Type Here to Get Search Results !

Covid-19 | Bệnh nhân 91 | Tổng hợp các thông tin liên quan về phi công người Anh

Không phải là bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, bệnh nhân 91 - phi công người Anh làm việc cho Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam hiện là bệnh nhân duy nhất có diễn biến rất nặng. Với quyết tâm cao độ, các y, bác sĩ Việt Nam vẫn đang nỗ lực từng ngày, từng giờ giành giật sự sống cho bệnh nhân từ tay “tử thần”.

Với các y bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91, đây có lẽ là ca bệnh “cân não” nhất mà họ từng gặp phải khi mọi diễn biến ca bệnh đều được dư luận quan tâm, theo dõi sát sao.


Trả lời hãng thông tấn Reuters về việc Chính phủ Việt Nam có lạc quan về khả năng chữa khỏi cho bệnh nhân phi công người Anh hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin, với tinh thần nhân đạo, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tập trung, nỗ lực điều trị các bệnh nhân nước ngoài, đa số trong số họ đã được điều trị khỏi bệnh và nhiều người đã trở về nước.

“Riêng đối với trường hợp phi công người Anh, do có bệnh lý nền nên có những chuyển biến xấu. Tuy nhiên chúng tôi tin tưởng rằng với nỗ lực cao nhất, các cơ quan y tế Việt Nam, các chuyên gia và bác sỹ giỏi nhất của Việt Nam sẽ tập trung điều trị và cứu chữa cho bệnh nhân người Anh này. Chúng tôi mong muốn bệnh nhân người Anh có thể sớm hồi phục được sức khỏe và trở lại cuộc sống bình thường”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Cập nhật 7/7: Phi công người Anh - BN91 ra viện không cần cách ly, còn 5 ngày nữa hồi hương

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, BN 91(43 tuổi, nam, Phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã được công bố khỏi bệnh Covid-19.

Tiểu ban Điều trị cho biết, căn cứ kết luận Hội chẩn Quốc gia ngày 3/7, BN91 được chính thức công bố khỏi bệnh Covid-19, bệnh nhân có thể ra viện và không cần cách ly. Tuy nhiên bệnh nhân còn tiếp tục ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị phục hồi chức năng vận động để có thể hồi hương trên chuyến bay thương mại ngày 12/7.

Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 111 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3-chiều 22/5 và tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều ngày 22/5 đến nay.

Ngày hồi hương của anh đang rất gần, chỉ còn 5 ngày nữa anh sẽ có một chuyến bay dài 12 tiếng để trở với quê hương...

Theo kế hoạch đã thống nhất giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Anh, phía Bệnh viện Chợ Rẫy và ngành Y tế đang khẩn trương hoàn tất phương án trước khi nam phi công người Anh hồi hương vào ngày 12/7.

Dự kiến, ngày 11/7, đại diện Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Bệnh viện Chợ Rẫy để rà soát lần cuối cùng tất cả các vấn đề có liên quan đến sức khỏe người bệnh trước khi bàn giao cho Lãnh sự quán Anh.

Phi công người Anh sẽ được bàn giao cho công ty bảo hiểm theo sự lựa chọn của Đại sứ quán Anh để hồi hương

Như vậy, đến thời điểm này đã có 341/369 bệnh nhân Covid-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay 50/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi.

Thách thức chưa từng có

Bệnh nhân 91 được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh vào ngày 18/3 trong trạng thái sức khỏe bình thường. Ông là một trong những ca bệnh Covid-19 từng đến quán bar Buddha (phường Thảo Điền, Quận 2) – “ổ dịch” lớn nhất khu vực phía Nam.

Nguồn hình ảnh: infographics

Nhớ lại những ngày đầu khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ khi tiếp nhận bệnh nhân 91, các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã nhận định đây là một ca rất khó.

Bệnh nhân có tải lượng virus cao gấp nhiều lần các ca bệnh đang điều trị Covid-19 tại đây, nguy cơ lây nhiễm cho bệnh viện y tế là rất cao. Bệnh nhân dù còn trẻ tuổi (43 tuổi), cao 1m81, không có tiền sử bệnh nền nhưng lại mắc chứng béo phì (nặng 100 kg). “Bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh nền nhưng béo phì là một nguy cơ của Covid-19, không thể chủ quan”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong nhận định.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong nhớ lại những thách thức “cân não” ngay từ những tuần đầu tiên với những sự cố “không hề lường trước, thậm chí chưa từng có trong phác đồ”.

Khi can thiệp ECMO, bệnh nhân phải dùng thuốc kháng đông Heparin. Tuy nhiên bệnh nhân vừa bị rối loạn đông máu do Covid-19, đồng thời mắc thêm hội chứng HIT - giảm tiểu cầu do dị ứng với Heparin, nguy cơ chảy máu cao, đe dọa tính mạng nên các y, bác sĩ lại buộc phải dừng loại thuốc này.

“Tìm hiểu trên y văn thế giới thì có báo cáo về việc sử dụng thuốc kháng đông bằng tĩnh mạch, nhưng thuốc này chưa từng được sử dụng tại Việt Nam, chúng tôi phải báo cáo lên Bộ Y tế, làm thủ tục nhập thuốc về từ Đức. Phải mất mười ngày thuốc mới về tới nơi, câu hỏi đặt ra là trong mười ngày chờ đợi đó, bệnh nhân phải dùng thuốc gì? Không có thuốc kháng đông thì không thể chạy ECMO, mà không chạy ECMO bệnh nhân sẽ tử vong”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong kể.

Bệnh quá mới, lại chưa có thuốc đặc hiệu, chưa có vaccine, các bác sĩ lại liên tục phải hội chẩn, mày mò nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu. “Cái khó ló cái khôn, cuối cùng chúng tôi quyết định cho bệnh nhân dùng tạm loại thuốc kháng đông bằng đường uống Xarelto. Thuốc này chưa từng có trong phác đồ, là thuốc điều trị và dự phòng huyết khối, ít ảnh hưởng rối loạn đông máu. Rất may là bệnh nhân lại đáp ứng được với thuốc này trong bảy ngày, đến ngày thứ tám bắt đầu có dấu hiệu không ổn. Ngày thứ chín dấu hiệu nhiều hơn thì đến ngày thứ mười có thuốc kháng đông tĩnh mạch về. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã có thuốc”, bác sĩ Phong cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong kể, trong quá trình điều trị, có quá nhiều tình huống xảy ra liên tiếp trên cùng một bệnh nhân ở một khoảng thời gian ngắn khiến các y, bác sĩ không ít lần “đứng tim”.

“Tất cả những kỹ thuật hiện đại nhất, tối tân nhất của hồi sức cấp cứu đều được áp dụng cho bệnh nhân này chỉ với một mục đích duy nhất: Không để bệnh nhân tử vong”, ông nói.

Từ lúc chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong nếu rời ECMO, kỳ tích sau 10 ngày tiếp theo là sức khỏe bệnh nhân cải thiện dần với các dấu hiệu sinh tồn ổn định, 30% phổi được hồi phục. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh khi điều trị bệnh nhân 91 không còn virus SARS-CoV-2.

Chung tay, góp sức

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam, khi có thông tin về việc ghép phổi cho bệnh nhân người Anh, đã có rất nhiều người dân đề nghị tình nguyện hiến tặng một phần phổi cho bệnh nhân này.

“Những người tình nguyện chia sẻ, họ mong muốn hiến tạng cứu bệnh nhân nặng, như một hành động đồng hành cùng nỗ lực của mọi người Việt khác ngăn chặn dịch bệnh và cũng là vì muốn giúp đỡ bệnh nhân trong khả năng của mình”, ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cho biết.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 đánh giá, bệnh nhân 91 dù không có thân nhân đến nhận hay thăm nom, nhưng đã nhận được sự chăm sóc rất tích cực của các y, bác sĩ Việt Nam. Ngoài ra, chỉ trong một tuần, đã có 59 người tình nguyện đăng ký hiến phổi cho phi công này, trường hợp ít tuổi nhất là nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi nhất đã 78 tuổi. “Điều đó đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thời gian tới, hội đồng chuyên môn và các chuyên gia sẽ tiếp tục cùng hội chẩn về trường hợp bệnh nhân này khi cần thiết. “Với tinh thần còn nước còn tát và sự tiến bộ của y học Việt Nam hiện nay, chúng ta nỗ lực hết sức có thể để điều trị, cứu chữa bệnh nhân này”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê khẳng định.

Chiều 22/5, bệnh nhân 91 được chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh sang Bệnh viện Chợ Rẫy (phường 12, quận 5) để tiếp tục điều trị nội khoa, hồi sức, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Đến chiều tối hôm nay (29/5), thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh cho biết, ekip tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân 91 tại Bệnh viện Chợ Rẫy vừa có buổi hội chẩn trực tuyến với Tiểu ban điều trị Bộ Y tế với các đầu cầu.

Theo kết luận hội chẩn của Tổ chuyên môn Bộ Y tế, sức khỏe bệnh nhân đã có những tín hiệu đáng mừng và tích cực hơn. Cụ thể kết quả men gan giảm dần đều trong 3 ngày qua, xét nghiệm CRP (xét nghiệm định lượng Protein phản ứng C trong máu giúp đánh giá mức độ viêm và theo dõi đáp ứng điều trị của các bệnh lý nhiễm trùng) và PCT (xét nghiệm nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết) giảm thêm.

Bệnh nhân có phản xạ tốt hơn, có thể xoay đầu khi nhận y lệnh từ bác sĩ, sức cơ tay chân cũng khá hơn, tình trạng cứng hàm cũng cải thiện, đã ngậm được kín miệng. Tuy nhiên, vẫn còn cứng khớp vai và khớp cổ chân tay nên bệnh nhân đang được tích cực tập vật lý trị liệu.

Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu suy mòn về dinh dưỡng nên các chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục theo sát bệnh nhân.

Truyền thông quốc tế đánh giá cao

Chiều 27/5, Bệnh viện Chợ Rẫy đã dẫn lại nội dung bức thư của Tổng lãnh sự Anh tại TP. Hồ Chí Minh Ian Gibbons gửi cho Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong bày tỏ lòng biết ơn và sự cảm mến Việt Nam đã nỗ lực chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho các công dân Anh trong khu cách ly và tại các bệnh viện trong 12 tuần qua.

Bức thư có đoạn: “Ngay cả trong tình huống dịch bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng, các cơ quan chính quyền vẫn hỗ trợ Lãnh sự quán Anh cùng các cơ quan ngoại giao khác rất chuyên nghiệp và tận tụy… Chúng tôi rất cảm ơn các bác sĩ, y tá và các cán bộ hỗ trợ làm việc tại Bệnh viện Củ Chi, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ đã chăm sóc cho các công dân Anh nhiễm Covid-19 trong thời gian qua”.

Tổng Lãnh sự Anh đặc biệt cảm ơn Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, đã dành mọi điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân số 91.

“Các bác sĩ và điều dưỡng đã làm việc không mệt mỏi và không tiếc công sức để cứu sống anh Stephen Cameron (bệnh nhân số 91). Chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ với Bộ Y tế và bệnh viện trong quá trình anh Stephen Cameron được điều trị. Cập nhật thông tin liên tục cho gia đình và bạn bè của anh. Nói một cách chân thành là chúng tôi không thể đòi hỏi hơn bất kỳ điều gì. Cảm ơn tất cả các bác sĩ, chuyên gia, điều dưỡng, đã tham gia điều trị cho ca này…”, bức thư nhấn mạnh.

Hãng tin Reuters (Anh) ngày 14/5 cũng có bài viết về quyết tâm cứu sống phi công người Anh mắc Covid-19 của Việt Nam. Reuters nhận định, “trường hợp bệnh nhân phi công người Anh đã thu hút sự quan tâm của cả nước, nơi Chính phủ đang giành được sự ủng hộ vì chiến dịch ứng phó với dịch bệnh”.

Tờ Financial Times ngày 23/5 đưa tin, sau nhiều ngày được tích cực cứu chữa, bệnh nhân người Anh vẫn trong tình trạng xấu khi đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống ECMO và nhiễm trùng phổi chưa được khống chế. Đã có ít nhất 60 người, bao gồm cả các bác sĩ, y tá, phóng viên, cựu chiến binh… tình nguyện hiến phổi cho bệnh nhân người Anh.

“Việc cứu chữa cho bệnh nhân người Anh đã trở thành ưu tiên của ngành y tế và Chính phủ Việt Nam - vốn đang được dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ về những thành công nổi bật trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua”, tờ Financial Times nhận định.

17/6: Chủ tịch UBND TP.HCM thăm hỏi bệnh nhân phi công người Anh

Tại buổi thăm bệnh nhân 91, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chia sẻ: "Quá trình phục hồi bệnh nhân 91 hết sức kỳ diệu, có những thời khắc bệnh nhân 91 'thập tử nhất sinh' và lúc đó chúng ta còn bàn đến phương pháp phải ghép phổi.


Nhưng phải nói nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy rất lớn đã giúp bệnh nhân bước đầu phục hồi, đem lại niềm tin lớn cho cả chính bệnh nhân.

Qua thông tin báo đài, tôi có nắm về tình hình bệnh nhân nhưng sau khi vào thăm và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, tôi thấy bệnh nhân rất tỉnh táo...".

Qua đó, ông Phong bày tỏ tình cảm trân trọng, cảm phục không chỉ đối với chuyên môn mà còn tấm lòng của đội ngũ y bác sĩ của hai bệnh viện là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy, hai nơi điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 91.

Theo ông Phong, các y bác sĩ đã thể hiện vai trò là chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận phòng chống dịch COVID-19 khi đối diện với dịch bệnh. Trong khi đó, điều kiện y tế của nước ta còn hạn chế so với các nước tiên tiến. Toàn thành phố dù có đến 27.000 bác sĩ nhưng chuyên khoa nhiễm chỉ có hơn 300 người.

Ở các nước lân cận, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó ông Phong đề nghị: "Hiện chỉ là thắng lợi bước đầu, chúng ta không được phép chủ quan. Cần tiếp tục kiên trì biện pháp chống dịch có hiệu quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, giữ vững thành quả chống dịch đạt được trong thời gian sắp tới".

Tại buổi thăm bệnh nhân 91 và làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, UBND TP.HCM đã khen thưởng cho hai bệnh viện gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy do những nỗ lực trong công tác chẩn đoán và điều trị cho ca bệnh COVID-19 nặng là bệnh nhân 91.

Bác sĩ CKII Trần Thanh Linh - phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết hiện tại bệnh nhân 91 đang hồi phục tốt, tuy nhiên còn cần thêm ít thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động.

Sau cai máy thở, rút ống thở qua khí quản, sức cơ bệnh nhân hồi phục tốt. "Những ngày đầu nhập về Bệnh viện Chợ Rẫy tình trạng bệnh nhân rất nặng, nhiều lúc chúng tôi không dám tin bệnh nhân có thể hồi phục được", bác sĩ Linh chia sẻ.

19/6 | Từ đông đặc 90%, phổi phi công người Anh đã phục hồi 90%, không còn cần ghép phổi

Theo Tiểu Ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, sức khoẻ của bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh đang điều trị tại BV Chợ Rẫy tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.

Sau 6 ngày cai máy thở, bệnh nhân phi công tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, tiếp tục tập đứng với sự trợ giúp của nhân viên y tế. Bệnh nhân đã tự thở với ôxy hỗ trợ ở mức thấp 0,5 lít qua ống mũi, thở chậm hơn. Anh giao tiếp tốt bằng lời nói, tự ho khạc đàm qua miệng, sức cơ hai tay bình thường, sức cơ hai chân cải thiện 4/5.

Bệnh nhân tự ăn uống qua miệng, chỉ cần dùng thuốc kháng nấm, giảm đau và kháng đông dự phòng huyết khối.

Hiện phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay anh đã sử dụng được như bình thường, đã dùng được điện thoại di động từ 1 tuần nay, chân đã hồi phục được 4/5.Với những thông số này, bệnh nhân không cần phải ghép phổi

Tiểu ban điều trị đánh giá bệnh nhân còn cần thêm ít thời gian nữa để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động.

Một chuyên gia của tiểu ban điều trị cho biết, từ đông đặc phổi 90% sau đó hồi phục phổi trở lại tới 90% là điều kỳ diệu. Từ chỗ phương án ghép phổi, đến nay bệnh nhân đang hồi phục dần. Khi cai ECMO ngày 3/6, các chuyên gia dự tính cố gắng sau 3, 4 tuần cai máy thở nhưng thời gian cai máy thở sớm hơn dự kiến. Các chuyên gia chỉ mong muốn bệnh nhân có thể phục hồi phổi tới 75% đã không phải ghép phổi và đến nay bệnh nhân đã có phục hồi kỳ tích.