Type Here to Get Search Results !

Chuông gió

Chuông gió gọi theo từ Hán là phong linh, tiếng Nhật gọi là furin. Thông thường, "chung", "đạc", "linh" đều mang nghĩa là chuông nhưng "chung" để chỉ vật tạo ra âm thanh do sự tác động từ bên ngoài bằng dùi hay chày còn "đạc", "linh" là cái chuông rung, khi chuông lắc vật tạo âm thanh do con lắc/ lưỡi bên trong tác động vào mặt trong của chuông. Chuông gió phổ biến không là chuông mà còn cấu tạo bằng các loại ống, có hai loại:
1/ Nhiều thanh sắt/ thanh tre dài ngắn khác nhau, hay các miếng gốm đa dạng khác nhau va chạm với con lắc ở giữa tạo nên âm thanh.

2/ Dạng hình chuông úp với con lắc có gắn vật cản gió bên trong khi gặp gió, con lắc đong đưa va chạm vào thành tạo âm thanh.
Chuông gió được làm bằng nhiều chất liệu: tre/gỗ, gốm/sứ, hay kim loại, thủy tinh. 


Ý nghĩa của Chuông gió
1) Thứ nhất chuông gió theo quan niệm tâm linh thì nó giúp xua đuổi tà ma và đem lại may mắn cho chủ nhân.

2) Thứ hai trong tình yêu khi người con gái (con trai) nhận được chiếc chuông gió và treo nó lên nơi hướng về ánh sáng và có nhiều gió nhất khi nó phát ra âm thanh thì nó là bản nhạc của tình yêu và ý của người tặng đó là anh sẽ luôn bên em (hay em sẽ luôn bên anh).Ngoài ra theo quan niệm của phương đông và truyền thuyết về tình yêu thì chiếc chuông gió sẽ gắn kết tình yêu hai người mãi mãi khi một người trong hai người lạc mất nhau người con gái sẽ rung lên từng hồi chuông để chỉ đường dẫn lối cho người con trai trở về.
Ngoài ra, Chuông gió còn mang ý nghĩa khánh chúc, cầu mong thể hiện qua hình tượng thiềm thừ ngậm tiền, thần tài, đồng xu, thoi vàng với mong muốn phát đạt, tiền bạc dồi dào; hay hình cá (dư dả), mèo (thọ), đứa trẻ (phúc)... 

Riêng furin của Nhật phổ biến với đặc trưng thường kèm theo một mẩu giấy nhỏ bên dưới để gởi lời cầu mong theo gió... đến với chư thần, Phật. Ngày nay, người ta hiểu chuông gió như là vật tiêu tán, hóa giải hung khí, xua đuổi tà ma mang lại điều an lành, sự may mắn, thuận lợi cho ngôi nhà cũng như gia chủ. 

Chuông gió còn được cho là thể hiện sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, sự hiệp hòa giữa chuông và gió tạo nên một âm điệu của đất - trời, của âm - dương, nhật - nguyệt. Hơn nữa, chuông gió còn được gắn với một tín niệm về tình yêu: chuông gió sẽ gắn kết tình yêu hai người mãi mãi khi một trong hai người lạc mất nhau, tiếng lanh canh của chuông gió vang lên trong gió sẽ nhắc họ nhớ về nhau, dẫn lối cho họ trở về bên nhau. Món quà chuông gió ngoài lời chúc bạn luôn vui vẻ và gặp may mắn (có lẽ muộn) còn gởi thêm lời nhắn gởi: mãi nhớ về nhau.

Phải chăng khởi nguyên chuông gió đã mang những ý nghĩa này?

Hay chăng khi xã hội chưa phát triển, con người cư ngụ thành từng nhóm rải rác, thưa thớt giữa núi đồi mênh mông, hoang vắng, người ta đã lợi dụng sức gió hoặc sức nước để tạo nên giàn đàn gió, đàn nươi tạo nên âm thanh suốt cả ngày đêm, làm vui xóm, vui làng xua đi không gian tĩnh mịch của một vùng rừng núi rộng lớn. Và chuông gió cũng là âm thanh dẫn lối cho những kẻ lạc đường, khi nghe tiếng phong linh người ta biết nơi đó có người sinh sống. Vậy ở đây, chuông gió là một loại tạo nên tiếng vang như một hiệu báo. Chuông gió lúc này là những cục đá được cột vào dây (sợi song mây) hay những ống tre dài ngắn, cao thấp khác nhau nhằm tạo ra những thanh trầm, bổng khác biệt mà chúng ta có thể thấy ở các dân tộc ít người miền núi. Cũng có tài liệu dân tộc học cho thấy người ta dùng chuông gió dạng "mõ tre", đá kêu ở nương rẫy để đuổi chim, thú phá hoại mùa màng. Cùng chung công năng này, ở Phan Rang, Bình Thuận, người ta giăng dây và treo hàng loạt những miếng tre chẻ từ ống tre trên đó, xung quanh rẫy và giựt chúng khua lên đuổi chim xua thú. Hệ thống báo động này được gọi là “giựt bò cạp”.

Tôi được nghe kể rằng, khoảng đầu thế kỷ XX, những "lính trạm" của nhà vua khu vực miền Trung thường mang vào chân một chùm lục lạc đồng, gọi là "cái rổn rảng" để đi đến đâu là phát ra tín hiệu âm thanh cho các quan lại, hương chức trong làng biết mà ra gởi công văn, tấu trình nhờ người ấy chuyển đạt. Tuy nhiên, đối với dân chúng, họ cho rằng "cái rổn rảng" rung lên âm thanh thiêng xua đuổi thú dữ và xác tín rằng cọp beo không bao giờ dám làm hại người lính trạm này. Cũng chính vì vậy mà người ta thường canh tiếng "rổn rảng" của người "lính trạm" này để gánh hàng ké theo ra các chợ xa ở miền núi xa xôi bán.

Phải chăng chuông gió từ công dụng xua đuổi chim thú đã được nâng công năng lên tầm mức cao hơn: xua đuổi điều xấu tà ma... Mỗi năm khi đến giao thừa: thời điểm chuyển giao giữa ngày và đêm, năm mới và năm cũ, giữa sáng và tối - thời điểm thuận lợi cho ma quỷ lộng hành quấy phá hại người - chỉ những âm thanh thật mạnh mẽ mới đủ sức xua đuổi lũ quỉ ma bảo hộ cộng đồng làng xã. Chính vì thế mà người ta mới đốt pháo (trước đây) hay đánh chiêng (người Mường) vào đêm 30 tết. Tương tự, chuông gió cũng có chức năng bảo hộ nhưng với phạm vi hẹp hơn: gia đình. Âm thanh trong trẻo của nó thanh tẩy, đẩy lùi những ảnh hưởng xấu hoặc ít nhất báo hiệu về sự đến gần của chúng. Chuông gió gốc từ một vật dụng dần dần có thêm công năng tâm linh. Điều này có phần tương tự như chuông mõ vốn từ công cụ báo hiệu/ thông tin mệnh lệnh đã trở thành pháp khí của nhà Phật với những công năng vi tế.

Trong đạo Phật, tiếng chuông cảnh tỉnh ma quỷ tránh xa những khu vực linh thiêng như khu vực lập đàn, nơi các nghi lễ đang được cử hành, âm thanh của chuông được quán tưởng là kim khẩu Phật khi đang thuyết pháp, thanh tịnh hóa cảnh thiền môn.

Trong Phật giáo, khi tụng kinh, trì chú thì lắc linh để thức tỉnh các tôn vị hoặc làm cho các Ngài hoan hỉ. Linh có 3 nghĩa: Thức tỉnh, hoan hỷ và thuyết pháp.

Ngoài ra do vị trí của lưỡi chuông, quả chuông gợi liên tưởng tới tất cả những gì được treo lơ lửng giữa đất và trời và qua đó mà làm cầu nối giữa hai thế giới ấy, sự giao tiếp giữa đất và trời; khi đất trời chuyển động thì phong linh rung lên.

Và theo quan niệm chung, cái gì tĩnh thì luôn biểu hiện cho sự chết chóc, ma quỷ, cái xấu; ngược lại những gì động, gây ra âm thanh thì biểu thị cho sự sống, điều tốt lành.

Cùng tín niệm "Phong điều, vũ thuận" (mưa thuận, gió hòa), cơn gió mang tới sự mát mẻ, dễ chịu, điều an lành. Phong linh là vật nhạy gió, nó nhanh chóng rung lên từng hồi chuông báo hiệu khi có gió, tức điềm lành đến. Vì vậy, khi phong linh/ chuông gió reo lên thì điềm lành đã hiển hiện.

Cách treo Chuông gió

- Chuông gió thuộc về không gian bên ngoài của ngôi nhà, ví dụ như ban-con, hiên nhà, sân hoặc vườn. Đó chính là lý do vì sao chúng được gọi với cái tên chuông gió! Điều này không có nghĩa tôi sẽ không treo một chiếc chuông gió ở trong nhà, đặc biệt nếu chiếc chuông có những hạt pha lê nhỏ ở giữa là một ví dụ.

- Nếu bạn cần một yếu tố phong thủy bằng kim loại mạnh mẽ trong một khu vực cụ thể của hình bát quái, ví dụ như hướng Tây Bắc, người tư vấn phong thủy có thể sẽ gợi ý bạn treo một chiếc chuông gió 6 thanh. Số 6 là con số phong thủy của hướng Tây Bắc.

Có 3 nguyên tắc chính chọn vị trí treo chuông gió hợp phong thủy nhất đó là: chất liệu, số thanh và biểu tượng mà nó tượng trưng.

- Chất liệu:
+ Luôn luôn ghi nhớ kết hợp yếu tố chất liệu phong thủy của chuông gió với khu vực ở bát quát – nơi mà bạn muốn treo nó. Một chiếc chuông gió làm bằng kim loại có thể treo ở hướng Tây, Tây Bắc và Bắc.

Về kiểu dáng và màu sắc của chuông gió đa dạng. Nó lại được gắn kết với những vật linh để biểu thị những quan niệm mang đậm sắc thái phong thủy như: 
Chuông gió có 6 ống kim loại đại diện cho sao Lục bạch Kim Tinh, thuộc hành Kim, nên nó dùng để tiết bớt khí xấu của Thổ, nhất là sao Ngũ Hoàng chiếu đến vì Thổ sinh Kim. Ngoài ra nó cũng dùng để tiết bớt khí xấu của Hỏa vì Hỏa khắc Kim. Trên nắp thiết kế hình hồ lô để hạn chế lại tác hại của sao Nhị Hắc Bệnh Phù. Với biểu tượng 3 con Rồng, Rùa hoặc Kỳ Lân ở giữa, chuông gió này còn có tác dụng đón quý nhân. 

Chuông gió làm bằng kim loại phải đặt ở hướng Tây, Tây Bắc và hướng Bắc; 

Chuông gió làm từ tre/ gỗ có thể đặt ở hướng Đông, Đông Nam và hướng Nam (theo bát quái); 

Chuông gió làm từ sứ/ đất nung sẽ đại diện cho yếu tố thổ nên được đặt ở vị trí trung tâm, Tây Nam, Đông Bắc, Đông và Đông Nam cho ngôi nhà. 

Chuông gió làm bằng đất nung với hai trái tim là lựa chọn cho hướng Tây Nam, cung Tình Duyên nên được đặt trong phòng hoặc sân vườn. Trong khi chiếc chuông gió với hình ảnh đức Phật sẽ phát huy tác dụng với những nguồn năng lượng phong thủy ở hướng Đông Bắc - cung học thức...
Giống như bất kỳ phương pháp phong thủy trị bệnh nào, cần lưu ý không làm suy yếu hoặc làm hỏng các yếu tố chính của  một khu vực bát quái. 
Ví dụ, không treo chiếc chuông gió làm bằng kim loại ở hướng Đông – hướng tượng trưng cho gỗ.

Đăng nhận xét

1 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
  1. Thì hướng đông hoặc đông năm treo chuông gió bằng chất liệu tre vậy ...hihi +Ponali

    Trả lờiXóa