Bhutan là đất Phật linh thiêng nên đền chùa ở khắp mọi nơi. Lời Phật dạy được đưa vào cách giáo dục, cách đối nhân xử thế nên con người nơi đây rất nhân ái, tử tế, hiền hoà.
Đến Himalaya
Tôi may mắn có trên chuyến bay thẳng từ Việt Nam tới Bhutan.
Lộ trình bình thường với du khách Việt Nam là phải bay qua Thái Lan, quá cảnh một đêm rồi sáng sớm hôm sau mới đi Bhutan, nhưng nhờ chuyến bay thẳng đầu tiên này mà tôi chỉ mất gần bốn tiếng để di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến sân bay quốc tế Paro.
Ai vào Bhutan cũng phải xin visa (chỉ trừ người Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka) thông qua một công ty du lịch nội địa. Không ai được đi tự túc. Dù đã đến Bhutan bao nhiêu lần thì cũng đều phải đi cùng một hướng dẫn viên địa phương.
Vì là đất nước Phật giáo và được trị vì bởi Đức Vua nên họ có những quy tắc lễ nghĩa mà nếu không có người hướng dẫn chúng ta sẽ dễ vi phạm.
Tôi gần như không ngủ suốt chặng bay vì hồi hộp. Cảm giác hơi thót tim khi máy bay nghiêng mình lượn qua những hẻm núi hiểm trở của dãy Himalaya quả thật đáng nhớ.
Người Bhutan ân cần
Đón đoàn chúng tôi ở sân bay là các anh hướng dẫn người địa phương mặc Gho - quốc phục dành cho nam giới (quốc phục dành cho phụ nữ là Kira). Trời vừa chớm thu hơi se se lạnh nhưng nắng thì rực rỡ chói chang trên đầu.
Họ ấm áp quàng lên cổ chúng tôi một chiếc khăn lụa mỏng rồi ân cần đưa hành lý lên xe. Vì buộc phải đặt tour nên tôi hoàn toàn phó thác cho công ty du lịch, họ đưa ra lịch trình thế nào thì tuân theo chứ không quá bận tâm. Và trong suốt quá trình tour, tôi thấy niềm tin của mình là có cơ sở.
Ngoài việc được lo lắng chu toàn từ ăn ở đến tham quan, chúng tôi còn được anh hướng dẫn viên chăm sóc ân cần, thuyết minh cặn kẽ suốt mấy ngày. Việc giao tiếp gần như không trở ngại gì bởi người Bhutan nói tiếng Anh rõ và chuẩn.
Tôi đã ngạc nhiên khi biết rằng ngoài việc miễn phí giáo dục và y tế, chính phủ Bhutan còn cho toàn dân học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, theo chương trình giáo dục tương tự như Ấn Độ.
Chúng tôi cùng nhau rong ruổi qua khắp các cung đường quanh co trên sườn núi, cùng khám phá thủ đô Thimphu và các thành phố lớn; đi thăm nhiều pháo đài (Dzong), chùa chiềng, thiền viện; cùng nhau chèo thuyền vượt ghềnh đá trên dòng sông Mẹ sông Cha; cùng học hỏi nhiều điều về văn hoá Bhutan, cùng thưởng thức "emma dashi" tức là ớt nấu với phô mai, món ăn truyền thống nơi đây...
Điểm nhấn quan trọng nhất của cuộc hành trình là việc chúng tôi đã cùng leo núi suốt 3 tiếng đồng hồ để đến cầu an tại Tiger's nest (Tu viện Taktsang Palphug), nơi linh thiêng nhất tại xứ sở này.
Đến Bhutan, nghĩ về định nghĩa "hạnh phúc"
Một đất nước nhỏ xíu trên dãy Himalaya, "mắc kẹt" giữa hai "người khổng lồ" Trung Quốc và Ấn Độ, và chỉ có vỏn vẹn 700,000 dân. Mức sống không quá cao, mọi thứ còn khá thô sơ, nhưng họ không đánh đổi môi trường lấy bất cứ thứ gì.
Bhutan là đất nước duy nhất trên thế giới có chỉ số phát thải khí CO2 dưới 0, có tổng diện tích rừng hiện tại ở mức trên 70% (so với diện tích quốc gia) và họ cam kết tuân thủ kế hoạch khai thác bền vững để luôn giữ tỉ lệ này ổn định ở mức trên 60%.
Vậy người Bhutan có hạnh phúc như họ vẫn tự hào không? Tôi nghĩ, điều đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào định nghĩa "hạnh phúc" của mỗi người.
Việc gìn giữ môi trường, giữ bản sắc văn hoá, dành nhiều thời gian tiền bạc cho các hoạt động và công trình tôn giáo… có thể kéo Bhutan chậm lại trên đường đua kinh tế, nhưng đó là sự chọn lựa. Nếu hiểu hạnh phúc theo hướng là hài lòng với cuộc sống mình đang có - trên mọi phương diện, thì người Bhutan chắc chắn đang hạnh phúc.
Để lý giải cho "thương hiệu" hạnh phúc đã được xây dựng rất thành công tại Bhutan, từ phía cá nhân mình, tôi nhận thấy vài điểm thế này:
Chính phủ Bhutan quan tâm đến sức khoẻ và môi trường sống. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Không bao giờ có cảnh đốt thuốc nơi công cộng. Khách du lịch cũng chỉ được mang một lượng rất nhỏ qua biên giới.
Tất cả nông sản ở Bhutan, dù là tự cung hay nhập khẩu thì đều được trồng một cách tự nhiên và rất an toàn. Bạn có thể mua bất cứ thứ gì ở chợ, rửa sạch bụi rồi ăn ngay không cần lăn tăn. Không phải nặng đầu nghĩ chuyện "ăn gì không chết" như thế là một thứ hạnh phúc xa xỉ ở nhiều nước khác.
Bhutan là đất Phật linh thiêng nên đền chùa ở khắp mọi nơi. Lời Phật dạy được đưa vào cách giáo dục, cách đối nhân xử thế nên con người nơi đây rất nhân ái, tử tế, hiền hoà. Trái tim ấm áp của người Bhutan có thể được cảm nhận qua nụ cười và ánh mắt hấp háy hạnh phúc của họ.
Bhutan không bắt buộc người dân ăn chay nhưng không được sát sinh, toàn bộ thịt cá đều do người nước ngoài sinh sống tại Bhutan giết mổ hoặc được nhập từ Ấn Độ, nên có vẻ nơi đây ít… sát khí.
Tầm nhìn lãnh đạo
Yếu tố quan trọng nhất đem đến hạnh phúc cho người Bhutan, theo tôi chính là những người lãnh đạo có hiểu biết và có tầm nhìn.
Vị vua đương thời và lãnh đạo chính phủ có tư tưởng văn minh, sáng suốt và được lòng dân. Nhờ học cao lại tuân thủ theo lời Phật dạy và tôn trọng văn hoá dân tộc, nên cách họ lãnh đạo đất nước vừa thật nhân văn lại vừa thật hiện đại.
Thần dân hoàn toàn tin tưởng và tôn trọng đường lối lãnh đạo của Vua và Chính phủ. Họ treo hình Vua trong nhà, đeo huy hiệu có hình Vua trên ngực áo, họ an tâm làm theo tất cả mệnh lệnh được ban hành bởi họ biết đó đều là những việc nên làm.
Một khi không phải lo lắng quá nhiều, một khi cảm thấy được bảo vệ, được dẫn dắt, thì hạnh phúc là điều đương nhiên.
Đất nước Bhutan yên bình, phát triển từ tốn đến mức có thể gây "nhàm chán" cho những người ai đến từ những quốc gia sôi động, đông đúc và năng động. Đất nước Bhutan nhiều lễ nghi văn hoá truyền thống có thể khiến những người tư duy tiến lên "công nghiệp 4.0" nghĩ rằng "lạc hậu" cũng nên.
Nhưng có hề gì, người Bhutan vẫn khăng khăng giữ rừng, giữ chỉ số hạnh phúc cao hơn tổng sản phẩm quốc gia, giữ môi trường bền vững cho tương lai...
Chọn cách sống hạnh phúc của bạn
Không có chuẩn hạnh phúc nào áp dụng cho mọi người, mọi quốc gia, không có hạnh phúc nào không đi kèm với việc phải buông bỏ một vài quyền lợi. Tôi sẽ không chọn lựa sống ở Bhutan để hạnh phúc. Tôi chọn sống hạnh phúc theo cách của người Bhutan, tôn trọng thiên nhiên, sống chậm sống sâu, sống tích cực và giữ niềm tin vào những giá trị tốt đẹp…
Trở về từ Bhutan, điều đọng lại trong tôi là nụ cười của những đứa trẻ mặc trang phục truyền thống đứng vẫy tay với chúng tôi trước một cửa hàng bán vải, là tiếng hát của người chèo đò đưa chúng tôi vượt sông, là sự tận tâm kiên nhẫn của anh hướng dẫn viên, là những cụ già ngồi hàng giờ cầu nguyện bên những chiếc Kinh luân đồng chạm khắc công phu và những tiếng tụng kinh đều đặn vang lên từ các thiền viện...
Không phải ai trong chúng ta cũng có thể tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình ở Bhutan. Nhưng tôi tin, ai cũng có thể nhìn thấy và cảm nhận được niềm hạnh phúc giản đơn được vùng đất này dưỡng nuôi và bảo vệ.
Những lưu ý khi đến Bhutan
- Trên chuyến bay tới Bhutan, nếu có thể thì hãy chọn ghế bên tay trái của máy bay, gần cửa sổ để được ngắm dãy Himalaya huyền thoại với những đỉnh núi như Kanchenjunga hay Jomohari.
- Không được có một hành động nào có ý xúc phạm tới nhà vua và hoàng hậu cũng như phải giữ đúng phép tắc và quy định trang phục được hướng dẫn tại các địa điểm tôn nghiêm. Tốt nhất nên mặc quần dài hoặc váy chữ A dài, áo phải dài tay hoặc có cổ (không được mặc sát nách), không đi dép lào và phải cởi mũ nón khi vào cung điện, pháo đài, chùa chiềng.
- Vì nằm trên dãy Himalaya nên ở Bhutan chủ yếu là đường núi đồi, nên ai hay bị say xe phải chuẩn bị thuốc chống say. Hơn nữa là leo trèo và đi bộ nhiều, nên ngoài đồ đẹp chụp hình thì cần phải có trang phục gọn gàng và giày êm.
- Một trong những linh vật của Bhutan là dương vật. Nó là thứ xua đuổi tà ma. Nên đừng ngạc nhiên khi thấy hình ảnh "ấy" ở trên các bức tường, trong các cửa hàng lưu niệm và ngay cả trong những nơi linh thiêng.
- Đừng bẻ cây hay giết hại động vật hoặc xả rác, làm vậy là rất thiếu tôn trọng đối với người Bhutan.
- Đồ lưu niệm ở Bhutan rất đẹp, có thể tìm thấy khắp nơi, nhưng hãy nên từ tốn tham khảo giá, đừng vội mua, vì theo kinh nghiệm của nhiều người thì các vật phẩm này mua rẻ nhất là ở Tiger’s nest.
Nguồn: Tuổi Trẻ