Type Here to Get Search Results !

Anaximander


Một người cùng thời nhưng trẻ tuổi hơn và là học trò của Thales là Anaximander. Anaximander đồng ý với thầy mình rằng có một chất liệu duy nhất nào đó là nền tảng cấu tạo nên mọi vật. Nhưng khác với Thales, Anximander nói rằng chất liệu cơ bản này không phải nước hay bất cứ yếu tố chuyên biệt hay xác định nào khác, và ông lập luận rằng nước và mọi sự vật nhất định đều chỉ là những biến dạng đặc thù hay phát sinh của một cái gì đó sơ đẳng hơn. Ông nghĩ rất có thể nước hay chất ẩm được tìm thấy khắp nơi dưới nhiều hình thái khác nhau, nhưng nước chỉ là một sự vật đặc thù trong số nhiều yếu tố khác, và tất cả các sự vật đặc thù này đều đòi phải có một chất liệu sơ đẳng hơn làm nguồn gốc phát sinh ra chúng.

Theo Anaximander, thực thể sơ đẳng mà từ đó mọi sự vật đặc thù này phát sinh là một lĩnh vực vô định hay vô hạn. Như thế, Anaximander phân biệt cấc sự vật đặc thù và xác định với nguồn gôc của chúng bằng cách gọi thực thể sơ đẳng là cái vô hạn vô định. Các sự vật cụ thể thì đặc thù, còn nguồn gốc của chúng thì vô định; các sự vật cụ thể thì hữu hạn, còn chất liệu nguyên thủy thì vô biên hay vô hạn.

Thời đại: Tiền Socrates
Lĩnh vực: Triết gia phương Tây
Trường phái: Triết học Ionia, Trường phái Milesia, Chủ nghĩa tự nhiên
Sở thích: Siêu hình học, thiên văn học, hình học, địa lý
Ý tưởng nổi trội: apeiron là nguyên lý đầu tiên

Anaximandros (tiếng Hy Lạp: Ἀναξίμανδρος, Anaximandros; 610 – khoảng 546 TCN) là một nhà triết học thời kỳ tiền Socrates người Hy Lạp. Ông sống ở Miletus, một thành phố ở Ionia; Milet thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ông là nhà triết học thuộc trường phái Milesia và là học trò của Thales. Ông đã kế tục Thales và trở thành người thầy thứ hai của trường phái này, với nhiều học trò như Anaximenes và Pythagoras.

Các tác phẩm của ông tồn tại cho đến ngày nay còn rất ít, ông được xem là triết gia đầu tiên đã ghi chép lại những nghiên cứu của mình.[2] Anaximander là một trong những nhà tư tưởng sớm nhất của Hy Lạp trong thời kỳ Axiel, thời kỳ kéo dài từ khoảng năm 700 tới 200 TCN, đây cũng là giai đoạn những tư tưởng cách mạng hình thành ở Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Cận Đông và Hy Lạp cổ đại.

Anaximander là nhà triết học lỗi lạc về khoa học, ông cố gắng quan sát và giải thích những khía cạnh khác nhau của vũ trụ, đặc biệt là về nguồn gốc của vũ trụ. Ông cho rằng tự nhiên được điều hành bởi các quy luật, và bất cứ cái gì gây cản trở sự cân bằng của tự nhiên đều không thể tồn tại lâu dài.

Giống nhiều nhà tư tưởng thời kỳ đó, đóng góp của Anaximander cho triết học có gắn với nhiều môn học khác. Về thiên văn học, ông mô tả cơ chế của bầu trời trong mối quan hệ với Trái Đất. Về vật lý, ông cho rằng sự bất định là nguồn gốc của mọi thứ, nhận định này đã đưa triết học Hy Lạp lên một tầm cao mới về khái niệm trừu tượng. Kiến thức về hình học giúp ông giới thiệu đồng hồ mặt trời ở Hy Lạp. Ông sáng tạo ra một chiếc bản đồ thế giới, một thành tựu đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của lĩnh vực địa lý. Ông cũng có tham gia vào chính trị của Miletus và được cử làm lãnh đạo tới một trong những thuộc địa của Miletus.

Không những Anaximander cống hiến một ý niệm mới về thực thể nguyên thủy của sự vật, ông còn đẩy xa công trình triết học bằng cách cố gắng tìm ra một giải thích nào đó cho ý niệm mới của ông. Thales đã không giải thích chi tiết làm sao chất liệu sơ đẳng hóa thành nhiều sự vật khác nhau mà chúng ta thấy trên thế gian, nhưng Anaximander thì tự đặt ra cho mình câu hỏi này. Có thể lối giải thích của ông khá kỳ lạ đối với chúng ta, nhưng nó là một bước tiến về nhận thức theo nghĩa nó là một cố gắng xử lý các sự kiện bằng cách đặt ra những giả thuyết thay vì cắt nghĩa những hiện tượng tự nhiên bằng lối diễn tả thần thoại và không thể tranh luận. Hơn nữa, điều mà Anaximander muốn nói về nguồn gốc của sự vật cho thấy dáng dấp của một sự suy tự mạnh bạo, bởi vì khi mô tả cái vô hạn vô định như là thực thể sơ đẳng nguyên thủy không sinh ra từ cái gì và không thể hủy diệt, ông cũng mô tả nó như có một chuyển động vĩnh cửu. Do hệ quả của chuyển động này, những yếu tố đặc thù khác nhau sinh thành (đi vào tồn tại) như là “tách ra” từ thực thể nguyên thủy, và như thế “có một chuyển động vĩnh cửu mà từ đó trời đất hình thành.” Nhưng trước tiên nóng và lạnh tách ra, và từ hai yếu tố này phát sinh ẩm ướt\ rồi từ chúng phát sinh đất và khí. Kế đến, Anaximander cố gắng tìm cách cắt nghĩa các thiên thể và các luồng khí xung quanh trái đất tựa như theo lối giải thích máy móc về chuyển động có trật tự của các ngôi sao. Ông nghĩ rằng trái đất hình trụ, khác với Thales nghĩ rằng trái đất hình dẹt giống như chiếc đĩa và nổi trên nước.

về nguồn gốc sự sống con người, Anaximander nói mọi sự sống đến từ biển và theo dòng thời gian, các sinh vật từ biển đi lên đất liền. Ông gợi ý loài người tiến hóa từ những tạo vật thuộc một loài khác, dựa trên lập luận rằng mọi loài vật khác tự lực sinh tồn rất nhanh, trong khi chỉ có con người cần một thời gian nuôi dưỡng khá lâu, và vì thế, loài người không thể sinh tồn đến bây giờ nếu đấy là hình thức nguyên thủy. Bình luận về lối giải thích nguồn gốc loài người của Anaximander, Plutarch viết rằng người Syria “thực sự tôn trọng loài cá như là loài có cùng dòng giống và cách nuôi dưỡng giống loài người”. Ớ điểm này, họ còn triết lý thích hợp hơn Anaximander; bởi vì ông tuyên bố, không phải loài cá và loài người phát sinh từ cùng một tổ tiên, mà ban đầu loài người phát sinh bên trong loài cá, và sau khi được nuôi dưỡng trong đó - giống như cá mập - và đã có đủ khả năng tự chăm sóc chính mình, họ mới ra khỏi cá và đi lên đất liền”.

Trở lại với khung cảnh vũ trụ bao la, Anaximander nghĩ có nhiều thế giới và nhiều hệ vũ trụ tồn tại đồng thời với nhau, tất cả đều có thể bị hủy diệt, bởi vì không ngừng có sự thay đổi luân phiên giữa sự tạo dựng và hủy diệt chúng. Theo ông, quá trình tuần hoàn là điều “tất yếu” tuyệt đối bởi vì sự xung đột giữa các thế lực đối kháng nhau trong tự nhiên tạo ra điều mà ông gọi một cách thi vị là “sự bất công” đòi hỏi sự hủy diệt sau cùng. Trong một câu duy nhất còn sót lại từ tác phẩm Anaximander, ông tóm tắt tư tưởng chính của ông bằng cách nói cũng rất thi vị rằng,
“Từ nguồn gốc nào mà các sự vật phát sinh, thì chúng tất yếu lại trở về đó khi chúng bị hủy diệt; vì chúng phải chịu sự trừng phạt và đền bù cho nhau vì sự bất công của chúng theo lệnh của thời gian.”

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.