Nguồn Lao Động
"Làm như thế thì ăn như thế. Ăn như thế thì lại làm như thế”. Đó là toàn bộ sự luẩn quẩn của tiền lương và việc làm, việc làm và tiền lương. Một nghiên cứu gần đây khẳng định, có đến 79% số cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương.
Đây là một hệ luỵ khá đa nghĩa của tình trạng luẩn quẩn nói trên.
Một mặt, thu nhập ngoài lương là nguồn bổ sung cần thiết để nhiều người có thể sống với nghề và giữ lấy nghề. Nếu mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tối thiểu (theo như báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn), thì chắc chắn những người với mức lương này phải tìm mọi cách để có nguồn bổ sung cho 50% nhu cầu tối thiểu còn thiếu hụt kia. 1.001 cách sẽ phải được tìm ra để có thêm tiền. Trong số này, có những cách hợp pháp, có những cách hợp pháp vừa phải và có cả những cách hoàn toàn bất hợp pháp.
Tuy nhiên, hợp pháp hay không thì phần lớn những cách kiếm thêm tiền đều hợp lý. Nếu chúng ta vẫn không thể nâng lương tối thiểu, thì buộc lòng phải chấp nhận những cách làm thêm này. Trong hoàn cảnh như vậy, tốt nhất là nên tạo điều kiện cho người làm công ăn lương có thêm thu nhập bằng những cách hợp pháp.
Mặt khác, thu nhập ngoài lương tạo nên những khuyến khích hết sức sai lệch. Đó là tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”; là xu hướng làm việc vì địa vị, chức tước hơn là vì lương; là thái độ nhũng nhiễu để có phong bao hơn là nâng cao hiệu quả công việc để được tăng lương. Những điều này làm cho nền hành chính-công vụ của đất nước bị méo mó khôn lường.
Trong nền kinh tế thị trường, bạn trả cho thứ bạn mua. Muốn có một nền hành chính-công vụ hiệu năng, điều quan trọng là chúng ta phải trả lương xứng đáng cho đội ngũ công chức. Điều này quả là dễ nói mà không dễ làm. Trong bối cảnh cả hệ thống đang bị hành chính hóa nặng nề như hiện nay thì lại càng khó. Hành chính hóa có nhiều biểu hiện, nhưng trước hết là việc dùng tiền ngân sách để chi trả cho các tổ chức thuộc về xã hội dân sự. Những tổ chức như thế ở ta rất nhiều. Cho dù chúng ta có gọi chúng khác đi, thì bản chất của sự vật vẫn không thay đổi. Các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức nghề nghiệp… là một phần của xã hội, chứ không phải một phần của nhà nước.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chi trả cho nhiều lực lượng như vậy, thì chúng ta không thể có đủ ngân sách để trả lương tử tế cho bất kỳ ai. Ngoài ra, việc trả lương đại trà từ ngân sách có thể còn làm cho hệ thống vận hành sai. Một tổ chức được trả lương từ ngân sách thì ít phụ thuộc vào các thành viên của mình. Mà như vậy thì động lực để phấn đấu và bảo vệ cho lợi ích của các thành viên cũng không nhiều. Khả năng phản biện chính sách của Nhà nước cũng rất hạn chế.
Cuối cùng, cải cách tiền lương là điều kiện quan trọng để hạn chế và khắc phục hiện tượng thu nhập ngoài lương. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ cải cách tiền lương một cách riêng rẽ, mà phải gắn chặt với những cải cách sâu rộng hơn về bộ máy hành chính.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.