Type Here to Get Search Results !

Vì sao Gia Cát Lượng chọn núi Định Quân làm nơi an nghỉ?


Tác giả: Dũng Đông - Nguồn: phapluatxahoi.vn

Có thể nhiều người nghĩ rằng những câu chuyện dưới đây là những điều hoang đường, rằng phong thủy chỉ có ý nghĩa tinh thần là chủ yếu. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại, nếu biết vận dụng phong thủy một cách hợp lý thì không chỉ "hiểu thấu" thiên địa mà còn nắm được quy luật tồn vong của vạn vật.

Gia Cát Vũ  Hầu "định" phong thủy

Là một người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, Gia Cát Lượng rất chỉn chu với việc chọn nơi chôn cất cho chính mình. Theo di nguyện của Gia Cát Lượng, sau khi chết nơi đặt mộ của mình sẽ là núi Định Quân. Núi Định Quân nay nằm ở phía nam huyện Miễn, thuộc tỉnh Thiểm Tây. Nó là một nhánh đâm theo hướng Tây Bắc của dãy Hệ Mỹ Thương. Vì trên đỉnh núi rất bằng phẳng, có thể đóng được cả vạn quân nên mới có tên là núi Định Quân. 

Một truyền thuyết khác nói rằng, khi Gia Cát Lượng dẫn quân Bắc phạt đã dùng ngọn núi này làm nơi tập Bát trận độ, luyện tập binh lính nên mới có tên là núi Định Quân. Vì sao Gia Cát Lượng lại chọn núi Định Quân mà không chọn chôn cất ngay tại nơi ông mất hoặc mang hẳn về kinh đô nước Thục? Người ta đã đưa ra nhiều giải thích khác nhau. 

Người nói Gia Cát Lượng chọn núi Định Quân là vì quan niệm khi sống thì quản lý nước Thục, khi chết thì bảo vệ nước Thục. Một thuyết khác lại nói rằng, do việc Bắc phạt thất bại nên Gia Cát Lượng không muốn đưa xác mình về chôn tại kinh đô, sợ bị Lưu Thiền trả thù. Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân thuyết phục nhất vẫn là Gia Cát Lượng đã tính toán rất kỹ về phong thủy khi lựa chọn ngọn núi Định Quân này.

Địa hình núi Định Quân phức tạp, các sườn núi uốn lượn, nhấp nhô được coi là một nơi cực tốt về mặt phong thủy. Tuy nhiên, ngọn núi Định Quân thì quá lớn, vậy nếu như chỉ nói rằng chôn cất ở núi Định Quân thì các tướng lĩnh biết chôn cất Gia Cát Lượng ở đâu? Người ta nói rằng, chuyện này cũng đã được Gia Cát Lượng tính toán rất kỹ. Theo ghi chép, trước khi chết, về việc hậu sự của mình, Gia Cát Lượng nói với các tướng sỹ rằng, sau khi mình chết thì bỏ xác vào quan tài, lấy dây thừng buộc lại rồi cho quân sỹ khiêng theo đoàn quân rút về Hán Trung. Dây thừng đứt ở đâu thì lấy nơi đó làm mộ. 

Quân sỹ theo lời dặn, buộc dây thừng vào quan tài rồi khiêng đi. Cứ khiêng đi như vậy một thời gian rất lâu nhưng dây vẫn không đứt. Tuy nhiên, khi tới núi Định Quân thì đột nhiên sợi dây thừng rất chắc chắn bỗng dưng đứt bật ra, quan tài rơi xuống đất. Quân sỹ vội  tìm xẻng để đào huyệt hạ quan tài xuống. Nhưng khi binh lính vừa tản ra thì đất tại nơi đặt quan tại bỗng sụp xuống, vừa khít lấp trọn quan tài của Gia Cát Lượng.

Thời Tam Quốc là thời kỳ "mộ tặc" lộng hành. Vì vậy, ngoài việc chọn phong thủy cho ngôi mộ, việc đầu tiên cần nghiên cứu đối với các nhà phong thủy chính là làm cách nào để chống lại bọn mộ tặc này. Tào Tháo vốn là một chuyên gia trộm mộ, vì vậy cũng trở thành một người tài năng trong việc chống lại mộ tặc. Nghi án về 72 ngôi mộ của Tào Tháo cho tới tận ngày nay vẫn chưa có lời giải và người ta vẫn chưa thể nào tìm thấy ngôi mộ thật của nhà chính trị lừng danh thời Tam Quốc này. 

Về mặt phong thủy, Gia Cát Lượng có lẽ không thua gì Tào Tháo, vì vậy, việc chống mộ tặc của Gia Cát Lượng cũng đặc sắc không kém. Gia Cát Lượng khi chọn mộ cũng đã nghĩ đến việc sẽ bị Tư Mã Ý hoặc những người đời sau đào và cướp mộ vì vậy đã yêu cầu tướng lĩnh dưới quyền không chôn theo các vật tùy táng, mộ huyệt cũng không cần đào lớn, chỉ vừa đủ để đặt quan tài là được. Khu vực đặt mộ cũng không cần xây kín, cũng không trồng cây đánh dấu hay làm bất cứ thứ gì có thể bị phát hiện.

Tuy nhiên, những người đời sau để tưởng nhớ công đức của Gia Cát Vũ Hầu đã quyết định xây dựng khu mộ cho ông, lại còn trồng cây để ghi nhớ vị trí đặt mộ. Tuy nhiên, khi quyết định làm điều này, họ cũng tính đến việc giúp ngôi mộ chống lại mộ tặc. Vì vậy họ đã xây dựng rất nhiều ngôi mộ giả xung quanh ngôi mộ thật. Ngôi mộ mà ngay nay người ta vẫn gọi là "Mộ thật của Gia Cát Vũ Hầu" thực tế không phải là mộ thật. Nhiều người cho rằng, ngôi mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ "Mộ Vũ Hầu" mới là mộ thật. Vì vậy mà người Trung Quốc đến nay vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ: "Mộ thật thì không thật mà mộ giả lại không giả". Ngôi mộ có tên là "Mộ Vũ Hầu" được đặt ở góc Tây Bắc của núi Định Quân, diện tích lên tới hơn 300 mẫu. 

Trên thực tế, nhiều chuyên gia lại cho rằng, ngay cả ngôi mộ có tên "Mộ Vũ Hầu" này cũng không phải là thực. Ngôi mộ này được coi là ngôi mthật của Gia Cát Lượng chỉ mới bắt đầu từ năm 1799, do Đô đốc tỉnh Thiểm Tây là Tùng Quân khẳng định dựa trên những truyền thuyết lưu truyền trong dân địa phương thời đó. Vì vậy, có thể nói rằng cũng giống như Tào Tháo, cho tới nay người ta vẫn chưa thể xác định được mộ thật của Gia Cát Lượng nằm ở đâu.

Chuyện thành bại của thủ lĩnh Khăn Vàng

Chuyện kể lại rằng nhà anh em Trương Giác gần một cái đầm sâu, mẹ ông vẫn thường ra đấy tắm giặt. Một hôm bà bị con rái cá lớn hãm hiếp nên thụ thai và sinh ra ông. Bố ông không biết, chỉ mẹ ông biết ông là con của loài rái cá. Mấy năm sau, người chồng qua đời, mà con rái cá cũng bị dân bắt được đem về ăn thịt, còn xương thì quẳng vào một xó. Bà được tin, đến nơi, đợi mọi người về hết, thu nhặt hết xương đem về, gói ghém cẩn thận để trên gác bếp và bảo cho Trương Giác biết đó là hài cốt của cha. 

Sau, có thầy địa lý từ kinh thành đi ngang qua, dõi theo long mạch đến Hà Bắc (Trung Quốc). Buổi tối thầy địa lý xem thiên văn, thấy có tia hào quang như dải lụa đỏ tự đầm nước bốc lên bắn thẳng vào sao Thiên Mã. Sáng hôm sau, thầy địa lý lần đến xem xét hồi lâu và đoán dưới đáy đầm tất có vật thiêng nên muốn thuê người bơi lặn giỏi xuống dưới đó xem sao. 

Nguyên là trong đầm đó, người ta đồn rằng bên dưới có chỗ rất thiêng, xưa nay chẳng ai dám bén mảng tới. Vì thế, thầy địa lý treo giải thưởng rất hậu cho người nào có gan lặn xuống để dòm xem. Họ Trương bèn nhận lời ngay. Rồi ông lặn xuống đó, lấy tay sờ quanh, thấy có một con vật hình như con ngựa đứng dưới đáy đầm. Ông bèn trở lên báo cáo lại cho thầy địa lý biết. Thầy bảo ông lặn xuống chuyến nữa và đem theo một nắm cỏ non, nhử vào mồm ngựa xem nó thế nào. Ông lại cầm nắm cỏ xuống, đứng trước đầu ngựa để nhử, thấy nó há miệng ngoạm lấy nắm cỏ. Ông bơi lên báo cho biết, thầy địa lý gật đầu bảo: "Dưới đầm quả nhiên có ngôi huyệt quý". Rồi thầy đưa ra một số vàng bạc bảo với ông rằng: "Nay hãy tạm thù lao một ít, sau này sẽ xin tặng thêm. 

Tôi cần phải trở về kinh thành mấy tháng rồi lại sang ngay, bấy giờ ta sẽ nói chuyện sau". Lúc ấy tuy còn ít tuổi, nhưng Trương Giác rất thông minh. Nghe bọn khách nói chuyện với nhau, ông hiểu ngay là huyệt ở mồm ngựa, không còn hồ nghi gì. Đợi họ đi rồi, ông đem gói xương ở gác bếp xuống, lấy cỏ bao bọc xung quanh, rồi lặn xuống để vào mồm ngựa, ngựa bèn ăn hết ngay. Từ đó nhiều người phục tùng ông và tôn ông làm trại trưởng...

Cách mấy năm sau, thầy địa lý đem xương bố ở kinh thành trở lại vùng này, tìm đến chỗ đầm ấy để mai táng. Nghe nói Trương Giác đã trở thành bậc anh tài cái thế, thủ hạ có mấy mươi vạn người thậm chí còn đang tính chuyện xưng vương, thầy địa lý biết ngay là họ Trương đã táng huyệt ấy rồi. Thấy uổng phí bao nhiêu công sức, thầy căm tức lắm, bèn đến bảo ông rằng: "Nghe nói ông đã được đất. Cái huyệt tuy đẹp, nhưng ngựa không có gươm thì không được tốt. 

Nay tôi tặng cho một thanh gươm, ông đem xuống treo ở cổ ngựa, như vậy thì ông sẽ dọc ngang trời đất, đánh đâu được đấy". Trương Giác tin lời thầy địa lý bèn lặn xuống chỗ ngựa thần, lấy tay sờ cổ ngựa, để gươm vào đấy rồi bơi lên. Từ đó đánh đâu được đấy, gọi là Thiên công tướng quân. Ông đánh chiếm được khá nhiều châu phủ khiến cho triều đại nhà Hán vốn đang ở vào giai đoạn suy tàn bị một phen chao đảo. 

Tuy nhiên khi cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Khăn Vàng đang trong giai đoạn thuận lợi, thế tiến quân như chẻ tre thì đột nhiên Trương Giác lâm bệnh qua đời, cũng kể từ đây cuộc kháng chiến chống Hán của ông đi vào "ngõ cụt". Các em của ông sau đó cũng bị quân triều đình truy sát đến chết, bản thân Trương Giác còn bị đào mộ băm xác. Có lẽ cũng bởi thầy địa lý đã dùng kế đánh lừa để gươm vào đầu ngựa, nên Trương Giác cũng hai người em của mình mới lâm vào hoàn cảnh như thế…


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.