(KTS Phạm Thanh Tùng) - Bây giờ, đi đâu cũng nghe nói đến “Kiến trúc xanh”. Vậy “Kiến trúc xanh” là gì? Đó là biểu trưng của khái niệm “Kiến trúc bền vững”, vốn được thế giới tiếp nhận sau khi Liên Hiệp Quốc đưa ra mục tiêu “Phát triển bền vững” vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Năm 1995, hệ thống tiêu chí đánh giá Công trình xanh của Mỹ (LEED) lần đầu tiên xuất hiện, làm bùng nổ trào lưu “Kiến trúc xanh”.
Và đến năm 2010, nó thực sự trở thành một cuộc cách mạng của kiến trúc trên toàn thế giới. “Kiến trúc xanh” là kiến trúc thân thiện với môi trường và không gian sống của con người. Một công trình được gọi là Kiến trúc xanh, khi nó phải sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và tài nguyên thiên nhiên khác; bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng; giảm thiểu tối đa chất thải, ô nhiễm và sự suy thoái của môi trường. “Kiến trúc xanh” còn được hiểu là Kiến trúc sinh thái (Sustainabie Building).
Ở nước ta, “Kiến trúc xanh” đang được cộng đồng xã hội và các nhà quản lý xây dựng quan tâm, trở thành định hướng sáng tác của giới Kiến trúc, là tham vọng tốt đẹp của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Hiện nay, ta có “Hội đồng Xanh-VGBC”- một tổ chức phi chính phủ đang xây dựng 2 hệ thống tiêu chí đánh giá mang tên Lotus. Tuy nhiên, hệ thống đánh giá này mới chỉ trong lĩnh vực môi trường, chứ chưa đề cập đến lĩnh vực kiến trúc, xây dựng.
“Hội đồng Xây dựng xanh” thành lập năm 2011 của Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam thì cũng đang tích cực hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá “Tòa nhà xanh” phù hợp với điều kiện của Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Xây dựng. Và cuối cùng là “Hội đồng Kiến trúc xanh” của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành lập năm 2011 với Giải thưởng “Kiến trúc xanh Việt Nam-2012” lần thứ nhất được giới Kiến trúc sư và cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm.
Đánh giá về tác động của ngành xây dựng, các nhà khoa học thế giới đã chỉ rõ, lĩnh vực xây dựng đã tiêu thụ 17% lượng nước sạch, 28% khối lượng gỗ xẻ, 30-40% năng lượng điện, 40-45% các nguyên nhiên liệu khác của thế giới. Đồng thời, lĩnh vực này cũng thải ra hơn 25% lượng khí CO2 trên toàn cầu. Còn khi đã có cuộc cách mạng “Kiến trúc xanh” thì thế giới sẽ giảm được hơn 35% lượng khí thải CO2, 35% lượng tiêu thụ điện.v.v…
Với Việt Nam là nước đô thị hóa chưa cao, dân số đô thị mới chiếm gần 30%, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là trong những năm đổi mới, đã gây ra nhiều hệ lụy tác động xấu đến môi trường thiên nhiên và không gian sống của cộng đồng.
Chúng ta đang đứng trước nguy cơ hiểm họa do con người và thiên nhiên gây ra. Đó là sự tàn phá rừng bừa bãi, khai thác lãng phí tài nguyên đến cạn kiệt như nước sạch, khoáng sản. Sự biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt trên phạm vi toàn cầu và ở nước ta với tần suất, mức độ tàn phá của lũ lụt, hạn hán gây ra ngày một nghiêm trọng hơn.
Chúng ta xây dựng rất nhiều, nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ. Các khu đô thị mọc lên vì nhu cầu chỗ ở của người dân, nhưng lại không tạo ra được môi trường sống tốt, bởi thiếu không gian công cộng, cây xanh, mặt nước, công viên. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông yếu kém, không kết nối được các khu đô thị mới và khu đô thị với trung tâm thành phố.
Các tiêu chí kiến trúc xanh hầu như không được áp dụng trong thực tế xây dựng. Chúng ta không có ngành công nghiệp vật liệu xanh. Các công trình thấp tầng và cao tầng đều dùng vật liệu truyền thống như gạch nung, bê tông cốt thép, kính thông thường…
Chúng ta có nhiều chính sách, chủ trương khuyến khích phát triển kiến trúc xanh một cách kêu gọi chung chung mà thiếu những chế tài cụ thể. “Kiến trúc xanh” đem đến cái lợi lâu dài, bền vững cho con người, cho xã hội, nhưng chi phí đầu tư ban đầu lớn. Người ta đã tính toán, giá thành xây dựng một m2 công trình kiến trúc xanh cao gấp nhiều lần với xây dựng truyền thống.
Thí dụ: Một bóng đèn tiết kiệm năng lượng đắt gấp 10-15 lần so với đèn dây tóc thông thường cho từng loại, gạch không nung đắt hơn 25% so với gạch nung truyền thống. Đó là chưa tính đến việc lắp kính hai lớp, hệ thống pin năng lượng mặt trời, tái xử lý nước thải trong tòa nhà để sử dụng… Rất nhiều chủ đầu tư đã từ chối thực hiện các dự án kiến trúc xanh do kiến trúc sư đưa ra. Tất cả chỉ vì vốn đầu tư và… lợi nhuận?.
Không có cuộc cách mạng nào thành công mà không phải trả giá. Với cuộc cách mạng “Kiến trúc xanh” cũng vậy. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều kiến trúc sư Việt Nam đã và đang đi tiên phong sáng tạo các công trình xanh mà Kiến trúc sư trẻ Võ Trọng Nghĩa là tiêu biểu.
Được sự cổ vũ, động viên của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, họ đã và đang cùng với một số nhà đầu tư dũng cảm dấn thân với mong muốn tạo dựng nên những không gian xanh, không gian sống tốt nhất, mang đầy tính nhân bản cho xã hội. 11 công trình, quần thể công trình kiến trúc được tôn vinh và trao giải “Kiến trúc xanh Việt Nam-2012” lần thứ nhất của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã khẳng định mục tiêu tốt đẹp đó.
Dự án Vincom Village (Hà Nội) là một thí dụ sinh động. Trên diện tích 180 ha, chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup đã dành 60 ha làm không gian công cộng, thảm cỏ, cây xanh, công viên, mặt nước. 50 ha làm hệ thống hạ tầng giao thông và còn lại 70 ha dành để xây dựng các biệt thự thấp tầng. Với phong cách quy hoạch kiến trúc độc đáo, Vincom Village là một quần thể kiến trúc hài hòa cùng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ… lãng mạn soi bóng xuống dòng sông đào uốn lượn, đã thực sự là không gian sống tốt đẹp nhất cho con người.
Ngoài giải thưởng “Kiến trúc xanh Việt Nam -2012”, dự án này còn nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, mà gần đây là Danh hiệu “Dự án phức hợp tốt nhất châu Á-Thái Bình Dương” thuộc Giải thưởng Quốc tế International Property Awards 2013 danh giá trao tặng. Tuy nhiên, những dự án như Vincom Village không phải là nhiều. Và một chủ đầu tư có trí tuệ, tầm nhìn và văn hóa như Vingroup cũng là hiếm hoi lắm.
“Kiến trúc xanh” Việt Nam liệu còn ở nơi xa lắm với điều kiện của nước ta? Không, hoàn toàn không! Chúng ta đủ khả năng để xây dựng một nền kiến trúc xanh phù hợp với điều kiện và bản sắc riêng của mình, bản sắc văn hóa Việt Nam. Dẫu còn nghèo, nhưng ngay từ bây giờ, phải xây dựng được một nếp sống, lối sống “Xanh” cho mỗi cư dân và từng cộng đồng. Hãy biết trân trọng một bóng cây, một vuông cỏ, một khoảng trong xanh của mặt nước.
Xin hãy đừng vứt rác bừa bãi ra đường, đổ rác thải, chất thải xuống dòng sông. Mỗi người, mỗi gia đình hãy tắt bớt đi một ngọn đèn khi không dùng đến. Xin các kiến trúc sư hãy sáng tạo các kiểu nhà thân thiện với môi trường, để ngôi nhà bớt phải dùng đèn, điều hòa nhiệt độ mà vẫn luôn tràn ngập gió, khí trời và ánh sáng. Xin các chủ đầu tư khi xây dựng công trình, khu đô thị mới đừng quá vì lợi nhuận, hãy dành chỗ cho cây xanh, công viên vườn hoa, để môi trường sống chung quanh ta luôn trong lành dễ chịu, để người lớn và trẻ em không phải sống bức bí trong những nơi ở bằng bê tông và kính khô cứng vô hồn.
Xin các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách xây dựng hãy sớm cho ra đời ngành công nghiệp vật liệu xanh, để chúng ta hàng năm không phải đốt đi hàng triệu tấn rơm rạ, có thể tái chế thành hàng triệu m2 vật liệu nhẹ dùng trong xây dựng nhà ở. Để chúng ta không phải đào lấy đi hàng triệu m3 đất để làm gạch với hàng ngàn lò nung ngày đêm thải khói độc làm ô nhiễm bầu trời…
Xin các nhà quy hoạch, các nhà quản lý đô thị hãy tạo cho đô thị một không gian sống xanh an toàn và thân thiện. Thân thiện với môi trường và thân thiện giữa con người với con người.
“Kiến trúc xanh” là tương lai gần của chúng ta. Đó là sự thật! Nếu tất cả cộng đồng đều nhận thức đúng và hết lòng vì mục tiêu đó