự là gì. Lời của Thánh Phaolô nghe có vẻ lý tưởng, nhưng rắc rối ở chổ là những lời nói đó chỉ áp dụng tổng quát về chân lý, chứ không có nghĩa theo lời giải thích của vị nọ.

Một số học giả cho rằng Thánh Phaolô có lập gia đình. Một số lại cho rằng không. Nhưng dù Thánh Phaolô có lập gia đình hay không, nếu con tìm hiểu kỹ càng tất cả các bức thư của ông, con cũng sẽ đi đến kết luận rằng Thánh Phaolô hiểu rõ vấn đề ông nói.

Cũng chính Thánh Phaolô đã dạy rằng ai có tinh thần đứng đắn là người có được trái của “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ!” (Kinh thánh, Ga-la-ti 5: 22) Ai có thể nói ra mọi sự trong ngày trước khi mặt trời lặn?

Do đó con cứ an tâm. Con cứ làm việc. Cứ nghĩ ngơi. Cứ tin tưởng. Cứ châm ngòi. Cứ quy hàng. Cứ để một số chuyện sau này sẽ nói. Cứ khóa chặt một số chuyện vĩnh viễn. Cứ nói. Cứ nghe. Cứ tiến tới.

Con không đạt nổi đỉnh cao chót vót lúc màng đêm buông xuống đâu! Và con cũng chẳng cần phải như vậy!

Nếu hôm nay hai con cứ yêu hết tâm hồn, rồi ngày mai sẽ ban lại hai con tình yêu lớn hơn và tha thiết hơn.

Đối với những ai biết yêu và biết làm cho tình yêu thăng tiến thì hạnh phúc hôn nhân của họ sẽ không bao giờ tận

Chúc con chiến đấu thành công.
Ba.


Đăng nhận xét

2 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
  1. ần phải có những tiếng nói thật êm đềm đối với nhau. Nhưng nếu khôn hơn, con phải biết chuẩn bị sẵn sàng nghe một thứ tiếng nhạc nữa. Đó là tiếng gây chiến! Đã là hai người bằng da có thịt dù đã lập gia đình, con thấy cũng có lúc tức giận và đôi khi có đụng độ nẩy lửa.<a http://xemboi.asia -
    xem boi

    Trả lờiXóa
  2. Đời sống gia đình là vậy mà...ít người có một cuộc sống ấm êm. "Nẩy lửa" với nhau là tất yếu, không tránh được.

    Trả lờiXóa