Type Here to Get Search Results !

Thông điệp mùa giáng sinh

Trong mùa Giáng sinh, để chào mừng Đấng Cứu thế, chúng ta bắt đầu cư xử tử tế với nhau, bằng nụ cười, bằng lòng quảng đại, bằng nghĩa hiệp, và bằng mọi cách tử tế có thể.


Tặng quà là một thói quen của nhiều người trong mùa lễ, nhất là vào 2 tháng cuối năm. Theo dự đoán của National Retail Federation (NRF), số tiền mua sắm trong 2 tháng 11 và 12 là $620,000 triệu, chiếm gần 20% của tổng số $3,194,318 triệu tiền thu bán lẻ trong cả năm. Năm ngoái, con số tiêu thụ quà cáp cũng khoảng đó, $592,660 triệu so với $3,083,319 triệu của toàn năm. American Research Group, Inc. ước tính trung bình một người Mỹ tiêu khoảng $1,051 cho năm 2014, $846 năm 2013, $950 năm 2012...v..v.

Người ta hồi hộp chờ Black Friday, ngay sau lễ Tạ Ơn, một dịp khuyến mãi hơn 50%. Mọi người háo hức mong dịp hạ giá cuối tuần vì hầu như các cửa hàng bán lẻ đua nhau (đại) hạ giá từng ngày. Từ đầu tháng 12, ai nấy đều hỏi thăm nhau đã mua sắm gì chưa cho lễ Giáng sinh. Trong suốt tháng 12, nhất là 12 ngày trước lễ Noel, bắt đầu từ ngày hôm qua 13/12, hầu như các cửa hàng đều đổ hàng ra bán với giá hời không ngờ. Tôi quen một ông bà nọ, có 8 người con đã lập gia đình. Bà than mỗi năm vào dịp Noel, con cái kéo đến nhà ăn reveillon, mang theo quà cáp chất ngập cây thông Noel.

Tôi hỏi sao quà đâu nhiều thế. Bà nói tính ra cha mẹ mua cho mỗi đứa con một món quà, nhưng chúng nó vẫn có lệ đổi quà, nghĩa là một gia đình vẫn phải mua quà cho từng ấy đứa cháu. Bà kể thêm, trung bình mỗi gia đình 2 đứa con, mỗi đứa nhận gần 10 món quà từ ông bà, cha mẹ, bác, chú, dì, cậu. Khuya khi ra về, đứa bé khệ nệ khiêng từng ấy món quà ra xe... nhiều lần. Quà cáp xếp chồng lên còn cao hơn đứa bé. Sau đêm Vọng Giáng sinh, ông bà nhìn thấy giấy bao quà, hộp quà để lại chất đầy một góc phòng mà ngao ngán vì phải dọn dẹp. Cha mẹ mải mê sắm quà, con cái nôn nao nhận quà... và quên đi ý nghĩa đích thực của mùa Giáng sinh.


Hơn 2000 năm trước, một Hài nhi sinh ra nơi cánh đồng vào một mùa đông lạnh lẽo. Đợt kiểm tra dân số theo lệnh của hoàng đế Ceasar Augustus khiến cha mẹ Hài nhi phải về nguyên quán để khai báo. Trên đường đi, bà Maria đã đến lúc mãn nguyệt khai hoa nhưng không kiếm được chỗ trú. Nhà trọ thì đông vì dân tứ xứ đổ về, nên ông bà phải tạm trú trong hang của mục đồng ở lại qua đêm để canh chừng súc vật, và chính nơi tồi tàn hôi hám đó, bà đã sinh hạ một Hài nhi, đặt tên là Giêsu, (xem Luca 2:1-20).

Khách đầu tiên đến thăm Hài nhi là các mục đồng, sau nữa là 3 nhà chiêm tinh ở phương Đông mang đến vàng, nhũ hương, và mộc dược. Đây là 3 món quà đầu tiên của Hài nhi. Lệ tặng quà cho trẻ em thịnh hành từ thế kỷ 14 ở Âu-châu, theo truyền thuyết thánh Nicholas chui qua ống khói để tặng quà vào ngày 6 tháng 12. Tục lệ này theo chân những người di dân sang Tân Thế giới và thịnh hành vào đầu thế kỷ 19 với tên mới Santa Claus, biến thể từ chữ "Sinterklaas", nghĩa là thánh Nicholas. Rồi tục lệ này phổ biến rộng rãi khắp Hoa kỳ, và những nhà sản xuất dựa vào để tung ra những sản phẩm với giá hạ để khuyến khích người tiêu thụ. Và con người dần dần đắm mình vào quà cáp, vào sự tiêu thụ.

Ý nghĩa đích thực của Giáng sinh là sự nghèo khó, bắt đầu từ bài giảng trên núi của Đức Giêsu thuộc vùng Capharnaum, Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước Trời là của họ, (Mt. 5:2-12). Tinh thần nghèo khó là cho đi, chứ không nhận.


Hôm 9 tháng 12, thành phố Tarrant, bang Alabama, cảnh sát viên William Stacy bắt một người đàn bà ăn cắp một hộp tá trứng thuộc cửa hàng Dollar. Bà bị ông chủ tiệm bắt chận với tang vật trên tay. Anh nhận diện ngay người đàn bà vì trước đây đã có khiếu nại từ khu nhà bà ta ở, và anh biết tình trạng gia đình của bà đang gặp khó khăn. Ông chủ tiệm thấy tá trứng cũng chẳng đáng gì nên quyết định không truy tố, viên cảnh sát móc tiền túi trả tiền tá trứng cho chủ tiệm. Bà khẩn khoản trả tiền lại cho viên cảnh sát nhưng anh không nhận. Anh chỉ nói, "cách hay nhất bà trả ơn tôi là đừng ăn cắp nữa." Một người khác quay cảnh viên cảnh sát William ôm lấy người đàn bà đang nước mắt ràn rụa và phóng lên Facebook. Chỉ trong một ngày, đã có 265,000 lượt xem với nhiều lời bình tán dương hành động nhân bản của viên cảnh sát. Ông cảnh sát trưởng Dennis Reno cũng không tiếc lời khen ngợi William đã cư xử thật đúng với danh dự của một viên cảnh sát.

Trước đó vài ngày, ở cửa hàng Walmart tại thành phố Rotterdam, bang New York, Jenny Karpen, nhân viên tính tiền gặp phải một tình huống khá tế nhị. Một ông lão lụm khụm đẩy xe chất thức ăn của người và chó đến quầy tính tiền. Jenny tính ra ông hụt $40. Lục mãi trong túi không còn đồng nào để trả, ông xin lỗi và lấy từng món ra khỏi xe cho vừa đủ tiền. Nhìn cảnh ông già lụ khụ, đơn chiếc, Jenny quyết định trả dùm ông số tiền thiếu hụt. Ông đẩy xe đi không nói một lời cám ơn vì già lẩm cẩm chẳng hiểu việc Jenny vừa biếu ông $40. Jenny mỉm cười chúc ngày lễ bình an. Nhưng hành động đó không qua được sự quan sát của người đứng sau ông lão và bà muốn trả $40 cho cô nhân viên tính tiền. Jenny từ chối. Cô chỉ mong hành động nhân từ này sẽ khuyến khích những người khác bắt chước, nhất là trong mùa Giáng sinh.

Cho đi nghĩa là bản thân mình phải mất, phải thua thiệt. Nhưng không hẳn "cho đi" lúc nào cũng mất. Có những cái chúng ta cho đi nhưng chẳng mất mát gì. Chẳng hạn như nụ cười. Mẹ Têrêsa Calcutta có lần bảo một chị sửa soạn đi giúp những người vô gia cư bệnh tật trong khi chị đang có chuyện buồn nên nét mặt không vui, "những người nghèo khổ rất cần những nụ cười vì đời họ đã có quá nhiều buồn khổ, khi chúng ta đến săn sóc họ nên mang theo nụ cười và niềm vui, nếu chị đang có chuyện buồn thì nên ở nhà làm những việc khác." Nụ cười không tốn người cho một xu. Bắt đầu từ nụ cười giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, rồi lan ra những người chung quanh. Chuyện nhỏ, đơn giản nhưng tác dụng của nó thì vô vàn.

Khi môi nở một nụ cười, chúng ta đã là người tử tế. Một việc nhỏ thôi, nhưng nếu làm cho những người chung quanh, đó là hành động tử tế. Hai chữ "tử tế" có một thời chẳng nghe ai nói đến, chứ đừng nói đến có người hiểu được ý nghĩa của nó. Tử có nghĩa là nhỏ. Tế là việc bình thường. Ngay định nghĩa của chữ "tử tế" đã nói lên nghĩa nhỏ bé và thường tình. Nó đơn giản, không lớn lao, không đòi hỏi phải hy sinh quá sức. Việc làm của người tử tế nên hiểu rộng hơn là một nụ cười.


Một cuộc khảo sát ở trong nước hỏi các bạn trẻ thế nào là "tử tế"? Thật ngạc nhiên khi các bạn trẻ quan niệm tử tế như biết cho đi và không cần nhận lại; là tuân thủ đúng luật khi tham gia giao thông; là ăn mặc phù hợp, đúng nơi đúng chỗ; là chấp nhận khuyết điểm của người khác; là ngăn bạn làm điều xấu...v..v. Khi lái xe chấp hành luật giao thông là tử tế với xã hội. Ngay cả đến cách ăn mặc cũng thể hiện tinh thần tử tế. Vào những nơi trang nghiêm, nên ăn mặc kín đáo, biểu lộ lòng kính trọng thần thiêng, là tử tế với những bậc đáng kính. Các em Hướng đạo dành một buổi chiều đến dọn bữa cho những kẻ vô gia cư là một việc làm tử tế. Khi một người làm mình phật lòng bằng lời nói, bằng hành động, người tử tế nên bỏ qua. Tha thứ là một hành động tử tế. Trong một ngày, chúng ta có rất nhiều cơ hội để biểu lộ sự tử tế.

Sự tử tế không chỉ dành riêng nơi những người tốt, mà ngay những kẻ xấu vẫn có thể biểu lộ lòng tử tế. Al Capone, một tay găng-tơ nổi tiếng ở Chicago vào đầu thập niên 30, từng có những hành động tử tế. Thời đó, Hoa kỳ lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp hằng ngày nên số người vô gia cư nhiều không kể xiết. Capone mở ra những quán ăn tiếp nhận họ, những chỗ tạm trú cho những kẻ sa cơ. Capone còn thuê mướn khoảng mười ngàn người ở Chicago và trả tiền công xứng đáng và sòng phẳng. Capone còn phát không vé vào cửa những trận thể thao tại địa phương cho những trẻ em tàn tật. Nếu những kẻ ác còn làm được những việc tử tế thì huống gì chúng ta, những người hiểu được ý nghĩa của hai chữ tử tế.

Xã hội sẽ lành mạnh hơn khi ngày càng có nhiều người tử tế. Cộng đồng sẽ giữ được hòa khí nếu chúng ta đối xử tế với nhau. Bạn bè, người thân cũng thế. Tình thân sẽ kết chặt thêm khi cùng nhau cư xử tử tế. Trong mùa Giáng sinh, để chào mừng Đấng Cứu thế, chúng ta bắt đầu cư xử tử tế với nhau, bằng nụ cười, bằng lòng quảng đại, bằng nghĩa hiệp, và bằng mọi cách tử tế có thể.

Như thế, thông điệp của mùa Giáng sinh đã được gửi đi.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.