Type Here to Get Search Results !

Vị trí của từ Hán Việt trong tiếng việt - Phần 4

Theo nhiều nguồn tư liệu thì trước khi chữ Hán du nhập vào Việt Nam, người Việt chúng ta chưa có chữ viết, mà chỉ có tiếng nói, tiếng Việt cổ đại, là thứ ngôn ngữ thuộc họ Mường-Khmer, khác hẳn họ ngôn ngữ với tiếng Hán. Gần đây những dấu vết khảo cổ học chúng ta khai quật được có dấu hiệu cho biết có thể tiếng Việt đã có chữ viết dạng nguyên thủy trước khi chữ Hán du nhập vào Việt Nam. 

Một số tài liệu cổ của Trung Quốc cũng có viết về sự tồn tại của một loại ngôn ngữ và chữ viết ở phía nam Trung Quốc, có thể đó là tiếng Việt. Tuy nhiên giả thiết này chưa đứng vững vì thiếu cơ sở, hoặc giả nếu tồn tại chữ viết như vậy ở Việt Nam, chữ viết đó đã không có đều kiện phát triển dưới thời bắc thuộc [10]. Nhiều tác giả cho rằng chữ Hán du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ 1 trước công nguyên, ngay sau khi quân Hán phương bắc chiếm xong Việt Nam. 

Trong suốt một nghìn năm, từ thế kỳ 1 tr.C.N. tới năm 938, tiếng Việt bị ảnh hưởng mạnh mẽ của tiếng Hán. Trong suốt thời gian bắc thuộc với chính sách Hán hóa của nhà Hán, tiếng Hán đã được giảng dạy ở Việt Nam, và người Việt Nam đã chấp nhận thứ ngôn ngữ mới đó song song với tiếng Việt, tiếng nói truyền miệng. Người Việt Nam tiếp thu tiếng Hán và chữ Hán, đồng thời đã Việt hóa nhiều từ của tiếng Hán thành từ tiếng Việt, gọi là từ Hán Việt. 

Có rất nhiều từ Hán Việt đã đi vào trong từ vựng của tiếng Việt. Sự phát triển của tiếng Hán ở Việt Nam trong thời kỳ bắc thuộc song song với sự phát triển của tiếng Hán ở chính Trung Quốc thời đó. Tuy nhiên, năm 938, bằng chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, Việt Nam đã độc lập và không còn lệ thuộc vào phương bắc nữa, nhưng ngôn ngữ vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của tiếng Hán. Sau ngày dành được độc lập, mặc dù tiếng Hán là ngôn ngữ được sử dụng chính thức, nhưng đã phát triển theo hướng khác với sự phát triển tiếng Hán ở Trung Quốc. 


Tiếng Hán vẫn tiếp tục được dùng và phát triển nhưng cách phát âm các chữ Hán lại theo cách phát âm của người Việt, và chúng ta có âm Hán Việt. Do nhu cầu phát triển của tiếng Việt, tiếng nói của dân tộc, người Việt Nam đã sử dụng chữ Hán để tạo ra chữ viết cho chính mình, và chữ viết của người Việt dựa trên chữ Hán đã ra đời. Đó là chữ Nôm. 

Nhiều học giả đã gắng đi tìm bằng chứng thời điểm ra đời chính xác của chữ Nôm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng thống nhất thời điểm ra đời của chữ Nôm. Một số tác giả cho rằng chữ Nôm bắt đầu hình thành từ thời dành được độc lập và được sử dụng lần đầu vào đời nhà Lý (vào khoảng thế kỷ thứ 11-12).

 Chữ Nôm là chữ viết cổ của tiếng Việt được hình thành từ việc mượn chữ Hán. Sự ra đời của chữ Nôm ở Việt Nam cũng tương tự như sự ra đời của chữ viết ở Triều Tiên và Nhật Bản. Người Việt mượn chữ Hán để ghi âm thanh tiếng Việt. Chữ Nôm là dạng chữ biểu ý được hình thành dựa trên chữ Hán bằng cách mượn một chữ Hán hoặc hai ba chữ Hán kết hợp với nhau. Có thể tóm tắt chữ Nôm được tạo ra từ chữ Hán theo một số nguyên tắc sau:

1) dùng chữ Hán có âm và nghĩa giống tiếng Việt, ví dụ: chữ Chè 茶 dùng chữ Hán “Tra” 茶, chữ Là 羅 viết từ chữ Hán “La” 羅 v.v…
2) ghép hai hay 3 chữ Hán với nhau, ví dụ: Tháng Nguyệt 月 + Thượng 尚; Mắt = Mục 目 + Mạt 末, v.v…
3) dùng một chữ Hán có âm giống như âm tiếng Việt, loại này người viết chữ chỉ trú trọng về âm, không chú trọng về nghĩa, ví dụ, chữ 我 có âm đọc là “ngã”, nghĩa là “tôi”, đối chiếu với tiếng Việt thì có chữ “ngã” trong từ “ngã nhào” là thích hợp. Do đó chữ 我 trong tiếng Nôm được đọc là “ngã” [4].

4) Ngoài ra chữ Nôm còn được hình thành bằng một số hình thức khác [4]. Về cơ bản cách tạo thành chữ Nôm cũng giống như cách hình thành chữ Hán. Xem chi tiết các hình thành chữ Hán ở phần sau.

Thời xưa chữ Nôm có lẽ không được tiêu chuẩn hóa cho nên tự ai nấy diễn đạt chữ viết theo riêng mình, làm cho một chữ Nôm có thể được viết theo một vài cách khác nhau. Và điều này gây ra sự phức tạp trong chữ Nôm [4]. Do đó chữ Nôm đã không được truyền bá rộng rãi trong dân chúng. Mặc dù chữ Nôm ra đời, nhưng thực tế không được coi trọng và không trở thành chữ viết chính thức cho Việt Nam. 


Trong lịch sử phát triển của chữ Nôm, chỉ trừ hai thời đại ngắn ngủi: Hồ Quý Ly (1400-1407) và Quang Trung Nguyễn Huệ (1788-1792), chữ Nôm hoàn toàn bị “thả lỏng” [10], tức là không được trú trọng và tiếp tục phát triển thành chữ quốc ngữ. Tuy không được truyền bá rộng rãi trong dân chúng, nhưng chữ Nôm đã được nhiều học giả và các nhà văn nhà thơ sử dụng trong việc ghi tên địa danh Việt Nam và trong sáng tác các tác phẩm văn học.

Chữ Nôm được dùng song song với chữ Hán cho đến thế kỷ thứ 16, khi các nhà truyền đạo phương tây vào Việt Nam, họ đã dùng chữ La Tinh để phiên âm tiếng Việt, và chữ Quốc ngữ bắt đầu ra đời. Chữ Quốc ngữ bằng chữ La Tinh ra đời dần dần thay thế chữ Hán Nôm do sự đơn giản dễ nhớ dễ học, và đặc biệt chữ Quốc ngữ có thể phiên âm được các âm thanh có trong tiếng Việt. Và cho đến đầu thế kỷ 20, chữ Quốc ngữ chính thức thay thế chữ Hán Nôm, và chữ Hán Nôm đã không còn được giảng dạy và học trong trường học nữa. 


Đến nay đã gần thế kỷ, nhiều thế hệ người Việt Nam không còn được học chữ Hán Nôm nữa. Do vậy sợi dây liên hệ giữa chữ Quốc ngữ với chữ Hán Nôm đã bị gián đoạn. Chữ Quốc ngữ ra đời tuy đơn giản, dể nhớ dễ học nhưng lại có nhược điểm là chữ biểu âm khó diễn đạt hết các từ cùng âm khác nghĩa vốn rất nhiều trong tiếng Hán và tiếng Việt. 

Và vì lý do này, chúng ta thấy rằng có nhiều từ chúng ta dùng sai, nhưng do dùng lâu quen và do đó từ sai trở thành từ đúng. Và cũng chính vì việc từ khi sử dụng chữ Quốc ngữ không tiếp tục giảng dạy và học chữ Hán Nôm đã làm cho những thế hệ ngày nay không còn biết đến chữ Hán Nôm nữa, và không thể đọc được những tư liệu sách vở trong kho di sản Hán Nôm ngàn năm của dân tộc Việt Nam. 

Chính vì điều đó mà chúng ta thấy rằng nếu chúng ta sử dụng chữ Quốc ngữ và biết thêm chữ Hán Nôm, nghĩa là khi chúng ta đã chính thức dùng chữ Quốc ngữ chúng ta cũng vẫn duy trì việc dạy và học chữ Hán Nôm trong trường với một số lượng nhất định những chữ Hán Nôm thong dụng (giống trường hợp của Triều Tiên và Nhật Bản) thì chúng ta đã có thể hiểu rõ và dung đúng tiếng Việt hơn. 

Ngày nay, tuy đã muộn, nhưng nếu chúng ta kịp thời phục hưng được chữ Hán Nôm, kịp thời đưa chương trình giảng dạy chữ Hán Nôm và trong trường học, chúng ta sẽ có thể làm cho tiếng Việt phong phú đa dạng hơn, và cũng là tạo cho những thế hệ sau có thể nối tiếp công việc nghiên cứu kho di sản Hán Nôm của dân tộc, và cũng là tạo cơ hội tốt trong quan hệ thương mại và trao đổi giao lưu với các nước sử dụng chữ Hán trong khu vực.