Type Here to Get Search Results !

Tìm hiểu Nguyên lý 80/20

Nguyên lý 80/20 có nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ nguyên lý 80/20, phép tắc 80/20, định luật 2/8, nguyên lý Pareto, hiệu ứng Pareto, phép tắc tiết kiệm nhất, nguyên tắc bất cân xứng, v.v. Như vậy để tiện xưng hô, xin độc giả cho phép tôi sử dụng thuật ngữ “nguyên lý 80/20″ để biểu thị.

Như vậy nguyên lý 80/20 rốt cuộc là gì? Có thể rất nhiều người đã sớm biết rồi, ít nhất chỉ cần nghe qua danh từ ‘nguyên lý 80/20’ thì giới kinh doanh đều cảm thấy quen thuộc. Nguyên lý 80/20 trong giới thương nghiệp có rất nhiều người biết, có thể nói là thuộc phạm trù cơ bản thường thức. Mặc dù nguyên lý 80/20 được biết đến rộng rãi, nhưng nguồn gốc, cơ chế, và lai nguyên của nó thì không mấy người có thể nói rõ được.

Để bổ sung khiếm khuyết nói trên, loạt bài này sẽ đi vào phân tích một số ý nghĩa quan trọng của nguyên lý 80/20 và thiết lập mô hình sinh mệnh khác hẳn với mô hình cơ giới của khoa học thực chứng. Để phân tích sâu hơn, trước hết chúng ta phải miêu tả một số nhận thức cơ bản về nguyên lý 80/20.


Một số cách biểu đạt của nguyên lý 80/20


Như vậy tiếp theo chúng ta sẽ đưa ra một số cách diễn đạt thông thường của nguyên lý 80/20. Trước tiên chúng ta hãy nói về cách diễn đạt kinh điển nhất—nguyên lý Pareto. Theo nguyên lý Pareto, thông thường 80% hồi báo, sản xuất và kết quả của chúng ta đến từ 20% đầu vào, nỗ lực và nguyên nhân; tức là chỉ 20% đầu vào quyết định 80% đầu ra. Đây là một cách biểu đạt tương đối mang tính sản xuất-tiêu thụ. Nếu như đổi thành ngôn ngữ kinh doanh thì thông thường 80% lợi nhuận của doanh nghiệp đến từ 20% hạng mục hoặc khách hàng trọng yếu. Tiếp theo, thông qua phát triển lâu dài, nguyên lý 80/20 được ứng dụng trong khoa học về quản lý, rằng 80% giá trị sáng tạo của một doanh nghiệp đến từ 20% nhân tố, và 20% giá trị kia đến từ 80% nhân tố còn lại. Ở đây chúng ta hình như chỉ đổi chữ “lợi nhuận” thành “giá trị”. Từ góc độ doanh số của sản phẩm hoặc kinh doanh của doanh nghiệp mà mở rộng ra, Pareto còn phát hiện ra rằng trong xã hội, thường thì 20% tổng dân số và tổng số người giàu nắm giữ 80% của cải trong xã hội. Những cách nói trên đây tuy khác nhau, nhưng đều thuộc về hình thức diễn đạt của Pareto, thuộc góc độ sáng tạo ra của cải.

Ngoài ra, nguyên lý 80/20 còn có hình thức biểu đạt là “nguyên tắc tiết kiệm công của Zipf” (đương nhiên điều này không thuộc phạm trù sáng tạo ra của cải, mà là một loại biểu thuật về hiệu suất công việc). “Nguyên tắc tiết kiệm công của Zipf” cho rằng, các loại tài nguyên mà doanh nghiệp sử dụng (bao gồm nhân lực, hàng hóa, thời gian, kỹ xảo và các tài nguyên mang tính sản xuất khác) đều tồn tại một loại tự điều chỉnh để thực hiện xu hướng tối thiểu hóa lượng công việc. Cũng là nói rằng, chúng điều chỉnh đến khi 20-30% tài nguyên quyết định 70-80% hoạt động sản xuất liên quan. Đây là cách biểu đạt Zipf (Zipf’s law) của nguyên lý 80/20. Ngoài ra, nguyên lý 80/20 còn có cách biểu thuật về “thiểu số chính yếu” của chuyên gia quản lý chất lượng nổi tiếng Juran; đây cũng là cách biểu thị thuộc về hiệu suất.

Chúng ta biết rằng, trước khi nguyên lý 80/20 được phổ biến rộng rãi, tuyệt đại đa số doanh nghiệp đều cho rằng tính trọng yếu của toàn bộ khách hàng của họ là như nhau. Điều này là nhất trí với tư duy “lượng tính” trong khoa học thực chứng mà Newton khai sáng, cũng là nói rằng với chỉnh thể “hệ thống Newton”, công năng và ý nghĩa của một yếu tố so với yếu tố khác là như nhau; chúng chỉ khác nhau về số lượng hoặc lớn nhỏ, chứ không khác nhau về “chất tính”. Chỉ dưới sự bảo chứng của nguyên tắc “lượng tính” không có “chất tính” này thì phương pháp vi phân mà Newton khai sáng và thủ đoạn “phân chia” của khoa học thực chứng mới có thể được thành lập. Chẳng phải trước đây chúng ta đã từng nói về ví dụ “lợn và nhân bánh” hay sao? Nói đến vấn đề này, cũng là nói “chất tính” đã mất đi thuộc tính sinh mệnh rồi. Tuy nhiên nguyên lý 80/20 lại thay đổi cách nhận thức truyền thống của chúng ta. Nguyên lý 80/20 nói với chúng ta về một “hiện tượng bất cân xứng” giữa đầu vào và đầu ra trong sản xuất, thế nhưng loại “hiện tượng bất cân xứng” này lại tồn tại rộng rãi trong cuộc sống của con người, bởi vậy nguyên lý 80/20 đã trở thành phép tắc cơ bản thông dụng nhất trong lĩnh vực thương nghiệp hiện nay. Kỳ thực cái gọi là “hiện tượng bất cân xứng” này chẳng phải chính là “năng lượng không bất biến” hay sao?! Do đó rất nhiều người không dám nghĩ tới hoặc không dám nói ra, bởi vậy nguyên lý 80/20 thực ra đã lật đổ tư duy của nhân loại. Chính bởi nó mang tính lật đổ, nên Thomas Kuhn mới gọi nó là một cuộc “cách mạng khoa học”. Bởi vì chẳng mấy ai có thể giải thích được nguồn gốc của nguyên lý 80/20, nên nguyên lý 80/20 đã trở thành một loại kết luận mặc nhiên mà người ta chỉ mải mê ứng dụng mà thôi.

Lịch sử phát triển của nguyên lý 80/20


Như vậy nguyên lý 80/20 vì sao có nhiều tên gọi và nhiều cách biểu đạt khác nhau? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta nhất định phải nói về ngọn nguồn phát hiện ra nguyên lý 80/20.

Thực ra nguyên lý 80/20 không phải do một cá nhân phát hiện trong một lần, mà do nhiều cá nhân phát hiện trong nhiều lần, hoặc phát hiện lại. Lần phát hiện đầu tiên của nguyên lý 80/20 là vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 bởi nhà kinh tế học kiêm xã hội học người Ý Vilfredo Pareto. Pareto phát hiện thấy 80% số của cải ở Ý là do 20% số người sở hữu, hơn nữa đây là xu thế kinh tế tồn tại mang tính phổ biến. Do đó Pareto cho rằng trong một quần thể đặc định nào đó, các nhân tố trọng yếu thông thường chiếm thiểu số, còn nhân tố không trọng yếu lại chiếm đa số. Bởi vậy căn cứ phát hiện này trong nguyên lý 80/20, chúng ta chỉ cần khống chế các nhân tố thiểu số trọng yếu này là có thể khống chế được toàn cục.

Nhưng đáng tiếc là mặc dù Pareto đã nhận thức được tính trọng yếu và ứng dụng rộng rãi của nguyên lý 80/20, ông không hề có giải thích thuyết phục nào về nguyên lý này. Thay vào đó, Pareto tiến tới một loạt nghiên cứu lý luận xã hội học khá thu hút nhưng rất lộn xộn. Những lý luận này lấy nghiên cứu tinh anh trong xã hội làm trung tâm. Điều đáng tiếc hơn nữa chính là vào những năm cuối đời, Pareto đã từ bỏ những lý luận xã hội học này để chuyển sang gia nhập chủ nghĩa phát-xít của Mussolini. Do đó ý nghĩa trọng yếu của nguyên lý 80/20 đã bặt vô âm tín trong một thời gian dài. Mặc dù rất nhiều nhà kinh tế học, đặc biệt các nhà kinh tế học người Mỹ đã nhận thức được tính trọng yếu của nguyên lý 80/20, mãi cho tới sau chiến tranh thế giới lần thứ hai mới xuất hiện hai lý luận kế thừa và phát triển nguyên lý 80/20. Một là “nguyên tắc tiết kiệm công” mà chúng ta đã đề cập ở trước do George K.Zipf, Giáo sư ngôn ngữ Đại học Harvard, phát hiện. Năm 1949, Zipf đã phát hiện ra “nguyên tắc tiết kiệm công”, trên thực tế là phát hiện lại và trình bày tường tận nguyên lý Pareto.

Còn có một người tiên phong đẩy mạnh sự phát triển nguyên lý 80/20, đó chính là chuyên gia quản lý chất lượng người Mỹ gốc Rumani sinh năm 1904, công trình sư Joseph Moses Juran. Juran là người có công đằng sau cuộc cách mạng về chất lượng từ những năm 50-90 thế kỷ 20. Năm 1924, Juran gia nhập công ty điện khí Western Electric, chi nhánh công ty sản xuất điện thoại Bell Telephone System, và bắt đầu sự nghiệp kỹ sư công nghiệp của mình. Sau đó, Juran trở thành một nhà tư vấn về quản lý chất lượng trong ngành công nghiệp. Thành tựu vĩ đại của Juran là ông đã kết hợp các phương pháp thống kê học khác nhau và vận dụng nguyên lý 80/20 để tìm ra nguyên nhân thiếu sót của sản phẩm, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm. “Sổ tay kiểm soát chất lượng” của Juran được xuất bản năm 1951. Đây là một tác phẩm đánh dấu thời đại mới, trong sách tán dương cao độ nguyên lý 80/20. Tuy nhiên thời bấy giờ nó không thu hút được hứng thú của doanh nghiệp lớn nào tại Mỹ. Năm 1953, Juran nhận lời mời đến Nhật Bản dạy học và tại Nhật, ông gây ra tiếng vang lớn. Từ đó, Juran ở lại giúp một số công ty Nhật Bản cải tiến chất lượng và phẩm chất sản phẩm. Cho đến những năm 1970, khi sự phát triển công nghiệp của Nhật Bản đã trở thành mối đe dọa ngày càng rõ ràng với nước Mỹ thì các nước Tây phương mới bắt đầu coi trọng lý luận của Juran. Sau đó, Juran trở về Mỹ và bắt đầu thúc đẩy giới công nghiệp Mỹ triển khai cải cách giống như tại Nhật Bản. Dưới sự khởi xướng và thực hành của Juran, nguyên lý 80/20 đã trở thành hòn đá tảng trong cuộc cách mạng về quản lý chất lượng trên toàn cầu.

Tóm lại, cho dù là Pareto người Ý hay là người Mỹ gốc Rumani Juran, nguyên lý 80/20 đã trải qua lịch trình không hề thuận buồm xuôi gió. Không biết liệu có phải bởi vì nguyên lý 80/20 tiết lộ một số thiên cơ ở không gian cao tầng? Hay là một số sinh mệnh cao tầng không muốn để nhân loại biết được nguyên lý 80/20?

Ứng dụng rộng rãi của nguyên lý 80/20


Hiện nay nguyên lý 80/20 được ứng dụng rộng rãi tại rất nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới, chứ không chỉ giới hạn trong sản xuất kinh doanh hay kinh tế. Chúng ta có thể lấy một số ví dụ như sau.

Đầu tiên, về phương diện tiêu thụ sản phẩm, lượng khách hàng mục tiêu có thể giúp bạn đẩy mạnh tiêu thụ trong tổng số khách hàng chỉ có 20%, thế nhưng những người này lại ảnh hưởng đến 80% khách hàng khác, bởi vì họ là lãnh tụ trong nhu cầu chi tiêu, còn 80% kia chỉ là người chạy theo mà thôi. Do đó bạn phải sử dụng 80% tinh lực để tìm kiếm 20% số khách hàng kia. Cũng là nói rằng, 80% công trạng của bạn đến từ 20% khách hàng kia. Ngoài ra, việc nhân viên bán hàng hiểu được khách hàng mục tiêu và nhu cầu khách hàng là vô cùng trọng yếu. Hiểu được khách hàng có thể chiếm 80% nhân tố thành công, còn trực tiếp chào hàng có thể chỉ chiếm 20% nhân tố, do vậy hiểu được điều này giúp xác suất thành công của bạn lên tới 80%. Nếu bạn không hiểu gì về đối tượng tiêu thụ, thì cho dù bạn nỗ lực hết 80%, hy vọng thành công của bạn chỉ có 20%.

Bạn còn cần chú ý rằng, việc bạn giúp khách hàng có được ấn tượng ban đầu là phi thường trọng yếu, mà 80% ấn tượng ban đầu này đến từ biểu hiện bên ngoài của bạn, do đó trước mặt khách hàng bạn phải tập trung 80% tinh lực để tươi cười. Tiếp theo, khi tiếp xúc với khách hàng, bạn cần học cách lắng nghe, và cần dùng 80% thời gian để lắng nghe nhu cầu khách hàng. Nếu như 80% thời gian này bạn cứ thao thao bất tuyệt, thì hy vọng thành công của bạn giảm xuống chỉ còn 20%; nghĩa là bạn chỉ cần dùng 20% lời nói để thuyết phục khách hàng là được rồi. Ngoài ra, khi bạn xây dựng quan hệ nghiệp vụ với khách hàng, thì 80% đến từ tình cảm giao lưu chứ không phải giới thiệu sản phẩm. Nếu bạn dùng 80% tinh lực để tạo quan hệ với khách hàng, tìm cách thể hiện hữu hảo với khách hàng, thì bạn chỉ cần dùng 20% thời gian để giới thiệu sản phẩm là khả dĩ rồi, mà vẫn có 80% hy vọng thành công. Nếu bạn chỉ dùng 20% nỗ lực để giao tình với khách hàng, còn 80% tinh lực để giới thiệu sản phẩm, thì 80% kết quả của bạn có thể là phí công vô ích. Ở trước chúng ta đã nói về sự khác biệt giữa “văn hóa bán hàng” và “văn hóa kỹ sư” mà! Năng lực tiêu thụ cũng biểu hiện trong cách giao tế bằng Thiện chứ không chỉ là giao tiếp đơn thuần. Như vậy điều trọng yếu nhất khi giao tế với khách hàng là gì? Tất nhiên là giao lưu tình cảm, nó còn quan trọng hơn cả giới thiệu và ca ngợi sản phẩm; thậm chí nếu bạn quá khoe khoang sản phẩm trái lại dẫn tới phản cảm của khách hàng.

Ngoài ra, khi tiêu thụ sản phẩm, 80% khách hàng đều sẽ nói giá cả sản phẩm của bạn là quá cao. Thế nhưng bạn không cần phải dùng 80% lời nói để mặc cả với khách hàng, mà phải tập trung 80% tinh lực để chứng minh sản phẩm của bạn có thể giúp ích khách hàng lớn hơn nữa, nghĩa là 80% nỗ lực của bạn nên đặt vào việc dẫn dắt khách hàng, đây là quan trọng nhất. Còn bạn chỉ cần dùng 20% tinh lực để chứng minh vì sao thứ của bạn có giá cao như thế là đã đủ rồi.

Thêm nữa, khi tiêu thụ trong thực tiễn, 80% thử nghiệm của nhân viên bán hàng có thể dẫn tới thất bại, và 80% nhân viên bán hàng sẽ thấy khó quá mà rút lui. Nhưng 80% thành công trong bán hàng được cho là do tố chất cá nhân và kỹ xảo khai thông của cá nhân chứ không phải bản thân sản phẩm. Tuy nhiên 80% nhân viên bán hàng không hề vì thế mà nỗ lực đề cao nghiệp vụ bản thân hoặc trình độ khai thông, mà lại oán trời trách người hoặc chờ đợi tiêu cực. Từ một phương diện khác, thường chỉ có 20% nhân viên bán hàng thành công, mà 20% này lại thường dẫn tới 80% lợi ích của doanh nghiệp.

Trên đây chúng ta đã liệt kê các ứng dụng rộng rãi của nguyên lý 80/20 trong lĩnh vực bán hàng. Sau đây chúng ta sẽ nói về ứng dụng của nguyên lý 80/20 trong những lĩnh vực khác, chẳng hạn trong quan hệ giao tế, hoặc khi hiểu biết bạn bè, có thể hơn một nửa thuộc về sơ giao. Chỉ cần bạn có điều gì tốt, thì họ sẽ đua nhau tới bên bạn; chỉ cần bạn có chỗ nào khó, thì họ sẽ đều tránh xa bạn. Tuy nhiên mấy người bạn của bạn có thể mới là tri kỷ thực sự, gọi là ‘tâm đầu ý hợp’. Do đó về phương diện tình cảm, bạn phải đầu tư vào bộ phận nhỏ những người này nhiều hơn tổng số lớn còn lại. Bởi thế các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, chúng ta nên đầu tư 80% thời gian trong xử lý 20% quan hệ giao tế trọng yếu. Chúng ta còn có thể lấy một số ví dụ khác trong sinh hoạt xã hội, chẳng hạn 20% tội phạm thường gây ra 80% số vụ phạm tội; 20% lái xe thường gây ra 80% tai nạn giao thông; 20% người kết hôn thường “gây ra” 80% số vụ ly hôn; 20% trẻ em thường nhận được 80% tài nguyên giáo dục khả dụng. Ngoài ra, trong cuộc sống gia đình, 20% tấm thảm thường nhận được 80% số lần dẫm chân lên; 80% thời gian ăn diện của bạn chỉ đến từ 20% số y phục.

Một nhà tâm lý học khác còn cho rằng, chỉ 20% số người tập trung 80% trí tuệ. Còn về phương diện quản lý thời gian, 20% hạng mục chủ yếu của chúng ta có thể dẫn tới 80% thành quả trong công tác; hơn nữa trong rất nhiều tình huống, thời gian của 20% đầu việc mang lại hiệu quả và lợi ích lên tới 80%. Nguyên lý 80/20 chính là nói với chúng ta rằng: nên chú trọng chất lượng hơn số lượng (quý hồ tinh bất quý hồ đa). Từ đó có thể thấy rõ, nguyên lý 80/20 là một “nguyên lý hiệu suất”.

Tiếp theo chúng ta lại nói về ứng dụng của nguyên lý 80/20 trong “lĩnh vực cứng”, hay khoa học kỹ thuật. Ví dụ năm 1963, công ty IBM phát hiện thấy khoảng 80% thời gian của một máy tính được dành để thực hiện khoảng 20% mã điều hành. Từ đó công ty IBM lập tức đổi mới phần mềm điều hành, để 20% số mã kia dễ tiếp cận hơn và thân thiện với người sử dụng hơn. Trải qua lần cải tiến này, trong phần lớn lĩnh vực ứng dụng, máy tính của công ty IBM ngày càng có hiệu suất cao hơn và nhanh hơn so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, 80% năng lượng đã bị lãng phí, chỉ có 20% năng lượng là sản sinh động lực, thế nhưng 20% đầu vào này đã tạo nên 100% đầu ra.

Trên đây là một số ví dụ về ứng dụng nguyên lý 80/20 mà tôi nghĩ chúng ta đưa ra như vậy đã tương đối đủ. Tất nhiên đây không phải chỗ mấu chốt mà chúng ta cần thảo luận trong loạt bài này, bởi vì cơ chế đằng sau nguyên lý 80/20 mới là điều chúng ta thực sự quan tâm. Do đó những điều tôi trình bày ở trên thì thực ra đại đa số chúng ta có thể lấy từ trên mạng, không có gì là quá mới mẻ cả.

Lật đổ nhận thức của chúng ta về đa số và thiểu số


Bởi vì chúng ta sống trong một thế giới lấy vật chất làm chủ đạo, nên chúng ta rất dễ lấy cái nhìn và tư duy đã bị vật chất hóa để xem xét hết thảy. Nhưng bản thân vật chất lại khá là “lượng tính”. Ví như khi nhận thức mỗi thành viên trong tổ chức, chúng ta thường có tư duy “mỗi người một phiếu”. Theo cách tư duy này, ý nghĩa tồn tại của một cá nhân với cá nhân khác là đều như nhau; đối với cống hiến cho chỉnh thể cũng như vậy, hoặc quyền lợi cũng như vậy. Đây chính là “nhận thức thông thường” trước khi nguyên lý 80/20 được phát hiện. Thế nhưng loại tư tưởng “người người đều bình đẳng” này hình như là điều nhân loại vẫn theo đuổi, hoặc là mơ mộng. Tất nhiên bài văn này không phải phản đối tư tưởng dân chủ, hoặc là lời bào chữa cho các chế độ chuyên chế. Bởi vì Lý của thế gian con người và Lý của không gian cao tầng là phản đảo; cái gọi là “bình đẳng” mà con người thế gian truy cầu cũng không có gì đáng trách. Tuy nhiên khi nhân tố không gian cao tầng thấm nhập vào nhân loại, thì con người trở nên cực kỳ nhỏ bé, mờ mịt, bối rối; thực ra phép tắc 80/20 cũng là tình huống như vậy. Cũng là nói rằng trong xã hội nhân loại có rất nhiều sự tình có liên quan tới vũ trụ cao tầng và phải phù hợp với Lý ở tầng thứ cao, tức là Lý của con người bị Lý của không gian cao tầng chế ước. Rất nhiều việc nhỏ ở không gian nhân loại thì không gian cao tầng không trực tiếp quản; đó là thuộc về “nghiệp lực luân báo” mà Phật gia giảng, là lựa chọn của bản thân con người. Nhưng rất nhiều sự việc lớn ở nhân gian thì đều có quan hệ với không gian cao tầng. Những sự việc này, Thần nhất định phải quản, hơn nữa còn dùng “Lý của Thần” để quản, tức là phải dùng lô-gíc ở cao tầng để quản. Xoay ngược lại mà giảng, ở thế gian con người, phàm là sự tình mà Thần phải quản thì nhất định là đại sự, nhất định có ý nghĩa càng cao hơn nữa. Do đó khi lý giải một số đại sự ở thế gian con người, chúng ta nhất định phải cải biến phương thức tư duy, học cách sử dụng lô-gíc ở tầng thứ cao để xét vấn đề, thì mới có thể nhìn rõ được, hiểu thấu được. Nếu như chúng ta không cải biến tư duy, thì dẫu Thần có mang thứ gì đó đặt trước mắt chúng ta, e rằng chúng ta cũng không nhìn thấy gì, thậm chí còn cười lớn, chính như Lão Tử giảng: “Bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo” (Không cười thì đó không phải là Đạo)!

Tiếp theo chúng ta lại bàn xem, nguyên lý 80/20 đã lật đổ nhận thức của chúng ta về đa số và thiểu số như thế nào. Chúng ta vẫn một mực cho rằng trong hành vi của quần thể thì cần tuân theo ý nguyện của đa số, phải lấy phương thức 51% phủ nhận 49% để biểu đạt ý nguyện của quần thể. Tuy nhiên pháp tắc 80/20 đã nói với chúng ta một quy tắc hoàn toàn không phải là “mỗi người một phiếu”. Pháp tắc 80/20 khẳng định rằng “thiểu số trọng yếu” thường chi phối “đa số thứ yếu”, ý nguyện của 20% số người thường có thể chi phối ý nguyện của 80% số người còn lại. Bởi vì người với người là bất đồng. Đây chính là khác biệt giữa “quần thể tinh anh” và “quần thể đại chúng”. Theo pháp tắc 80/20, có lúc 20% là “thiểu số” mà chúng ta không thể vứt bỏ được, và có lúc 80% lại là “đa số” mà chúng ta không nhất định phải băn khoăn.

Trên đây đều là suy luận mạnh dạn của bản thân tôi. Tôi chỉ là biểu đạt một loại tư tưởng, chính là “cách mạng về nhận thức” của phép tắc 80/20, nguyên lý đảo lộn cách nhìn và tư duy của nhân loại. Nếu như chúng ta làm một cuộc “cách mạng” về phương thức tư duy, thì sẽ thấy những sự việc xung quanh chúng ta đem lại điều mới mẻ hoàn toàn. Chẳng hạn như bộ phim “2012″, rõ ràng là một lời cảnh tỉnh đối với nhân loại. Có thể khá nhiều người sau khi xem xong đều có chung một kết luận, đó là không cần đi làm nữa, mau đi chu du thế giới thôi! Điều này cũng rất giống một bệnh nhân mắc chứng nan y, bác sĩ nói: “Anh về nhà thích cái gì thì cứ ăn cái đó nhé!”

Tác giả: Tiểu Nham
Nguồn bài viết trích từ chanhkien.org

Đăng nhận xét

1 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
  1. Nặc danh31 tháng 3

    Thanks a lot for remind on this principle with more explanation !

    Trả lờiXóa