Tại một thị trấn nọ, có một gia đình nghèo, cha mẹ làm việc vất vả cả ngày ở nhà máy, các con còn nhỏ thì ở nhà một mình.
Một hôm, có một người hành khất đến nhà xin bố thí. Một em bé ra mở cửa, đăm đăm nhìn người hành khất rồi chạy vào nhà, một lúc sau, em trở ra nhỏ nhẹ thưa :
"Chú ơi, chúng cháu rất muốn tặng chú một cái gì đó, thế nhưng nhà cháu lại cũng chẳng còn gì để ăn hôm nay, chúng cháu cũng đang đói lắm chú ạ! Chúng cháu rất áy náy vì phải từ chối chú như vậy, chú đừng buồn nhé!".
Người hành khất lặng lẽ bỏ đi. Đến sập tối thì ông ta quay lại gõ cửa. Em bé lại ái ngại từ chối như buổi sáng. Người hành khất lúc đó mới nói :
"Các cháu dễ thương của chú, chú không xin các cháu bố thí nữa đâu, nhưng chú lại có cái này để tặng các cháu..." Nói đoạn, người ấy mở chiếc bị đeo bên hông ra, đưa cho mấy em nhỏ một vài khúc bánh mì nhỏ và một vài đồng bạc. Ông ta dặn dò: "Các cháu hãy lấy bánh chia nhau ăn đi kẻo đói lắm rồi, còn tiền thì đợi ba mẹ về, nói là chú biếu. Chú chỉ là một người ăn xin tàn tật, nhưng chú sẵn sàng chia sẻ với gia đình các cháu, bởi các cháu dễ thương và tốt bụng quá...".
"Một miếng" có thể là một miếng ăn cụ thể: Miếng cá, miếng thịt, miếng rau, miếng cơm, miếng cháo thậm chí là miếng nước. Lúc đói, lúc khát mà được "một miếng" ai dám bảo là không ngon, không giá trị?. "Một miếng" có thể là một phần nhỏ được tách ra từ khối vật thể lớn: Nửa củ sắn, nửa bát cơm, một bát cháo trong nồi cháo, một thúng thóc trong bồ thóc...
"Thương nhau, chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" (Tố Hữu)
Trong hoạn nạn, trong khó khăn mới thấm thía tình người, tình làng nghĩa xóm. "Lá lành đùm lá rách". "Lá rách ít đùm lá rách nhiều". Năm 1945 ở làng không một ai chết đói bởi có quỹ tình nghĩa. Người các nơi kéo đến, một bát cháo phát chẩn cũng quý. Một bát cháo lúc này cứu được cả sinh mệnh một con người. Lúc tháng ba ngày tám "dốc bồ thương kẻ ăn đong" được vay một thúng thóc, đến mùa thu hoạch thì trả, lại không phải trả lãi, mới quý làm sao.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no" ban đầu nói về cảm giác trong ăn - uống. Về sau "một miếng" nâng lên thành giá trị : Một miếng = một gói. "Một miếng" đúng lúc, đúng chỗ tuy bé, vẫn bằng "một gói" to lúc bình thường. "Một miếng" đúng lúc, đúng chỗ thật đáng trọng. Thật là nghịch cảnh.
"Lúc sống thì chẳng cho ăn/Chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi" (Ca dao)
"Một gói" to xôi thịt với người đã chết lúc này lại là sự đáng trách.
Với nhiều người luôn ở trong trạng thái no đủ thì "một gói" to chẳng có ý nghĩa gì, có khi còn coi thường. Xin đừng để rơi vào cảnh "ăn bữa nay, lo bữa mai". Hãy học cách tiết kiệm, biết lo xa.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.