Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc cho biết nước này đã xây dựng 580 000 trạm thu phát 5G vào năm 2020 trong khuôn khổ chương trình phát triển cơ sở hạ tầng mới. Như vậy, tất cả các đô thị cấp huyện đều được bao phủ bằng mạng di động thế hệ thứ năm.
Trong năm 2021, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng thêm 600 000 trạm gốc. Và nước này sẽ trở thành một trong những nước đi đầu trong việc phát triển mạng thế hệ thứ năm.
Sự phát triển của mạng 5G trên thế giới
Hiện tại, theo ước tính của GSMA, mạng 5G hoạt động ở 58 quốc gia. Tổng cộng, có 135 mạng thế hệ thứ năm của các nhà khai thác di động khác nhau. Hiệp hội dự đoán trong năm tới số lượng mạng 5G trên thế giới có thể lên tới 200. Mạng 5G lần đầu tiên xuất hiện bên ngoài Trung Quốc: Hàn Quốc đã ra mắt mạng 5G đầu tiên của mình khoảng một năm trước đó. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vượt lên dẫn trước về quy mô và tốc độ triển khai. Theo Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc, tính đến tháng 10 nước này có 9,98 triệu thuê bao 5G. Để so sánh: ở Trung Quốc vào tháng 9 năm 2020, số lượng người dùng 5G đã vượt quá 110 triệu người.
Như vậy, Trung Quốc đang đi trước các nước khác trong việc phát triển mạng 5G. Thứ nhất, năng lực công nghệ tích lũy của các công ty viễn thông Trung Quốc góp phần vào việc này. Huawei vẫn là công ty dẫn đầu thế giới về tổng số bằng sáng chế 5G, vượt xa các đối thủ cạnh tranh châu Âu là Ericsson và Nokia. Nhìn chung, Trung Quốc chiếm hơn một phần ba tổng số bằng sáng chế và giải pháp công nghệ truyền thông thế hệ thứ năm quan trọng. Huawei, theo trang web công ty, đã ký hơn 90 hợp đồng thương mại khắp thế giới để xây dựng mạng 5G.
Hỗ trợ của nhà nước là chìa khóa thành công
Động lực quan trọng thứ hai cho sự phát triển 5G ở Trung Quốc là chính sách có mục tiêu của chính phủ nhằm kích thích đổi mới và xây dựng cái gọi là "cơ sở hạ tầng mới". Sự phát triển của các sáng kiến và cơ sở hạ tầng được phản ánh trong kế hoạch 5 năm do ban lãnh đạo Trung Quốc xây dựng cho đến năm 2025.
Cơ sở hạ tầng mới bao gồm mạng 5G, trạm sạc cho xe điện và trung tâm dữ liệu. Chính quyền Trung Quốc đặt nhiều hy vọng vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng mới, những đổi mới của chính họ và quá trình kỹ thuật số hóa để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững trong trung và dài hạn. Tất cả là do hiệu ứng cấp số nhân của việc số hóa. Theo tính toán của Oxford Economics, mỗi đô la đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số có thể tạo ra 20 đô la GDP. Chẳng hạn, những mạng 5G sẽ đặt nền tảng cho một loạt các ngành công nghiệp mới, Xu Canhao, giáo sư từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh và Đại học Baptist Hồng Kông cho biết:
“5G là một khái niệm rất lớn sẽ tác động đến toàn bộ cuộc sống công nghiệp trong vòng 5-10 năm tới. Ví dụ, các dịch vụ truyền thông quan trọng và công nghệ xe tự hành phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng 5G. Do đó, các mạng lưới thế hệ thứ năm sẽ thâm nhập vào toàn bộ hệ thống công nghiệp rất sâu và rộng, giống như ở thời của cung cấp nước và điện. Đồng thời, là một phần của cơ sở hạ tầng mới, sự phát triển của 5G có thể có tác động lớn đến lợi ích kinh tế. Đây là lý do tại sao Mỹ rất quan tâm đến 5G".
Ưu và nhược điểm của phát triển 5G ở Hoa Kỳ
Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc trong việc triển khai mạng 5G. Điều này chủ yếu là do nguyên nhân bên trong nước. Một phổ tần số duy nhất để xây dựng mạng thế hệ thứ năm vẫn chưa được xác định. Ngoài ra, nảy sinh những khó khăn nhất định trong việc xây dựng các trạm thu phát 5G, vì chủ sở hữu tư nhân của các tòa nhà và công trình, chủ sở hữu đất đai, v.v. không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho phép lắp đặt trên lãnh thổ của mình. Cuối cùng, Hoa Kỳ không có nhà sản xuất thiết bị viễn thông của riêng mình. Trước đó, chính quyền Trump bày tỏ ý định mua các nhà sản xuất thiết bị viễn thông của châu Âu, ví dụ như Ericsson hay Nokia, để đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ý tưởng này vẫn chưa được thực hiện.
Mặt khác, Hoa Kỳ, trái ngược với Trung Quốc, có một lợi thế công nghệ quan trọng: nước này chiếm vị trí gần như độc quyền trên thị trường thế giới về sản xuất chip và microcircuits được sử dụng trong các trạm 5G. Washington tích cực sử dụng lợi thế này để gây áp lực lên các công ty công nghệ Trung Quốc, áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với họ. Tuy nhiên, Trung Quốc nói chung đã phát triển một nền tảng công nghiệp phát triển, vì vậy sự phát triển của mạng 5G ở nước này diễn ra với tốc độ nhanh như vậy, chuyên gia Xu Canhao giải thích:
“Tôi nghĩ lý do chính khiến 5G phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc là do sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Đồng thời, các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE cũng đã tích lũy được kiến thức chuyên môn đáng kể trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng sản xuất và công nghiệp phát triển tốt ở Trung Quốc. Do đó, chúng ta có thể nói 5G ở Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn các nước còn lại trên thế giới, nhờ vào một loạt các lý do. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tụt hậu trong các lĩnh vực như sản xuất chip. Có một khoảng cách lớn ở đây với châu Âu và Hoa Kỳ. Nhưng từ quan điểm trực tiếp của các công nghệ truyền thông 5G, số lượng bằng sáng chế quan trọng nhất trong lĩnh vực này trên thế giới thuộc về Huawei và ZTE".
Hoa Kỳ thừa nhận sự tụt hậu so với Trung Quốc về công nghệ 5G
Hoa Kỳ cần phải hợp tác với giới công nghệ từ các quốc gia thân thiện để chống lại mối đe dọa từ sự dẫn đầu của Trung Quốc trong công nghệ 5G.
Đề xuất này được Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr đưa ra. Ông thừa nhận khoảng cách trong công nghệ 5G hiện tại giữa Washington với Bắc Kinh, và kêu gọi nhà nước can thiệp hỗ trợ các nhà sản xuất EU thân thiện.
«Thật tuyệt vời khi chúng ta kêu gọi các đối tác của mình không sử dụng thiết bị Huawei. Nhưng họ sẽ dùng thiết bị gì sau đó?», - Ông đặt ra câu hỏi. Theo ông, hiện tại Hoa Kỳ không có nhà sản xuất nào có thể cung cấp toàn bộ các giải pháp cho việc xây dựng mạng viễn thông thế hệ mới. Một số ít đối thủ của Huawei là các công ty châu Âu Ericsson và Nokia.
Tuy nhiên, rất khó để họ cạnh tranh với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc về giá cả. Các doanh nghiệp Trung Quốc Huawei và ZTE cung cấp khoảng 40% tổng số thiết bị viễn thông trên thế giới. Huawei chiếm hơn 30% thị trường tại EU, trong khi ngay trên “sân nhà” thì Ericsson và Nokia chỉ chiếm chưa đến một phần ba thị phần cho mỗi công ty.
Ông Barr cho biết Hoa Kỳ nên mua cổ phần kiểm soát tại Ericsson và Nokia bằng cách trực tiếp hoặc thông qua nhóm các công ty thân thiện từ Mỹ hoặc các quốc gia khác. Theo ông, để cạnh tranh với Huawei, các nhà sản xuất viễn thông châu Âu cần một đòn bẩy tài chính mạnh mẽ, cũng như một thị trường bán hàng rộng lớn. Hoa Kỳ, theo ông Barr, có thể đáp ứng cả hai điều này.
Barr không phải là người duy nhất đề nghị hợp tác với Ericsson và Nokia. Trước đó, cố vấn Tổng thống Hoa Kỳ về các vấn đề kinh tế, Larry Cadlow, đã tuyên bố Nhà Trắng lập liên doanh cùng với Ericsson và Nokia, cũng như với các công ty công nghệ Mỹ Microsoft, Dell, AT & T, phát triển phần mềm tiên tiến của riêng mình cho mạng 5G. Theo Cadlow, thách thức ở đây là xây dựng các tiêu chuẩn thống nhất cho phần mềm 5G, và đây là những tiêu chuẩn được công nhận trên toàn thế giới. Đồng thời, điều quan trọng là phần mềm được phát triển sẽ hoạt động trên mọi thiết bị.
Hoa Kỳ đã nhiều lần đổ lỗi cho Huawei về việc sử dụng cấp chính phủ và do đó duy trì lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, Washington cáo buộc nhà sản xuất Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với nhà nước và lo ngại Huawei có thể tham gia vào các hoạt động gián điệp. Công ty đã bác bỏ điều đó. Bây giờ Hoa Kỳ nhận ra họ đang thua trong cuộc đua công nghệ, và bắt đầu cũng nghĩ đến sự hỗ trợ của chính phủ, chuyên gia Gong Honglie từ Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam Kinh.
«Hoa Kỳ có truyền thống dựa vào các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy sự đổi mới phát triển. Nhưng trong trường hợp của 5G, các công ty tư nhân không phải lúc nào cũng có thể dự đoán đúng xu hướng hoặc huy động được các nguồn lực cần thiết. Nhưng ở Trung Quốc, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này, phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Do đó chúng tôi đã vượt lên trước. Washington nhận ra điều này. Và họ hy vọng vào sự can thiệp của nhà nước trong việc phát triển hệ thống 5G. Tôi nghĩ vấn đề này phát sinh ở nhiều cấp độ tương tác giữa hệ thống kinh tế Trung Quốc và Mỹ».
Hệ thống kinh tế và pháp lý của Mỹ, thực sự, đã trở thành một trở ngại cho sự phát triển công nghệ 5G. Ngay cả các mạng di động hiện tại, về chất lượng phủ sóng ở Mỹ cũng không thể so sánh được với Trung Quốc. Khách du lịch đã nhiều lần lưu ý: ở Trung Quốc, vùng phủ sóng 4G ổn định ngay cả ở những khu vực núi cao khó tiếp cận nhất. Còn tại Hoa Kỳ, dọc theo đường cao tốc liên tỉnh, trong các công viên quốc gia, thậm chí ở Grand Canyon nổi tiếng thế giới, thông tin liên lạc di động hoạt động không liên tục.
Tại Hoa Kỳ, hầu hết đất đai và bất động sản đều tập trung vào tay tư nhân. Để xây dựng trạm thu phát sóng và ăng ten, nhà khai thác viễn thông phải thỏa thuận với chủ sở hữu đất hoặc công trình. Đồng thời, nhà nước không thể áp đặt điều kiện, hoặc buộc chủ sở hữu phải cung cấp đất của mình cho cơ sở hạ tầng di động.
Trong trường hợp mạng 5G, vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Do Hoa Kỳ cho đến nay chỉ có thể phân bổ tần số siêu cao cho mạng truyền thông thế hệ mới, nên các trạm thu phát phải được lắp đặt gần như cứ mỗi 150-200 m để đảm bảo hoạt động ổn định. Ngoài ra, ở tần số cực cao, tín hiệu không đi qua được các bức tường bê tông. Do đó các trạm phát cũng phải lắp đặt trong các tòa nhà. Trong tình huống như vậy, vấn đề thực tế trở nên không thể giải quyết.
Rõ ràng cần phải thay đổi hệ thống quan hệ sở hữu tư nhân đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ, hoặc chọn một phổ tần số khác. Hơn nữa gần như cả thế giới đã chọn băng tần C để phát triển mạng 5G — phổ tần dưới 6 GHz. Vấn đề là trong dải này, cả ở EU và Hoa Kỳ, đều dành cho thông tin liên lạc, các thiết bị quân đội và các dịch vụ đặc biệt. Tại EU, vấn đề được giải quyết một cách đơn giản: họ bắt đầu phân chia dải tần này cho mục đích quân sự và dân sự. Nhưng tại Liên bang Nga chẳng hạn, các nhà khai thác di động đã bị cấm chia sẻ tần số với các dịch vụ đặc biệt cho đến khi thiết bị nội địa độc quyền được sử dụng trong các mạng viễn thông. Rõ ràng Hoa Kỳ cũng gặp phải vấn đề tương tự. Đây có lẽ là lý do tại sao ông Tổng chưởng lý đề xuất việc người Mỹ sở hữu cổ phần kiểm soát với các nhà sản xuất viễn thông châu Âu để sử dụng dải tần số tối ưu và giải quyết vấn đề phát triển mạng 5G.
Hiện giờ Hoa Kỳ đang tìm mọi cách để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 đã đưa Huawei vào danh sách đen, cấm các đối tác Mỹ cung cấp phần cứng và phần mềm. Do đó các mẫu điện thoại thông minh mới của Huawei đã bị cắt khỏi cửa hàng ứng dụng Google Play.
Tuy nhiên Trung Quốc không ngồi yên, và đang cố gắng đáp trả sự thống trị của công nghệ Mỹ. Bốn công ty Trung Quốc Xiaomi, Huawei, Oppo và Vivo đang hợp tác để tạo ra một nền tảng cho các nhà phát triển bên ngoài Trung Quốc, để tải chương trình xuống tất cả các cửa hàng ứng dụng của họ cùng một lúc, theo tin từ Reuters. Theo các nhà phân tích, một giải pháp như vậy được thiết kế để thách thức sự thống trị của Google Play. Trang web nguyên mẫu sẽ hoạt động tại 9 khu vực thí điểm, bao gồm Nga, Ấn Độ và Indonesia. Như vậy các công ty Trung Quốc muốn thu hút các nhà phát triển ứng dụng trên toàn thế giới. Bởi vì hiện giờ, do tính kinh tế và quy mô, họ chỉ có lợi khi phát triên các sản phẩm dành cho iOS hoặc Android, chứ không phải cho các hệ thống khác.
Trong khi đó, bên trong nội bộ Hoa Kỳ cũng không có một quan điểm thống nhất về việc phải làm gì đối với Trung Quốc. Một nghịch lý là Lầu Năm Góc chống lại hạn chế của Bộ Thương mại về hợp tác của doanh nghiệp Mỹ với đối tác Trung Quốc. Lầu Năm Góc cảnh báo: điều này không kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, nhưng sẽ đánh vào các công ty Mỹ, làm họ mất thị trường lớn của Trung Quốc và bỏ lỡ hàng tỷ đô la có thể được đầu tư vào nghiên cứu phát triển. Sau đó Hoa Kỳ chắc chắn sẽ mất vị thế dẫn đầu nền công nghệ thế giới.
Nguồn Sputnik
{full_page}
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.