Type Here to Get Search Results !

Báo Mỹ phân tích bí mật thành công của Việt Nam trong chống dịch Covid-19

Hôm 18/4, tờ The Diplomat – một trong những tạp chí hàng đầu phân tích về tình hình chính trị, kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có trụ sở tại Washington.DC (Mỹ), đã có bài phân tích về bí mật thành công của Việt Nam trong chống dịch Covid-19.


Việt Nam kỳ vọng có một năm bận rộn khi chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ ngày 1/1/2020 và là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020-2021.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến một số sự kiện và cuộc họp thượng đỉnh bị hủy bỏ hoặc tạm hoãn. Dù một số chuyên gia nhận định dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động ngoại giao của Việt Nam nhưng quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn nguyên cơ hội quảng bá hình ảnh với bạn bè thế giới bằng thành công trong chống đại dịch Covid-19.

Khi thế giới bước vào tháng thứ 4 của đại dịch, Việt Nam thu hút sự chú ý khi có tỷ lệ lây nhiễm thấp đáng kể, chỉ có 268 ca nhiễm Covid-19 (0 ca tử vong, 201 ca khỏi bệnh, tính tới ngày 18/4) trong tổng số hơn 95 triệu dân. Con số này càng ấn tượng hơn khi Việt Nam là nước có đường biên giới rất dài với Trung Quốc - nước đầu tiên trên thế giới bị dịch Covid-19 hoành hành.

Hãy cùng xem lại các mốc thời gian đáng chú ý về cách chống dịch Covid-19 của Việt Nam và ý nghĩa của nó.

Các mốc đáng chú ý


Việt Nam đã chuẩn bị kỹ cho sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trước khi ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên. Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành công văn khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh tới các cơ quan hữu quan vào ngày 16/1 và các bệnh viện, phòng khám trên toàn quốc vào ngày 21/1.

Quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ngày 23/1 ở thành phố Hồ Chí Minh, 2 ngày trước dịp Tết nguyên đán. Các ca nhiễm này là 2 cha con tới từ Vũ Hán, tâm dịch của Trung Quốc. Họ di chuyển qua nhiều địa điểm ở Việt Nam trước khi được phát hiện và nhập viện điều trị ngày 23/1.

Ngay sau đó, chính phủ Việt Nam đã tăng cường phản ứng bằng cách thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hôm 30/1, cùng ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.

Ngày 1/2, khi nước này có 6 ca nhiễm Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công bố dịch bệnh tại Việt Nam.

Ngày 9/2, Bộ Y tế Việt Nam tổ chức hội thảo từ xa với WHO và 700 bệnh viện thuộc mọi cấp độ trên toàn quốc để phổ biến thông tin về phòng chống dịch Covid-19 và ra mắt một trang web đưa thông tin công khai, minh bạch tới cộng đồng.

Ngày 11/2, WHO chính thức gọi tên dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra là Covid-19. Các biện pháp phòng ngừa khi đó của Việt Nam đã ngăn chặn dịch lây lan nhanh, chỉ có 16 ca nhiễm. Cuối tháng 2, toàn bộ số ca nhiễm này đều khỏi bệnh.

Ngoài ra, một chi tiết đáng chú ý là bệnh nhân số 16 được xác nhận nhiễm Covid-19 ngày 13/2 và bệnh nhân số 17 được xác nhận nhiễm Covid-19 ngày 6/3. Như vậy, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong 22 ngày.

Như một minh chứng cho thành công ban đầu này, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng.

Tuy nhiên, thành công ban đầu đó đã bị ảnh hưởng lớn khi bệnh nhân số 17 được phát hiện. Ngày 15/2, nữ bệnh nhân này có chuyến đi từ Hà Nội qua Anh, Italia và Pháp trước khi trở lại thủ đô của Việt Nam ngày 2/3 nhưng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch.

Ngày 6/3, bệnh nhân số 17 nhập viện và 2 ngày sau, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Tương tự giai đoạn 1, được đánh dấu bằng tuyên bố dịch bệnh ở Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính phủ Việt Nam tiếp tục kiên quyết để làm phẳng đường cong dịch bệnh.

Ngày 10/3, một ngày trước khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, Bộ Y tế đã ra mắt ứng dụng NCOVI để giúp người dân có thể thông báo tình trạng sức khỏe và theo dõi hoạt động lần dấu người tiếp xúc với các ca bệnh. Thời điểm này ghi nhận sự thay đổi từ các bệnh nhân hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc (giai đoạn 1) sang các bệnh nhân tới từ nhiều nước có dịch khác (giai đoạn 2).

Bước chuyển qua giai đoạn 3 thậm chí còn nhanh hơn sau khi Việt Nam phát hiện 2 ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội và quán bar Buddha ở thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ Việt Nam quyết định ngừng nhập cảnh toàn bộ người tới từ nước ngoài từ ngày 22/3, ngoại trừ các trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và trường hợp đặc biệt, bao gồm công dân Việt Nam về nước. Các trường hợp ngoại lệ phải trải qua kiểm tra y tế và thực hiện cách ly 14 ngày.

Ngày 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố giai đoạn 3 trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chính thức bắt đầu vì nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao.

Khi Bệnh viện Bạch Mai, một trong những bệnh viện hàng đầu của Việt Nam, trở thành ổ dịch lớn và phức tạp nhất, với 10 ca nhiễm tính tới ngày 28/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố dịch Covid-19 trên toàn quốc trong cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 hôm 30/3. Một ngày sau, Thủ tướng ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc, có hiệu lực vào ngày 1/4 và kéo dài ít nhất 15 ngày.

Chỉ thị này cấm tụ tập đông người, khuyến khích người dân ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi cần thiết (có đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn). Các biên giới đều đóng cửa và các chính sách kiểm dịch cũng được thực hiện.

Giải mã thành công


Mô hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam được đánh giá là mô hình hiệu quả với nguồn lực hạn chế. Khác với Hàn Quốc và một số nước trên thế giới, Việt Nam cân nhắc điều kiện của đất nước và lựa chọn biện pháp ngăn chặn chọn lọc nhưng chủ động.

Bên cạnh một số biện pháp như lần dấu người tiếp xúc gần với ca bệnh, tăng cường sản xuất vật tư y tế và lắp đặt các trạm kiểm soát tại sân bay, Việt Nam đã đạt được thành công từ sự chủ động.

Trong suốt 3 tháng kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện, Việt Nam kiên quyết thực hiện các biện pháp hạn chế, cân bằng giữa sự cần thiết và thận trọng thái quá.

Ví dụ, chính quyền các tỉnh thành được phép phong tỏa các làng xã theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Kể từ khi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên, có 5 khu vực được phong tỏa quy mô lớn ở quốc gia Đông Nam Á này.

Ngày 13/2, khu vực đầu tiên bị phong tỏa là xã Sơn Lôi (hơn 10.000 dân), huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc sau khi 8 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được phát hiện tại đây. Cùng ngày, 2 bệnh viện dã chiến ở thị trấn Vĩnh Yên cũng được thành lập phục vụ chống dịch. Lệnh dỡ bỏ phong tỏa xã Sơn Lôi được thực hiện vào ngày 4/3, sau 21 ngày thực hiện nghiêm túc lệnh phong tỏa cách ly, không để xuất hiện thêm ca nhiễm Covid-19 mới.

Khu vực thứ hai, liên quan tới bệnh nhân số 17, được xác nhận nhiễm Covid-19 hôm 6/3, bị phong tỏa hôm 7/3 là phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Tổng cộng 66 hộ gia đình và 189 người đã tuân thủ nghiêm túc lệnh cách ly. Ngày 20/3, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ sau khi không phát hiện ca nhiễm mới tại đây.

3 khu vực cách ly còn lại bị phong tỏa sau khi lệnh cách ly toàn xã hội được áp dụng. Cụ thể, ngày 2/4, tỉnh Hưng Yên phong tỏa thôn Chí Trung sau khi phát hiện bệnh nhân số 219. Ngày 7/4, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh bị phong tỏa sau khi xác nhận ca nhiễm số 243. Ngày 8/4, tỉnh Hà Nam phong tỏa thôn 3 Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, nơi cư trú của bệnh nhân 251.

Người dân tại 3 khu vực bị phong tỏa, vì có nguy cơ lây lan cao trong cộng đồng, sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo. Ngoài ra, các chốt kiểm soát và cơ sở y tế cũng được thiết lập và chuẩn bị sẵn sàng cho việc lấy mẫu xét nghiệm cũng như điều trị.

Một ví dụ khác về các biện pháp phòng dịch tích cực của Việt Nam là việc đóng cửa các trường học. Việt Nam ghi nhận 2 ca đầu tiên trước dịp Tết Nguyên Đán. Đây cũng là thời điểm học sinh, sinh viên được nghỉ.

Tuy nhiên, giới chức Việt Nam quyết định kéo dài kỳ nghỉ tới ngày 10/2 căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Ngày 14/2, Bộ Y tế đề nghị các trường học tiếp tục đóng cửa cho tới cuối tháng 2. Quyết định đóng cửa toàn bộ trường học trên cả nước đi kèm với việc cách ly toàn xã hội từ 1/4. Do đó, học sinh, sinh viên Việt Nam đã không tới trường kể từ khi nghỉ Tết Nguyên đán. Nhiều trường bắt đầu thực hiện giảng dạy trực tuyến.

Các biện pháp phòng dịch khá quyết liệt được đưa ra nhưng chúng không phải yếu tố cơ bản dẫn tới thành công của Việt Nam. Tinh thần dân tộc mới là yếu tố quyết định.

Đảng và chính phủ Việt Nam đã ví "chống dịch như đánh giặc" và kêu gọi sự đoàn kết của người dân xua tan dịch bệnh Covid-19, khơi gợi tinh thần hào hùng từ những lần kiên cường chống ngoại xâm trong quá khứ.

Ngoài ra, chính phủ đã thể hiện sự lãnh đạo hiệu quả trong quá trình chống dịch Covid-19 bằng việc minh bạch thông tin. Bộ Y tế chủ động ra mắt một trang web và một ứng dụng di động không chỉ để giảm bớt quá trình thủ tục y tế mà còn để phổ biến thông tin chính xác một cách nhanh chóng tới người dân.

Lực lượng an ninh mạng cũng giúp sức nhiều trong việc ngăn chặn lan truyền tin đồn, tin giả, bên cạnh việc xử phạt những cá nhân lan truyền thông tin sai sự thật để trục lợi hoặc chống phá.

Truyền thông nhà nước cũng liên tục cập nhật tin tức từ các "điểm nóng" đại dịch Covid-19 trên thế giới như Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha và Mỹ để nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và chứng tỏ sự cần thiết của các biện pháp kiên quyết mà chính phủ đưa ra.

Bằng cách minh bạch và chủ động trong truyền tải thông tin tới người dân, chính phủ Việt Nam tiếp tục đạt và duy trì được niềm tin từ phía người dân.

Trong một khảo sát của Công ty Dalia Research (có trụ sở tại Đức) lấy ý kiến người dân về phản ứng của chính phủ ở 45 quốc gia, vùng lãnh thổ với dịch Covid-19, 62% người được hỏi ở Việt Nam ủng hộ các biện pháp của chính phủ. Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tham gia vào nghiên cứu của Dalia Research.

Xây dựng hình ảnh đẹp trên toàn cầu


Khi đại dịch Covid-19 tiếp diễn và tàn phá nền kinh tế của các nước ASEAN, ngày 20/2, Hội đồng điều phối ASEAN (ACC), cùng với ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc, đã họp tại Lào để thảo luận các biện pháp chống dịch Covid-19.

ACC hoan nghênh các biện pháp kịp thời và hiệu quả của các nước thành viên, công tác phối hợp chăm sóc sức khỏe và các cơ quan ASEAN chia sẻ thông tin, kinh nghiệm ngăn chặn, chẩn đoán, điều trị và kiểm soát dịch bệnh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh, đã đề xuất theo đuổi phương pháp tiếp cận cân bằng giữa việc chống dịch Covid-19 và duy trì các chính sách kinh tế mở, đồng thời đảm bảo cập nhật thông tin thường xuyên cho người dân.

Khi dịch bệnh leo thang vào đầu tháng 3, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ và Hội nghị cấp cao ASEAN đã bị hoãn lại. Nhưng Việt Nam vẫn có thể tìm được cách để đưa thành công trong nước ra với thế giới.

Ngày 31/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, chủ trì hội thảo trực tuyến của Nhóm công tác của ACC về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.

Sau đó một ngày, ông Nguyễn Quốc Dũng đồng chủ trì với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, David Stilwell, tại Hội nghị trực tuyến các quan chức cao cấp liên ngành ASEAN-Mỹ về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.

Cả 2 hội nghị đều nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong cộng đồng ASEAN và các nước ASEAN với Mỹ để đối phó với dịch Covid-19. Sau các hội nghị này, Việt Nam cũng chủ trì Hội nghị lần thứ 25 Hội đồng Điều phối ASEAN vào ngày 9/4 và Hội nghị Cấp cao đặc biệt của ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) về Ứng phó dịch bệnh COVID-19, qua hình thức trực tuyến vào ngày 14/4.

Trong quan hệ song phương, Việt Nam đã tặng vật tư y tế và khẩu trang cho nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Lào hay Campuchia. Bằng cách này, Việt Nam đã chứng tỏ cam kết của mình với các mối quan hệ truyền thống và tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng khác.

Mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam là kiểu mẫu cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với nguồn lực hạn chế hoặc đang trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch với số ca nhiễm thấp.