Thời gian qua, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) bắt đầu phá vỡ nguyên tắc "trung lập" trong thế giới mạng và chuyển sang Internet "hai tầng" - cho phép họ phân quyền ưu tiên lưu thông mạng để cạnh tranh với những đối thủ khác.
Các nhà làm luật muốn ISP hợp tác điều tra tội phạm mạng, các bậc phụ huynh muốn họ lọc nội dung độc hại và khách hàng yêu cầu họ chặn spam ... Dù vậy, cộng đồng ISP trước đây đã thành công trong việc duy trì thái độ trung lập, tức họ sẽ truyền các bit dữ liệu mà không phân biệt, thiên vị hay dò xét nội dung. Nguyên tắc đó mang lại cho các nhà cung cấp dịch vụ một cơ sở hợp lý để miễn trách nhiệm pháp lý về những nội dung đi qua hệ thống của họ.
Website, công ty thương mại điện tử... cũng áp dụng nguyên tắc trung lập để đảm bảo các công ty, dù lớn hay nhỏ, vẫn được "đối xử" ngang bằng nhau. Biện pháp này tạo cơ hội cho những hãng với sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, chứ không phải có túi tiền dày nhất, trở thành người chiến thắng trên thị trường.
Khách hàng Internet cũng hưởng lợi ích tương tự bởi họ có thêm nhiều lựa chọn và khả năng truy cập những nội dung và ứng dụng phong phú, không kể họ đang sử dụng dịch vụ của ISP nào.
Nhà cung cấp có thể cạnh tranh nhau về giá cả, dịch vụ và tốc độ, còn nội dung trên mạng luôn được chia đều cho tất cả. Như thế, nguyên tắc trung lập cho phép ISP đầu tư có chiều sâu cho cơ sở hạ tầng, tăng sức cạnh tranh và mang đến khả năng truy cập nội dung một cách công bằng cho người dùng Internet.
Trong khi đó, Internet hai tầng nghĩa là ISP có thể phân quyền ưu tiên cho nội dung đi qua mạng của họ. Xu hướng này đang hình thành theo nhiều dạng thức khác nhau trên thế giới.
Nhiều nước đã chặn dịch vụ điện thoại Internet để bảo vệ quyền lợi cho hãng viễn thông. Phương pháp này, diễn ra ở các quốc gia như Panama, Oman, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Mexico, sẽ thu hẹp khả năng lựa chọn các dịch vụ viễn thông và gạt khách hàng khỏi một trong những lĩnh vực phát triển nhất trên mạng.
Tại châu Âu, một số ISP cũng bắt đầu từ chối VoIP, như Vodafone đã biến chương trình Skype phổ biến hiện nay thành một "nội dung không phù hợp". Hiệp hội điện ảnh Mỹ (MPAA) cũng đang gây sức ép cho các nhà cung cấp châu Âu triển khai công nghệ lọc để đóng cửa hệ thống ngang hàng như BitTorrent mà họ cho là "về căn bản tiếp tay cho ý đồ tải và chia sẻ file trái phép". Thậm chí, họ còn đề xuất với các ISP châu Âu giới hạn băng thông mà khách hàng sử dụng.
Những diễn biến gần đây ở Mỹ và Canada cho thấy ISP còn có thể tiến xa hơn trong việc phát triển hệ thống Internet hai tầng. Ví dụ, nhà cung cấp dịch vụ cáp Shaw của Canada tuyên bố họ sẽ cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ VoIP của đối thủ với cước thuê bao hàng tháng trong khi Shaw lại miễn phí dịch vụ của chính họ.
Đầu năm nay, ít nhất một ISP ở Mỹ hạn chế lưu lượng VoIP của đối thủ cho đến khi Ủy ban truyền thông liên bang nước này yêu cầu chấm dứt hành động đó. Telus, một ISP khác của Canada, cũng đã chặn truy cập tới hơn 600 website từ Mỹ và Australia.
Nhiều tháng qua, khách hàng của Rogers, nhà cung cấp dịch vụ cáp lớn nhất Canada, cho rằng công ty đã chặn khả năng tiếp cận chương trình BitTorrent cũng như tải podcast từ phần mềm iTunes. Rogers thừa nhận rằng họ đã áp dụng quyền ưu tiên cho hoạt động trực tuyến. Do đó, những ứng dụng mà hãng đặt ở mức phân quyền thấp có thể bị ngừng hoạt động.
Tuy vậy, chặn dịch vụ, website và những ứng dụng nhất định chưa phải một giải pháp hay. Một số ISP nhận thấy tiềm năng doanh thu lớn hơn bằng cách thu phí nếu khách hàng muốn sử dụng site và dịch vụ nào đó theo quyền ưu tiên.
Giám đốc kỹ thuật William L Smith của BellSouth (Mỹ) gần đây đề cập đến dự án mà trong đó Yahoo có thể trả thêm tiền để website của họ tải xuống nhanh hơn Google. BellSouth và AT&T đang đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn quyền tạo hệ thống Internet 2 tầng nhằm cạnh tranh hiệu quả hơn so với đối thủ.
Sự phát triển này, tuy hứa hẹn mang đến lợi ích kinh tế nào đó, sẽ tác động nhiều chiều đến các hãng Internet, người sử dụng và những nhà điều phối trên toàn thế giới.
P.T. (theo BBC)