George Soros là nhà tỷ phú nổi tiềng khắp thế giới, ông sinh năm 1930, tại TP Budapest, Hungary. Là nhà tài phiệt từng được mệnh danh là “Mozart của thị trường chứng khoán”, “Robin Hood tài chính”. Xếp thứ 38 trong danh sách những người giàu nhất thế giới (năm 2003), với giá trị tài sản 7 tỷ USD. Nổi tiếng với những thương vụ kiếm bạc tỷ qua các vụ đầu cơ nghẹt thở. Nhà tỷ phú thành công nhất trong lĩnh vực đầu tư tư bản. Một nhà đầu cơ tiền mặt “vĩ đại” nhất của thế kỷ 20.
GEORGE SOROS TRƯỚC CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH NƯỚC ANH 1992.
Tiểu sử George Soros
George Soros được sinh ra với cái tên Dzichdzhe Shorak (phát âm là “Shorosh”) ở Budapest năm 1930. Là con trai của một luật sư, ông đã trở thành một siêu sao đầu tư của thế giới với giá trị tài sản ròng năm 2002 là $6,9 tỉ. Kể từ khi được thành lập vào năm 1969, trong 32 năm hoạt động, quỹ đầu tư của ông đã kiếm được mức lợi nhuận trung bình cao đến mức khó tin – 35%/năm.
Soros là người Do Thái, sinh ra ở Hungary vào ngày 12/8/1930. Tuổi thơ của nhà tỉ phú này gắn liền với những ngày kinh hoàng khi phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Khi còn nhỏ, ông được dạy rằng người Do Thái có thể chạy chứ không được lẩn trốn! Năm 1947, cậu bé Soros sang London một mình. Tại đây, Soros tốt nghiệp trường Kinh doanh London vào năm 1952. Năm 1956, Soros sang Mỹ đoàn tụ với bố mẹ và các anh chị em, và nhập quốc tịch Mỹ. Đây là nơi ông bắt đầu khởi nghiệp với 5.000 USD ít ỏi.
Câu chuyện về cuộc đời của Soros có hai phần rõ rệt: một “máy làm tiền”, và một nhà hoạt động từ thiện tích cực. Tuy nhiên, người ta thường thích quan tâm đến tiền của Soros hơn là những mục tiêu lý tưởng mà ông theo đuổi. Soros đã viết 7 cuốn sách mang nhiều tính triết lý. Cuốn sách mới xuất bản gần đây nhất là cuốn “George Soros nói về toàn cầu hoá”, xuất bản tháng 3/2002. Phương châm kinh doanh của Soros khá đặc biệt: trong kinh doanh, việc bạn đúng hay sai không quan trọng, cái quan trọng là nếu bạn đúng bạn sẽ có được bao nhiêu tiền, và nếu bạn sai bạn sẽ mất bao nhiêu tiền.
George Soros trước 1992.
Năm 1956, Soros chuyển tới thành phố New York, tại đây ông làm việc tại hai công ty chứng khoán trước khi gia nhập hãng Arnold & Bleichroeder vào năm 1963.
Năm 1967, ông trở thành trưởng phòng nghiên cứu đầu tư, và ông đã thành công trong việc tìm ra cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu Châu Âu bị đánh giá thấp hơn giá trị thực.
Năm 1969, ông thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, sử dụng $250.000 của riêng
ông và khoảng $6 triệu của các nhà đầu tư không phải người Mỹ khác mà ông quen biết. (Một quỹ đầu tư mạo hiểm là một công ty hợp doanh đầu tư không bị hạn chế bởi quy định của các cơ quan chính phủ như Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ. Mỗi quỹ đầu tư mạo hiểm có thể thiết lập phong cách và chiến lược đầu tư của riêng mình, phong cách và chiến lược đầu tư của các quỹ rất khác nhau: một số quỹ sử dụng chiến lược đầu tư tham gia vào các loại đầu tư khác nhau, một số khác thì không. Người quản lý quỹ thường thu phí và phần trăm của lợi nhuận kiếm được, đồng thời đầu tư toàn bộ số tiền của mình vào quỹ.)
Chẳng bao lâu sau đó, Soros rời bỏ Arnold & Bleichroeder và mang đi quỹ Soros do ông thành lập. Mặc dù thập niên 1970 là những năm nghèo túng của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, nhưng quỹ Soros thì lại ăn nên làm ra. Với tư cách là người quản lý quỹ, Soros tập trung tìm kiếm các lĩnh vực bị đánh giá thấp hơn giá trị thật ở Hoa Kỳ và ở các nước khác. Ông mua các cổ phiếu giá thấp không được ưa thích và bán non các cổ phiếu giá cao được ưa thích.
Ông dự đoán cầu về dầu sẽ vượt xa cung về dầu nên đã mua cổ phiếu của các công ty hoạt động trong ngành dịch vụ dầu mỏ và khoan dầu trước cuộc khủng hoảng dầu đầu tiên năm 1973. Vào giữa thập niên 1970, ông đầu tư rất nhiều vào các cổ phiếu của Nhật Bản. Năm 1979, ông đổi tên quỹ thành Quantum Fund để tôn vinh nguyên lý dễ thay đổi trong cơ học lượng tử của Heisenberg. Năm 1980, quỹ đạt lợi nhuận 103% với số vốn lên tới $380 triệu.
Năm 1981, tạp chí Institutional Investor gọi ông là “nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới”. Nhưng năm 1981 là một năm khó khăn: quỹ lỗ 23% và một phần ba các nhà đầu tư của quỹ rút tiền về. Song các nhà đầu tư đó đã phạm sai lầm. Trong tương lai, quỹ vẫn tiếp tục thu được dòng lợi nhuận cực lớn.
Vào đầu tháng 9/1985, Soros tin rằng đồng đô-la Mỹ đang được đánh giá quá cao so với đồng yên Nhật và đồng Mác Đức, và chẳng bao lâu sẽ có sự điều chỉnh cho đúng với giá trị thực. Ông quyết định mua các hợp đồng đầu cơ để kiếm lợi nhuận từ những thay đổi mà ông đoán trước là sẽ xảy ra. Chẳng hạn như ông vay đô-la để mua yên và mác, đồng thời mua trái phiếu chính phủ của Nhật và Đức. Tổng cộng ông đã cam kết mua các hợp đồng trị giá $800 triệu, một cam kết có giá trị lớn hơn toàn bộ số vốn của quỹ. Vào cuối tháng 9, chính phủ các nước phát triển tuyên bố Hiệp định Plaza, trong đó họ hứa sẽ hợp tác hành động (như can thiệp vào các thị trường ngoại hối) để làm tăng giá trị của các đồng tiền mạnh so với đồng đô-la Mỹ. Chỉ trong một tháng, do đồng đô-la mất giá, Soros đã thu lợi nhuận $150 triệu.
Tổng lợi nhuận của quỹ năm 1985 là 122% vì ông còn đầu tư vào cổ phiếu nước ngoài và trái phiếu dài hạn của Kho bạc Hoa Kỳ. Tất nhiên không phải mọi hoạt động đầu tư của ông đều mang lại lợi nhuận. Chẳng hạn như trong năm 1987, quỹ Quantum lỗ tới $840 triệu khi thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ và các nước khác sụp đổ vào tháng 10. Nhưng quỹ vẫn kiếm được 14% lợi nhuận trong cả năm này.
George Soros kiếm được hàng tỷ chỉ trong một đêm là do may mắn hay do ông ta có một sự hiểu biết uyên thâm về hệ thống Tài Chính Quốc Tế.
Tình hình kinh tế nước Anh 1992.
a. Kinh tế nước Anh đang trong giai đoạn suy thoái.
NHTW của các nước công nghiệp phát triển đã áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ trong khi mặt bằng lãi suất của thế giới đang tăng cao. Trong giai đoạn này tình hình kinh tế nước Anh đang suy thoái nghiêm trọng phản ánh qua một số chỉ tiêu sau:
Chỉ tiêu
|
Trung bình 1988-1990
|
1991
|
1992
|
GDP thực tế
|
2,3
|
-2,2
|
-1,0
|
Tốc độ tăng trưởng KT
|
-
|
-1,8
|
-0,1
|
Tổng cầu thực tế
|
3,5
|
-3,2
|
0,1
|
Cán cân tài khoản vãng lai
|
-3,6
|
-1,1
|
-2,1
|
Tỷ lệ lạm phát
|
9,5
|
5,9
|
3,8
|
Tỷ lệ thất nghiệp
|
-
|
8,0
|
9,8
|
Thâm hụt ngân sách(/GDP)
|
1,3
|
2,8
|
6,6
|
Khối lượng xuất khẩu
|
-
|
1,7
|
3,2
|
Khối lượng nhập khẩu
|
-
|
-2,8
|
6,7
|
b. Sự ra đời hệ thống tỷ giá Châu Âu (ERM).
Vào 13/3/1979 Hệ thống tỷ giá Châu Âu (ERM) được thành lập, hầu hết các đồng tiền của EU bị buộc vào nhau theo Cơ chế Tỷ giá Hối đoái (Exchange Rate Mechanism – ERM) của Hệ thống Tiền tệ Châu Âu (European Monetary System). Hệ thống tỷ giá song phương giữa các đồng tiền thành viên được dao động trong một biên độ nhất định(2.25%). Riêng nước Anh và Ý là 6%.
Đơn vị tiền tệ Châu Âu - ECU
Loại tiền tệ
|
%tham gia
|
Loại tiền tệ
|
%tham gia
|
Marks Đức (DEM)
Francs Pháp (FFR)
Bảng Anh (GBP)
Đồng Lira Ý (ITL)
Guilders Hà Lan(NLG)
Francs Bỉ (BEF)
|
30.1
19.0
13.0
10.15
9.4
7.6
|
PesetaTâyBanNha (ESP)
KronesĐan Mạch (DKK)
Punts
Drachmas Hy Lạp (GRD)
Escudos Bồ ĐàoNha (PTE)
Francs Luxembourg (LUF)
|
5.3
2.45
1.1
0.8
0.8
0.3
|
Mặc dù đã gia nhập Cộng đồng kinh tế Âu Châu (ECC) từ tháng 4/1970 và đã kí hiệp định EMS nhưng nước Anh lại quyết định không tham gia hệ thống tỉ giá hối đoái của ECC. Theo thể thức EMS, tỷ giá hối đoái của các nước thành viên được duy trì trong các giới hạn cụ thể và cũng ràng buộc với đơn vị tiền tệ Châu Âu và các đồng tiền của các nước thành viên này đều được neo theo đồng Mark Đức đồng thời có thể dao động không quá 2,25% ( trừ Ý là 6%). Nhưng đến tháng 10/1990, Anh quyết định gia nhập ERM cùng với sự đảm bảo của Chính Phủ là sẽ theo đuổi một chính sách kinh tế và tiền tệ sao cho có thể phòng ngừa được những biến động về tỷ giá giữa đồng Bảng và đồng tiền của các nước khác thuộc ERM trong một biên độ giao động tỷ giá là 6%. Lúc này, đồng Pound được neo ở mức 1GBP= 2.95 DEM
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ ngày 9/11/1989, hai miền Đông và Tây Đức được thống nhất cả về địa lý lẫn chính trị và đồng Mark của Tây Đức được chọn là đồng tiền chung cho đất nước. Vào thời điểm đó, 1 đồng Mark của Tây Đức đổi được 4 đồng Mark của Đông Đức. Tình hình lạm phát tại Đức tăng cao do người dân ở Đông Đức đổ xô đi đổi tiền Tây Đức. Để tránh sự ảnh hưởng của lạm phát cao đến nền kinh tế mới được thống nhất, NHTW Đức đã quyết định tăng lãi suất đồng Mark lên cao và duy trì lãi suất cao này trong một thời gian dài. Khi đồng Bảng Anh neo giá cố định theo đồng Mark Đức thì hiện tượng lãi suất cao tại Đức đã góp phần làm cho giá trị thực của đồng Bảng bị giảm sút nghiêm trọng. Cũng chính điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho NHTW Anh trong việc duy trì tỷ giá hối đoái cố định và chỉ có hai phương án lựa chọn cho NHTW Anh mà thôi, đó là:
(1) Ngân hàng trung ương Anh phải chuẩn bị sẵn sàn để mua vào một lượng đồng bảng Anh dư thừa trên thị trường bằng việc bán ra đồng DEM từ kho dự trữ của mình(2) Tăng lãi suất đồng bảng Anh lên một mức cao để khuyến khích các nhà quản lý danh mục đầu tư.
Nguyên nhân khủng hoảng tài chính nước Anh: ngày thứ tư đen tối (Black Wednesday)
- Cơ chế tỷ giá ERM được xem là “cơ chế tỷ giá bò trườn” khi mà nó dựa trên một tỷ giá trung tâm, được tính toán dựa trên tỷ giá bình quân gia quyền của tỷ giá hối đoái của các nước thành viên với quyền số được ấn định dựa trên tổng sản phẩm quốc dân và hoạt động mậu dịch nội bộ châu Âu tương ứng của các nước thành viên trong khi giới hạn tỷ giá đồng tiền của các nước thành viên dao động trong một biên độ hẹp ( 2.25%, trừ Ý và Anh là 6%). Khi có biến động bởi nền kinh tế Đức hồi phục quá nhanh đã làm rối loạn tiền tệ của cơ chế này và tỷ giá trung tâm phải điều chỉnh thường xuyên khiến cho nó trở nên mất ổn định.
- Vào thời điểm này, nền kinh tế của các nước châu Âu đang rơi vào tình trạng suy yếu và có khả năng xảy ra khủng hoảng.Các nhà đầu cơ bắt đầu có những hoài nghi về cam kết của các chính phủ là bảo vệ cố định tỷ giá trung tâm thông qua công cụ lãi suất cao và họ đã tấn công vào các đồng tiền thuộc ERM mà trước tiên là hai đồng tiền có biên độ cao nhất là đồng Bảng Anh và đồng Lira Ý.
- Chính phủ và Ngân hàng trung ương Anh cố gắng để giữ tỷ giá ấn định là 2.95 DEM/1bảng.
- Ngày 16/9/1992 chính phủ Anh chính thức thông báo tăng lãi suất đồng bảng Anh từ 10% đến 12%, sau đó lại tiếp tục tăng tới 15%, đây là mức lãi suất cao kỷ lục, do ngân hàng trung ương Anh không có đủ lượng dự trữ đồng DEM để giữ ấn định mức giá neo 2.95DEM/1bảng.
- Những nhà môi giới, đầu cơ và những nhà quản lý danh mục đầu tư vẫn tiếp tục bán đồng bảng Anh.
- Việc duy trì lãi suất cao của đồng bảng Anh không thể kéo dài được.
- Nước Anh buộc phải thực hiện thả nổi đồng Bảng và đồng bảng rớt giá ngay lập tức.
- Tháng 9/1992, nước Anh rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, ảnh hưởng dây chuyền tới nền kinh tế một số nước và thế giới và do vậy nước Anh rất cần phải duy trì lãi suất ở mức thấp.
Hành động của George Soros: Nhà đầu tư có một sự hiểu biết uyên thâm về hệ thống tài chính quốc tế.
Theo giới chuyên môn, thành công của George Soros chính là sự hiểu biết uyên thâm, nghị lực phi thường cộng với sự phấn đấu không biết mệt mỏi. Ông thường làm việc liên tục với mỗi đêm chỉ ngủ 2 giờ. Trái với nhiều nhà kinh tế, học thuyết cơ bản của ông về đầu tư là thị trường tài chính - nơi bất ổn nhất. Tại đó, các mức giá cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ phụ thuộc vào người mua và người bán mà đa số họ thường hành động theo cảm tính chứ không bằng những tính toán lôgic.
a. Quá trình đầu cơ của George Soros.
Tháng 9/1992, Soros đưa ra lời dự đoán nổi tiếng nhất. Bằng khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD vào đồng Bảng Anh (GBP), George Soros chính là người đã làm cho đồng GBP phải rút khỏi hệ thống tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM).
Sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, đất nước Đức thống nhất hai miền Đông và Tây. Để tránh tình trạng lạm phát cao, NHTW Đức đã quyết định tăng lãi suất đồng Mark Đức, làm cho đồng Mark có xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác và chính điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các đồng tiền khác thuộc ERM. Theo đó, để giữ cho tỉ giá hối đoái được ổn định, Chính phủ các nước khác thuộc ERM cũng sẽ phải tăng lãi suất cho đồng tiền của mình và Soros tin rằng Chính phủ Anh cũng không ngoại lệ vì lúc này tình hình kinh tế nước Anh đang trong tình trạng suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao. Theo như Soros dự đoán thì với tình hình này, trong tương lai không xa, nước Anh chỉ có thể thực hiện một trong hai hành động sau: hoặc là nước Anh sẽ bán phá giá đồng Bảng nếu muốn tiếp tục tham gia ERM, hoặc là rút khỏi ERM. Dù nước Anh có hành động nào đi nữa thì chắc chắn là đồng Bảng cũng sẽ mất giá.
Quá trình đầu cơ: Ông đầu cơ giá xuống vào đồng bảng và đầu cơ giá lên vào đồng Mác bằng cách vay bảng mua Mác, đồng thời còn đầu tư vào các hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Giá trị các hợp đồng này cực lớn - $10 tỷ. Khi Soros và các nhà đầu tư khác thực hiện hợp đồng, họ bán đồng bảng, do vậy tạo nên sức ép giảm giá với đồng bảng.
b. Các biện pháp chống đỡ của NHTW Anh.
Do lượng DEM dự trữ không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường nên đầu tháng 9/1992, NHTW Anh quyết định vay thêm một khoản khổng lồ là 20 tỉ DEM nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo vệ tỷ giá cố định so với đồng DEM của đồng Bảng Anh. Không may là các lực thị trường quá mạnh, làn sóng tấn công của các nhà đầu cơ vẫn dâng lên rất cao cùng với việc NHTW Đức không muốn tung thêm đồng DEM ra thị trường ngoại hối vì muốn kìm giữ mức lạm phát trong nước đã khiến cho mọi cố gắng chống đỡ của NHTW và Chính phủ Anh bằng biện pháp can thiệp trực tiếp và thị trường ngoại hối trở nên vô hiệu.
Lạm phát của một số nước 1987-1993
Lúc này, NHTW Anh nghĩ đến biện pháp thứ hai là tăng lãi suất cho đồng Bảng. Điều này đã khiến cho canh bạc tiền tệ trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu cơ khi mà họ vẫn sẵn sàng từ bỏ lãi suất cao cho đồng Bảng Anh để nắm giữ đồng Mark bởi lãi suất tăng quá cao lại thể hiện rõ hơn sự bất lực của Chính Phủ và NHTW Anh trong việc giải quyết khủng hoảng, càng làm tăng rủi ro cho những ai nắm giữ đồng Bảng. Chính vì vậy mà cố gắng cuối cùng của chính phủ và NHTW Anh vẫn thất bại khiến cho họ đi đến quyết định thả nổi đồng Bảng .
c. Khủng hoảng xảy ra.
Các ngân hàng trung ương cố gắng bảo vệ tỷ giá cố định, nhưng chẳng bao lâu chính phủ Anh đành buông tay và rút khỏi ERM. Đồng bảng mất giá thảm hại so với đồng Mác. Như vậy mặc dù đã nỗ lực can thiệp trên thị trường ngoại hối và nâng mức lãi suất tăng thêm 5% chỉ trong 1 ngày nhưng trước việc tập trung tấn công vào đồng Bảng của các nhà đầu cơ đã buộc nước Anh phải chấm dứt tư cách thành viên ERM vào ngày thứ 4 đen tối 16/9/1992 (Black Wednesday).
Chỉ trong một tháng, quỹ Quantum thu lợi nhuận khoảng $1 tỉ từ các hợp đồng đầu cơ giá xuống vào đồng bảng và $1 tỉ nữa từ các hợp đồng đầu cơ giá lên vào các đồng tiền châu Âu khác. Tạp chí Economist gọi Soros là “người phá sập Ngân hàng nước Anh.”
Từ đây, mọi hành động, mọi cử chỉ, lời nói của George Soros đều được hầu hết cư dân ở phố Walls và thị trường tài chính London chú ý đến bởi họ cho rằng ông là nhân vật số một trong giới tài chính của thế giới, là một người có khả năng “một tay che cả bầu trời” khi ông có thể làm mất giá bất kì đồng tiền nào hay gây ra khủng hoảng kinh tế chỉ với một vài nhận định về thị trường cho công chúng biết hay một hành động đầu tư một loại chứng khoán hay đồng tiền nào.
Cũng chính vì quan niệm này của mọi người mà ông thường xuyên trở thành nhân vật bị cáo buộc là có liên quan hoặc là thủ phạm gây ra các cuộc khủng hoảng hay các bất ổn về kinh tế - tài chínhđối với các quốc gia mà ông từng đi qua, đã từng đầu tư vào, thậm chí nhiều quốc gia không cấp visa cho ông nhằm ngăn cản ông bước vào lãnh thổ nước họ để tránh những bất lợi có thể xảy ra cho đất nước.
Nguyên tắc đầu tư của George Soros.
Những kinh nghiệm đầu tư của George Soros đã chứng tỏ rằng ông là một nhà đầu tư hiểu biết uyên thâm về hệ thống tài chính quốc tế. Trung tâm trong nguyên tắc của Soros là sự khác biệt giữa hình ảnh và thực tại. Sự khác biệt lớn giữa Soros và Buffett là ở chỗ Buffett, theo đúng nguyên tắc của Graham trước đây 40 năm, tính toán - hay vẫn nói rằng ông tính toán - trên cơ sở các giá trị ẩn tàng của các tài sản, còn Soros thì đúng hơn là một nhà buôn bằng trực quan, linh cảm.
a. Linh cảm của Soros.
Tại Học viện Kinh tế London, Soros đã được học về tâm lý học và cả xã hội học nữa. Ông đã ứng dụng những điều đã học vào các chiến lược đầu tư của mình khi ông cho rằng vấn đề đánh giá giá trị của cổ phiếu hay hàng hoá không quan trọng bằng đánh giá các quan niệm về một tài sản và nhận ra được thời điểm mà các tài sản hay quan niệm đó thay đổi. Và cũng chính những kiến thức về tâm lý học và xã hội học đã giúp Soros hình thành nên những nguyên tắc đầu tư cũng như những linh cảm trong kinh doanh của mình dù rằng không phải lúc nào cũng đúng khi mà ông cũng đã nếm trải không ít thất bại cay đắng.
Ông cũng cho rằng thị trường giúp định hình giá trị và quan niệm. Theo ông, giá trị không phải là một cái gì đó mà một kế toán viên lành nghề trong một công ty có thể xác định được, mà là một thực thể thay đổi, linh động hơn nhiều.
Soros đã tóm tắt lại tư tưởng của mình vào 6 giai đoạn phát triển của một trạng thái đầu tư :
- Giai đoạn thứ nhất là một xu hướng chưa được nhận ra trên thị trường.
- Giai đoạn hai là khi xu hướng trở nên rõ nét hơn. Sự sụt giá mạnh của American Express năm 1982 từ 62 USD xuống 35 USD là một ví dụ điển hình của chuyện này. Thị trường trong trạng thái lo sợ làm trầm trọng thêm xu hướng giảm giá
- Giai đoạn thứ ba là một cái test (phép thử) thành công trên thị trường. Đó có thể là một sự kiện tương tự đã xảy ra trước, với kết cục khẳng định thêm xu hướng quan sát được.
- Giai đoạn thứ tư là sự phân hóa ngày càng lớn giữa thực tại và quan niệm. Ví dụ, với những người đã chót “ôm” cổ phiếu đang có chiều hướng mất giá, họ thường tự trấn an bằng cách tìm kiếm những thông tin để củng cố quan niệm của mình (rằng cổ phiếu đang giữ sẽ lên giá).
- Cao trào là giai đoạn thứ năm, ví dụ, là những ngày “đen tối” - xảy ra hoảng loạn với cao trào bán tháo trên thị trường, và là thời cơ vàng của những nhà đầu cơ tấn công thị trường như Soros trong cuộc khủng hoảng tỷ giá bảng Anh năm 1992.
- Giai đoạn cuối cùng được Soros gọi là “hình phản chiếu ngược qua gương”, khi mà xu hướng thị trường quay ngược trở lại và giá cả phục hồi.
b. Nguyên tắc đầu tư.
George Soros là nhà đầu cơ ngắn hạn, hoạt động kinh doanh của ông mang tính trục lợi rất cao, đầu tư những khoản tiền lớn nhưng mang nhiều tính đánh bạc trên cơ sở những biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Do đó, sau sự kiện này, nhất cử nhất động của George Soros đều thu hút sự chú ý đặc biệt của các quan chức Chính phủ và ngân hàng trung ương của tất cả các nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế ở phố Walls cho rằng Soros là một con người kì lạ, trong khi mọi người đi bên phải, riêng Soros đi bên trái nhưng lại tỏ ra là mình đang đi đúng đường.
Trái với nhiều nhà kinh tế, học thuyết cơ bản của ông về đầu tư là thị trường tài chính - nơi bất ổn nhất. Tại đó, các mức giá cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ phụ thuộc vào người mua và người bán mà đa số họ thường hành động theo cảm tính chứ không bằng những tính toán lôgic.
George Soros cho rằng các nhà đầu tư luôn chịu tác động lẫn nhau và có xu hướng dịch chuyển theo số đông và ông cố gắng tìm để hiểu được số đông đó muốn gì, hướng đi ra sao để đến một thời điểm mà ông cho là quyết định, ông sẽ tách khỏi xu hướng chung và đi con đường riêng có lợi nhất cho mình. Cái khó đối với mỗi nhà đầu tư là nhận định được chính xác và nhanh chóng thời điểm quyết định đó sẽ đến vào lúc nào!
Nhiều người cho rằng George Soros là một kẻ liều lĩnh khi dám làm những điều mà họ cho là đi ngược lại với số đông và có thể phải gánh chịu rất nhiều rủi ro. Nhưng cả lý thuyết và thực tế đều cho thấy rằng tỉ suất sinh lợi sẽ càng cao khi rủi ro càng lớn thì một thiên tài kinh doanh đầu cơ như Soros hiểu rất rõ điều đó nên ông đã chấp nhận rủi ro và dám chịu rủi ro. Chính nguyên tắc này đã giúp cho ông vượt qua tất cả các đối thủ nặng ký tại phố Walls vào năm 1993 khi ông đạt được mức thu nhập kỉ lục 1.1 tỉ USD sau những phen đầu tư có thể làm chết ngất những người yếu tim.
Cả thế giới biết đến Soros như kẻ làm mất uy tín của một trong những đồng tiền có giá trị bậc nhất thế giới từ những quyết định bất ngờ đáng giá hàng tỷ đô la!
Mỗi một doanh nhân thành đạt đều có những nguyên tắc kinh doanh và bí quyết kinh doanh riêng cho mình. Từ những nguyên tắc trên, Soros đã vươn tới rất nhiều thành công mà không ít lần nếm trải thất bại cay đắng nhưng ông vẫn được mọi người biết đến như một nhà đầu cơ tiền tệ “vĩ đại” bậc nhất của thế giới. Những quyết định của ông thường xuất phát từ những nhận định nhạy bén về thị trường, từ những phán đoán dựa trên những nguyên tắc kinh doanh đã đặt ra và sự thực dụng của một nhà kinh doanh lão luyện. Tuy nhiên, đi kèm với những thành công của ông thường là những thất bại đau đớn của nhiều người, của nhiều chính phủ trên thế giới bởi quyết định của ông có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính quốc tế.
GEORGE SOROS LÀ MỘT ANH HÙNG HAY LÀ MỘT TỘI ĐỒ CỦA THẾ GIỚI.
GEORGE SOROS là một anh hùng của thế giới.
Cho đến nay vẫn có hai trường phái trái ngược nhau nhận định về George Soros là anh hùng hay tội đồ của thế giới.
Nhóm các NHTW và các Chính phủ ở các Quốc Gia trong ERM: cho rằng ông đáng bị “xử tử” vì đã làm mất lòng tin của nhân dân và những chính sách của Chính Phủ, vì ông đã làm mất uy tín của một trong những đồng tiền có giá trị nhất trên thế giới George Soros như là một tội đồ của thế giới.
Các nhà đầu cơ, dân chúng nhìn ông với thái độ ngưỡng mộ, khâm phục và luôn dõi theo từng bước đi của ông trên thị trường, vì ông đã sữa chữa những sai lầm của Chính Phủ, Ngân hàng TƯ và giúp đồng EURO ra đời hoàn thiện và thành công hơn- George Soros như là một anh hùng.
a. George Soros xứng đáng được coi là một anh hùng.
Với sự kiện đầu cơ ngoạn mục vào năm 1992 thì G.Soros xứng đáng được coi là một anh hùng. Nhìn dưới góc độ chuyên môn để đánh giá, G. Soros thực sự là một anh hùng trong lĩnh vực của ông, một lĩnh vực đòi hỏi con người khi đã quyết tâm dấn thân vào thì phải có đầy đủ cả bản lĩnh kiến thức và lòng đam mê để đạt đến mục tiêu cuối cùng.
Việc đầu cơ làm tăng thêm hoạt động mua và bán có liên quan đến đầu cơ sẽ giúp cho việc tăng thêm “tính lỏng” hay tính “thanh khoản” cao cho thị trường.
Giúp phát hiện ra những kẽ hở và điểm yếu trong nền kinh tế của mỗi quốc gia để từ đó biết cách tự sửa chữa và hoàn thiện. việc làm của ông hiển nhiên là việc làm của một nhà đầu tư khi theo ông thời điểm sinh lợi đang tới, cho dù gây ra một hậu quả nặng nề khi đó, nhưng nhìn một cách khách, sau tai nạn đó, chính phủ và NHTW nước Anh đã nhận ra những sai sót trong chính sách của mình và giúp cho đồng Euro ra đời hoàn thiện và thành công hơn. Sự kiện này cũng giúp cho Chính Phủ các nước rút ra được bài học kinh nghiệm để tránh đi vào vết xe đổ của Anh.
b. George soros nhà hoạt động từ thiện quốc tế tích cực nhất của thế kỷ 20.
Khi giảm dần vai trò quản lý quỹ của mình xuống, Soros chuyển sang viết báo, viết sách và làm từ thiện. George Soros đã xuất bản một số cuốn sách về tài chính và vấn đề toàn cầu hóa khá nổi tiếng như The Alchemy of Finance (1987), Soros on Soros (1995), George Soros on Globalization (2002)... Ông cũng nhận được học vị danh dự từ nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới như Đại học Oxford, Yale, Đại học kinh tế Budapest. Những bài viết của ông rất kỳ lạ. Ông đặc biệt chỉ trích chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tư bản thái quá - cái mà ông gọi là “chủ nghĩa thị trường.” Ông cho rằng các thị trường tài chính toàn cầu không được kiếm soát vốn dĩ không vững vàng, và ông kêu gọi các quốc gia kiểm soát các thị trường tốt hơn và thành lập các tổ chức quốc tế mới kiểu như một tổ chức bảo hiểm tín dụng quốc tế để bảo lãnh nợ cho các nước đang phát triển.
Hiện mỗi năm hệ thống toàn cầu của Hiệp hội “Vì một xã hội mở” tiêu tốn khoảng 500 triệu USD cho các hoạt động nhân đạo, chương trình hỗ trợ kinh tế các nước đang phát triển. Khi đã trở thành một nhà tỷ phú, Soros bắt đầu hoạt động từ thiện và sống suy tưởng hơn. Ông được mệnh danh là nhà hoạt động từ thiện quốc tế tích cực nhất của thế kỷ 20. Nhưng Soros là một nhà từ thiện đặc sệt kiểu Mỹ, ông không tài trợ tiền vào các nhà thờ, bảo tàng... mà ông rót tiền vào những quỹ học bổng giáo dục. Ông cũng có thể cam kết rút tiền túi giúp những người nhập cư ở Mỹ 50 triệu đôla nếu ông thấy chính quyền có những chính sách không công bằng với cộng đồng người nhập cư. Soros chủ trương phát triển dân chủ trên thế giới. Mặc dù là một người Do Thái, ông không e ngại khi nói rằng ông tẩy chay Israel. Ông đã phát biểu rằng với tư cách là một người Do Thái, ông không tìm thấy niềm tin có thể khiến ông ủng hộ Israel. Soros là một người tiên phong đấu tranh vì tự do và dân chủ và ông không công nhận Israel là một nước có nền dân chủ. Tuy vậy, phần lớn những đối tác làm ăn của Soros là người Do Thái. Thêm vào đó, điều đáng chú ý là George Soros đã chi khoảng 10 triệu đôla cho một tổ chức có nhiệm vụ vận động chống lại tổng thống G.W.Bush trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong một bản thông báo, Soros phát biểu rằng ông Bush đã lãnh đạo đất nước theo đường lối sai lầm.
Mặc dù hiện này Soros không còn đóng vai trò tích cực trong các quyết định đầu tư như trước, nhưng ông vẫn là tinh hoa trong lĩnh vực đầu tư đầu cơ quốc tế. Tên ông đồng nghĩa với các quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là các vụ đầu cơ giá lớn. Ông bị các quan chức chính phủ, như Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia năm 1997 chẳng hạn, buộc tội là nguyên nhân dẫn đến các sức ép đầu cơ không chính đáng lên đồng tiền và thị trường tài chính nước họ. Soros tiếp tục bảo vệ các hoạt động đầu tư của mình, tuyên bố rằng ông chỉ nhận thức được những thay đổi chắc chắn sẽ xảy ra.
c. George Soros tội đồ thế giới.
Về phía công chúng Anh, đồng bảng Anh mất giá 10%. Ông đã làm mất giá một đồng tiền mạnh tỷ lệ thất nghiệp tăng lên nhanh chóng, tất cả các khoản thuế phần lớn rơi vào túi của ông ta.
Trước sự kiện “black Wednesday” khi nói đến những vật có ảnh hưởng đáng ngờ đến thị trường chứng khoán thế giới thì người đầu tiên được người ta nghĩ đến không ai khác chính là George Soros. Họ tin rằng ông có thể một tay che cả bầu trời, làm mất giá bất kỳ đồng tiền mạnh nào, thậm chí gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế. Khi thị trường chứng khoán của Nhật Bản bị đổ vỡ vào năm 1990, người ta từng cho rằng có sự liên quan, dính líu của George Soros bởi mối quan hệ khá mật thiết với Salomon Brothers. Trong vụ này, Hãng đầu tư Salomon Brothers là thủ phạm khởi động nền kinh tế bong bóng vào mùa đông năm 1989 và cũng chính hãng này làm nó đổ vỡ hoàn toàn vào năm 1990 khiến người ta cho rằng George Soros cũng chính là đồng tác giả.
Trước khủng hoảng năm 1997, giá trị đồng Baht Thái được giữ ổn định là Chính phủ Thái duy trì lãi suất cao hơn nhiều nước đồng thời tỷ giá hối đoái được duy trì cố định ở mức USD/THB = 25 nên đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Người ta cho rằng với 1 triệu USD có trong một ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Trung ương Thái có thể trả được 25 triệu Baht cộng với lãi ở tỷ giá USD/THB = 25, hay thậm chí là 30 triệu Baht cùng với lãi nếu tỉ giá USD/THB = 30.
Tuy nhiên, vào khoảng giữa năm 1997, rất nhiều nhà đầu tư nhận ra tình hình bất ổn này và họ đã ào ạt bán đồng Baht để mua đô la Mỹ khiến cho khủng hoảng xảy ra. NHTW Thái đã cố gắng chống đỡ bằng cách dùng đồng USD trong quỹ dự trữ để mua Baht và nhưng vẫn không thể đáp ứng nổi nhu cầu mua này và đến ngày 2/7/1997, giá trị đồng Baht đã rớt xuống.
Người Thái tin rằng có rất nhiều người đang đầu cơ giá xuống bằng cách bán đồng Baht để mua đô la Mỹ nhằm kiếm lời và họ cũng tin rằng kẻ đầu cơ quyền lực và thành công nhất vào thời điểm đó chính là George Soros khi có nhiều cáo buộc ông có liên quan đến việc này dù không có chứng cứ nào thực sự rõ ràng. Thực sự mà nói thì bất cứ nhà đầu tư nhạy bén nào cũng có thể nhận ra giống như George Soros mà thôi.
Ví dụ: lúc đầu, ta chỉ cần đi đến ngân hàng Thái vay 25 triệu Baht trong 3 tháng rồi sẽ trả lại 25 triệu Baht này bằng 1 triệu USD( để đơn giản ta bỏ qua các khoản phí và lãi vay ngân hàng). Điều gì sẽ xảy ra nếu sau 3 tháng, tỉ giá đồng Baht không còn được giữ ở mức USD/THB=25 mà tăng lên USD/THB=30 ? ta sẽ không cần đến 1 triệu USD để trả khoản nợ này. Lợi nhuận sẽ càng gia tăng khi giá trị đồng Baht càng mất giá.
Thị trưởng thành phố Bangkok đã phải phát biểu một cách đầy tức giận: “Ông ta không biết xấu hổ khi nhìn thấy cảnh khổ sợ của chúng tôi do chính ông ta gây ra bằng những hành động đầy nham hiểm như vậy sao? Ông ta xứng đáng bị bắn vào đầu”.
Cựu thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad đã gọi Soros là “quỷ dữ” và buộc tội ông là đã nhằm vào đồng Rigit của Malaysia với động cơ chính trị. Mahathir cho rằng Soros muốn trừng phạt khối ASEAN vì đã kết nạp chính quyền quân sự Myanmar.
Nạn nhân tiếp theo của George Soros bị ảnh hưởng bởi dây chuyền khủng hoảng kinh tế châu Á chính là Mỹ. Đợt sóng khủng hoảng này đã tràn đến phố Walls vào tháng 10/1997 và đã gây tâm lý lo ngại sẽ kéo theo một loạt sự sụp đổ các thị trường tài chính trên toàn cầu nên đã làm dấy lên làn sóng bán cổ phiếu tại Mỹ vào ngày 27/10. Cũng vào ngày hôm đó, chỉ số Dow Jones rơi vào một mức kỉ lục mới khi rớt 554,26 điểm, phá vỡ mức kỷ lục của “Ngày thứ hai đen tối” ở Mỹ vào năm 1987.
Danh sách các nạn nhân của George Soros vẫn được kéo dài ra cho đến nay, trong đó có nước Nga trong cuộc khủng hoảng tài chính tháng 8/1998 khi giới đầu cơ quốc tế tấn công vào đồng Rúp. Ông đã đưa ra nhưng lời bình luận không có lợi khiến ngay trong giờ đầu tiên giao dịch, chỉ số chứng khoán Nga đã tụt 12%. 5 ngày sau đồng Rúp đã mất tới 25% giá trị.
NÓI TÓM LẠI, trong tâm trí của Chính phủ một số nước thì George Soros bị coi là một kẻ phá hoại, một tên khủng bố man rợ đối với những chính sách của họ, đối với nền kinh tế và đồng tiền của các quốc gia này nhưng trong con mắt của rất nhiều người khác thì ông lại là một thiên tài về kinh doanh tài chính và là một nhà từ thiện hào phóng nhất thế giới.
Tổng hợp © Marketrac - SAGA (11/2007) www.saga.vn