Type Here to Get Search Results !

Xu hướng: Chấm điểm công dân(Social Credit System – SCS)


Ngày 14/6/2014, Quốc hội Trung Quốc công bố một tài liệu gây chú ý có tên gọi: “Phác thảo kế hoạch xây dựng Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội”. Cũng giống như các tài liệu về chính sách của Trung Quốc, nó dài dòng và sơ sài nhưng chứa đựng một ý tưởng đáng sợ: một chỉ số tín nhiệm quốc gia xếp hạng bạn thuộc loại công dân nào?

Chương trình chấm điểm tín nhiệm xã hội được công bố lần đầu tiên tại Trung Quốc năm 2014. Đây là hệ thống đánh giá khổng lồ theo dõi và xếp hạng công dân nước này dựa trên những tiêu chí nhất định. Chương trình sẽ được triển khai trên toàn quốc từ năm 2020, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nó đã được thí điểm với hàng triệu người. Mức độ tin cậy được thể hiện qua Điểm Công dân.

Chính phủ của đất nước tỷ dân đã đưa ra cảnh báo: "Những người vi phạm pháp luật và có điểm tín nhiệm thấp sẽ phải trả giá đắt".

Tiêu chí chấm điểm


  1. Lịch sử tín dụng. Ví dụ liệu công dân đó có trả tiền và hoặc hóa đơn điện thoại đúng thời hạn không?
  2. Khả năng hoàn thành, được định nghĩa là “khả năng người dùng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của mình”.
  3. Đặc điểm cá nhân, xác minh các thông tin cá nhân như số điện thoại di động và địa chỉ.
  4. Hành vi và sở thích, có nhiều điều phải bàn đến…
  5. Mối quan hệ giữa các cá nhân. Việc họ chọn bạn bè trên mạng ra sao và các tương tác của họ trên mạng thế nào sẽ ảnh hưởng đến Điểm Công dân.


Dưới hệ thống này, những điều tưởng như vô hại như thói quen mua sắm trở thành thước đo của một cá nhân. Alibaba thừa nhận rằng họ đánh giá con người qua loại sản phẩm họ sử dụng. “Ví dụ: một người chơi game 10 giờ một ngày sẽ được coi là người nhàn rỗi”, theo Li Yingyun, giám đốc công nghệ của Sesame. “Ai đó thường xuyên mua tã sẽ có thể được coi là các cha mẹ, những người nhiều khả năng là có ý thức trách nhiệm sau khi cân nhắc các vấn đề.” Vì vậy, hệ thống không chỉ điều tra hành vi, nó còn hình dung về hành vi của người dùng. Nó lột tả các công dân thông qua các hành vi mua sắm và các hành vi mà chính phủ không thích.

Hệ thống chấm điểm công dân Trung Quốc hoạt động thế nào?


Với mục đích hướng công dân của mình đến những hành vi tốt, Trung Quốc đã tạo nên hệ thống chấm điểm công dân – một chương trình toàn quốc dựa trên công nghệ giám sát hành vi. Theo tuyên bố của chính phủ Trung Quốc, mục đích cao nhất của hệ thống này là "cho phép những người đáng tin cậy có thể đi khắp mọi nơi trong khi những kẻ không đáng tin sẽ không thể đi nổi một bước."

Hệ thống chấm điểm công dân này sẽ thưởng điểm cho các hành vi tốt như đóng góp cho quỹ từ thiện hoặc đưa người lạ đi viện. Bên cạnh đó, nó cũng trừng phạt các hành vi xấu như không trả nợ, chơi điện tử quá mức, nói xấu chính phủ, hoặc thậm chí không chịu quét dọn vỉa hè trước cửa nhà, hay hút thuốc và nghe nhạc quá to trên tàu điện,…

Khoảng một năm trước, thành phố Túc Thiên, tỉnh miền đông Giang Tô, Trung Quốc công bố kế hoạch chấm điểm "độ tin cậy" của tất cả công dân trưởng thành. Ban đầu mỗi người đều có 1.000 điểm trong tài khoản. Hệ thống chấm điểm dựa theo cách tính thưởng - phạt. Nghĩa là những hành động tốt như tham gia các công việc tình nguyện, hiến máu, hiến tạng hoặc lao động gương mẫu sẽ được cộng điểm. Ngược lại, hệ thống sẽ trừ điểm nếu một người không có khả năng trả nợ, chậm thanh toán hóa đơn điện nước, vi phạm luật giao thông, hoặc bị kết án. Hệ thống sẽ công bố điểm theo tháng và xếp công dân vào 8 mức hạnh kiểm, từ AAA (công dân điển hình) đến D (công dân không đáng tin cậy).

Mỗi người dân thành phố Túc Thiên có thể tự tra cứu điểm số bằng cách nhập số chứng minh thư nhân dân của mình vào ứng dụng tích hợp trên WeChat, ứng dụng nhắn tin kiêm mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc. Điểm của mỗi người còn được đồ họa hóa trên thanh ngang hai màu, một đầu màu xanh và đầu kia màu đỏ. Điểm màu xanh có thể quy đổi ra các phần thưởng như coupon giảm giá đến 12 USD cho dịch vụ giao thông công cộng, nhập viện mà không cần đóng tiền ký quỹ, được ưu tiên khi mượn sách ở thư viện hoặc gửi xe với phí rẻ hơn.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm những người có tên trong "danh sách đen" đi máy bay, tàu tốc hành hoặc ở khách sạn hạng sang; ngoài ra, những người này cũng bị chặn con đường thăng tiến trong các doanh nghiệp nhà nước và họ không được phép kinh doanh trong các lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm. Việc trừng phạt có thể rất nặng nề như cấm rời khỏi đất nước, không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không được vào khách sạn, không được làm các công việc có lương cao, hoặc cho con tới trường tư học. Thậm chí họ còn có thể phải dùng internet tốc độ chậm hoặc bị bêu riếu và kỳ thị công khai dưới nhiều hình thức khác nhau, ngay cả trên mạng xã hội.

Hiện có hơn 12 triệu người có tên trong danh sách. Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Chấm điểm Uy Tín Công cộng, cơ quan chức năng đã cấm những công dân này lên 17,5 triệu chuyến bay và 5,5 triệu chuyến tàu cao tốc tính đến cuối năm 2018.

Chính phủ cũng khuyến khích các bộ ngành lập "danh sách đen" riêng, liệt kê tên của những cá nhân và doanh nghiệp vi phạm luật liên quan đến lĩnh vực mình quản lý ví dụ an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng hoặc bảo vệ môi trường.

Trung Quốc dự kiến đến năm 2020 sẽ chấm điểm người dân trên toàn quốc. Theo nhà nghiên cứu Rogier Creemers tại đại học Leiden, Bắc Kinh đã nung nấu kế hoạch này từ lâu. Mục đích là nhằm đối phó với sự bất mãn ngày càng tăng của người dân trước tình trạng gian lận ngày càng phổ biến trong xã hội: từ đạo văn, bằng giả cho đến các công trình xây dựng bị rút ruột hay việc buôn bán tràn lan các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng.

Mỹ cũng "học theo


Điều khác biệt là trong khi hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc dựa trên pháp luật của nước này, các hệ thống tại Mỹ lại do công ty tư nhân nắm giữ và hoạt động theo quy tắc riêng của mình. Cách thức hoạt động và phạm vi áp dụng của hệ thống chấm điểm công dân này khiến nhiều người phương Tây cảm thấy thật đáng sợ khi nó đụng chạm đến các quy tắc đạo đức cũng như luật lệ của họ.

1. Các công ty bảo hiểm

Đầu năm nay, thành phố New York đã cho phép các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể tính phí bảo hiểm dựa trên những các bài đăng của bạn trên mạng xã hội.

Ví dụ, việc chụp ảnh cho thấy bạn đang trêu chọc một con gấu xám với cốc rượu trên tay, hay ảnh đang hút thuốc, có thể khiến bạn phải trả phí cao hơn. Ngược lại nếu bạn đăng ảnh đang tập yoga lên Facebook, số tiền phí bạn phải trả có thể được giảm xuống.

Tuy nhiên, điều này cũng giống như phần mở rộng của bảng câu hỏi mà khách hàng thường trả lời mỗi khi đăng ký mua bảo hiểm nhân thọ. Ví dụ, với câu hỏi bạn có thích leo núi hay tham gia các môn thể thao mạo hiểm không, nếu bạn trả lời là "không" nhưng lại đăng ảnh đang leo núi El Capitan một mình, câu trả lời sẽ là có.

2. PatronScan

Một công ty có tên PatronScan đang bán các sản phẩm – máy kiosk bán hàng, máy tính desktop và các hệ thống cầm tay – được thiết kế để giúp các quán bar, nhà hàng quản lý khách hàng. Các sản phẩm này có thể giúp phát hiện các ID giả và những kẻ gây rối.

Trên trang web của mình, công ty cho biết họ đã lập nên một danh sách những người bị loại bỏ vì "các hành vi đánh nhau, tấn công tình dục, ma túy, trộm cắp, và các hành vi xấu khác". Danh sách này sẽ được chia sẻ "công khai" giữa các khách hàng của PatronScan, do vậy, một người bị cấm tại quán bar ở Mỹ cũng có thể bị cấm ở các quán bar tại Anh, Canada – những nơi đang sử dụng hệ thống của PatronScan cho đến nay.

3. Uber và AirBnb

Các công ty đại diện cho nền kinh tế chia sẻ này đang khiến việc đi lại và du lịch của bạn trở nên dễ dàng hơn, nhiều sự lựa chọn hơn. Nhưng nó cũng có thể khiến bạn trở nên khốn khổ một cách dễ dàng không kém.

Với tuyên bố cho biết đang có hơn 6 triệu địa điểm trong hệ thống của mình, việc bị lọt vào danh sách cấm của Airbnb có thể khiến bạn mất đi nhiều lựa chọn khi du lịch. Airbnb có thể vô hiệu hóa tài khoản của bạn vì bất cứ lý do nào họ muốn, và họ có quyền không phải thông báo cho bạn biết lý do. Việc bị cấm có thể vì chủ nhà nói với Airbnb về điều gì đó mà họ tin rằng bạn đã làm trong khi ở lại đó. Không chỉ Airbnb, các đối thủ của họ cũng áp dụng chính sách tương tự.

Bạn cũng có thể bị Uber cấm cửa. Điều ít người biết khi đi Uber là bản thân tài xế cũng nhận được lời mời đánh giá bạn. Theo chính sách mới của công ty từ tháng 5 năm nay, nếu điểm của bạn "thấp hơn đáng kể mức trung bình", Uber sẽ cấm bạn sử dụng dịch vụ của họ.

4. WhatsApp

Bạn cũng có thể bị cấm sử dụng ứng dụng nhắn tin này. Ví dụ bạn có thể bị cấm trên WhatsApp nếu có quá nhiều người block bạn. Bạn cũng có thể bị cấm nếu gửi tin nhắn spam, các thông điệp đe dọa, tìm cách hack hoặc đảo ngược kỹ thuật của WhatsApp, hoặc sử dụng dịch vụ này thông qua một ứng dụng không được cấp phép.

Chấm điểm công dân có hoàn toàn sai trái không?


Chính phủ Trung Quốc viện cho rằng hệ thống chấm điểm công dân là cách lý tưởng để đo lường và nâng cao sự tin tưởng trên toàn quốc và để xây dựng một nền văn hóa “thành thật”. Như tuyên truyền trong chính sách, “nó sẽ tạo ra một môi trường công luận, nơi mà việc giữ gìn lòng tin là vinh dự”. Nó sẽ tăng cường sự thành thật trong các vấn đề của chính phủ, sự thành thật trong thương mại, sự thành thật của xã hội và xây dựng sự tín nhiệm luật pháp.

Hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc nói riêng, và sự lan tỏa ra các nước khác nói chung, làm dấy lên lo ngại về tự do cá nhân. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hồi tháng 10 năm ngoái từng gọi đây là "hệ thống tập trung vào việc kiểm soát hoàn toàn mọi mặt đời sống của con người". Những cơ quan kiểm soát việc chấm điểm có thể lạm dụng quyền lực và "trừ điểm oan" công dân. Ngoài ra, hệ thống này đòi hỏi xây dựng một hệ thống dữ liệu lớn. Và việc đảm bảo an toàn dữ liệu cũng là một vấn đề "đau đầu" bởi những hệ thống dữ liệu tập trung luôn là "mồi ngon" của tin tặc.

Sesame Credit về cơ bản là một phiên bản trò chơi hóa khổng lồ của các phương pháp giám sát của Đảng cộng sản Trung Quốc. Chế độ này ghi lưu hồ sơ đối với mỗi người, theo dõi những vi phạm về chính trị và riêng tư của mỗi cá nhân. Hệ thống giám sát sẽ theo dõi mỗi công dân suốt đời, từ trường học tới nghề nghiệp.

Người dân trước đây phải báo cáo về bạn bè, thậm chí là các thành viên trong gia đình, gây nghi ngờ và giảm niềm tin xã hội ở Trung Quốc. Điều tương tự sẽ xảy ra với các hồ sơ kỹ thuật số. Người dân sẽ có động lực để nói với bạn bè và gia đình họ, “đừng đăng bài đó, tôi không muốn làm bạn làm ảnh hưởng điểm số của bạn và tôi cũng không muốn bạn làm ảnh hưởng điểm số của tôi.”

Hiện tại, Sesame Credit không trực tiếp phạt người vì “không đáng tin cậy” – bởi việc khen thưởng sẽ có hiệu quả hơn. Nhưng Hu Tao, giám đốc của Sesame Credit, cảnh báo mọi người rằng hệ thống được thiết kế để “những người không đáng tin cậy không thể thuê xe, không thể vay tiền hoặc thậm chí không tìm được việc làm”.

Cho đến nay, người dân Trung Quốc có quyền quyết định có tự nguyện tham gia chương trình Điểm Công dân hay không. Tuy nhiên, vào năm 2020, việc tham gia sẽ là bắt buộc. Hành vi của mỗi một công dân và pháp nhân (bao gồm cả mỗi công ty và các tổ chức khác) tại Trung Quốc sẽ được đánh giá và xếp hạng, bất kể họ có thích hay không.

Tại sao bị phản đối?


Lý do của điều này có lẽ nằm trong bản chất của những hệ thống này. Những người được xem là tội phạm không được xét xử bởi hệ thống pháp luật, có nghĩa là không có suy đoán vô tội, không có đại diện pháp lý, không có thẩm phán và cũng không được kháng cáo. Nói cách khác, nó là một hệ thống pháp lý, nơi bị cáo có ít quyền hạn hơn.

Trong khi số lượng các "đặc quyền" xã hội liên quan đến các dịch vụ như vận tải, lưu trú, liên lạc và mức phí chúng ta phải trả cho nó, đang ngày càng tăng, phần lớn trong số chúng hoặc đang bị các công ty công nghệ kiểm soát hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch vụ công nghệ mà chúng ta sử dụng. Đáng ngại hơn, khi các quy tắc của Silicon để được phép sử dụng dịch vụ của họ cũng ngày càng khắt khe hơn.

Trong 8 công ty tư nhân đang thực hiện các hệ thống thử nghiệm, vẫn chưa rõ bên nào sẽ chịu trách nhiệm triển khai hệ thống chính thức cho chính phủ, nhưng khó mà tin rằng chính phủ sẽ không muốn trích xuất dữ liệu tối đa cho hệ thống SCS của họ. Nếu điều này xảy ra và tiếp tục như một quy tắc mới với hệ thống SCS của chính phủ, nó sẽ làm cho các nền tảng công nghệ tư nhân về bản chất hoạt động như cơ quan gián điệp cho chính phủ.

Việc đăng các ý kiến chính trị bất đồng quan điểm hoặc các đường link đề cập đến sự kiện Thiên An Môn chưa bao giờ được coi là khôn ngoan ở Trung Quốc, nhưng bây giờ, nó có thể trực tiếp ảnh hưởng đến việc xếp hạng công dân. Nhưng đây mới thực sự là vấn đề chính: điểm số của một người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì bạn bè trên mạng của họ nói và làm, ngoài mối liên hệ cá nhân giữa 2 người.

Tại sao lại có hàng triệu người tham gia chạy thử


Sự cám dỗ, dưới hình thức khen thưởng và “các đặc quyền” cho những công dân chứng tỏ rằng mình “đáng tin cậy”

Nếu điểm số của một người đạt 600, họ có thể vay một khoản lên tới 5.000 NDT (khoảng 17 triệu VNĐ) để mua sắm trực tuyến trên trang Alibaba. Đạt được 650 điểm, họ có thể thuê một chiếc xe mà không cần tiền đặt cọc. Họ cũng có quyền đăng ký nhanh tại các khách sạn và sử dụng chế độ làm thủ tục chuyến bay VIP tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Những người hơn 666 điểm có thể nhận được khoản vay tiền mặt lên đến 50.000 nhân dân tệ (170 triệu VNĐ) từ Ant Financial Services. Nếu có trên 700 điểm, họ có thể đăng ký đi Singapore mà không cần giấy tờ hỗ trợ. Nếu điểm số là 750, họ sẽ được thực hiện thủ tục nhanh khi xin cấp thị thực vào EU.

Điểm số cao trở thành một biểu tượng cho vị thế xã hội. Ví dụ, trên mạng xã hội Weibo có gần 100.000 người đang tự hào về điểm số của họ sau khi dịch vụ ra đời được 1 tháng. Điểm số của công dân thậm chí có thể ảnh hưởng đến khả năng hẹn hò hoặc tìm kiếm bạn đời, vì điểm số Sesame cao sẽ giúp họ có hồ sơ cá nhân trên mạng hẹn hò Baihe nổi bật hơn.

Xu hướng của tương lai?


Dường như chúng ta đang hướng đến một tương lai, nơi tất cả sẽ được định danh trực tuyến và bị khai thác dữ liệu? Xu hướng này chắc chắn sẽ xảy ra. Chúng ta đang bước vào thời đại mà hành động của một cá nhân sẽ bị đánh giá theo các tiêu chuẩn mà họ không thể kiểm soát được và những phán xét không thể bị xóa bỏ.

Khi mà thuật toán đánh giá và xếp hạng khó có thể được coi là minh bạch và chính sách xếp hạng công dân chỉ là ý muốn chủ quan của chính phủ, rất khó có thể tin tưởng rằng SCS là phương án lý tưởng để đo lường và xây dựng một văn hóa thành thật ở Trung Quốc.

Source: Tổng hợp Hình ảnh: klubjagiellonski.pl

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.