Type Here to Get Search Results !

Làm Chủ Các Mối Quan Hệ


Khi nói về việc "Làm Chủ" người ta sẽ nghĩ ngay đến việc kinh doanh, kiếm tiền,... cảm xúc. Nhưng ít ai quan tâm đến việc "Làm chủ các mối quan hệ". Đó dường như là một sai lầm, đặc biệt là nơi bạn đang sống trên đất nước này và ngôn ngữ bạn đang dùng chủ đạo là Tiếng Việt.

“Tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội”- Andrew Carnegie , ông vua thép của Mỹ đã từng nói. Vậy làm sao để có được những mối quan hệ xã hội, hãy bắt đầu từ những việc đơn giản và cụ thể mà bạn có thể làm được.

Thực lực bạn có, tiền bạn không thiếu nhưng vì sao vẫn luôn thất bại hoặc giả như không thất bại thì có làm cũng không bằng người ta, dù điều kiện của bạn chưa chắc thua kém họ. Tôi đang nói đến "Các mối quan hệ" và cách mà bạn "quan tâm" tới nó. Khi sự quan tâm chưa đúng mức thì thôi không có gì để mà "làm chủ". Không phải chỉ ở Việt Nam hay Châu Á thôi đâu, mà bất cứ nơi nào bạn đặt chân đến, nơi ấy, "mối quan hệ" quyết định sự thịnh vượng của bạn.

Làm chủ mối quan hệ là gì?
Làm chủ mối quan hệ chính là khả năng nhận thức về cảm xúc của mình và của người khác, nhằm kiểm soát các mối tương tác một cách hiệu quả. Điều này đảm bảo sự rõ ràng trong giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn hiệu quả.
Làm chủ mối quan hệ còn là sự gắn bó mà bạn tạo dựng với những người khác qua thời gian. Những người kiểm soát tốt các mối quan hệ sẽ thấy việc kết giao với nhiều dạng người rất có lợi, cho dù không phải ai họ cũng quý mến. Những mối quan hệ bền chặt là điều mà chúng ta ai cũng cố gắng tìm kiếm và vun đắp. Đó là kết quả của việc bạn hiểu người khác như thế nào, đối xử với họ ra sao và những gì bạn đã có với nhau.

Mặc dù làm chủ mối quan hệ là yếu tố thứ hai trong năng lực xã hội, nhưng kỹ năng này thường gây ảnh hưởng đến khả năng của bạn về ba kỹ năng trí tuệ cảm xúc đầu tiên: tự nhận thức, làm chủ bản thân và nhận thức xã hội.

Chất lượng mối quan hệ

Mối quan hệ giữa bạn với những người chung quanh càng lỏng lẻo bao nhiêu, họ càng khó hiểu bạn bấy nhiêu. Nếu bạn muốn người khác lắng nghe mình, bạn phải thực tập kỹ năng làm chủ mối quan hệ và tìm kiếm lợi ích từ tất cả các mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ khó khăn. Điểm khác nhau giữa sự tương tác và mối quan hệ nằm ở tính thường xuyên. Mối quan hệ chính là sản phẩm của chất lượng, sự sâu sắc và thời gian bạn dành ra để tương tác với người khác.


Làm chủ mối quan hệ đặt ra thách thức lớn nhất đối với hầu hết mọi người trong những giai đoạn căng thẳng. Những tình huống thách thức và căng thẳng nhất mà người ta đối mặt là trong công việc. Mâu thuẫn nơi công sở có khuynh bộc phát khi người ta tránh né các vấn đề một cách thụ động, bởi họ thiếu kỹ năng cần thiết để khơi gợi một cuộc nói chuyện thẳng thắn nhưng mang tính xây dựng. Mâu thuẫn trong công việc sẽ bùng nổ khi người ta không kiểm soát được cơn giận hoặc nỗi thất vọng của mình và chọn cách lôi ra trút lên đầu người khác. Làm chủ mối quan hệ mang đến cho bạn những kỹ năng cần thiết để tránh được cả hai viễn cảnh nói trên và để sự tương tác giữa bạn với những người khác mang lại kết quả tốt nhất.

Trên thực tế, mọi mối quan hệ đều cần được đầu tư nhiều công sức, ngay cả với những mối quan hệ bền chặt nhất tưởng như không cần nỗ lực gì thêm nữa. Ai cũng từng nghe về điều này, nhưng liệu chúng ta đã thật sự hiểu hay chưa?

Xây dựng và nuôi dưỡng một mối quan hệ cần thời gian, nỗ lực và bí quyết. Bí quyết ở đây chính là trí tuệ cảm xúc (EQ). Nếu bạn muốn có một mối quan hệ bền vững và phát triển theo thời gian, trong đó những nhu cầu của bạn và của đối phương đều được thỏa mãn, thì kỹ năng EQ cuối cùng – làm chủ mối quan hệ – chính là cái bạn cần.

May mắn thay, các kỹ năng làm chủ mối quan hệ này đều có thể học được và chúng có liên quan đến ba kỹ năng còn lại của EQ mà bạn đã quen thuộc – tự nhận thức, làm chủ bản thân và nhận thức xã hội. Bạn dùng những kỹ năng tự nhận thức để nhận biết về cảm xúc của mình và đánh giá xem những nhu cầu của mình có được thỏa mãn hay không. Bạn dùng những kỹ năng làm chủ bản thân để thể hiện cảm xúc của mình và hành động vì lợi ích của mối quan hệ. Cuối cùng, bạn sử dụng kỹ năng nhận thức xã hội để hiểu rõ hơn về nhu cầu và cảm xúc của người khác.

Xây dựng mối quan hệ


PHƯƠNG PHÁP NÂNG CAO KỸ NĂNG LÀM CHỦ MỐI QUAN HỆ

1. Hãy Cởi Mở Và Ham Tìm Hiểu

Chúng tôi có thể hình dung một số bạn đọc thầm nghĩ, “Cái ông tác giả này, chẳng lẽ tôi phải cởi mở và tò mò tọc mạch chuyện của mọi người ở sở làm ư? Tôi chỉ cần hoàn thành dự án của mình và những việc người ta trả lương thôi được không, càng ít đụng chạm càng tốt chứ?” Thật ra việc thiết lập, xây dựng và duy trì các mối quan hệ đều là một phần trong công việc của bạn – ngay cả khi bạn chỉ làm chung với một người đi chăng nữa. Việc nuôi dưỡng, duy trì các mối quan hệ có thể không phải là trách nhiệm công việc của bạn và thậm chí không ai nhắc tới, nhưng để thành công, một thái độ cởi mở và hiếu kỳ chắc chắn là yếu tố không thể thiếu trong công việc của bạn.

Hãy cùng tìm hiểu xem “cởi mở” có ý nghĩa như thế nào trong việc làm chủ mối quan hệ. Cởi mở có nghĩa là chia sẻ thông tin về mình với người khác. Bạn có thể áp dụng kỹ năng làm chủ bản thân để quyết định xem mình cởi mở đến mức nào và chia sẻ những gì, nhưng bạn cần biết rằng thái độ cởi mở mang lại lợi ích cho bạn: khi người khác hiểu về bạn, sẽ ít nguy cơ họ hiểu lầm bạn hơn. Ví dụ, nếu bạn đặc biệt mẫn cảm với việc có mặt năm phút trước buổi họp, và lấy làm khó chịu khi một số người đến phút chót mới có mặt thậm chí đến trễ, thì một số người có thể đánh giá bạn là người ưa câu nệ và cứng nhắc. Nếu bạn chia sẻ với những người này rằng bạn từng gia nhập Hải quân trong vài năm đầu đi làm, đồng nghiệp có thể còn đánh giá cao thói quen đúng giờ và tác phong của bạn. Biết đâu được, thói quen đúng giờ của bạn sẽ bắt đầu lan tỏa!

Cởi mở về bản thân chưa phải là tất cả trong kỹ năng làm chủ mối quan hệ – bạn còn phải biết hứng thú với những câu chuyện của người khác. Nói cách khác, bạn phải biết ham tìm hiểu. Bạn càng thể hiện rõ mối quan tâm và tìm hiểu về người khác bao nhiêu, bạn càng nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người đó bấy nhiêu và sẽ không hiểu sai về họ.

Khi đặt câu hỏi, hãy vận dụng những kỹ năng nhận thức xã hội để lựa chọn bối cảnh và thời điểm thích hợp. Hãy lồng một chút hiếu kỳ trong giọng nói của bạn – tương tự như cách ông già Noel hỏi một đứa trẻ xem nó thích quà gì trong đêm Giáng sinh. Trái ngược với điều đó chính là giọng phê phán – bạn thử nhớ lại xem đã từng có ai hỏi bạn một câu đại loại như “Lý do quái quỷ nào cậu lại mua xe gắn máy vậy?” hoặc “Anh học chuyên ngành triết học à? Anh định dùng NÓ vào việc gì?”

Khi bạn đặt câu hỏi và người kia mở lòng ra với bạn thì bạn không những có được thông tin giúp bạn làm chủ tốt mối quan hệ, mà người kia cũng sẽ đánh giá cao sự quan tâm của bạn đối với họ. Nếu bạn vừa bắt đầu một mối quan hệ mới, hoặc đang trong một mối quan hệ bền vững, thậm chí đang rơi vào tình trạng khó khăn, hãy dành vài phút trong ngày để chọn ra một số mối quan hệ cần được bạn chú ý, và chọn đúng thời điểm để thể hiện thái độ cởi mở và ham tìm hiểu với đối tượng.

2. Cải thiện phong thái giao tiếp tự nhiên của bạn

Dù bạn đưa ra ý kiến của mình khi người khác đang nói hay tỏ ra tránh né sự bất đồng ý kiến thì chính phong thái giao tiếp này định hình các mối quan hệ của bạn. Giờ đây, bạn có cơ hội áp dụng kỹ năng tự nhận thức, làm chủ bản thân và nhận thức xã hội để định hình phong cách riêng của mình.

Hãy miêu tả phong thái tự nhiên của bạn ngay trên trang đầu tiên của một quyển sổ tay. Bạn gọi nó thế nào cũng được. Hãy nghĩ xem bạn bè, gia đình và đồng nghiệp đánh giá phong cách của bạn ra sao. Phong cách ấy thẳng thắn, vòng vo, thoải mái, nghiêm túc, thú vị, dè dặt, cân nhắc, bông lơn, gắt gỏng, tò mò, dễ thương hay vồn vã? Hãy nêu rõ vì chắc chắn là bạn đã từng nghe ai đó nói đến những từ đó.

Ở bên trái tờ giấy hãy viết ra những ưu điểm trong phong cách của bạn. Đó sẽ là những điều người khác đánh giá cao khi bạn giao tiếp với họ. Ở bên phải tờ giấy ghi ra những điểm chưa tốt hoặc những điều từng gây hiểu lầm, phản ứng kỳ lạ hoặc rắc rối.

Khi danh sách đã hoàn chỉnh, hãy chọn ra ba ưu điểm để áp dụng thường xuyên hơn nhằm cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn. Sau đó, hãy chọn ra ba khuyết điểm và nghĩ xem có cách nào bạn loại bỏ, giảm bớt hoặc cải thiện chúng không. Hãy thành thật với chính mình về những điều bạn sẽ làm hoặc không làm. Nếu bạn không biết điều gì sẽ giúp mình có được kết quả tốt nhất, hãy đề nghị bạn bè, đồng nghiệp và gia đình cho bạn lời khuyên. Công khai kế hoạch của mình sẽ buộc bạn có trách nhiệm hơn, giúp bạn cải thiện các mối quan hệ một cách lâu dài.

3. Tránh đưa ra những tín hiệu lẫn lộn

Tất cả chúng ta đều nhờ tín hiệu giao thông hướng dẫn để băng qua giao lộ an toàn, nhiều lần mỗi tuần. Khi hệ thống này hỏng hóc, hoặc khi chuyển sang tín hiệu đèn vàng chớp tắt liên tục, hoặc đèn tắt hết, tại giao lộ sẽ xảy ra tình trạng mạnh ai nấy đi. Mọi người bối rối; và khi muốn sang đường họ phải ngó trước ngó sau trước khi cho xe đi tới. Khi có đèn tín hiệu giao thông, chúng ta tin tưởng nó bởi mọi thứ rất rõ ràng – đèn đỏ dừng, đèn xanh đi. Những tín hiệu chúng ta gửi đến cho người khác trong các mối quan hệ cũng không khác mấy.

Cảm xúc phản ánh sự thật và chúng sẽ bộc lộ ra ngoài qua phản ứng và ngôn ngữ cơ thể của chúng ta, dù ta có lựa lời để che đậy đi nữa. Khi bạn khen nhân viên mình đã giới thiệu sản phẩm rất tốt bằng một giọng làu bàu và cái cau mày chẳng hề ăn khớp nhau, rõ ràng là lời nói và ngôn ngữ cơ thể tréo cẳng ngỗng. Người ta thường tin vào những điều mắt thấy hơn là tai nghe.

Dù bạn có giỏi làm chủ bản thân đến mấy, cảm xúc vẫn có lúc lộ ra bên ngoài. Bạn trải qua rất nhiều cảm xúc trong một ngày và não bộ của bạn không thể phân loại từng cảm xúc một. Khi nói chuyện với một ai đó, bạn có thể nói điều bạn nghĩ trong đầu nhưng cơ thể lại phản ứng tương ứng với cảm xúc bạn vừa trải qua vài phút trước.

Bạn sẽ khiến người khác bối rối và thất vọng khi bạn nói một đằng, thể hiện một nẻo. Qua thời gian, sự nhầm lẫn này sẽ gây ra những vấn đề trong giao tiếp và nó sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bạn. Để giải quyết vấn đề này, hãy dùng kỹ năng tự nhận thức để hiểu cảm xúc của mình và dùng kỹ năng làm chủ bản thân để quyết định xem cảm xúc nào nên bộc lộ và bộc lộ ra sao.

Đôi khi, việc đồng bộ những tín hiệu cảm xúc không phải lúc nào cũng thích hợp. Giả sử bạn đang rất tức giận trong một cuộc họp nhưng không thể bộc lộ cơn giận của mình vào lúc ấy. Vậy hãy gác sự giận dữ đó sang một bên, nhưng đừng dẹp bỏ hẳn nó. Hãy chọn một lúc thích hợp khác để bộc lộ nỗi tức giận ấy trong lòng bạn: đó là khi thể hiện sự giận dữ không gây hại cho bạn mà còn mang đến những kết quả tích cực nhất. Nếu cảm xúc quá mạnh, không thể không bộc lộ ra ngoài thì cách tốt nhất là hãy giải thích những gì xảy ra (ví dụ, “Trông tôi có vẻ không tập trung cho lắm là vì tôi cứ lo lắng suy nghĩ về cú điện thoại không như ý muốn sáng nay”).

Từ tháng sau, hãy tập trung vào việc làm sao cho giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của bạn ăn khớp với điều bạn muốn nói ra. Hãy ghi nhớ những lần bạn nói với người khác rằng bạn vẫn ổn, nhưng cơ thể, giọng điệu hoặc thái độ của bạn lại thể hiện những dấu hiệu khác hẳn. Khi bạn nhận ra mình đang gửi đi những tín hiệu không ăn khớp nhau, hãy điều chỉnh lại cho phù hợp hoặc có lời giải thích rõ ràng.

4. Những điều nhỏ nhặt mang lại hiệu quả cao

Qua các kênh tin tức, chương trình truyền hình thực tế, hài kịch tình huống hoặc báo chí, có thể thấy khá rõ các phương tiện truyền thông ngày nay đang góp phần khiến phép lịch sự biến mất trong xã hội hiện đại. Cùng sự xuống dốc trong cung cách ứng xử, càng ngày người ta càng ít thể hiện sự trân trọng nhau hơn. Ngày nay, cả trong mối quan hệ cá nhân lẫn trong công việc, người ta ít nghe những lời như “làm ơn”, “cảm ơn” và “xin lỗi” trong giao tiếp hàng ngày.

Hầu hết những người đi làm nói rằng họ không bao giờ nhận được lời cảm ơn cho những cống hiến của mình trong công việc, tuy vậy họ đồng tình rằng nghe những câu nói như “cám ơn”, “vui lòng”, hoặc thậm chí, “xin lỗi” sẽ mang lại tác động tích cực về mặt tinh thần.

Hãy nghĩ xem đã bao nhiêu lần bạn nói “làm ơn”, “cảm ơn” và “xin lỗi” trong những tình huống cần thiết. Nếu bạn không sử dụng chúng thường xuyên thì đó có thể vì bạn thiếu thời gian hoặc không có thói quen, hay thậm chí có lẽ là do bạn thiếu tự trọng. Hãy bắt đầu tập thói quen dùng những lời ấy nhiều hơn trong các mối quan hệ của bạn. Hoặc hay hơn nữa, tập thành thói quen dùng chúng hàng ngày. Cảm ơn bạn.

5. Sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản hồi

Thông tin phản hồi là một món quà độc đáo. Nó giúp chúng ta hoàn thiện bản thân bằng những cách thức mà có lẽ ta không tự mình thấy được. Bởi bạn không biết mình sẽ đón nhận điều gì, thế nên, một sự phản hồi đôi khi bất ngờ như bạn mở một gói quà hoặc nhìn vào bên trong chiếc vớ đính cườm màu đỏ dịp Giáng sinh.

Sự ngạc nhiên có thể khiến chúng ta mất tự chủ, vì vậy bạn cần kỹ năng tự nhận thức để đón nhận giây phút này. Mình sẽ cảm thấy gì nếu bị lôi ra chỉ trích và quá đỗi bất ngờ? Mình sẽ biểu lộ ra sao? Với nhận thức này, hãy dùng đến kỹ năng làm chủ bản thân: mình nên chọn cách phản ứng nào?

Để giúp bạn tiếp nhận thông tin phản hồi một cách tốt nhất, hãy xem từng yếu tố một. Đầu tiên, cân nhắc về nguồn gốc của phản hồi đó. Người này có thể có cái nhìn thích đáng về bạn – họ biết bạn và đã từng chứng kiến những gì bạn làm – và mong muốn bạn tiến bộ.

Khi tiếp nhận thông tin phản hồi, hãy vận dụng kỹ năng nhận thức xã hội để lắng nghe và thật sự hiểu điều đó. Đặt những câu hỏi để làm rõ hơn và yêu cầu thêm dẫn chứng cụ thể để bạn nắm bắt được quan điểm của người ấy. Dù bạn có đồng tình với những nhận xét đó hay không thì hãy cảm ơn người đã chia sẻ ý kiến với bạn, bởi cả người nhận lẫn người đưa ra phản hồi đều đáng trân trọng.

Sau khi đón nhận thông tin phản hồi, hãy dùng những kỹ năng làm chủ bản thân để quyết định bước tiếp theo; đừng ép mình hành động ngay. Thời gian có thể giúp bạn tiếp thu những ý nghĩa sâu xa, phân loại cảm xúc và suy nghĩ của bạn, giúp bạn quyết định xem cần phải làm gì với những thông tin phản hồi đó. Bạn còn nhớ danh sách Cảm xúc đi ngược lại Lý trí không?

Tiếp nhận thông tin phản hồi có lẽ là phần khó nhất trong cả quá trình. Một khi bạn đã quyết định làm gì với những thông tin phản hồi, hãy tuân theo kế hoạch. Thật sự bắt tay vào điều chỉnh chứng tỏ bạn đánh giá cao ý kiến nhận xét của người phản hồi. Hãy nghiêm túc ghi nhận ý kiến của người khác và cố gắng điều chỉnh theo những gì họ đề xuất. Có lẽ đây là cách tốt nhất để củng cố mối quan hệ của bạn với họ.

6. Tạo dựng lòng tin

Bạn đã bao giờ “thực hành” về lòng tin chưa? Bài tập như thế này: bạn có một người cùng chơi, bạn đứng quay lưng lại trước mặt người ấy, cách khoảng một mét rưỡi. Bạn nhắm mắt lại, đếm đến ba, rồi bạn ngả ra phía sau để người ấy đỡ bạn. Khi người ấy đỡ được bạn, mọi người sẽ thích thú cười vang và nhẹ nhõm vì không ai bị mất thăng bằng. Giá như chỉ cần đôi tay chắc khỏe và sự thăng bằng vững chãi là có thể tạo được niềm tin.

Một tác giả khuyết danh từng nói “Lòng tin là nguồn tài nguyên diệu kỳ, càng dùng nhiều nó càng dồi dào chứ không hề vơi cạn.” Lòng tin là điều khó kiếm nhưng lại dễ dàng đánh mất chỉ trong phút chốc, và có lẽ nó là mục tiêu quan trọng nhất, khó khăn nhất trong việc làm chủ mối quan hệ của chúng ta.

Niềm tin được tạo dựng như thế nào? Giao tiếp cởi mở; sẵn lòng chia sẻ; nhất quán trong lời nói, hành động và cách ứng xử; đáng tin cậy trong việc thực hiện đến cùng những thỏa thuận chung trong các mối quan hệ, chỉ mới là một vài ví dụ. Trớ trêu thay, trong đa số các mối quan hệ, bạn cần phải có một mức độ tin tưởng nhất định để bắt đầu tạo dựng lòng tin.

Để xây dựng lòng tin, hãy sử dụng kỹ năng tự nhận thức và làm chủ bản thân để mở lòng và chia sẻ vài điều về bản thân. Nên nhớ, mỗi lần bạn chỉ chia sẻ một phần nào đó về mình mà thôi; đừng nghĩ mọi người phải hiểu bạn như đọc một quyển sách.

Để làm chủ mối quan hệ, bạn phải kiểm soát được lòng tin của bạn dành cho người khác, và mức độ tin tưởng của họ đối với bạn rất quan trọng trong việc gắn kết mối quan hệ giữa bạn với người khác. Nuôi dưỡng các mối quan hệ và gây dựng lòng tin cần thời gian. Hãy xác định xem những mối quan hệ nào trong đời bạn cần có thêm sự tin tưởng và áp dụng kỹ năng tự nhận thức để tìm xem điều gì còn thiếu. Dùng kỹ năng nhận thức xã hội để hỏi người khác xem họ cần gì để gây dựng lòng tin – và lắng nghe câu trả lời. Việc đặt câu hỏi thể hiện bạn quan tâm đến mối quan hệ, điều đó sẽ giúp gây dựng sự tin tưởng và khiến mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn.

7. Tạo cho mình một chính sách mở

Điểm lại bài học lịch sử mà có thể bạn còn nhớ: Chính Sách Mở Cửa bắt đầu từ năm 1899 khi Mỹ sợ mình đánh mất đặc quyền giao thương với các quốc gia phương Đông. Chính phủ Mỹ tuyên bố một “chính sách mở cửa”, cho phép mọi quốc gia tiếp cận với thị trường Trung Quốc.

Tiếp cận: đây là một từ quan trọng nói lên được tinh thần cốt lõi của khái niệm mở cửa. Tiếp cận nhanh chóng vượt ra khỏi những hợp đồng buôn bán thông thường để thâm nhập vào nơi làm việc. Ngày nay, một chính sách mở cho phép mọi nhân viên được nói chuyện vượt cấp, góp phần giúp nhân viên cấp dưới giao tiếp với cấp lãnh đạo dễ dàng, trực tiếp hơn.

Hãy hỏi những người chung quanh xem bạn có nên áp dụng một chính sách mở để làm chủ tốt hơn những mối quan hệ của mình không. Nếu bạn cần trở nên dễ tiếp cận hơn, và thể hiện cho mọi người biết rằng họ lúc nào cũng có thể nói chuyện thoải mái với bạn, thì việc áp dụng chính sách này chính là những gì bạn cần.

Hãy nhớ rằng bạn không phải xẻ thân mình ra để có mặt bất cứ lúc nào người khác muốn; bạn chỉ cần thể hiện nguyên tắc của mình và trung thành với nó. Hãy dùng kỹ năng tự nhận thức để xác định xem chính sách đó có tác động như thế nào đối với bạn và cố gắng thực hiện. Không ngừng quan sát người khác, hay còn gọi là nhận thức xã hội, cũng giúp bạn xác định được nguyên tắc này hoạt động như thế nào.

Nên nhớ, việc dễ tiếp cận hơn sẽ góp phần cải thiện các mối quan hệ của bạn – nó thật sự mở ra cánh cửa giao tiếp, dù là gián tiếp (qua email hoặc điện thoại). Mọi người sẽ thấy được trân trọng hơn vì khoảng thời gian bạn dành cho họ; và bạn có cơ hội tìm hiểu về người khác. Cuối cùng, các bên đều có lợi.

8. Chỉ nổi giận có chủ đích

“Ai cũng có lúc trở nên giận dữ – điều đó rất dễ. Nhưng giận đúng người, đúng mực, đúng thời điểm, đúng mục đích và đúng cách thì không dễ chút nào.”

Chúng ta biết ơn triết gia Hy Lạp Aristotle vì câu nói này và sự thâm thúy của nó trong việc làm chủ cảm xúc và các mối quan hệ của chúng ta. Nếu bạn thuần thục điều này thì có thể xem như hành trình cải thiện EQ của bạn đã thành công. Giận dữ là một cảm xúc tồn tại với ý nghĩa riêng của nó – giận dữ không phải là dạng cảm xúc bạn có thể dồn nén hoặc tránh né. Nếu bạn kiểm soát nó đúng cách và dùng nó vào đúng mục đích, bạn sẽ nhận được những kết quả giúp tăng cường các mối quan hệ của mình. Thật như vậy đấy.

Hãy nghĩ đến một huấn luyện viên bóng đá đang trao đổi thẳng thắn vấn đề với đội trong giờ nghỉ giữa hiệp. Những ý kiến phản hồi nghiêm khắc của ông buộc các học trò phải chú ý và tập trung cải thiện trong hiệp hai. Cả đội quay lại sân với trạng thái tươi tắn hơn, tập trung hơn và sẵn sàng chiến thắng; trong trường hợp này, huấn luyện viên đã kiểm soát tốt những cảm xúc của mình để thúc đẩy các cầu thủ hành động. Bộc lộ sự giận dữ theo cách thích hợp thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ bên trong bạn và nhắc nhở người khác về mức độ nghiêm trọng của tình huống. Tuy vậy, thể hiện sự giận dữ quá mức hoặc không đúng lúc sẽ khiến người khác bị tê liệt với những cảm xúc của bạn, khiến họ khó mà hiểu được bạn một cách nghiêm túc

Việc sử dụng những cảm xúc mạnh mẽ như giận dữ để đạt được những lợi ích trong các mối quan hệ cần nhiều thời gian để thuần thục, bởi tôi hy vọng rằng bạn không có nhiều cơ hội trong ngày để thực hành nó. Cần có sự chuẩn bị chu đáo cho sách lược này, bắt đầu từ việc nhận thức rõ ràng về cơn giận của mình.

Hãy dùng những kỹ năng tự nhận thức để suy nghĩ và đưa ra một định nghĩa về các mức độ khác nhau trong cơn giận của bạn – từ một cảm xúc khiến bạn khó chịu đến một cảm xúc khiến bạn mắc kẹt trong đó. Viết những mức độ này ra và chọn những từ ngữ diễn tả đúng, sau đó viết ra những ví dụ giải thích tại sao bạn có những cảm xúc như vậy. Hãy xác định khi nào bạn nên bộc lộ cơn giận dựa trên tiêu chí một khi đã bộc lộ ra, thì bằng cách nào đó nó sẽ giúp bạn cải thiện mối quan hệ. Để đưa ra lựa chọn này, hãy dùng kỹ năng nhận thức xã hội để nghĩ về những người có liên quan và phản ứng của họ.

Nên nhớ, làm chủ mối quan hệ thực chất là việc đưa ra những lựa chọn và hành động nhằm tạo ra một mối quan hệ chân thành và sâu sắc với người khác. Để làm được điều này, bạn phải thành thật với người khác và với chính bạn, điều này đôi khi đồng nghĩa với việc sử dụng cơn giận có chủ đích.

9. Đừng tránh né những điều không tránh khỏi

Bạn và Marge cùng làm trong một bộ phận vận chuyển và tiếp nhận. Cô ấy khiến bạn phiền lòng quá; nếu có cái nút nào đấy có thể chuyển cô ta sang một bộ phận khác thì bạn đã ấn từ cách đây năm năm. Vấn đề là chẳng hề có một cái nút như vậy, và cũng chẳng có cơ may nào có thể thay đổi. Như để thêm dầu vào lửa, sếp vừa giao cho bạn và Marge cùng làm một dự án lớn. Cô ấy đề nghị gặp mặt trong lúc ăn trưa để bàn về những việc phải làm, và bạn đã có ngay một danh sách lý do để thoái thác. Rõ ràng là bạn muốn gạt phăng cô ấy sang một bên. Nhưng rồi sao? Các bạn vẫn ngồi cùng thuyền, vẫn phải thực hiện chung một dự án và phải tìm ra cách để làm việc với nhau.

Đây là lúc mà kỹ năng làm chủ mối quan hệ trở nên hết sức cần thiết, bởi mặc dù bạn không có ý định kết thân với người này, nhưng bạn và cô ấy giờ đây cùng chịu trách nhiệm chung một dự án. Đây là cách thức cơ bản để làm việc với Marge: không tránh né cô ấy hoặc những tình huống sắp tới. Hãy chấp nhận điều này và lựa chọn kỹ năng EQ để đồng hành cùng cô ấy.

Bạn cần quan sát những cảm xúc của mình và quyết định kiểm soát chúng ra sao. Bởi vì bạn không đơn độc trong chuyện này, hãy sử dụng những kỹ năng nhận thức xã hội để mang Marge lại gần bạn hơn, đồng thời đặt mình vào hoàn cảnh của cô ấy. Hãy chủ động gặp cô ấy để biết cô ấy có ý kiến gì cho dự án chung, đồng thời định làm việc với bạn ra sao trong dự án này. Hãy quan sát ngôn ngữ cơ thể của cô ấy để xem cô ấy phản hồi với bạn như thế nào; rất có thể bạn khiến cô ấy thất vọng không ít! Điều này có thể hơi đau đớn một tí, nhưng bạn thật sự thiết lập được nền tảng cho một mối quan hệ trong công việc.

Tiếp theo, hãy chia sẻ những mong muốn của bạn trong việc quản trị dự án và cùng đi đến một thỏa thuận. Bạn không nhất thiết phải nói với Marge rằng bạn không quan tâm đến cô ấy – thay vì thế, bạn có thể chia sẻ rằng bạn thích làm việc độc lập trong những phần riêng biệt của dự án và thỉnh thoảng gặp cô ấy để chắc chắn cả hai cùng tiến độ. Nếu Marge đồng ý, việc của bạn đã có bước tiến triển mới. Nếu cô ấy không đồng ý, bạn hãy áp dụng nhiều hơn nữa các kỹ năng làm chủ bản thân và nhận thức xã hội cho đến khi bạn đạt được thỏa thuận.

Nếu trong quá trình này bạn cảm thấy thất vọng (và chắc sẽ có), hãy tự hỏi tại sao và quyết định làm chủ bản thân như thế nào. Quay lại với Marge trong cuộc họp lần sau và nhắc nhở bản thân về mục tiêu chung là dự án. Đến giai đoạn kết thúc, hãy tìm cách công nhận những gì hai bạn đã đạt được cùng với nhau.

10. Chấp nhận cảm xúc người khác

Nếu bạn gặp nhiều khủng hoảng trong các mối quan hệ, phương pháp EQ này có thể là điểm khởi đầu tốt đẹp hơn. Giả sử buổi sáng nọ, đang loay hoay đậu xe trong bãi xe công ty, bạn thấy cô đồng nghiệp Jessie đang rơm rớm nước mắt khi bước ra khỏi chiếc xe ngay cạnh bạn. Bạn hỏi thăm xem cô ấy có ổn không, và cô ấy đang bất ổn. Thế là bạn an ủi, “Ồ không sao đâu, bắt tay vào việc chị sẽ quên hết mà. Gặp chị sau nhé.” Rồi bạn cứ lấy làm thắc mắc vì sao cô ta tránh mặt bạn suốt ngày hôm đó.

Một điều quan trọng trong làm chủ mối quan hệ là đối mặt với những cảm giác khó chịu và dành thời gian để chấp nhận, chứ không phải dẹp bỏ hoặc cố thay đổi, cảm xúc của người khác. Câu nói: “Tôi rất tiếc khi thấy chị buồn như vậy; tôi có thể làm được gì cho chị?” khiến Jessie thấy rằng nếu cô ấy muốn khóc để cảm thấy nhẹ lòng hơn, thì bạn sẽ sẵn sàng tìm khăn giấy cho cô ấy. Những hành động đơn giản như vậy chính là cách bạn thừa nhận cảm xúc của người khác nhưng không làm to chuyện, không coi thường hoặc bỏ qua những cảm xúc đó. Ai cũng có quyền nếm trải cảm xúc, kể cả khi bạn không cảm nhận giống họ. Không nhất thiết bạn phải đồng tình với cảm xúc của người khác, nhưng bạn phải xem cảm xúc của họ là chính đáng và tôn trọng chúng.

Để giúp bạn hiểu được cảm xúc của người khác, ta cùng xem lại trường hợp của Jessie. Dùng những kỹ năng nhận thức xã hội để lắng nghe và tóm tắt lại những điều bạn nghe được cho cô ấy nghe. Điều này không chỉ chứng tỏ bạn có kỹ năng lắng nghe tuyệt vời mà còn cho thấy bạn nhuần nhuyễn trong việc làm chủ mối quan hệ bởi bạn mở lòng và thể hiện sự lo lắng, quan tâm đến cô ấy. Bạn sẽ kết thúc cuộc trò chuyện bằng sự gắn bó hơn với một Jessie giờ đã bình tâm lại – và tất cả những gì bạn cần chỉ là dành chút thời gian để quan tâm và ghi nhận cảm xúc của cô ấy.

11. Cân bằng cảm xúc hoặc hoàn cảnh của người khác

Nếu bạn bình tĩnh gọi điện cho công ty dịch vụ nhắc họ bỏ đi một khoản phí không đúng ra khỏi hóa đơn thanh toán hàng tháng của mình, thì chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy nhân viên dịch vụ khách hàng là người sẵn lòng giúp đỡ, thân thiện và lịch sự giải quyết yêu cầu của bạn.

Giả sử bạn cũng gọi một cuộc điện thoại tương tự, nhưng lần này với một một tâm trạng tồi tệ. Bạn cảm thấy bực bội, căng thẳng và phiền toái vì lỗi của họ. Bạn chờ máy gần 10 phút vô ích. Khi nhân viên chăm sóc khách hàng nối máy với bạn, anh ta có thể nghe thấy điều đó trong giọng nói của bạn. Khi nói, giọng anh ta có vẻ rất nghiêm túc, như thể anh ta muốn khẩn trương giải quyết vụ này. Bạn đánh giá cao tính chuyên nghiệp và dịch vụ khách hàng của họ, bạn thấy vấn đề đã được giải quyết xong, và bỏ qua. Nhân viên dịch vụ khách hàng kia rất có kỹ năng trong việc phát hiện những tín hiệu cảm xúc, nhanh chóng thích ứng và hồi đáp bằng một dịch vụ nhanh chóng, đơn giản – điều đó mang lại lợi ích cho cả khách hàng lẫn công ty. Chỉ số EQ cao giúp anh ta sớm được cấp trên chú ý và dễ thăng cấp.

Điều nhân viên này làm chính xác là một phương pháp làm chủ mối quan hệ đòi hỏi kỹ năng nhận thức xã hội – lắng nghe, sống với hiện tại, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, nhận biết đối tượng có đang xúc động hay không, và chọn cách phản hồi thích hợp, có tác dụng cân bằng. Mảnh ghép cuối cùng này – chọn cách hồi đáp có tác dụng cân bằng – không đòi hỏi bạn phải hòa hợp hoặc bắt chước cảm xúc của người đối diện; sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nhân viên phục vụ khách hàng đáp lại cùng một cung cách thiếu kiên nhẫn như bạn – điều đó chỉ khiến khách hàng như bạn nổi điên lên. Việc bắt chước cảm xúc còn có thể khiến đồng nghiệp và bạn bè bực bội. Trong khi phản hồi mang tính cân bằng luôn thể hiện rằng bạn biết người kia đang cảm thấy gì và bạn nghĩ điều đó quan trọng.

Để thực tập việc cân bằng cảm xúc trong những mối quan hệ của bạn, hãy nghĩ về một hoặc hai tình huống cảm xúc mà bạn từng trải qua, trong đó diễn tiến sự việc nên rõ ràng và có ít nhất một người khác hiện diện. Người kia phản ứng ra sao với bạn? Phản ứng đó khiến bạn thấy dễ chịu hay bị tổn thương? Người ấy có khả năng cân bằng trạng thái cảm xúc cho bạn không? Khi bạn trả lời được những câu hỏi đó thì đến lượt bạn cần tập trung vào việc cân bằng cảm xúc của người khác trong những tình huống họ phải đối mặt. Hãy dành một hoặc hai tuần để tiếp cận những người bạn có mối quan hệ gần gũi nhất – những người bạn làm việc chung hoặc người sống chung một mái nhà. Hãy tự nhủ rằng vai trò của bạn là nhận ra tâm trạng và ở cạnh đồng nghiệp hoặc người thân theo cách hữu hiệu nhất. Dù bạn vui hay buồn cùng họ thì đều chứng tỏ rằng bạn là người nhạy cảm và quan tâm đến những gì họ đang trải qua.

12. Khi bạn quan tâm, hãy thể hiện

Câu chuyện có thật sau sẽ truyền cảm hứng cho những nhà quản lý có EQ cao trên toàn cầu. Một buổi sáng tôi loạng choạng bước vào thang máy trong tòa cao ốc văn phòng để bắt đầu một ngày làm việc mới. Đêm qua thật dài; tôi phải thức khuya để hoàn thành nốt mấy dự án cho sếp. Khi bước vào căn phòng làm việc nhỏ của mình, tôi thấy một cái bánh quy mới ra lò có hai màu đen trắng, cùng một tấm thiệp viết, “Xin cảm ơn vì đã lấp đầy những chỗ trắng đen.” Món quà của sếp tôi. Cô ấy luôn là người bận rộn, hết việc nhà lại việc công ty. Tôi thật sự chết trân khi biết cô đã dành mấy phút ghé ngang qua tiệm bánh vì cái miệng hảo ngọt của tôi, và đến văn phòng sớm đặt chiếc bánh lên bàn làm việc cho tôi. Tôi suýt khóc vì sự ân cần quan tâm của sếp.

Những việc làm nho nhỏ mang lại ý nghĩa lớn. Chiếc bánh quy đã động viên tôi càng làm việc chăm chỉ hơn, và tôi đã làm việc với niềm vui và lòng trung thành hết mực.

Chúng ta đã từng nghe những câu chuyện dạng này dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng phương pháp thì không thay đổi. Có rất nhiều người đang làm việc chăm chỉ quanh bạn mỗi ngày. Nếu bạn thật sự quan tâm, hãy thể hiện điều đó. Đừng ngại ngần hoặc thoái thác đến tuần sau. Hãy làm một điều gì đó ngay trong tuần hoặc thậm chí ngay hôm nay. Những thứ đơn giản như tấm thiệp chúc mừng hoặc món gì đó không nhất thiết đắt tiền nhưng ý nghĩa, thể hiện được tấm lòng, là tất cả những gì bạn cần để củng cố mối quan hệ.

13. Giải thích quyết định của bạn, đừng mặc nhiên đưa ra

Thật đáng sợ khi đến một nơi xa lạ mà bao trùm xung quanh là bóng đêm dày đặc . Tình huống đặt ra là – đã bao giờ bạn lên kế hoạch đi cắm trại, nhưng khi đến nơi trời đã sụp tối? Lúc này quả thật rất khó xác định phương hướng, thế nên bạn phải dựng lều trong không gian tối đen, và bởi bạn đang ở một nơi hoang vu, nên mọi thứ yên ắng và tối tăm một cách kỳ lạ. Đêm đó bạn ngủ không yên, chỉ mong sao mọi chuyện suôn sẻ.

Sáng hôm sau, bạn thức dậy, người mệt nhoài. Bạn mở cửa lều và ngỡ ngàng trước quang cảnh tuyệt đẹp xung quanh: nước non hùng vĩ, những con đường mòn rợp bóng cây, và vô vàn những con thú nhỏ đáng yêu. Chẳng có gì đáng sợ cả – bạn nhanh chóng quên béng những căng thẳng đêm qua và bắt đầu khám phá ngày mới. Vậy điều gì đã khiến bạn lo lắng đến vậy?

Điểm khác nhau duy nhất giữa hai khung cảnh này là ánh sáng – còn lại thì vẫn địa điểm ấy, vẫn những con người ấy và từng đó món tư trang. Đó chính là những cảm xúc chúng ta trải qua khi bị đặt vào sự đã rồi. Dù vô tình hay cố ý, nhưng khi bạn hoàn toàn không được biết gì về một đợt cắt giảm nhân sự sắp tới, hay về một cuộc thương thảo hợp đồng hay đại loại thế, bạn sẽ thấy như mình đang dựng trại trong đêm tối. Nếu đợt cắt giảm ấy khiến bạn bị tăng khối lượng công việc hoặc bị thuyên chuyển, bạn chỉ biết khi quyết định đến tay. Nếu mức thuế thay đổi, bạn sẽ thấy trong bảng kê chi tiết lương. Chẳng có ai để bạn cầu viện, chẳng cần thời gian báo trước. Mọi thứ đã an bài.

Đó là thứ thuốc khó nuốt bởi chúng ta không phải là trẻ con hoặc những người sống dựa vào người khác, chúng ta là những người trưởng thành. Để làm theo một ý tưởng, chúng ta cần hiểu tại sao lại có quyết định ấy.

Khi bạn sử dụng những kỹ năng EQ của mình để làm chủ mối quan hệ, hãy ghi nhớ điều này. Thay vì quyết định thay đổi và buộc người khác mặc nhiên chấp nhận, bạn hãy dành thời gian giải thích những lý do đằng sau quyết định đó, bao gồm cả những phương án thay thế và tại sao lựa chọn cuối cùng lại hợp lý nhất. Nếu bạn có thể trưng cầu ý kiến và đề xuất đóng góp trước khi đưa ra quyết định thì càng tuyệt vời hơn. Cuối cùng, hãy khẳng định tác động của quyết định đó đến mọi người như thế nào. Mọi người sẽ đánh giá cao thái độ minh bạch và cởi mở, kể cả khi quyết định đó có thể gây tác động tiêu cực lên họ. Sự minh bạch và cởi mở còn khiến người khác cảm thấy họ được tin tưởng, tôn trọng và gắn bó với tổ chức của mình – thay vì chỉ đơn giản nhận được chỉ thị, còn lại mù tịt.

Nếu bạn có thói quen đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và độc lập thì nhiều khả năng bạn là người có năng lực cá nhân. Bản tính khó dời bởi chúng đã ăn sâu vào não bạn, nhưng đã đến lúc phải quay lại và thêm năng lực xã hội vào danh mục ra quyết định của bạn.

Đầu tiên, có vẻ như bạn cần xác định những quyết định sắp tới của mình. Hãy lấy lịch làm việc ra, xem trong vòng ba tháng sắp tới có những quyết định nào cần đưa ra hay không. Bây giờ quay lại xem những ai sẽ chịu tác động bởi những quyết định này. Hãy lên danh sách đầy đủ những người chịu ảnh hưởng bởi từng quyết định một, và lên kế hoạch khi nào sẽ nói cho họ biết, và nói ở đâu, gồm cả việc giải thích chi tiết tại sao có quyết định đó và nó được thực hiện như thế nào. Nếu bạn cần triệu tập một cuộc họp đặc biệt vì mục đích này thì hãy làm điều đó. Khi bạn lên lịch và suy nghĩ về những điều cần nói, hãy dùng kỹ năng nhận thức xã hội để đặt mình vào hoàn cảnh người khác, để bạn có thể nói với đối tượng của mình, trước và sau khi bạn đưa ra quyết định, như cách họ chờ đợi và hy vọng.

14. Hãy góp ý trực tiếp và mang tính xây dựng

Hãy nghĩ về thông tin phản hồi tốt nhất bạn từng nhận được. Đó không phải là điều bạn thật sự mong đợi, nhưng nó mang đến sự khác biệt trong cách hành xử của bạn về sau. Thông tin phản hồi đó có thể định hình cách làm việc của bạn, hoặc cách bạn xử trí trong một tình huống cụ thể, hoặc ngay cả sự nghiệp của bạn. Điều gì khiến thông tin phản hồi đó hữu ích đến vậy?

Nếu bạn là người chịu trách nhiệm đưa ra thông tin phản hồi, có vài cuốn cẩm nang hướng dẫn bạn đầy đủ, đảm bảo rằng cách làm nào phù hợp với đạo đức và pháp luật. Còn bây giờ bạn hãy xem qua một số thông tin sau: việc có tuân thủ đạo đức và pháp luật hay không chẳng khiến thông tin phản hồi trở thành điều có thể thay đổi hành vi con người; tuy nhiên, đem những hiểu biết của bạn về EQ vào công tác phản hồi sẽ làm được điều đó.

Dưới đây là mối liên hệ giữa thông tin phản hồi và EQ – đưa ra phản hồi là việc tạo dựng mối quan hệ và nó đòi hỏi cả bốn kỹ năng EQ để phát huy tác dụng. Sử dụng kỹ năng tự nhận thức để nhận biết những cảm xúc của mình về nội dung phản hồi. Bạn có thoải mái khi làm việc này không? Tại sao có hoặc tại sao không? Tiếp theo, áp dụng kỹ năng làm chủ bản thân để quyết định xem mình sẽ làm gì với thông tin có được từ những câu hỏi trên. Ví dụ, nếu bạn lo lắng về việc góp ý phép xã giao trong giao tiếp qua điện thoại của ai đó, bởi bạn không muốn người khác nghĩ mình là kẻ nghe trộm, thế thì chính xác bạn sẽ tự mình vượt qua nỗi băn khoăn ấy như thế nào để tự tin đưa ra phản hồi? Điều này tùy thuộc vào bạn, nhưng đừng bỏ qua việc góp ý chỉ vì cảm giác bất tiện.

Tiếp theo, hãy áp dụng kỹ năng nhận thức xã hội để nghĩ về những đối tượng tiếp nhận thông tin. Hãy nhớ, phản hồi nhắm vào vấn đề chứ không nhằm phê phán cá nhân. Bạn cần đưa ra thông điệp như thế nào để người nghe cảm thấy rõ ràng, thẳng thắn, mang tính xây dựng và được tôn trọng? Thông tin phản hồi mang tính xây dựng gồm hai phần: chia sẻ ý kiến của cá nhân bạn và đề xuất giải pháp thay đổi. Hãy lấy Todd làm ví dụ: anh là một người thẳng thắn, vì vậy nói vòng vo về những điều anh ấy cần cải thiện trong kỹ năng giao tiếp qua điện thoại chỉ khiến anh ấy bị tổn thương. Nhưng nếu việc nói giảm nói tránh những chuyện khó lọt tai cũng nằm trong kế hoạch cải thiện bản thân của anh ấy, thì bạn nên cân nhắc việc góp ý bằng cả hai cách: thẳng thắn và nhẹ nhàng để anh ấy có thể thấy được sự khác biệt và học hỏi từ điều đó.

Jenni, ngược lại, là người nhạy cảm. Bởi vì đây là việc tạo dựng các mối quan hệ, nên hãy nghĩ đến cô ấy khi dự định đưa ra thông tin phản hồi. Hãy dùng những từ rào đón như “Tôi nghĩ” hoặc “Tôi tin là” hoặc “Lần này” để bắt đầu một lời góp ý nhẹ nhàng. Thay vì “bản báo cáo của chị tệ hết sức,” hãy dùng câu, “Tôi tin rằng một số phần trong bản báo cáo của chị cần điều chỉnh. Tôi có thể trao đổi với chị về một số gợi ý không?” Ở đây, đưa ra đề xuất cải thiện hữu ích hơn – chứ không phải mệnh lệnh. Cuối cùng bạn hãy hỏi ý kiến người nhận về góp ý của bạn, và cảm ơn họ vì đã sẵn lòng xem xét những gợi ý của bạn.

15. Đồng nhất giữa ý định và tác động trong việc bạn làm

Giả sử bạn đang họp giao ban, vấn đề cần bàn tiếp theo là tìm hiểu tại sao một số việc quan trọng không được hoàn thành đúng hạn. Lời qua tiếng lại, có vẻ như Ana sắp trở thành người đứng mũi chịu sào – không khí trở nên căng thẳng. Vì thật sự muốn không khí dễ thở hơn, bạn buột miệng nói một câu đại loại như, “Ôi, Ana – hình như do cô ăn trưa lâu hơn mọi người nên sự thể mới ra thế.”

Thay cho tiếng cười là một sự im lặng chết chóc. Bạn không hiểu mình đã làm gì sai nên quay sang Ana, “Tôi chỉ đùa thôi mà,” nhưng cô ấy có vẻ lảng tránh. Đó là câu nói vớt vát cuối cùng của một người có ý định tốt đẹp nhưng tác động của hành động đó không như mong muốn. Mọi việc đã quá trễ.

Hoặc hãy nghĩ về một trưởng phòng đặc biệt quan tâm đến kết quả công việc, cô ấy luôn có ý tốt hướng nhân viên của mình đến những mục tiêu cao hơn. Cô ấy quá tập trung vào việc thành công đến nỗi trở nên cực đoan trong công việc (một mình ôm đồm mọi việc hoặc buộc người khác làm theo phương pháp của mình) – trong khi cô quên đi việc ủy quyền cho cấp dưới. Nhân viên cho rằng cô là một nhà quản lý vi mô cứng nhắc, luôn giấu nghề và ý định của cô là buộc cả đội phải học tập mình để thành công. Một lần nữa, ý định tốt đẹp nhưng gây tác dụng ngược. Mối quan hệ giữa họ bị bào mòn dần, và người quản lý không hiểu nổi tại sao cấp dưới phẫn nộ với cô đến thế.

Nếu bạn thấy mình đang dành nhiều thời gian dàn xếp mọi chuyện để cứu vãn mối quan hệ, hoặc bạn không biết mối quan hệ đang trục trặc ở đâu, thì bạn nên biết rằng những tình huống trên hoàn toàn có thể tránh được. Với sự giúp đỡ của khả năng nhận thức và làm chủ, những điều chỉnh nhỏ sẽ mang lại khác biệt lớn.

Để đồng nhất lời nói và hành động theo ý mình, bạn cần kỹ năng nhận thức xã hội và làm chủ bản thân để quan sát tình huống và những người có mặt. Hãy suy nghĩ thấu đáo trước khi nói và hành động, hãy đưa ra những phản ứng đầy cảm thông và đúng mực. Hãy làm một phân tích nhanh. Tưởng tượng một tình huống mà hệ quả của điều bạn nói hoặc làm không như bạn định. Lấy giấy viết ra mô tả sự cố đó, những ý định và hành động của bạn cùng với tác động của nó – kết quả cuối cùng hoặc phản ứng của những người chung quanh. Tiếp theo, viết ra những điều bạn không nhận ra trong tình huống đó – điền vào những điều bạn đã hiểu ra sau khi nhìn nhận lại mọi việc, trong đó có cả những dấu hiệu bị bỏ qua, những điều mà bạn hiểu thêm về bản thân mình và người khác. Cuối cùng, hãy trả lời xem lẽ ra bạn có thể làm gì khác đi để ý định của bạn và tác động của nó đồng nhất. Nếu bạn không chắc, hãy hỏi một người khác có liên quan trong tình huống này.

Trong trường hợp của Ana, bạn không hề biết lúc ấy hoàn toàn không thích hợp cho câu nói đùa như vậy. Nó nhắm ngay vào cô ấy giữa bàn dân thiên hạ. Lần sau, nếu bạn muối giải tỏa không khí nặng nề, hãy trào phúng bản thân mình chứ đừng nhắm vào người khác. Người trưởng phòng luôn chăm chăm vào kết quả nên không nhận ra điều gì có sức thúc đẩy nhân viên cô. Cô không cho họ không gian và thời gian để tự học hỏi và phát triển theo cách riêng của họ. Để làm chủ tốt mối quan hệ, điều quan trọng là phát hiện ra những điểm chưa đồng nhất với nhau trước khi hành động, nhờ vậy những hành động của bạn sẽ thể hiện đúng tác động của nó và ý định tốt đẹp của bạn. [/item] [/accordion]

CHỦ ĐỘNG TRONG TÌNH YÊU

Thế kỷ 21, việc một cậu trai có cho mình được một cô bạn gái đỏm dáng không phải là một việc gì đó quá khó khăn, ít nhiều chỉ cần có chút duyên ăn nói cùng với một bản tính tốt. Tuy nhiên, không phải người con trai nào cũng có được kỹ năng làm chủ mối quan hệ, hay nói cách khác, không phải ai cũng có thể điều khiển được cô gái của mình sau một thời gian dài quen nhau.


Việc một cô gái đè đầu cưỡi cổ anh chàng người yêu hiền thục nhu mì quá mức, luôn miệng chê trách và so sánh người yêu với những anh chàng khác là một việc không quá xa lạ gì ngày nay. Hay tệ hơn đó là việc một cô gái ngoại tình, dẫn đến việc cậu trai trở nên đau khổ, than thân trách phận rằng phụ nữ là giống loài không chung thủy, chỉ biết bám theo những tờ Dollar mệnh giá cao hay những anh chàng khác có kỹ năng thượng thừa trên giường.

Nhưng không. Trước khi lên tiếng trách móc hay sỉ vả cô gái bên cạnh, hãy tự nhìn nhận lại bản thân xem liệu những kết quả mình đang nhận được có phải do bản thân bạn chưa xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp hơn!?

Làm chủ mối quan hệ là kỹ năng không dễ để nắm bắt, nó yêu cầu khả năng nhận thức về cảm xúc của chính bản thân lẫn của người khác, nhằm kiểm soát các mối quan hệ tương tác một cách hiệu quả, với mục đích chính là sự tôn trọng từ người khác. Trong trường hợp này, là cô gái bên cạnh. Vậy thế nào là cách để làm chủ một mối quan hệ?

1. Set out rõ expectation/ desire ngay từ đầu:
Chính sự không rõ ràng trước khi tiến đến một mối quan hệ khiến nó ít nhiều nào bị mất đi niềm tin từ cả 2 phía qua ngày tháng. Bạn không rõ bản thân muốn gì, muốn biến cô ấy thành người yêu lâu dài hay chỉ là đam mê sắc dục ngắn hạn? Hãy tự trả lời được câu hỏi này một cách rõ ràng trước khi quyết định, đồng thời cũng thẳng thắn chia sẻ cho cô ấy về những thứ cô ấy được và mất nếu 2 người đến với nhau.

Man: Em nên biết anh là một người hướng ngoại, xung quanh anh có rất nhiều mối quan hệ, đặc biệt là nhiều cô gái đẹp khác xung quanh.

Lady: Vậy em có thể tin anh được không?

Man: Đấy là sự lựa chọn của em. Tuy anh là một người biết đúng và sai, biết chọn lọc nhưng yêu anh sẽ là một điều nguy hiểm.

Lời nói này chắc chắn sẽ là một con dao hai lưỡi, nhưng đó là một điều cần thiết để chia sẻ trước khi phát triển thành mối quan hệ dài hạn. Ranh giới giữa được và mất rất mong manh, bạn có thể sẽ tiếp tục cuộc sống FA dài hạn để sẽ không trở thành một thằng khốn nạn trong mắt cô ấy trong tương lai, tuy nhiên bạn cũng có thể trở thành một người mà cô gái ấy hoàn toàn tin tưởng và làm mọi cách để giữ lấy.

2. Chủ động trong những quyết định
Một người đàn ông thành công sẽ có khả năng tự mình đưa ra các quyết định lớn trong đời, và cũng đủ khả năng để đưa ra những quyết định cho cả cô gái bên cạnh mình. Phụ nữ cần ở phái mạnh sự quyết đoán và khả năng đưa ra cũng như giữ vững lập trường bản thân. Điều này một phần cũng liên quan với khả năng “lead the conversation” từ lúc mối quan hệ đang trong quá trình gieo hạt cho đến khi nảy mầm. Một ví dụ rất đơn giản khi những chàng trai có kế hoạch rõ ràng cho buổi date sắp đến, sẽ cuốn hút và là chỗ dựa an toàn hơn cả so với những chàng trai còn 5 phút là đến buổi date mà vẫn không biết mình sẽ làm gì…

Man: Thế kế hoạch của em trong ngày thứ 7 là gì?

Lady: Tối bạn em rủ em đi tiệc kia đấy. Còn lại chắc em lại làm con lười ở nhà.

Man: Thay vì làm con lười, em có thể làm ngày của mình thú vị hơn bằng cách gặp anh vào buổi chiều.

Lady: Em thực sự đã bật cười khi đọc mess của anh.

Nếu có thể, đừng để cô nàng phân vân lựa chọn, mà hãy tự tin nêu ý kiến bản thân, và đưa ra quyết định thay cô ấy.

Man: Sáng mai em dậy sớm hay muộn?

Lady: Em chưa biết nữa.

Man: 9h dậy sửa soạn đi, 10h anh sang đón đi ăn sáng rồi mình đi chơi.

Hãy thể hiện sức mạnh của bạn!

3. Gạch bỏ 2 chữ “ngôn tình”
Vào cái thời khi cô gái gặp chuyện buồn, sẽ là ngồi cạnh, nghe cô nàng giãi bày, và dùng bờ vai săn chắc của mình cho cô ấy dựa vào. Hay cái thời cứ mỗi khi kỷ niệm tròn số tháng yêu nhau, sẽ là hàng loạt hình ảnh cùng những dòng giới thiệu cực kỳ sến súa hứa hẹn cho mai sau. Thậm chí cái kiểu khi cô gái giận, sẽ là hành động xách ngay một lẵng hoa hồng đứng dưới cửa nhà, mặc cho trời mưa tầm tã chờ lời tha thứ. Thế kỷ 21, thời đại kỹ thuật số, đã không còn chỗ cho sự ngôn tình.

Trừ phi bạn là mẫu soái ca 100% (nhưng tôi tin là giống loài này không tồn tại), thì tốt nhất bạn nên cố gắng học cách yêu không ngôn tình. Bản thân tôi từng là một người rất ngôn tình, lãng mạn, bay bổng, nhưng bản tính khi ấy đã không giúp tôi giữ được cô gái của mình vì thiếu đi sự chín chắn cần thiết. Mối tình sau đấy 1 năm chứng kiến một chàng trai trưởng thành hơn, không còn ngôn tình bay bổng, thay vào đó là sự quyết đoán, nghiêm túc pha chút lạnh lùng. Dù nó cũng đã kết thúc, nhưng là kết thúc trong sự nhẹ nhàng, và trong khoảng thời gian yêu nhau, cô nàng lúc nào cũng như sợ mất tôi vào một ngày nào đấy.

Một cô nàng gần đây nói với tôi rằng “phụ nữ deep down inside ai cũng thích sến súa”. Đúng, nhưng phải là sự sến súa một cách cực kỳ khôn khéo.

Lady: Em đang hơi sốt mà bạn em rủ party tối nay

Man: Anh nghĩ em nên ở nhà và nghỉ ngơi.

Lady: Em không sao.

Man: Phải biết sức mình đến đâu đấy nhé.

Xin lỗi nếu làm mất lòng, nhưng thực sự tôi không thể nuốt nổi những câu reply như kiểu “Em ốm là anh lo lắm đấy, anh biết phải làm sao, blah blah blah….”. It’s her life, not yours, take care her as an adult.

Hay đơn giản chỉ những câu nói vu vơ…

Man: Tối mưa đấy nhé, đi đâu nhớ mang dù.

Man: Ngủ sớm đi, thức khuya nổi mụn đấy.

…hay những hành động bất ngờ như…

Man: Thay đồ đi, 10 phút nữa anh sang đón đi chỗ này hay lắm, bảo đảm em sẽ thích.

…cũng đủ để giúp các bạn truyền đạt sự quan tâm một cách khôn khéo và hoàn toàn không ngôn tình. Cô nàng hẳn sẽ thấy được phong cách của một người đàn ông trưởng thành hơn hẳn.

4. Đưa ra reward and punishment (Phần thưởng và hình phạt)


“Take care her as an adult but treat her as a kid”.

Những việc làm của cô nàng khiến bạn vui, hãy thưởng. Ngược lại, những lúc cô nàng khiến bạn không hài lòng, hãy đưa ra hình phạt rõ ràng. Giống như việc bạn trông coi một đứa bé vậy, không thể để đứa bé cứ quậy phá suốt, dẫn đến một lúc nào đó sẽ nhờn và không còn xem lời nói của bạn có trọng lượng.

Reward & Punishment trong trường hợp này rất subtle. Đối với một đứa trẻ, nhận được một que lollipop là phần thưởng, còn ăn roi là hình phạt. Đối với bạn gái hay người yêu, phần thưởng là việc được quan tâm, yêu thương, chăm sóc; ngược lại việc bỏ rơi, không quan tâm đến cô ấy trong một thời gian ngắn, đã là một hình phạt rất nặng rồi.

Thậm chí nặng hơn, là no sex. Nhưng, hãy chắc chắn rằng bạn đủ khả năng để kiềm chế bản thân.

5. Sinh tồn và sinh sản
Con người ngày xưa thời vẫn còn ăn lông ở lỗ, sẽ không có những khái niệm chàng trai đẹp trai hay cô nàng xinh gái, chàng trai chân thật hay cô nàng đảm đang, con người thời ấy chọn bạn đời của mình dựa trên 2 yếu tố chính: sinh tồn và sinh sản (survival & reproduction). Nói một cách đơn giản, họ sẽ chọn cho mình người đàn ông nào cung cấp được cho họ đủ 2 yếu tố trên.

Chính vì thế, con đực thủ lĩnh bầy đàn với khả năng săn bắt, trèo cao hái lượm tốt, cùng với khả năng duy trì nòi giống liên tục, sẽ là nhân vật chính thâu tóm hết con cái xung quanh. Điều này thực sự cũng không khác mấy nếu áp dụng vào lối sống hiện đại. Khái niệm “sinh tồn & sinh sản” vẫn được con người vô thức sử dụng hằng ngày trong việc tìm kiếm người còn lại, chỉ có định nghĩa đã phần nào bị mờ nhạt đi do sự tiên tiến của thế kỷ 21 ngày nay.

Một người đàn ông cung cấp được đầy đủ sự sinh tồn sẽ là một người có học thức, có sự nghiệp, tiền tài và danh vọng; một điều hiển nhiên rằng sức mạnh của trí thức và đồng tiền nó rất quyền lực trong việc sống còn thời hiện tại. Một người đàn ông cung cấp được đầy đủ sự sinh sản sẽ là một người biết cách giữ nóng cuộc sống tình yêu lẫn tình dục, làm tình giỏi, biết phòng tránh các bệnh tình dục, và quan trọng nhất là không bị vô sinh. Bạn hoàn toàn có khả năng trở thành một người đàn ông hội tụ đủ 2 yếu tố trên, khi tầng lớp xã hội từ khi sinh ra đã hoàn toàn không thấp kém, ăn học đầy đủ, trẻ tuổi để đủ thời gian trải nghiệm.

Một cô gái có được một chàng trai như thế, có lẽ chuyện cô nàng ngoại tình hay ngồi lên đầu chàng trai ấy chỉ xảy ra hoặc cô ấy bị thần kinh, hoặc hắn bị thần kinh.

Việc làm chủ được mối quan hệ không những giúp bản thân trở nên trưởng thành hơn mà còn trở nên rất charismatic trong mắt bạn bè và người thân xung quanh. Sẽ không còn đấy những cuộc cãi nhau như 2 đứa trẻ mà sau 2 tiếng 19 phút vẫn không rõ ai là người đúng, người sai. Sẽ không còn đấy những giây phút “bị” người yêu quát tháo và quan trọng nhất, bạn đã chung tay góp sức diệt trừ được những loại đàn ông yếu đuối, nhu mì khiến xã hội không thể hình dung rõ cô gái bên cạnh là người yêu hay bà nội.

Tuy nhiên, bất cứ điều gì cũng có 2 mặt của nó. Ông chủ đồng nghĩa với một người đáng tin cậy và chấp nhận gánh vác rất nhiều trách nhiệm trên vai. Hãy xác định rằng bạn đã sẵn sàng để tính toán đến tương lai, dìu dắt cô gái bên cạnh, chủ động trong những quyết định, cũng như ủng hộ và động viên, và quan trọng nhất, hãy đứng ra chịu trách nhiệm mỗi khi mối quan hệ gặp trục trặc và khó khăn. Một gã đàn ông hèn nhát và không liêm chính sẽ không bao giờ có khả năng trở thành một ông chủ đích thực.

...::Kết luận::...

Suy cho cùng, không ai có thể sống một mình, các mối quan hệ là điều không thể thiếu và chúng làm cho cuộc sống trọn vẹn hơn. Vì bạn là một nửa của mọi mối quan hệ, thế nên bạn chịu một nửa trách nhiệm trong việc củng cố và phát triển những mối liên kết này.

Đăng nhận xét

1 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.