Thời Đông Hán Trung Quốc, ở thủ đô Lạc Dương và khu vực xung quanh thường xẩy ra động đất. Theo ghi chép của sử sách, trong hơn 50 năm từ năm 89 đến năm 140 công nguyên, ở khu vực nói trên cả thảy xẩy ra 33 trận động đất. Trong đó, hai trận động đất lớn xẩy ra vào năm 119 ảnh hưởng tới hơn mười huyện, làm hàng loạt nhà sụp đổ, người và gia súc bị thương vong, mọi người rất sợ động đất. Nhà vua nghĩ là vì làm mất lòng trời, cho nên tăng thêm sưu dịch đối với nhân dân, dùng để tổ chức hoạt động tế trời. Lúc đó có một nhà khoa học tên là Trương Hành, nghiên cứu sâu sắc về thiên văn, lịch pháp và toán học. Trương Hành không tin những tuyên truyền mê tín về động đất, ông cho rằng động đất chỉ là một hiện tượng tự nhiên, nhưng mà mọi người hiểu rất ít về động đất. Xét từ tình hình này, ông ra sức nghiên cứu về động đất.
Trương Hành quan sát và ghi chép tỉ mỉ hiện tượng từng trận động đất, dùng biện pháp khoa học phân tích nguyên nhân xẩy ra động đất. Trải qua nhiều lần thí nghiệm trong nhiều năm, năm 132 công nguyên, Trương Hành chế tạo ra một chiếc máy đầu tiên có thể dự báo động đất của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, và đặt tên là “Địa động nghi”.
Chiếc “Địa động nghi” này được chế tạo bằng đồng đen, có hình dáng như một hũ rượu lớn hình tròn, có đường kính gần một mét, chỗ trung tâm có một cây cột đồng lớn được 8 cây cột đồng nhỏ bao vây ở chung quanh, bốn phía có 8 con rồng, đầu 8 con rồng lần lượt nối liền với 8 cây cột đồng nhỏ, đầu con rồng hơi ngẩng lên về 8 phía là phía đông, phía nam, phía tây, phía bắc, phía đông bắc, phía đông nam, phía tây bắc và phía tây nam. Mỗi con rồng ngậm một hòn bi đồng trong mồm, dưới đầu rồng có một con cóc đồng ngồi xổm, chúng đều ngẩng đầu há miệng, sẵn sàng đỡ lấy hòn bi nhả từ miệng rồng ra. Hình dáng của cóc và đầu rồng rất thú vị, hình như đang trêu chọc nhau. Cho nên mọi người dùng “Cóc trêu rồng” để hình dung hình dáng bề ngoài của “Địa động nghi”. Theo thiết kế của Trương Hành, nếu phía nào xẩy ra động đất, thì cột đồng nhỏ của “Địa động nghi” sẽ nghiêng về phía đó, rồi kéo đầu rồng phía đó há miệng nhả ra hòn bi đồng, rơi vào miệng cóc, phát ra một tiếng “keng”, báo cho mọi người biết phía đó đã xẩy ra trận động đất, để chính phủ làm tốt công tác cứu giúp và khắc phục hậu quả.
Năm 133 công nguyên, Lạc Dương xẩy ra trận động đất, “Địa động nghi” của Trương Hành đã dự báo chuẩn xác. Trong 4 năm sau đó, khu vực Lạc Dương lần lượt xẩy ra 3 trận động đất, “Địa động nghi” của Trương Hành” đều dự báo đúng, chưa bao giờ sai. Nhưng, một ngày trong tháng 2 năm 138 công nguyên, Trương Hành và một số người phát hiện, hòn bi đồng ngậm trong miệng con rồng hướng về phía tây rơi vào miệng con cóc ở dưới, nhưng mọi người chưa cảm thấy động đất, một số học giả vốn hoài nghi tác dụng của “Địa động nghi” bèn nói “Địa động nghi” dự báo không chuẩn xác, chỉ có thể dự báo động đất xẩy ra ở khu vực xung quanh Lạc Dương. Ba, bốn ngày sau, sứ giả tỉnh Cam Túc nằm ở phía tây Lạc Dương đến báo cáo tỉnh Cam Túc xẩy ra động đất. Như vậy, mọi người mới hoàn toàn tin rằng “Địa động nghi” của Trương Hành” không chỉ là “Cóc trêu rồng”, mà là máy móc khoa học có tác dụng. Từ đó trở đi, Trung Quốc bắt đầu lịch sử dùng máy móc quan sát từ xa và ghi chép động đất.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.