Type Here to Get Search Results !

Sự Cô lập & Cô đơn

  • "Mọi người xung quanh tôi nhưng không phải "chơi" với tôi"
  • "Không ai thực sự hiểu rõ tôi."
Đó là một trong những câu nói ngớ-ngẩn nhất tôi từng biết. Nói một cách nghiêm túc, nội hàm trong 2 lời nói ấy đều phát xuất từ chính vấn đề nội tại của người ấy. Ngay cả khi bản thân chưa xác định, "từ cô đơn" đã - đang bị lạm dụng.

Theo một số nghiên cứu gần đây, hiện nay đang có xu hướng những người trẻ cô đơn hơn những người lớn tuổi. Tôi không đánh giá cao các kết quả nghiên cứu đó bởi các đối tượng tham gia chỉ ở một vùng lãnh thổ nào đó mà thôi. Nó không phản ảnh hết bức tranh của người trẻ toàn cầu, đặc biệt là với các nền kinh tế - xã hội mới nổi như khu vực Châu Á Thái bình dương.

Tuy vậy, tôi không thể phủ nhận mà xem đó là một xu hướng, và là điều đáng để quan tâm. Tuy cô lập & cô đơn khác nhau, nhưng chúng đều có điểm chung là gây hại cho sức khỏe nếu rơi vào tình trạng mất kiểm soát hoặc bị lạm dụng, thậm chí là mất mạng.

Nghiên cứu thấy rằng sự cô đơn và cách ly xã hội đều có hại cho sức khỏe . Trung bình, những người báo cáo cô đơn có nguy cơ tử vong tăng 26% so với những người không cô đơn. Những người sống một mình có nguy cơ tử vong tăng 32%, và những người bị cô lập về mặt xã hội có nguy cơ tử vong tăng 29%.

Tôi cho rằng các con số đó là kết quả được thu thập từ các liệu trình trị liệu, nghĩa là những bệnh nhân đã hoặc đang mắc phải cần được điều trị; hoặc các bệnh nhân khác có liên quan. Các con số ấy chỉ là số đếm và được quy đổi ra phần trăm(%), chúng chưa đủ cơ sở để xác định tác động ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của một người. Nó chỉ có tính chất cảnh báo cho một tình trạng không tốt cần được quan tâm và cải thiện, tất nhiên là với những ai quan tâm đến vấn đề sức khỏe và lòng ham muốn sự sống của mình. Cô đơn không thể là nguyên cớ để làm người ta mất mạng, chính thái độ không quý trọng sinh mạng mới là thủ phạm chính yếu.


Nhìn nhận


Sự cô đơn là tình trạng mất đi sự kết nối với các mối quan hệ xã hội với nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Nó biểu hiện ở đời sống thường xuyên một mình, có ít mối quan hệ, không có người để chia sẻ tâm-sự và thấu hiểu. Nó dẫn đến tình trạng tâm lý muốn ly khai khỏi các mối quan hệ, dừng các hoạt động ở thực tại và cố đi tìm lối thoát cho chính mình. Ngay cả khi được bao quanh bởi mọi người, tình trạng cảm thấy cô đơn vẫn tồn tại, chi phối các các xúc và hành vi.

Kinh nghiệm từng trải cho chúng ta cái nhìn và nhận biết sự cô đơn đều có hại cho sức khỏe. Về mặt tâm lý, các xúc cảm tiêu cực liên tục làm ức chế dẫn đến các hành vi thiếu kiểm soát như dễ nổi cáu, chửi bới, phá hoại,... Đôi khi lại là sự thinh lặng, làm "lơ" với mọi diễn biến xung quanh. Về thể trạng, Cô đơn gây ra sự phản ứng cơ thể tức thời và nghiêm trọng. Nó làm gia tăng huyết áp và cholesterol, và nó kích thích những phản ứng căng thẳng về thể chất lẫn tinh thần của chúng ta. Qua thời gian, những người thường xuyên rơi vào tâm trạng cô đơn có tỉ lệ về bệnh tim mạch cao hơn bởi vì cơ thể của họ chịu sự căng thẳng liên tục không ngừng. Cô đơn làm cho hệ thống miễn dịch hoạt động ít hiệu quả hơn, mà qua thời gian, làm chúng ta gia tăng nguy cơ phát triển đủ thứ loại bệnh tật và đau ốm.[1]

Tuy vậy, sự Cô đơn trong một thời gian ngắn (tạm lánh, lánh xa) thường có giá trị như là một thời gian khi người ta có thể làm việc, suy nghĩ hay nghỉ ngơi mà không bị quấy rầy và có thể đạt được mong muốn vì lợi ích riêng tư. Cô đơn không nhất thiết phải là một khái niệm được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Nó có thể có rất nhiều lợi ích để dành thời gian một mình để suy ngẫm, nhận thức hay thiền từ đó có thể nhận thức được nhiều vấn đề, đời sống.

Tương quan


Xét ở căn tính của con người, cô đơn là tình trạng tự nhiên và cần thiết. Chúng ta đều biết, con người không chỉ có thân xác mà còn có tinh thần. Khi thể xác hay tinh thần mệt mỏi, lẽ tất yếu người bạn đồng hành phải ngồi lại để "nghỉ dưỡng", điều chỉnh sao cho cả hai cùng đi được quãng đường xa hơn. Một tinh thần mạnh mẽ, nhưng ở trong một thân xác yếu đuối thì khó mà thành sự. Và ngược lại, một thân thể cường tráng nhưng lại có ý chí yếu nhược thì cũng chẳng xong. Tục ngữ có câu:

“Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện".

Khi ta khỏe mạnh thì ta cảm thấy sảng khoái, hăng say làm việc và yêu đời – và nếu biết kết hợp giữa sự vận động về thể xác với tinh thần thì cuộc sống sẽ trở nên hài hoà và thoải mái hơn.

Trong tương quan của cá nhân và thế giới quan, sự cô đơn là cần thiết trong quá trình suy tư về những dạng thức của thực tại sống.

Về nhận thức, chỉ có cô đơn mới giúp bạn có cách nhìn khách quan của riêng bạn về tồn tại. Bạn có thể trở thành tín đồ cho một tôn giáo, công dân trong một đất nước, thành viên trong một nhóm hay một giai cấp... nhưng cái nhìn đích thực và có hiệu dụng cho cuộc đời của bạn thì luôn phải là cái nhìn cá nhân. Mỗi cá nhân có một nhận thức khác nhau, một hoàn cảnh sống khác nhau.... Do vậy, mọi sự cào bằng đều triệt tiêu, không chỉ triệt tiêu tính đa dạng của thực tại, mà còn triệt tiêu luôn khả năng bứt phá, sáng tạo của mỗi cá nhân. Chỉ có cô đơn - nghĩa là thoát mình ra khỏi cái nhìn của tập quán, truyền thống, thói quen, đám đông, giai cấp, tín điều tôn giáo... - mới thực sự là khai minh chính mình. Đó cũng là điều mà tôi hay nói: ngày nào bạn tự sinh thành ra chính mình, ngày đó mới chính là ngày đánh dấu sự trưởng thành của bạn.

Về tâm lý, chỉ có cô đơn mới giúp bạn có cách nhìn tương đối toàn diện về thực tại tâm lý cùng những diễn biến xúc cảm mà bạn đang trải nghiệm. Buồn chưa đủ buồn, vui chưa đủ vui, lưng chừng chưa thực sự là lưng chừng... chỉ khiến cuộc đời bạn lênh đênh như bèo dạt không bến bờ. Cô đơn với chính mình - nghĩa là tạo một khoảng cách vừa đủ với tất cả những cảm giác mà mình đang trải qua - giúp bạn có đủ sự tỉnh táo để quán sát sinh diệt của cảm xúc đang bơi lội trong tâm thức. Chỉ khi nào biết tách bản thân ra khỏi niềm vui của chính mình, nỗi buồn của chính mình... thì khi đó bạn mới thật sự nhận diện được khuôn mặt của tâm.[2]

Trải nghiệm của các nhà Triết học và Thần học cho chúng ta kinh nghiệm phong phú về đời sống cô đơn thực sự. Họ tự ly khai bản thân khỏi đời sống xã hội mà đi tìm cái cùng đích và ý niệm hiệp nhất với thần linh của họ. Các nhà sư xa lánh đời sống thế tục, bằng cách ăn chay trường, sống đời khốn khó để tìm kiếm sự thanh tịnh và sau cùng là giác ngộ. Các tu sĩ nam-nữ trong các dòng tu kín sống với 4 bức tường để chiêm niệm và sống với tình yêu tuyệt đối của mình. Họ cô đơn nhưng họ không cho là mình cô độc, bởi trong họ luôn hiện hữu dòng chảy của tình yêu trong sự hiệp nhất với thần linh. Nhìn vào đời sống của họ, chúng ta không thể không nhìn lại những quan điểm của mình về sự cô đơn. Tại sao với người này là tốt, nhưng với người kia thì lại không?

Tôi thì không ủng hộ đời sống ly khai ấy. Nó quá khắc nghiệt và cũng trái với căn tính con người, đó là tính xã hội. Bằng cách tương quan với các mối quan hệ xã hội, tương tác với các sự việc-hiện tượng mỗi người mới có đời sống tâm-sinh lý lành mạnh và đi đến sự viên mãn là hạnh phúc đong đầy. Đó mới chính là những gì cần thiết đáng để chúng ta lưu tâm và học hỏi. Sự trải nghiệm cô đơn, kể cả cô độc là một trong những "phương tiện" để chúng ta kiếm tìm chính mình, phản tỉnh bản thân và xác định đường hướng cho ngày mai, cho tương lai phía trước.



Trải nghiệm sự cô lập


Cũng như cô đơn, sự cô lập cũng bao gồm cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Cách đây 15 năm hoặc hơn, những người người đồng tính, chuyển giới bị xã hội xem là thành phần "nguy hiểm". Cho dù họ chẳng làm gì sai. Dù cho họ ngày ngày miệt mài cống hiến cho nghề nghiệp, tổ chức và xã hội; họ vẫn bị đáp trả bởi cái nhìn kỳ thị, những lời chê trách, miệt thị. Đó là sự cô lập khách quan.

Bản thân những người sống trong ánh nhìn "không chút thiện cảm" đó, họ phải "gồng mình" lên để che giấu "thân phận". Họ khiếp sợ từ cái nhìn và lời nói từ mọi người về họ. Họ bị buộc phải tự cô lập mình với mọi người, với các mối quan hệ. Họ kiếm tìm những người cùng "cảnh ngộ" và sống kiếp của những con-người "bị cô lập" với nhau.

Khi ai đó bị cô lập, đó là lời tuyên chiến phủ đầu cho một sự công kích.
Còn khi ai đó nghĩ đến việc tự cô lập chính mình, đó là hành động thoái lui, tách mình ra khỏi những ảnh hưởng. Đó cũng là một sự tuyên chiến, khác biệt là họ dùng cái tôi để thách thức với số đông những con người còn lại.

Nhìn vào đời sống của người Việt trong 3 năm trở lại đây, khi Internet phát triển thì tình trạng tự cô lập cũng tăng. Trước đó, nếu ai đó tự cô lập mình hoặc bị cô lập thì khó mà sống. Nhưng ngày nay thì không, họ có thể chủ động tự cô lập mình với các mối quan hệ xã hội, kể cả người thân. Họ chuyển sang các hình thức truyền thông xã hội để sinh tồn. Một không gian sống mới mở ra, họ thỏa sức thể hiện cái tôi của mình. Họ không còn bị sức ép từ người khác chi phối. Rất nhiều người trong số họ tìm được con đường thành công cho mình và trở thành "gương" thành công cho rất nhiều người phải suy xét lại bản thân và học theo. Các Tỷ phú như Bill Gates, Mark Zuckerberg, và rất nhiều danh nhân khác là minh chứng. Liệu có mấy ai trong số họ chưa từng trải qua sự cô lập & cô đơn?

Suy cho cùng, là cô đơn hay cô lập đều có mặt tích cực và tiêu cực của nó. Chúng đều là những đợt sóng công kích không ngừng và liên tục len lỏi vào trong đời sống của mỗi người. Là động lực để cải thiện hướng đến những điều tốt đẹp; hay con đường dẫn đến sự suy tàn thì còn tùy thuộc ở cách mà mỗi người đối diện với sự việc và chính mình.

Các phương tiện truyền thông xã hội có thể làm cho người ta cảm thấy "ít" cô đơn trong ngắn hạn, nhưng những phương cách này chỉ có tính tạm thời và khó mà dài lâu trong bối cảnh thực tế hàng ngày, khi mà nhiều vấn đề phát sinh từ cuộc sống chưa thể giải quyết được thông qua kết nối trực tuyến. Nhu cầu được chú ý, được quan tâm và chia sẻ, thể hiện mình luôn là những nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Điều đó không bao giờ thay đổi. Dù là ảo hay thực tế thì lẽ tất yếu chúng ta đều phải đối mặt và gặp gỡ, mở ra các cuộc đối thoại và tương tác qua lại. Không chỉ bởi lời nói, mà còn ở hành động, và những di sản làm mực thước để định lượng giá trị của mỗi người.

Còn theo quan điểm của riêng tôi, thay vì tranh đấu với sự cô đơn hay cô lập, chúng ta cứ dưỡng nuôi cho tốt các kết nối hiện tại, kể cả kết nối lại với những cá nhận bị lãng quên đâu đó trong quá khứ cách hiệu quả nhất. Và trên hết lấy tư-duy-tích-cực và niềm vui làm nền tảng tiên quyết để giải quyết mọi vấn đề, tình huống hàng ngày phát sinh. Bởi vì:

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh"

Đừng quên, chúng ta không tự nhiên mà có và khó mà tồn tại nếu chỉ có một mình.

Nguồn tham khảo:


[1] 10 sự thật bất ngờ về sự cô đơn

[2] Cô đơn là gì?

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.