Type Here to Get Search Results !

Vàng liên tục tăng giá, nên vui hay lo?

Về tính thanh khoản, vàng là tài sản có tính thanh khoản cao nhất vì vàng bán đi lúc nào cũng có người mua. Xét về khả năng sinh lời, vàng cũng là loại tài sản có khả năng sinh lời cao.

Vàng tăng giá báo hiệu sự bất ổn

Vàng liên tục chạm các mức giá kỷ lục khi lo lắng về các vấn đề như đại dịch Covid-19, cũng như căng thẳng Mỹ-Trung đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Điều này cũng không khó hiểu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trong tình trạng nới lỏng tiền tệ, thâm hụt tài khoản tăng đột biến; tình hình kinh tế thế giới chưa mấy khả quan, nhiều quốc gia tiếp tục tung ra các gói kích thích kinh tế... là những yếu tố tiếp tục thúc đẩy vàng tăng giá.

Theo phân tích của Wall Street Jianwen.com, yếu tố cơ bản cho sự tăng giá liên tục của vàng là sự sụt giảm thêm của lãi suất thực. Về mặt logic kinh tế, có một mối tương quan nghịch giữa biến động ngắn hạn về giá vàng và biến động ngắn hạn trong lãi suất thực của Mỹ. Một mặt, từ góc độ của môi trường kinh tế và tài chính, sự sụt giảm của lãi suất thực tế là do sự sụt giảm của lãi suất Kho bạc Hoa Kỳ hoặc sự gia tăng của kỳ vọng lạm phát. Xu hướng này thường đi kèm với một môi trường mà nền kinh tế Mỹ suy giảm và rủi ro giảm dần.

Đặc biệt là khi một số nền kinh tế quan trọng như Hoa Kỳ vẫn không thể kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu hầu như không lạc quan. Ngoài ra, các yếu tố như sự leo thang của căng thẳng địa lý và sự quá tải của các chính sách nới lỏng định lượng ở các nền kinh tế lớn cũng đã cùng nhau đẩy giá kim loại quý lên cao.

Giám đốc phụ trách mảng đầu tư của UBS Mark Haefele phân tích cho các khách hàng rằng, vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng và một yếu tố ảnh hưởng lớn tới giá vàng nữa là mối tương quan tiêu cực với lãi suất thực và đồng USD. Theo quan điểm của các nhà đầu tư ở UBS, những yếu tố trên, kết hợp với tình hình kinh tế ảm đạm, sẽ tiếp tục kiềm chế đầu tư và đẩy giá vàng lên cao hơn nữa.

Trong khi đó, Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA nhận định, USD đang mất sức hấp dẫn trong vai trò tài sản an toàn.
"Tôi cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng khi USD lao dốc. Mọi thứ đều đang có lợi cho vàng. Khả năng cao là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng tốc hỗ trợ nền kinh tế. Sự bất ổn của đại dịch cũng đồng nghĩa các biện pháp nới lỏng tiếp tục được duy trì", Edward Moya cho biết.
Giới đầu tư sẽ theo dõi cuộc họp tuần này của Fed - được kỳ vọng sẽ có bước ngoặt về chính sách tiền tệ.

Trong một lưu ý được đưa ra trước khi vàng cán mức giá mới, chuyên gia Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth (Australia) nhận định, sự sụt giảm lợi suất thực tế 10 năm của Mỹ là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất trong rất nhiều các yếu tố khác, như USD suy yếu và nhu cầu về một nơi trú ẩn an toàn tăng lên. “Mối quan hệ nghịch” giữa lợi suất thực tế dài hạn của Mỹ và vàng trong tương lai đã lớn hơn lên trong dài hạn, vì khi lợi suất thực tế dài hạn tăng lên, vàng sẽ kém hấp dẫn hơn so với chứng khoán, do vàng không có khả năng sinh lời, nhà phân tích Dhar cho biết. Nhưng trên thực tế, lợi suất thực tế 10 năm của Mỹ đã giảm mạnh do những kỳ vọng về lạm phát.

Theo phân tích của Giám đốc đầu tư Johan Jooste thuộc Văn phòng tư vấn đầu tư CIO toàn cầu, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng hiện gần như bằng 0 khi lợi suất trái phiếu ở mức thấp như hiện tại. Nhưng chuyên gia này chia sẻ về một cảm giác không ổn nếu các nhà đầu tư tham gia vào thị trường vàng trong lúc này.

Yếu tố ảnh hưởng đến biến động giá vàng

- Các ngân hàng trung ương(NHTW) ngừng bán vàng: việc các NHTW ngừng việc bán vàng ra xuất phát từ việc họ đánh giá lại vai trò của vàng trong bối cảnh khủng hoảng nợ tấn công vào khu vực. Trước kia, vàng bị châu Âu xem là một tài sản có khả năng sinh lợi kém.

- Lo ngại lạm phát: Khi khủng toàn toàn cầu nổ ra, nhiều Ngân hàng trung ương trên thế giới đã áp dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ và hàng nghìn tỷ USD đã được bơm ra thị trường để giúp nền kinh tế chống lại nguy cơ suy thoái. Hệ quản kéo theo là áp lực lạm phát gia tăng và niềm tin của người dân vào đồng tiền giấy với vai trò là một khoản cất trữ có giá trị bị sụt giảm, khiến họ lại tăng cường mua vàng để bảo đảm tài sản của mình.

Thời gian gần đây, dư luận không còn lo lắng về lạm phát mà lại lo ngại giảm phát. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, dù nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát hay giảm phát thì giá vàng vẫn tiếp tục tăng. Vàng không giúp bất kỳ quốc gia nào chống lại lạm phát hay giảm phát, song nó luôn là thứ tài sản an toàn nhất khi nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn.

- Yếu tố cung – cầu: Nguồn cung vàng trên trái đất là hữu hạn và việc khai thác kim loại quý này ngày càng trở nên khó khăn đã khiến cung ngày càng khó bắt kịp so với cầu, nhất là khi các quốc gia sản xuất vàng hàng đầu đang cạn kiệt dần tài nguyên. Vào đầu thế kỷ này, Nam Phi cung cấp tới 74% lượng vàng khai thác trên thế giới, song đến thời điểm hiện nay con số này giảm xuống còn 19%. Ước tính tổng khối lượng vàng dự trữ đã qua chế biến của thế giới hiện ở mức 160.000 tấn. Mỗi năm lại có thêm 2.400 tấn nữa được bổ sung, tương đương với mức tăng 1,7% - thấp hơn nhiều so với mức tăng của cầu. Tổng cầu trên thị trường vàng hiện đang vượt tổng cung khoảng 1%/năm, và mức chênh này đang gia tăng. Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2008, GFMS tính toán rằng sản lượng vàng trên toàn cầu giảm 0,8%. Dự báo tình hình sản xuất vàng sẽ vẫn trì trệ trong vài năm tới bởi sản lượng từ các mỏ cũ hết và chưa tìm được nguồn mới thay thế. Các nước sản xuất vàng lớn như Nam Phi và Mali gặp nhiều trục trặc trong khai thác vàng. Sản lượng của các nước Tây Phi giảm 9% trong năm 2007. Khi nhu cầu ngày một tăng, chênh lệch cung – cầu ngày một lớn.

- Biến động trên thị trường chứng khoán và dầu mỏ: Sau khi đã bật mạnh trong những năm trước đây, thị trường chứng khoán và hàng hóa đã quay đầu giảm giá trong năm 2008 do nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Mặc dù các chỉ số chứng khoán đã hồi phục phần nào nhưng những biến động vẫn còn tiếp diễn. Nhiều nhà đầu tư thận trọng trong kế hoạch bảo vệ vốn của mình và vàng vẫn được coi là một tài sản an toàn cho giới đầu tư. Đáng chú ý là, cuộc khủng hoảng năm 2008 đã tạo ra một thế hệ những nhà đầu tư vàng mới. Nhu cầu mạnh mẽ từ các nhóm đầu tư này cùng với những người mua vàng truyền thống đã khiến lượng dự trữ vàng thỏi và vàng xu toàn cầu giảm, do đó, kéo giá vàng miếng tăng lên trong khi lượng sản xuất giảm mạnh trên toàn cầu.

- Yếu tố Trung Quốc: Giá vàng từ lâu đã chịu tác động nhiều bởi thị trường Trung Quốc- một trong những quốc gia tiêu thụ và sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Đặc biệt, thị trường vàng tại đây đang ngày càng được mở rộng hơn. Thặng dư thương mại của Trung Quốc đứng ở mức cao, xếp ngang hàng với Mỹ và châu Âu - những quốc gia có lượng ngoại hối tương đối lớn. Quốc gia này cũng đang lập kế hoạch đa dạng hóa lượng dự trữ ngoại hối của mình bằng cách tăng cường lượng nắm giữ vàng. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đang xem xét việc dùng USD dự trữ của mình để đầu tư vào các dự án tài nguyên thiên nhiên trong thời gian tới. Trong bối cảnh hiện tại, đối với Trung Quốc, vàng vẫn là một khoản đầu tư sáng giá.

- Nợ công và thâm hụt ngân sách: Khủng hoảng nợ công đã chất gánh nặng lên các đơn vị tiền tệ và làm suy giảm lòng tin đối với hệ thống ngân hàng. Các nhà đầu tư tìm đến vàng như một điểm trú chân trong cơn bão tài chính.

- Fed duy trì lãi suất thấp: Khi tỷ lệ lãi suất thực tế ở mức thấp, rất nhiều nhà đầu tư quay lưng lại với các tài sản bằng giấy, thay vào đó, họ dành sự quan tâm tới các tài sản có giá trị thực, giống như vàng. Khi tỷ lệ lãi suất thấp, việc bảo hiểm cũng ít được khuyến khích. Do đó, lượng cung vàng trong ngắn hạn có xu hướng giảm, kéo theo sự bất cân bằng trên thị trường trong khi nhu cầu ngày càng leo thang.

- Đồng USD và Yên sụt giảm: Thông tin FED tiếp tục hỗ trợ kinh tế Mỹ bằng cách gia tăng chính sách “nới lỏng có định lượng” trong khi IMF cho rằng chính phủ các quốc gia châu Âu sẽ tiếp tục mua vào trái phiếu nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế trong bối cảnh phục hối kinh tế vẫn chập chờn đã làm đồng USD giảm mạnh so với hầu hết các đồng tiền chính.

- Các quỹ trên thế giới đẩy mạnh mua vàng: Trên thị trường quốc tế, động thái mua - bán vàng của các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới thường dẫn dắt thị trường, kéo theo sức mua – bán của nhiều nhà đầu tư khác, tác động rất lớn đến giá vàng.

- Chính phủ các nước đa dạng hoá dự trữ: Cũng giống như các quỹ lớn trên thế giới, Chính phủ các nước mà điển hình là Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng có xu hướng quay sang sử dụng vàng như một phương tiện cất giữ hiệu quả và thay thế tiền tệ trong các trường hợp hoán đổi quốc tế nhất định.

- Yếu tố thời vụ: Tháng 9 hàng năm thường đánh dấu thời gian khởi đầu của khoảng thời gian nhu cầu vàng tăng mạnh. Khoảng thời gian đó đã bắt đầu sớm hơn trong năm 2010 với ngày lễ Ramadan của người Đạo Hồi, mùa cưới tại Ấn Độ - vốn là thị trường tiêu thụ vàng trang sức lớn nhất thế giới, ngày lễ hội Ánh sáng (Diwali) tại Ấn Độ, sau đó đến kỳ nghỉ Giáng Sinh. Trái lại, tháng 9 thông thường lại là tháng tăng trưởng yếu của đồng USD, yếu tố này cũng đóng góp không nhỏ vào việc giá vàng tăng mạnh.

- Yếu tố văn hoá: Cần phải kể đến yếu tố văn hóa trong việc giá vàng tăng không ngừng suốt 10 năm qua. Cụm từ “quý như vàng” phổ biến trong rất nhiều ngôn ngữ. Giới phân tích chỉ ra rằng vàng không phải kim loại quý hiếm nhất nhưng vẫn “lên ngôi” trong các cuộc khủng hoảng vì nó khống chế được tâm lý của người dân. Dù bạch kim quý hiếm hơn vàng nhưng rất khó để tìm thấy mỏ bạch kim nào lớn trên thế giới và giá bạch kim chịu sự chi phối chủ yếu của yếu tố cung cầu cũng như nhiều kim loại khác. Vàng cũng là đơn vị tiền tệ phổ biến trên khắp thế giới suốt hơn 2.500 năm qua và đóng vai trò quan trọng trong mọi nền văn hóa và tôn giáo.

Vì sao giá vàng trong nước biến động?

Giá vàng trong nước tăng mạnh thời gian qua được lý giải là bởi các nhân tố cơ bản sau:

- Tác động từ thị trường quốc tế: Trong điều kiện cung vàng trong nước vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu thì việc tăng giá vàng thế giới tất yếu đẩy giá vàng “nội” tăng. Đây cũng là lời giải thích được nhiều nhà kinh doanh vàng đưa ra trong thời điểm giá vàng trong nước tăng mạnh vừa qua. Ngoài ra, sự chênh lệch giá vàng quốc tế và trong nước, cũng như nhu cầu tăng vốn của các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng các điều kiện, chính sách của Thống đốc NHNN cũng được xem là nguyên nhân chính đẩy giá vàng tăng.

- Nguồn cung hạn chế: Hiện nay nguồn cung của thị trường vàng trong nước khá mỏng đặc biệt bắt nguồn từ việc một lượng vàng nhất định đã chảy vào các Ngân hàng trong những ngày qua khi lãi suất huy động vàng được các Ngân hàng tăng mạnh. Trước đây, khi các Ngân hàng “hắt hủi” vàng và áp dụng mức lãi suất gửi vàng bằng 0% do không có đầu ra khiến nhiều người đã phải bán vàng chuyển qua VND hoặc chuyển sang USD thì tới nay đã có nhiều Ngân hàng tuyên bố huy động vào ở mức 0,5 – 0,8%/năm thậm chí lên tới 1%/năm. Và như vậy, trong khi nguồn cung đang yếu thế thì lượng vàng chảy vào kênh Ngân hàng đang làm cho nguồn cung trở nên yếu hơn. Đây là nguyên nhân khiến giá trong nước luôn được điều chỉnh tăng nhanh hơn tốc độ tăng của giá vàng thế giới

- Xuất khẩu nhiều, nhập khẩu ít: Hoạt động xuất khẩu diễn ra mỗi khi giá vàng thế giới tăng mạnh và giá vàng trong nước không theo kịp, tạo ra một độ vênh nhất định để các doanh nghiệp xuất khẩu thu lãi. Trong khi đó, số vàng nhập khẩu hầu như không đáng kể. Đặc biệt, sau giai đoạn xuất khẩu vàng trang sức mạnh, nguồn vàng trong dân vẫn ở “trạng thái bất động” do chưa tìm được kênh đầu tư thực sự an toàn đã khiến cho chênh lệch cung - cầu trên thị trường tăng. Điều này giải thích tại sao các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc mỗi khi khan hàng lại phải tìm thu gom trên thị trường (cả vàng lậu) để có nguồn kinh doanh và xuất khẩu.

- Lo ngại lạm phát: Nhà đầu tư lo ngại lạm phát còn tăng cao hơn khi các động thái chính sách cho thấy các chính phủ đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, điều này đồng nghĩa với khả năng cung tiền sẽ được mở rộng hơn, tỷ giá sẽ tăng cao và cộng hưởng đẩy giá vàng đi lên.

- Tâm lý kiếm lời: Do dự đoán rằng khi giá vàng liên tục lập kỷ lục mới thì sau đó thường giảm nhẹ nên giới đầu tư vàng cũng tăng nhu cầu vay vàng để bán giá cao, rồi chờ vàng giảm giá mua lại trả nợ Ngân hàng, hưởng chênh lệch.

- Ảnh hưởng từ tỷ giá VND/USD: Không chỉ được đẩy lên bởi giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tăng mạnh còn được cho là do giá USD thị trường tự do leo thang.